Những "tổ chim" bên đáy hàng khơi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Họ sống giữa biển, trong căn nhà nhìn xa như một tổ chim. Họ đi lại trên dây, uống nước bằng chai, ngủ bằng lưới… Biển rộng bao la và nhiều lúc hào phóng với ngư dân, nhưng đôi lúc cũng ép họ vào… cửa tử và chỉ có điều kỳ diệu xảy ra mới giúp họ tồn tại. Nghe lạ, nên tôi quyết định tìm đến với những “tổ chim” trên vùng biển Tây Nam.
Như diễn viên xiếc
Qua lời giới thiệu của bạn đồng nghiệp, tôi tìm đến nhà ông Hồng Chí Phong (một trong những người hành nghề đáy hàng khơi nhiều năm tại thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) với mong muốn được đi nhờ ra khơi để tìm hiểu cuộc sống của những bạn chòi đang canh giữ đáy hàng khơi. Nghe tôi trình bày, ông Phong cho biết rất sẵn lòng nhưng với điều kiện phải tuân thủ theo dướng dẫn của bạn chòi để không gặp nguy hiểm đến tính mạng.
Chiếc tàu xuất bến từ cửa biển Rạch Gốc hướng thẳng ra đại dương mênh mông. Lên tàu, tôi chọn chỗ ngồi ở khu vực mũi tàu để ngắm cảnh. Tuy nhiên, do đang mùa biển động, sóng to nên chẳng bao lâu sau tôi đã bị sóng biển “nhồi” đếm nhừ tử. Thấy vậy, tài công (lái tàu) kêu tôi vào trong ca bin ngồi cho đỡ say sóng. Hơn 2,5 giờ lênh đênh giữa biển tàu thì những “tổ chim” cũng dần hiện ra.
Một trong những “tổ chim” ngoài khơi xa
Một trong những “tổ chim” ngoài khơi xa
Quan sát từ xa, tôi thấy hàng cột đáy như những cột điện cắm giữa biển khơi. Những cột đáy làm bằng gỗ thân to, cao hàng chục mét, nối với nhau cố định bằng dây thừng neo chặt lại. Khoảng cách giữa 2 cột đáy có một miệng đáy. Khi nước lớn chảy xiết thì bạn chòi thả đáy xuống nước để bắt cá, tôm. Khi tàu đến gần thì có bạn chòi Trần Chí Hiền đứng đợi sẵn để nhận lương thực tiếp tế. Tuy nhiên, do sóng còn lớn nên tàu cứ nhấp nhô liên tục và việc chuyển tiếp nhu yếu phẩm gặp nhiều khó khăn.
Lúc này tôi mới tận mắt thấy “xóm” nhà chòi tựa như những tổ chim câu và được treo lơ lửng trên cột đáy (còn gọi là nọc) cách mặt nước chừng 4m (khi nước lớn). Thông thường, “tổ chim” lợp bằng lá cho mát, dưới sàn lót ván, chòi rộng chừng hơn 4m2, là nơi sinh hoạt và ăn ở của bạn chòi canh giữ đáy hàng khơi. Trước đây, vật dụng tinh thần không thể thiếu đối với bạn chòi là chiếc radio để nghe tin tức, còn bây giờ nhiều bạn chòi đã có thêm chiếc điện thoại di động để tiện việc liên lạc.
Chia sẻ với chúng tôi về công việc canh giữ đáy hàng khơi, anh Trần Chí Hiền cho biết mọi hoạt động hàng ngày của bạn chòi đều ở trên dây, giống như diễn viên xiếc. Chỉ những người mới vào nghề và đi dây chưa quen nên hay bị lọt xuống biển. “Do công việc đặc thù “đi dây trên biển” nên đòi hỏi bạn chòi phải khéo léo, khỏe mạnh và yêu nghề mới kham được. Chúng tôi đi dây khó hơn nhiều so với người trong đất liền đi qua cầu khỉ. Còn ăn ngủ thì như cư trú trong khách sạn… ngàn sao”, bạn chòi tên Phong ví von.
Thông thường, mỗi chủ hàng đáy thường có 10 - 20 miệng đáy. Chủ đáy không trả lương cho bạn chòi mà ăn chia theo kiểu cứ 6 miệng đáy thì bạn chòi được chia 1 miệng đáy và “giàu út ăn, nghèo út chịu” tùy tôm, cá vào miệng đáy nào nhiều. Đáy hàng khơi đóng thành hàng chục giàn liền nhau nên gọi “xóm nhà chòi” giữa biển khơi là thế.
Trở về từ… cõi chết
Xứ Rạch Tàu (xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) là một trong những nơi có nhiều người hành nghề đáy hàng khơi của tỉnh Cà Mau. Tại đây, không ít bạn chòi cho biết đã có lần trở về từ cõi chết.
Tiếp xúc với chúng tôi, bạn chòi Nguyễn Văn Cọp (31 tuổi, có 12 năm đi bạn đáy hàng khơi) kể về lần may mắn được thần chết “bỏ quên”, nhưng mỗi khi nhắc lại anh vẫn còn thấy lạnh xương sống: “Cách đây hơn 2 năm, tôi có giữ hàng đáy cho ông Nguyễn Văn Chúc nhà ở cửa biển Vàm Xoáy. Ban ngày trời yên biển lặng không có chuyện gì, nhưng về chiều tối thì biển động mạnh, từng đợt sóng dâng cao chừng 6m, đánh ầm ầm làm lung lay cột đáy và “tổ chim” dữ dội. Thấy tình hình càng lúc càng xấu nên tôi gọi điện thoại vào đất liền nhờ chủ đáy điều tàu ra đón, nhưng do sóng lớn nên tàu không chạy nhanh được. “Nước xa không cứu được lửa gần” nên tôi cùng 2 bạn chòi là Nhí Anh và Nhí Em lấy thùng xốp dồn vào bao cột lại thành cái phao để phòng khi chòi sập thì còn có cái bám vào. Trời càng về khuya biển càng động mạnh và sóng cao đẩy qua những vách lá làm cả 3 bạn chòi ướt sũng người. Và điều không may đã xảy ra, sóng biển đánh gãy cột đáy, làm sập chòi canh khiến cả 3 rơi xuống biển và cùng bám chung cái phao rồi để trôi đi theo một hành trình bất định. Là người lớn tuổi hơn nên tôi luôn miệng động viên 2 bạn chòi còn lại cố gắng bám giữ phao, không được buông tay để chờ tàu ra cứu”. 
Cùng chịu cảnh “sóng dập gió vùi” là căn chòi canh đáy của anh Ba Đời (Phạm Văn Đời, 33 tuổi) cách đó không xa chòi của anh Cọp. Khi chòi sập, anh Ba Đời nhanh tay bám vào dây và sau đó đu vào cọc đáy. Một mình anh Ba Đời đứng ôm cột đáy và chịu trận giữa biển khơi không một bóng người và tàu bè. Mỗi đợt sóng lớn đánh ập qua là Ba Đời mất hút rồi lại hiện ra. Cứ thế sóng lập đi lập lại làm anh rát cả mặt, miệng mặn chát, tay chân bủn rủn và bụng đói, nhưng anh vẫn cố đu cột.
“Nếu buông tay ra đồng nghĩa đi liền với cái chết. Trong đầu tôi lúc đó luôn nghĩ về vợ và 2 con, ở trong đất liền. Với ý nghĩ phải cố sống để về với vợ con đã giúp tinh thần tôi như sợi dây buộc chặt vào cột đáy. Tôi đứng ôm cột chơi vơi giữa biển khơi lạnh ngắt hơn 6 giờ đồng hồ thì tàu cứu hộ từ đất liền ra kịp”, anh Ba Đời nhớ lại.
Gặp chúng tôi, ông Đỗ Văn Tống (45 tuổi) chia sẻ, đến bây giờ ông vẫn không hiểu sao mình sống sót được. Ông Tống nói: “Khi sập chòi, nếu không bám được vào cái gì để làm phao là xem như sẽ chết, vì dù có kinh nghiệm và bơi giỏi cỡ nào cũng khó mà trụ được lâu. Lắm lúc thấy phao trôi qua trước mặt nhưng không với tới lấy được. Khi tôi đuối sức và gần như tuyệt vọng thì “ông bà phù hộ”, bổng dưng có cái can nhựa loại 20 lít trôi ngay về phía tôi. Nếu không nhờ có nó thì hôm nay tôi đã không còn ngồi ở đây”.
Trên vùng biển Tây Nam có lúc đến hàng ngàn miệng đáy hàng khơi và hàng trăm bạn chòi sống ngày đêm trên biển. Nhiều năm qua cũng đã có rất nhiều vụ sập đáy làm bạn chòi thiệt mạng, nhưng cũng có người từ cõi chết trở về như kể trên.
Vài năm gần đây, nghề đáy hàng khơi có giảm dần vì cá, tôm ngày càng ít. Dù vậy, nhiều bạn chòi vẫn ra khơi vì đó là cái nghiệp của dân xứ biển. Như anh Cọp tâm sự: “Từ nhỏ lớn lên ở vùng biển này và theo nghiệp biển đến nay nên bản thân không theo học đến nơi đến chốn. Vì vậy, nếu bỏ nghề lên bờ thì khó làm được nghề khác để mưu sinh nên dân xứ biển chỉ biết gắn liền với biển”.
Tấn Thái (SGGP)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.