Những tháng ngày không quên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tháng 11, tiết trời Tây Nguyên se lạnh, gió đã đem không khí hanh khô về sau những cơn mưa cuối cùng. Tháng 11, tôi thường dành rất nhiều tình cảm cho nghề nghiệp của mình. Trong bộn bề công việc của tháng cao điểm chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam, tôi thường nghĩ nhiều về những người đã có ảnh hưởng không nhỏ tới nghề giáo của tôi.
 

Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang


Tôi sống cùng cha trong doanh trại quân đội từ lúc 4 tuổi. Cùng lứa với tôi có cả vài chục đứa trẻ trong cái khu tập thể ấy. Thời đất nước khó khăn, việc chúng tôi được nuôi trong doanh trại quân đội có lẽ cũng là chuyện không có gì đặc biệt. Đơn vị phân công một người trông nom và dạy chúng tôi học, đó là chú Hiền.

Chú Hiền dáng vẻ thư sinh, hiền khô như tên gọi nhưng cũng không kém phần nghiêm khắc. Bọn trẻ chúng tôi hàng ngày nghe tiếng kẻng báo thức là bật dậy, việc nào vào việc ấy rồi răm rắp mang sách vở sang bên phòng chú học chữ.

Chú Hiền có một cây thước gỗ lim đen bóng luôn đặt ngay ngắn trước mặt. Chú chỉ dùng thước để kẻ những đường thẳng trên tấm bảng đen treo trên tường, nhưng chúng tôi đứa nào cũng lấm lét trước cây thước ấy.

Cuộc đời tôi chưa từng học một người nào tỉ mỉ và cẩn thận như chú. Chú rèn chúng tôi từng nét chữ, chỉ cần kéo nét quá khỏi dòng kẻ quy định là chú yêu cầu viết lại nên đứa nào cũng học hành rất nghiêm túc.

Năm ấy, đơn vị cha tôi giải thể. Chúng tôi theo cha mẹ mỗi đứa một phương. Ngày cuối cùng ở cái lớp học đặc biệt này, chú Hiền đọc cho chúng tôi chép 1 bài thơ vào vở. Chú nói gì, trí óc non nớt của tôi lúc ấy không còn nhớ nữa, chỉ còn 2 câu thơ cuối cùng đọng lại trong tôi, lâu lâu tôi vẫn lẩm nhẩm đọc lại.

Tôi được cha dẫn về quê, đến tuổi học lớp 1, nhà trường chuyển thẳng lên lớp 2 vì tôi đã đọc thông viết thạo và tính toán thành thục hết chương trình vỡ lòng khi ấy. Con đường học tập của tôi hanh thông nhờ vào sự dạy dỗ ban đầu vô cùng thận trọng và tỉ mỉ của chú Hiền.

Nhưng người luôn giữ cho sự thận trọng tỉ mỉ ấy bền vững theo tôi suốt cuộc đời lại là cha tôi. Và người quyết chí bằng mọi giá nuôi tôi trở thành cô giáo dạy văn cũng là cha tôi.

Nếu ai đó nói rằng nghề chọn người thì tôi tuyệt đối tin vào điều đó. Nghề giáo chọn tôi, như một duyên nợ. Trong lòng tôi, những cô giáo dạy văn luôn là những người sống nhân văn, hướng thiện, tâm hồn tinh tế, nhạy cảm và mộng mơ.

Điều ấy hoàn toàn không phải sự cảm nhận chủ quan, mà bằng cả sự trải nghiệm tự thân trong suốt cuộc đời đi học và dạy học của mình. Nghĩ đến nghề, tôi hay nghĩ đến cha tôi và chú Hiền, nhất là mỗi lần cầm viên phấn đặt lên bảng để viết ra những con chữ trước bao ánh mắt của học trò nhỏ.

Thỉnh thoảng, tôi hỏi thăm cha tôi về chú Hiền. Mấy chục năm trôi qua, tôi chưa một lần gặp lại chú. Tôi luôn ước một lần cha đưa tôi về thăm quê, thăm chú Hiền. Tôi sẽ ngồi với cha tôi và chú với tâm thế của một người đã thực sự trưởng thành, sẽ không nói gì cả, sẽ chỉ im lặng và nghĩ về lòng biết ơn.

Bao nhiêu năm đã trôi qua, nhưng 2 câu thơ vẫn luôn in sâu vào trong trí nhớ của tôi, từ khi tôi mới chỉ là một đứa trẻ chưa đầy 6 tuổi: “Mai sau cháu lớn thành tài/Không quên ơn chú dạy bài hôm nay”.

Làm sao tôi quên ơn người thầy đầu tiên mà tôi chưa một lần gọi là thầy!

ĐÀO AN DUYÊN

Có thể bạn quan tâm

Xây dựng nghị định về khuyến khích phát triển văn học là cần thiết

Xây dựng nghị định về khuyến khích phát triển văn học là cần thiết

Ngày 4-4, tại Hà Nội, Bộ VH-TT-DL tổ chức hội thảo lấy ý kiến xây dựng Nghị định về khuyến khích phát triển văn học. Đây là một bước quan trọng nhằm tạo dựng hành lang pháp lý hỗ trợ nền văn học Việt Nam phát triển bền vững trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0.

“Gạn đục khơi trong” để phát triển văn hóa

“Gạn đục khơi trong” để phát triển văn hóa

(GLO)- Sau nửa thế kỷ đất nước thống nhất, đời sống văn hóa tại nhiều ngôi làng Bahnar, Jrai có nhiều đổi mới, nhất là xóa bỏ những gánh nặng liên quan đến hủ tục. Nhưng để bảo tồn những giá trị cốt lõi của văn hóa vẫn là một hành trình cần “gạn đục khơi trong”.

Chuyện học trong một gia đình trí thức Jrai

Chuyện học trong một gia đình trí thức Jrai

(GLO)- Sinh ra trong một gia đình trí thức người Jrai ở thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai), cô Kpă H’Nina-Giáo viên môn Tiếng Anh ở Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (huyện Ia Grai) không chỉ được rèn giũa tinh thần ham học, mở mang kiến thức mà còn được thừa hưởng vẻ đẹp của cả bố và mẹ.

Sáng tạo văn học nghệ thuật: Hành trình không đơn độc

Sáng tạo văn học nghệ thuật: Hành trình không đơn độc

(GLO)- Mặc nhiên, việc sáng tạo văn học nghệ thuật luôn mang tính độc lập và tự giác cao độ của mỗi văn nghệ sĩ, nhưng hành trình ấy sẽ không đơn độc nếu có sự dìu dắt chân tình của người đi trước. Tại phố núi Pleiku, nhiều tác giả trẻ đã tìm được điểm tựa tinh thần đáng quý như thế.