Những tâm hồn thuở ấy

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Ai cũng có những năm tháng ngọt ngào và cay đắng trong đời mình. Nó đọng lại thành ký ức buồn vui lẫn lộn, khó hiển thị thành lát cắt rõ ràng. Cũng có câu chuyện bỗng từ quá khứ trôi về mà không phải khó nhọc lục tìm.
Tôi đã có những tháng ngày như vậy ngay trên mảnh đất Sài Gòn - TP HCM. May mắn hơn, trong vai trò một người làm báo, tôi đã cố gắng tiếp nhận và chắt lọc thông tin - chính xác là thông tin về phong cách - của những người đang làm một loại công việc tương đối khác biệt. Họ là những thầy thuốc, được đào tạo chuyên môn ở miền Nam và nước ngoài trước năm 1975, trong đó có một số là sĩ quan chế độ cũ. Sau năm 1975, với những lý do khác nhau, một số người đã sang nước ngoài định cư, số khác quyết định ở lại, đơn giản như họ nói là vì "không muốn rời xa quê hương". 
Nếu như ca mổ Việt - Đức thành công (năm 1988) và việc chính thức thành lập Viện Tim TP HCM (1992) là niềm tự hào, niềm tin và động lực to lớn đối với ngành y TP, thì sự kiện 3 đứa bé được sinh ra trong ống nghiệm đầu tiên tại Bệnh viện (BV) Từ Dũ (1998) trở thành cột mốc đánh dấu sự thăng hoa ngoạn mục của nền y học Việt Nam. Gắn liền với các sự kiện y học đó là những cái tên mà khi nhắc đến họ, chúng ta không thể không nhận thấy những giá trị cốt lõi của người thầy thuốc: dấn thân - y thuật - y đức. 
 
Một ca mổ tim tại Viện Tim TP HCM ngày 22-4-2019 Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Họ hành động trước hết vì người bệnh và đau nỗi đau của người bệnh. Ở họ toát lên bản lĩnh, tinh thần lạc quan, óc sáng tạo và cả sự hài hước. Cố giáo sư (GS) - viện sĩ Dương Quang Trung là một người như vậy. Sẽ không đầy đủ nếu chỉ biết đến vị GS quê Cà Mau này như là "nhạc trưởng" của ca phẫu thuật Việt - Đức quy tụ trí tuệ, tình yêu và bản lĩnh của 70 GS - bác sĩ (BS) ở TP HCM năm nào; một ca phẫu thuật mang tính bước ngoặt, có ý nghĩa khẳng định trình độ y khoa Việt Nam. Trong những lần được tiếp xúc, gặp gỡ GS Dương Quang Trung, tôi nhận thấy ông luôn ưu tư về những khó khăn của ngành y tế TP, đặc biệt là năng lực điều trị bệnh hiểm nghèo. Dịp nọ, GS Dương Quang Trung kể rằng trước khi có được một Viện Tim TP HCM bề thế, ông đã phải chứng kiến một sự trả giá không hề nhỏ. Ông nói thời ấy, những năm 1987-1988, với điều kiện của TP, trẻ mà bị bệnh tim thì xem như… xong. Ông không ngừng dằn vặt về điều này. Trước mắt, ông tìm mọi cách vận động và may mắn được đồng nghiệp Pháp đồng ý nhận 5-7 bệnh nhi mỗi năm để điều trị. Nhưng đâu phải cứ đi Tây là đều thoát hiểm! "Có khi chính tôi đưa một số cháu bệnh nặng sang Pháp điều trị nhưng rồi thất bại, đành cho tử thi vào hòm kẽm quay về quê nhà. Hình ảnh hết sức thê thảm!" - ông xúc động nhớ lại. Không dừng ở 5-7 ca mổ tim được Pháp tài trợ mà vẫn xui rủi, ông quyết tâm vận động thành lập cho được đơn vị mổ tim ngay tại TP HCM. 
Những người uy tín đầu tiên mà GS Dương Quang Trung nhọc công tìm kiếm sự giúp đỡ của họ là GS - nhà phẫu thuật tim Alain Carpentier và cố vấn của ông là Alain Deloche. Mọi bước đi vẫn diễn ra không dễ dàng cho đến khi chính mắt ông Carpentier thấy một bé gái 12 tuổi, mắc bệnh tim bẩm sinh, vừa tắt thở ngay trên giường bệnh của BV Nhi Đồng 2. Thi thể còn ấm của bé khiến trái tim ông bất ngờ lay động. Một cú hích mạnh bắt đầu. Năm 1991, hai học trò xuất sắc do GS Dương Quang Trung chọn là Nguyễn Văn Phan và Phan Kim Phương kết thúc khóa học về phẫu thuật tim 2 năm tại BV lừng danh Broussais - Pháp. Ông đón họ trở về với niềm vui khôn tả. Năm sau, 1992, khi mọi sự chuẩn bị về nhân tài, vật lực hoàn tất, Viện Tim TP HCM ra đời. Trong ca mổ tim hở đầu tiên mang tính lịch sử cho một bệnh nhi 8 tuổi, BS Phương vinh dự cùng đứng mổ với nhà phẫu thuật lừng danh Carpentier. Giờ đây, hãy so sánh: Nếu như vào những năm 1987-1988, số trẻ mắc bệnh tim được điều trị mỗi năm chỉ đếm trên đầu một bàn tay, lại phải nhọc nhằn sang tận Pháp, thì nay, sau gần 30 năm thành lập Viện Tim, con số này đã lên đến hàng ngàn ca mỗi năm. Một bước nhảy ngoạn mục! Tất nhiên, tạo nên bước nhảy này không thể không nhắc đến cái tên Phan Kim Phương. "Phương mổ gì cũng giỏi, mổ mà 2 bàn tay cứ như đang chơi đàn dương cầm". BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nguyên Giám đốc BV Phụ sản Từ Dũ, thường nhắc về cô học trò từng làm việc tại BV này bằng những lời ngắn, đẹp như vậy. GS Dương
Quang Trung cũng có lần ngợi khen nữ BS này: "Phương sáng trí. Hồi học bên Broussais, Phương đã hoàn thành chương trình 3 năm chỉ trong 2 năm và trở về nước sớm 1 năm". Có vẻ như mọi người đều hiểu điều gì khiến họ phải chạy đua với thời gian. Dạo ấy, khoảng 15-20 năm trước, mỗi lần sang Viện Tim TP HCM làm việc, tôi thường tìm gặp BS giám đốc Nguyễn Ngọc Chiếu và BS Phan Kim Phương. Dù khá bận rộn nhưng khi tiếp tôi, họ trao đổi thông tin rất có trách nhiệm. Nếu như BS Chiếu gây ấn tượng bởi tư duy logic và trí nhớ đáng nể thì ở BS Phương, tôi đọc thấy nét khiêm tốn trong sự tinh thông nghề nghiệp. Chị tiết kiệm, giản dị trong lời nói và luôn biểu lộ sự thân thiện. Có lẽ ngoài những thông tin mang tính kỹ thuật, câu hỏi mà tôi - và có thể nhiều đồng nghiệp khác - muốn đặt ra nhất khi gặp BS Phương là: "Chị bước vào mỗi ca mổ với suy nghĩ gì?". Nữ BS có dáng dấp nhỏ nhắn, từng thực hiện hàng ngàn ca phẫu thuật thành công, chỉ có một câu trả lời nhẹ nhàng, không thay đổi: "Tôi mổ với tấm lòng của một người mẹ cứu con mình". Mà thật, thường khi đã đào sâu câu chuyện với BS Phương, chị cũng không ngại dành đôi điều nói về cậu con trai của mình. Ngay khi Viện Tim đi vào hoạt động, trong ca mổ tim hở đầu tiên, chị đã tự tin cầm dao bên cạnh nhà phẫu thuật bậc thầy Carpentier. Bệnh nhi là một bé trai tên Duy, 8 tuổi - bằng tuổi con trai chị. Lúc ấy, chị nghĩ đến Duy, đến con trai, đến sự kỳ vọng của rất nhiều người. Ca mổ chịu nhiều áp lực nhưng trong những khoảnh
khắc cần sự tinh tế và bản lĩnh, dù không để cảm xúc lấn át lý trí, chị vẫn nối kết bệnh nhi với người thân yêu của mình, coi đó là một. Và tình yêu đã thắng! Trái tim nồng nàn yêu thương của GS Dương Quang Trung, người được ví như anh cả trong giới y học TP HCM, đã ngừng đập năm 2013. Khát vọng lớn của ông thời ấy là một viện tim hiện đại đã ra đời 27 năm nay và đang không ngừng tiến triển. Những mối lo khác của ông, có vấn đề đã được giải quyết cơ bản, có vấn đề chưa. Sinh thời, GS Dương Quang Trung hay ưu tư về "những điều không vui của ngành y tế TP", mong muốn những người có trách nhiệm "đối mặt với nó và bình tĩnh giải quyết". Giờ đây, nếu còn sống, ông sẽ nhận ra một thực tế đã thay đổi và chắc hẳn nảy sinh những nỗi lo khác trước. Xã hội phát triển, nhu cầu riêng tư gia tăng, rồi hệ lụy từ mặt trái của nền kinh tế thị trường, sự thay đổi mô hình bệnh tật… khiến cho khó khăn càng nhiều và gay gắt. Rõ ràng, trong bối cảnh này, các giá trị cốt lõi của người thầy thuốc - dấn thân, y thuật, y đức - không thể không nghiêng ngả, va đập trước cơn bão suy thoái đạo đức, lối sống trong xã hội. Cùng thời với cố GS Dương Quang Trung và cùng tham gia những sự kiện y học lớn của TP HCM từ 1-3 thập niên trước là các GS, BS tên tuổi, như: Ngô Gia Hy (đã qua đời), Nguyễn Chấn Hùng, Văn Tần, Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Trần Đông A, Trần Thành Trai, Trần Tấn Trâm, Đỗ Hồng Ngọc, Phan Kim Phương, Bạch Văn Cam… Trong hoàn cảnh khó khổ bộn bề, cả chung và riêng, họ vẫn tận tụy phục vụ bệnh nhân bằng tài năng và đạo đức, xuất phát từ một tâm hồn khoáng đạt và tinh thần không bỏ cuộc. Những GS, BS này chắc hẳn đã đào tạo ra một vài thế hệ học trò. Liệu những thầy thuốc hậu sinh có đủ bản lĩnh, ý chí và biết "cảm thấu nỗi đau của người bệnh" như thế hệ cha anh? Tôi tin câu trả lời là "có" nhưng sẽ không dễ dàng. Hoàn cảnh và điều kiện mới vừa là thuận lợi vừa là áp lực. Thứ cần thiết nhất trong hành trang của những thầy thuốc đi sau, xét cho cùng, chính là tâm hồn.
Cao Tuấn (Người Lao động)

Có thể bạn quan tâm

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, điểm trường Phú Quý thuộc Trường Tiểu học số 2 Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc, nứt toác… chờ sập. Hàng trăm học sinh và giáo viên thấp thỏm, lo âu vừa học vừa run.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.