Nơi ấy, núi không còn buồn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tôi nhận được một lá thư, ngoài phong bì đề “Kính gửi chú H. Cơ quan B”. Cậu em đồng nghiệp bối rối cầm lá thư đưa cho tôi “nay vẫn còn người gửi thư nữa hả anh”. Tôi bối rối không kém, mở lá thư ra.
 

Niềm vui ngày có điện. Ảnh: TH
Niềm vui ngày có điện. Ảnh: TH


Thư viết ngắn gọn, đại ý rằng vào ngày…, tháng…, thôn đã được đóng điện lưới quốc gia. Bà con mong tôi thu xếp công việc và thời gian lên thăm, chia vui.

Nội dung lá thư làm tôi xúc động. Thì ra anh Hào trưởng thôn và bà con vẫn không quên tôi, vẫn không quên lời hứa mời tôi chia vui vì dòng điện lưới về với từng mái nhà, xua đi cái u ám, tối tăm nơi núi rừng heo hút.

Hồi ấy, tôi đã nói rằng, đến ngày vui, chỉ cần anh Hào, hay bất cứ ai trong thôn gọi điện thoại báo cho tôi một tiếng, nhất định tôi sẽ lên. Nhưng anh Hào nói, như thế không được. Tôi phải viết thư tay, thì mới tỏ được cái tình cảm yêu mến và trân trọng của bà con với chú.

Đọc thư anh mà tôi nhớ đến cái thôn nhỏ với vài chục nóc nhà nằm chót cùng rẻo đất biên cương; nhớ đến những con người mà tôi đã gặp nơi đây. Họ mộc mạc, cũ kỹ, nhưng  phóng khoáng, chân thành như cây rừng, vững chãi như những ngọn núi vươn mình lên trời cao.

Tôi đã lên đất này nhiều lần. Và lần nào cũng vậy, đều cảm động rơi nước mắt bởi tình cảm nồng ấm của bà con. Dù lạ hay quen đều trải lòng đón khách, nhiệt tình và chu đáo một cách tự nhiên, đậm đà chứ không màu mè, lấy lòng.

Chuyến công tác đầu tiên, tôi được anh Hào mời về nhà chơi. Nhoáng cái, một bữa cơm tươm tất đã được dọn lên trong nếp nhà sàn. Gà thả đồi, cá dưới ao, rau xanh trong vườn, bắt mắt và dậy hương. Chỉ tiếc, nấu bằng cành cao su khô, khéo đến mấy vẫn cháy đen đít nồi.

Chị vợ anh Hào- một phụ nữ Thái đảm đang- tỏ vẻ áy náy. Anh Hào cười buồn: Như thế này đã hơn xa những ngày đầu lập nghiệp rôi. Bây giờ chỉ cần có điện nữa thôi, là đời sống của bà con sẽ sang trang mới.

Cầm li rượu trong tay, tôi lặng lẽ ngắm những khuôn mặt hiền lành, chất phác đang bắt đầu ửng hồng, có lẽ vì men rượu nồng nàn, cũng có  lẽ vì bếp lửa cháy rừng rực kia.

Với người dân nơi đây, không có điện là nỗi khổ lớn nhất. Không có điện, trẻ con đi học về là bỏ sách, bỏ vở để lên giường ngủ. Không có điện, xóm làng tối tăm, im lìm mỗi khi đêm về.

Không có điện, phải dùng đèn dầu, nhưng dầu cũng hết sức tiết kiệm, chỉ khi thực sự cần thiết như ăn cơm, cho con học bài mới thắp đèn. Có khi đang ăn cơm, đèn hết dầu tắt ngúm, đành ăn trong bóng tối cho qua bữa.

Ngày ấy, mỗi lần có việc đi xuống xã, nhìn đường dây điện kéo trên đầu mà thèm thuồng, mà ao ước đến cái ngày được bật cái công tắc điện ở nhà mình, nghe tiếng “tách” mà sướng trong bụng.

Những chuyến công tác sau này, chỉ cần có thời gian là tôi lại về thôn thăm anh Hào, thăm bà con. Trong câu chuyện đã mang âm hưởng reo vui của cuộc sống mới vẫn đau đáu nỗi niềm chưa có điện.

Cuộc sống của người dân cứ trôi qua một cách lặng lẽ. Có thêm người mới nhưng cũng có người rời đi. Đường sá khó khăn, cuộc sống thiếu thốn không làm họ ngán ngại, chùn bước, nhưng lại không chịu nổi cảnh nhiều năm liền không có điện.

Người già thì than thở: Không khéo về với ông bà tổ tiên rồi vẫn chưa được nhìn thấy điện sáng. Thanh niên, trẻ em thì mong mỏi: Thấy thôn ngoài kia có điện rồi, lại còn kéo cả bóng ra ngoài cổng nữa, sáng lắm, ban đêm có việc ra ngoài đường cũng không lo.  

Thằng Núi- con anh Hào, năm nay học lớp 6, thì nhấm nhẳng kể rằng, bạn nó ở ngoài xã được học bằng đèn điện, sáng lắm và thích lắm. Nhưng thích nhất là nhà bạn có tivi, và trên đó có dạy học đủ các môn.

Câu chuyện dạy học trên tivi được thằng Núi kể khắp làng, làm cho mấy đứa trẻ sáng hết cả mắt, và nuôi chung một ước mơ làng mình có điện. Còn thằng Núi, tối về lại buồn bã khêu đèn dầu ôn bài trong tiếng thở dài của bố.

Trong chuyến thăm giữa năm ngoái, tôi đã có một đêm trắng ở nhà anh Hào. Tôi nằm gối đầu trên ba lô, không ngủ được có lẽ vì lạ nhà, vì tiếng côn trùng kêu, hoặc vì thiếu ánh sáng dìu dịu của bóng đèn ngủ gắn trên tường.

Còn anh Hào thì ngồi dựa vào vách nhà, điếu thuốc lá kẹp giữa 2 ngón tay cháy lập lòe. Gió từ lòng hồ líu ríu thổi qua.

Hẳn anh không ngủ vì câu chuyện hồi chiều. Theo như xã phổ biến, thôn sắp được kéo điện lưới theo Chương trình cấp điện nông thôn. Vậy là sắp có điện rồi.

Trời bắt đầu nặng chịch, mây đen dày. Gió bắt đầu thổi mạnh, mang theo hơi nước ướt nhẹp, lạnh tanh. Và mưa tới. Cơn mưa rừng trút xuống những nếp nhà tuềnh toàng im lìm nép bên rừng cao su đen thẫm, càng làm cho khung cảnh thêm tối tăm.

Chỉ ít lâu nữa, núi rừng sẽ sáng bừng lên thôi- bất chợt anh nói nhỏ. Ánh mắt sáng lên trong bóng đêm.


 

Điện lưới về đã góp phần làm thay đổi diện mạo thôn làng nơi biên giới. Ảnh: TH
Điện lưới về đã góp phần làm thay đổi diện mạo thôn làng nơi biên giới. Ảnh: TH



Gấp lá thư cất vào túi, tôi lấy điện thoại gọi cho anh Hào. Phía bên kia, tiếng anh reo lên náo nức: Vậy là có điện rồi chú ơi. Tôi tính trước mắt mua cái tivi, nồi cơm điện.

Qua lời kể của anh, tôi hình dung ra không khí vui như hội của ngày đóng điện. Tận mắt nhìn thấy chiếc đồng hồ được anh thợ điện cẩn thận đấu nối dây vào nhà, sau đó bật công tắc cho bóng đèn sáng lên, nhiều người đã nghẹn ngào.

Đêm trước, gần như cả thôn không ai ngủ. Trẻ em thì náo nức bởi có điện sẽ không phải học bằng đèn dầu, sẽ có tivi. Người lớn thì bộn bề trong đầu những dự định trong sản xuất, trong mua sắm.

Đã từng có những đêm cùng nhau ngồi nghe tiếng sóng nước lòng hồ vỗ bờ, ngắm ánh điện sáng lung linh phía nhà máy thủy điện, dù rất gần, nhưng vẫn thấy như xa vời vợi, tôi hiểu được niềm vui không thể tả của anh.

Và tôi hình dung rất rõ về cái thôn đang lần hồi có của ăn của để nơi góc núi ấy đã sáng bừng lên. Thằng Núi hẳn là hết buồn, vì sẽ được học bài trên tivi như bạn nó ngoài xã.

Còn tôi, còn chần chờ gì nữa mà không lên đường?

Theo THÀNH HƯNG (baokontum)

\
\

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.