Trầm cảm là một nhóm bệnh rất phổ biến, chiếm tới 25% dân số. Bệnh này gặp ở mọi lứa tuổi, từ thiếu niên cho đến người già. Đặc biệt, số phụ nữ bị trầm cảm cao hơn nam giới từ 2-3 lần, do nội tiết tố và việc sinh đẻ.

Nguy cơ mắc trầm cảm cũng tăng với các bệnh lý thần kinh, tim mạch kèm theo như: đột quỵ, parkinson. Đáng chú ý, có tới hơn 2/3 người bị trầm cảm không nhận ra mình có bệnh và không được điều trị; chỉ có khoảng 20% những bệnh nhân này được điều trị đúng chuyên khoa và đúng phác đồ.
Một số thói quen dẫn đến bệnh trầm cảm mà nhiều người không nhận ra như: làm việc quá lâu, thiếu vận động và thiếu ánh sáng mặt trời, ăn quá nhiều đồ chiên hoặc đồ ngọt, “nghiện” điện thoại di động trước khi đi ngủ, thiếu ngủ, nói quá nhiều, suy nghĩ tiêu cực…
Theo đó, theo khảo sát, những người làm việc trung bình 11 giờ mỗi ngày có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm cao gấp đôi so với những người làm việc trung bình 8 giờ.

Ngoài ra, một trong những biểu hiện chính của bệnh nhân trầm cảm là tự cô lập và không thích ra ngoài. Khi cơ thể liên tục mệt mỏi và yếu ớt mà không có lý do rõ ràng thì bạn cần chú ý. Bạn nên tập thể dục và tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời, giúp kích hoạt sản xuất serotonin trong não, giảm lo âu và mang lại cho mọi người cảm giác hạnh phúc.
Trong khi đó, những nghiên cứu khác cũng cho thấy, việc dành quá nhiều thời gian trên internet cũng sẽ làm tăng nguy cơ trầm cảm lên 2,5 lần. Đồng thời, với những người thường xuyên ăn các loại thực phẩm nhiều chất béo, đường và muối như: gà rán, pizza, khoai tây chiên và bánh ngọt… cũng có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm cao gấp 2,34 lần so với những người thường xuyên ăn ngũ cốc nguyên hạt, trái cây và rau quả, cá và các loại thực phẩm tự nhiên khác.

Một trong những triệu chứng của bệnh trầm cảm là rối loạn giấc ngủ. Nếu thời gian ngủ không đủ và chất lượng giấc ngủ kém, bạn sẽ trở nên cáu kỉnh, hoang tưởng, lo lắng, chán nản, ảnh hưởng đến hiệu quả công việc. Nếu bạn ở trong tâm trạng buồn chán, bạn sẽ dễ rơi vào trầm cảm.
Suy nghĩ tiêu cực là một trong những nguyên nhân chính gây ra bệnh trầm cảm. Khi bạn đắm chìm vào một số điều tiêu cực mỗi ngày sẽ cảm thấy mọi thứ đều khó khăn, bi quan và tuyệt vọng về tương lai. Chúng ta càng suy nghĩ, càng dễ cáu kỉnh và càng rơi vào trầm cảm.
Trầm cảm, nếu không được điều trị kịp thời, có thể sẽ gây ra tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần và thậm chí là sự an toàn tính mạng. Vì vậy, phòng ngừa bệnh trầm cảm nên bắt đầu từ những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống và không nên để những thói quen kể trên có cơ hội phát triển.