Những tỉ phú tỏi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Một ngày nọ, vùng cát trắng duyên hải tỉnh Khánh Hòa bao đời bỏ hoang đã cho ra bạc tỉ khi có người mang cây tỏi Lý Sơn về trồng.

Hành trình 20 năm kiếm sống và làm giàu nhờ cây tỏi đã được các cư dân trồng tỏi kể lại, bắt đầu từ những tỉ phú chân đất...

“10 tỉ đồng à, chuyện nhỏ!” - Bùi Thọ, một nông dân 44 tuổi ở chiến khu xưa Đá Bàn (xã Ninh Sơn, Khánh Hòa), đã buột mồm nói ra câu ấy khi tôi hỏi về hành trình đổi đời của rất nhiều nông dân vùng này.

Cái câu “10 tỉ đồng là chuyện nhỏ” ấy dường như không thể tin được thốt ra từ cửa miệng một trung niên với nước da đen cháy và đôi bàn tay chai sần.

 

Vợ chồng tỉ phú Bùi Nghĩa.
Vợ chồng tỉ phú Bùi Nghĩa.

Những tỉ phú ở chiến khu xưa

Nhưng có về chiến khu xưa Đá Bàn này, nhìn cánh đồng tỏi mênh mông mới biết ở đây chuyện làm ra bạc tỉ không phải là điều gì quá ghê gớm.

Không ở những biệt thự xa hoa, không có những chiếc xế hộp bạc tỉ, nhưng tài sản của anh Thọ thì 10 tỉ đồng chỉ là số tiền anh thu được trong một vụ tỏi. Mà anh thì đã làm bao nhiêu vụ tỏi ở đây rồi!

Đưa tay khoát ra cánh đồng tỏi trải dài, Thọ không giấu được sự tự hào: “20ha tỏi này của tôi mà trúng là có 200 tấn tỏi khô, giá chỉ cần 50.000 đồng/ký thôi là kiếm 10 tỉ đồng ngay” - giọng anh gọn trơn.

Còn Phan Thành Minh, mới 27 tuổi, cưới vợ được ba năm, đã có trong tay cơ ngơi 4ha đất trồng tỏi. Dù không phải là nhiều so với những nông dân gần đó nhưng mỗi năm diện tích này cũng cho Minh vài tỉ đồng.

“Năm nay giá tỏi giống là 200.000 đồng/ký. Mỗi sào (1.000m2) phải mất ít nhất 80kg tỏi giống. Trồng hết diện tích này tiền giống đã 640 triệu đồng rồi. Đó là chưa kể tiền nhân công, phân” - Minh nói.

Cạnh nhà Minh là hàng chục tỉ phú khác sống ở những căn nhà nhỏ gần các quả đồi được san phẳng, phủ lớp cát san hô dùng để trồng tỏi. Họ không làm nhà lớn mà đổ vốn vào đầu tư mở rộng diện tích trồng tỏi.

Minh bảo chỉ có dại mới bỏ tiền mua nhà, mua xe con, bởi đó chỉ là hình thức ra oai chứ thể không giàu.

“Mà oai với ai mới được, ở đây trẻ như tui còn đủ tiền mua nhà, mua xe con thì mấy cô chú lớn tuổi làm lâu năm họ mua tới thứ gì!” - Minh nói.

Những người như Minh là tỉ phú loại thường. Bùi Thọ mới là “tỉ phú tỏi” có “số má” nhất mà ai cũng phải nể. Lúc chúng tôi tìm đến, Bùi Thọ vừa rút 1 tỉ đồng từ ngân hàng về để trả tiền nhân công làm đất xuống giống vụ tỏi.

Người đàn ông đen trũi ấy nhìn chả giống tỉ phú, nhưng khi được anh dẫn đi cả giờ vẫn chưa hết đất trồng tỏi mới hiểu vì sao người ta gọi anh là tỉ phú của những tỉ phú. Anh Thọ nổi tiếng bởi vụ nào cũng trúng lớn.

Sau mỗi mùa tỏi anh lại mua đất mở rộng diện tích, nên giờ anh có trong tay gần 20ha đất, nhiều nhất ở vùng này.

“Mỗi hecta tôi mua 200 triệu đồng, san ủi làm đất tốn thêm 600 triệu đồng nữa, mấy ông nghe là ớn liền. Nhưng chả nhằm gì với dân trồng tỏi tụi tui đâu” - anh Thọ nói.

Tỉ phú Bùi Thọ nổi tiếng về độ giàu và chịu chơi. Anh bỏ ra nửa tỉ đồng để đào một cái giếng lấy nước tưới tỏi.

Anh nói: “Cái giếng chà bá lửa này bằng cái nhà lầu ở dưới phố đấy ông ạ. Nước vi vu, ai thiếu nước cứ lấy máy bơm hút”.

Ai có đất sản xuất nhưng không có giống, anh Thọ sẵn sàng cho mượn giống trồng. Nhất là những nông dân thanh niên.

Anh Thọ bảo họ có máu làm giàu và chịu khó cày ải để giàu nên anh giúp chút sức để làm giàu. Ở Ninh Sơn chỉ cần nhà nào bỏ tiền ra làm đất trồng tỏi thì nhà đó sớm muộn gì cũng thành tỉ phú.

Quanh nhà anh Thọ là những tỉ phú khác mà chỉ cần nhìn vào diện tích đất thôi đã thấy bạc tỉ. Bùi Nghĩa, sống cạnh nhà anh Thọ, cũng là một tỉ phú. Chàng thanh niên 29 tuổi này có 3ha đất trồng tỏi. Bốn năm sau ngày anh vay ngân hàng 3 tỉ đồng mua đất trồng tỏi giờ anh đã trả xong.

Nghĩa bảo: “Ngân hàng chỉ cần nghe vay tiền trồng tỏi là cho vay ngay. Họ chỉ việc cho nhân viên lên xem hồ sơ mua đất, diện tích là giải ngân chứ chả cần phải kiểm duyệt gì nhiều. Cũng nhờ ngân hàng tin vào cây tỏi nên tụi tui mới phất lên được”.

 

Tỉ phú tỏi chân đất Lê Tân, 52 tuổi, ở xã Ninh Phước, Ninh Hòa, Khánh Hòa.
Tỉ phú tỏi chân đất Lê Tân, 52 tuổi, ở xã Ninh Phước, Ninh Hòa, Khánh Hòa.

Nhà lớn trên vùng đất cát

Khác với xã Ninh Sơn, ở xã Ninh Phước (thị xã Vạn Ninh) bên cạnh những đồng tỏi bám lấy vịnh Vân Phong, lưng tựa vào núi là các căn nhà lớn mọc lên.

Người dân ở đây định cư từ bao giờ, cái nghèo khó trong câu chuyện kể đã lùi vào dĩ vãng, thay vào đó là những câu chuyện bạc tỉ, nhà tầng. Tất cả bắt đầu từ ngày họ trồng tỏi hơn 20 năm trước.

Ông Hà Luôn, chủ tịch UBND xã Ninh Phước, là con dân địa phương và cũng là người công tác ở xã Ninh Phước lâu nhất.

Chứng kiến bao thăng trầm của vùng đất này từ khi còn là cậu bé, ông Luôn bảo: “Nghèo là nỗi ám ảnh của dân vùng này cho đến khi người dân khai phá đất hoang, cây dại nhường chỗ cho tỏi mọc, nhà lớn cũng từ đó mà lên”.

Năm 1996 nơi đây vẫn là một cánh đồng hoang toàn cây dại, vài căn nhà nhỏ nằm gần chân núi Hòn Hèo.

Vậy mà bây giờ đó là vùng đất của những tỉ phú với các cánh đồng hoang được phủ xanh màu tỏi. Mọi thứ thay đổi chóng mặt mà ông Luôn khẳng định là: “Chỉ có cây tỏi mới làm được điều thần kỳ đó ở vùng đất cát này”.

Từ núi Hòn Tròn, chiếc xe máy đi xuyên qua con đường nhựa phẳng lì, mùi hành tỏi xộc vào mũi là cảm nhận đầu tiên của bất kỳ ai đến đây.

Những căn nhà tầng nối nhau chạy dọc hai bên đường vào tận trong hẻm nhỏ hướng ra biển. Ở đây có cả một ngôi chợ lớn làm nơi giao thương buôn bán hành tỏi của người dân.

Những quán ăn với đặc sản ngồng tỏi sào, rượu tỏi mọc lên ngay cạnh bờ biển. Ông Thanh, chủ quán đặc sản tỏi, cho biết: “Năm 35 tuổi tôi còn chả biết làm gì để nuôi vợ và bốn đứa con. Giờ tôi 54 tuổi chỉ tính chuyện làm giàu. Nếu không có cây tỏi chắc bây giờ cũng chật vật”.

Nhưng để trở thành tỉ phú, các nông dân ở Khánh Hòa đã trải qua những tháng ngày đi học trồng tỏi và đổ tràn mồ hôi của mình trên những cánh đồng hoang dại.

Theo tuoitre

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.