Những pháo đài xanh chống dịch - Kỳ 2: Nghĩa tình thời... Covid

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong những ngày qua, hình ảnh người dân tay xách nách mang rau quả nhà trồng được đem đến điểm tiếp nhận để hỗ trợ vùng dịch. Thật khó mà nói hết được những nghĩa tình khi chúng ta đang sống...
Nhóm thiện nguyện chuẩn bị lên đường.
Nhóm thiện nguyện chuẩn bị lên đường.
Nhiều hình ảnh quyên góp giúp đỡ nhau xuất phát từ tấm lòng cộng đồng đến với cộng đồng, cá nhân san sẻ cho cá nhân, đó là cách nghĩ không sống cho riêng mình.
Người đàn ông đi chợ
Ông Bùi Quý Phong lâu nay được người dân TP Hội An (Quảng Nam) gọi là “nghệ nhân mặt nạ” với những chương trình hướng dẫn người lớn, trẻ em làm mặt nạ giấy miễn phí vào cuối tuần. 
Ông vốn là người mê sân khấu, trước đây, trong những lần thành phố gặp khó khăn bởi bão, lụt, ông thường đứng ra tổ chức chương trình văn nghệ để quyên góp tiền ủng hộ bà con nghèo, chịu ảnh hưởng của thiên tai. 
Lần này, trong lúc dịch bệnh, không thể tập trung đông người để làm chương trình văn nghệ gây quỹ, ông sử dụng mạng xã hội đăng tải thông tin chương trình, kêu gọi những nhà hảo tâm là bạn bè, người thân ở trong và ngoài nước đóng góp để có tiền giúp đỡ bà con nghèo. Tự nhận mình là “chiếc cầu nối” các nhà hảo tâm với bà con có hoàn cảnh khó khăn, ông Phong chẳng quản ngày đêm trong công việc gieo những hạt mầm thiện lành. 
Ban đầu, ông cùng người em gái tự bỏ tiền mua hai tấn gạo giúp những bà con Công giáo có hoàn cảnh khó khăn. Sau đó, ông nghĩ tại sao chỉ giúp trong cộng đồng giáo dân mà không mở rộng sự giúp đỡ đến với nhiều người sống trong và ngoài khu vực phố cổ đang bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh kéo dài. 
Với nguồn lực kêu gọi được từ những nhà hảo tâm, ông tổ chức liên tiếp bốn đợt hỗ trợ bà con. Đợt thứ nhất, trong ba ngày ông tặng 9 tấn gạo cho bà con ở chung quanh khu vực phố cổ. Mọi người chia sẻ, truyền nhau thông tin từ chương trình của ông và đến nhận gạo, nước mắm, dầu ăn ngay tại ngôi nhà bấy lâu nay là địa điểm ông hướng dẫn trẻ em vẽ mặt nạ miễn phí vào cuối tuần ở số 29/2 Lê Lợi. 
Đợt thứ hai, khi thành phố Hội An xuất hiện những ổ dịch, các khu cách ly với chốt chặn được dựng, kiểm soát nghiêm ngặt, ông thực hiện chiến dịch “hỗ trợ đồng bào ở các khu cách ly”. Trong đợt này, nhiều người đặt cho ông biệt danh “người đàn ông đi chợ”. Không chỉ tặng gạo, ông còn mua giúp bà con trong khu cách ly một số mặt hàng như thuốc tây, sữa cho người già, tã lót cho em bé. Số điện thoại của ông được công bố trên trang facebook cá nhân, ai nhờ mua gì, chỉ cần gọi điện và nhắn tin, ông đều hỗ trợ mà  không hề quản ngại lúc tiết trời nắng nóng hay khi đã chiều muộn.
Ngay sau khi hỗ trợ đồng bào ở khu vực cách ly, ông suy nghĩ đến những sinh viên, những người công nhân từ nơi khác hiện đang thuê nhà trọ để ở trong khi bị mất việc và kẹt lại Hội An gặp khó khăn đủ bề nên đã tổ chức đợt hỗ trợ thứ ba tập trung chủ yếu giúp những người này. 
Tiếp tục sử dụng mạng xã hội để thông báo về chương trình phối hợp cùng danh sách của mặt trận, đoàn thể cung cấp, ông tiếp tục cùng những tình nguyện viên tặng 800 phần quà cho những người đang thuê nhà bị mắc kẹt ở Hội An. Nhiều người ở trọ trong khu vực cách ly, ông và những tình nguyện viên không mang quà đến tận nhà được nên phải đứng ở hàng rào khu vực chốt chặn chờ họ ra nhận. Đợt hỗ trợ thứ tư, ông Phong tặng hơn 1.000 phần quà cho bà con gặp khó khăn ở 9 xã, phường trong thành phố. Ngoài danh sách cần hỗ trợ do cán bộ mặt trận, đoàn thanh niên cung cấp, đợt này ông cùng các tình nguyện viên chuẩn bị thêm nhiều phần quà để “trao tặng cho những người đến trễ do không có thông tin về chương trình qua facebook hoặc do lỡ bị sót trong các danh sách và để bổ sung tặng thêm cho những gia đình có người đang bị đau ốm”, ông Phong chia sẻ. 
Ngoài những chương trình hỗ trợ người dân gặp khó khăn được tổ chức bởi sự đóng góp của các nhà hảo tâm, ông Phong còn tự bỏ tiền mua 1 tấn gạo giúp cho nhiều gia đình ở những địa phương giáp ranh với thành phố Hội An như Điện Phương, Duy Nghĩa, Đông Bình. Ông nói, đó là những địa phương thanh niên trong làng đang đi làm ăn ở xa và bị mắc kẹt ở những thành phố lớn chưa về được, trong làng phần lớn chỉ còn người già, trẻ em, trông thấy cảnh ấy không cầm lòng được nên tôi phát tâm tự bỏ tiền dành dụm nhiều  năm nay để giúp.
Ở Hội An, nhờ những người như ông Phong, câu chuyện mỗi sáng mở cửa nhận được gói quà gồm lương thực, thực phẩm, có khi cả bì thư cùng số tiền hỗ trợ đã nhanh chóng trở thành việc không xa lạ với nhiều cư dân của thành phố di sản trong những ngày dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư ở Hội An. Như trường hợp chị Nguyễn Thị Tùng (Sơn Phong, Hội An), người phụ nữ nhiều năm nay vừa cáng đáng lo từng miếng cơm manh áo cho gia đình vừa chăm sóc người anh của chồng đau ốm liệt giường, bỗng ngỡ ngàng khi được một nhóm thiện nguyện đến tận nhà tặng nhiều lương thực, thực phẩm và một phong thư tiền hỗ trợ.
Bên cạnh những chương trình “Chợ phiên 0 đồng”, tặng phiếu nhận gạo cho đồng bào bị ảnh hưởng bởi dịch của các đoàn thể, các cấp chính quyền địa phương, nhiều cá nhân, nhiều nhóm đã chủ động đứng ra kêu gọi sự đóng góp của các nhà hảo tâm để thực hiện những chương trình thiện nguyện giúp đỡ bà con nghèo. Mỗi người, mỗi nhóm có cách giúp khác nhau nhưng cùng một tinh thần thiện lành với mong ước chung tay giúp những gia đình có hoàn cảnh khó khăn vượt qua đại dịch. 
“Chạm” vào thiếu thốn mới hiểu nỗi bần cùng
Dịch bệnh với những chỉ thị giãn cách, thiết lập các trạm kiểm soát dân cư khiến cho việc đi lại, khiến cho người đến với người, nhà đến với nhà vô cùng khó khăn. Chỉ có ước mơ mọc cánh hóa thành con chim bay đến cửa từng khu phố, xóm nghèo, nhìn vào mới biết được hoàn cảnh còn ăn hay đứt bữa.
Trong tình thế này, người trong cộng đồng thông tin lẫn nhau và thông tin lan tỏa ra nhiều những người khác biết đến. Căn cứ nào để khẳng định hoàn cảnh khó khăn trên? Trong thời gian vừa qua mới thấy nhiều người bất đắc dĩ thành người chụp ảnh, nhiều nhóm thiện nguyện bỗng nhiên thành nhóm làm video. Công nghệ đã tiếp thêm một khế ước, niềm tin và sự trao gửi.
Chị Nguyễn Thị Ánh, ngụ đường Mộc Sơn (Đà Nẵng), cho biết: “Giãn cách nằm nhà suốt ngày nên thời gian kéo dài lắm, làm chi đây? Mình cứ lần lần từng mối một về hoàn cảnh khó khăn. Rồi xin số điện thoại, rồi gọi điện thăm hỏi. Rồi mình tìm cách kết nối người khó với người hảo tâm. Từ đó họ đã đến được với nhau, giúp nhau”.
Chị Trần Thị Kim, quê thành phố Quảng Ngãi, sống ở Bình Dương, kể: “Phụ nữ vào bếp nấu ăn nên chúng tôi hiểu thiếu cái này, thiếu cái kia. Và nghĩ rộng ra, nhà nào đó khó khăn thiếu tất cả thì họ sẽ sống sao? Cứ như vậy, ý nghĩ lớn dần lên và nhớ ra. À người này hôm trước hay qua nhà mình, họ bán vé số, họ trọ đâu đó gần đây. Tìm người, rõ hoàn cảnh, tìm quê tìm những kết nối. Không làm được điều lớn thì làm điều nhỏ. Giúp được họ qua ngày khó cũng thấy mình vui hơn”.
“Dịch, giãn cách không phải là lúc chúng ta ngồi để than buồn quá. Thực ra càng than càng buồn và kích hoạt người thân, bạn bè chán nản, phơi ra những bi quan. Dịch là lúc ngồi lại, mở lòng ra với nhau”, chị Ánh cho biết.
Trong khó khăn cũng có nhiều những phương thức giúp đỡ khác nhau. Có những người thích làm bề ngoài bề mặt như bữa cơm bữa cháo không đồng, thì cũng có nhiều người len lỏi trong cộng đồng để hỗ trợ cuộc sống. Họa sĩ Nguyễn Quốc Dân là một trong số những cá nhân như vậy. Trên các nẻo đường Hội An những ngày này, lúc sáng sớm tinh mơ hay lúc trời trưa nắng chang chang. Anh Dân cùng vợ mình mang gạo, mang tiền đến từng nhà có hoàn cảnh khó khăn để chia sẻ với bà con. 
Anh Dân kể: “Trước đây, Dân có tuổi thơ thiệt thòi so các bạn cùng trang lứa, nhờ sự giúp đỡ của nhiều người nên được đi học, nay nhìn bà con gặp khó khăn, Dân thấy mình không thể chỉ ngồi yên sáng tác nên dành tiền và thời gian mang gạo, mang tiền đến giúp bà con có hoàn cảnh khó khăn, những mong chia sớt phần nào”. 
Không chỉ người được giúp cảm thấy hạnh phúc, những cá nhân, những nhóm thiện nguyện trong lúc tận tâm, tận lực giúp người cũng cảm nhận niềm hạnh phúc trong từng khoảnh khắc trao tặng, sẻ chia. Chúng ta có thể tin tưởng, cùng với nguồn sống đang được tiếp tục, niềm vui, niềm hạnh phúc và những hạt mầm thiện lành ở mảnh đất di sản cũng đang lan rộng mỗi ngày và trong từng khoảnh khắc.
(Còn nữa) 
Theo Ninh Nguyễn-Uyên Nguyên (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.