Pháo đài xanh chống dịch - Kỳ 1: Quyết giữ vùng xanh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Covid-19 là một khảo nghiệm lớn với tinh thần con người, khi rất nhiều thứ bị duy trì bằng khoảng cách. Nhưng chính lúc này, nhiều “pháo đài xanh” được xây dựng nên bằng tinh thần đùm bọc yêu thương của người Việt. Cuộc chiến chống dịch lần này, có thành quả cũng nhờ một phần những pháo đài như vậy. 

Dùng loa cầm tay nhắc nhở người dân chấp hành tốt giãn cách.
Dùng loa cầm tay nhắc nhở người dân chấp hành tốt giãn cách.
Xác định số lao động từ vùng dịch ở các tỉnh phía nam về quê khá đông, huyện Thanh Chương (Nghệ An) ngay từ đầu đã lên kế hoạch ứng phó. Ngoài việc kết nối với gia đình và người lao động tuyên truyền vận động  thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “ai ở đâu ở yên đó”, các địa phương cũng chủ động tiếp nhận những người đã về đến quê cách ly tập trung. Thời điểm hiện tại, vùng xanh trên quê hương có truyền thống Xô-viết vẫn đang vững vàng. 
Chủ động đón bà con về
Theo giới thiệu của Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 huyện Thanh Chương, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương Nguyễn Văn Chiến, chúng tôi về xã Phong Thịnh để tìm hiểu thực tế. Chủ tịch xã Phong Thịnh Nguyễn Hồng Nhâm cho biết: Khi đợt dịch lần thứ tư bùng phát, người lao động có nhu cầu trở về quê, thực hiện chủ trương của huyện, địa phương đã tổ chức cho các xóm cùng tổ tự quản và tổ Covid cộng đồng đến từng nhà, lên danh sách, số điện thoại của con em đang làm ăn ở các tỉnh, thành phố trong cả nước cùng hoàn cảnh và nguyện vọng về quê của từng người. Đồng thời, nắm thêm thông tin số con em thất nghiệp ở vùng dịch... qua mạng xã hội, qua hội đồng hương. Cán bộ xã chia phụ trách từng nhóm hộ có con em đang “kẹt” ở vùng dịch để cùng gia đình vận động người lao động bình tĩnh, tìm cách ở lại theo yêu cầu của Chính phủ “ai ở đâu, ở đấy”. Danh sách cuối cùng về quê là 42 người. 
Từ đó, địa phương đã chủ động chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất khu cách ly (KCL) tập trung. Xã đã cải tạo khu trường học không còn sử dụng để làm KCL tập trung, khi làm thêm các nhà vệ sinh, nhà tắm dã chiến, căn cứ số lượng người về trong ngày để chuẩn bị số phòng cho phù hợp. Nhờ vậy mà bà con trở về đều được đón tiếp chu đáo, đến thẳng khu cách ly để thực hiện cách ly tập trung theo quy định sau khi đo thân nhiệt, khai báo y tế, phun khử khuẩn… Hơn 100 tổ tự quản an ninh và tổ Covid cộng đồng và người dân trong xã luôn giám sát chặt từng lao động thực hiện cách ly tại gia đình; hay thực hiện chưa nghiêm công tác phòng, chống dịch.
Ở KCL tập trung của xã Phong Thịnh, người cách ly được xếp ở cùng phòng với điều kiện làm việc cùng nhau và cùng về một chuyến hay các thành viên gia đình. Mỗi phòng không bố trí quá bốn người để bảo đảm giãn cách và thường xuyên nhắc nhở thực hiện đúng 5K để tránh nguy cơ lây chéo. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (UBMTTQ) xã đứng ra tổ chức kêu gọi xã hội hóa góp sức lo cơm nước hằng ngày đầy đủ cho người cách ly. Hiện, KCL chỉ còn sáu người ở ba phòng, trong đó có mẹ con chị Hoàng Thị Thủy (33 tuổi) phòng ngoài cùng. Được hỏi, chị Thủy ý tứ lùi ra khoảng cách khá xa, cho biết: Hai vợ chồng bị mất việc làm đã hai tháng nay, suốt ngày, vợ chồng và con gái năm tuổi bí bách trong 15 m2 phòng trọ. Lúc đầu, qua lời khuyên của gia đình, hai vợ chồng cũng quyết trụ lại, chờ tình hình ổn định để tiếp tục đi làm. Nhưng tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp, lại có con nhỏ, vợ chồng quyết định để chị Thủy cùng con gái về trước. Được bố mẹ hỗ trợ, chị Thủy đã thuê một chuyến xe ô-tô gần 20 triệu đồng chạy về quê. “Mặc dù đang ở KCL, hai mẹ con tôi đã khỏe ra hẳn, khi hằng ngày được hít thở không khí thoáng đãng, được ăn cơm của mẹ, bà nấu, được mọi người nhắn hỏi, động viên”, chị Thủy cho biết thêm. Khi được hỏi về hoàn cảnh của người chồng và những người bạn đang bám trụ ở đất khách, chị Thủy ngấn lệ. 
Anh Phạm Văn Anh (37 tuổi), đang cách ly tại nhà sau khi hoàn thành cách ly tập trung tại xã đã bốn lần xét nghiệm đều âm tính. Để được về nhà cách ly, vợ con anh buộc phải “di tản” về bên ngoại. Anh vào Nhà Bè (TP Hồ Chí Minh) làm thợ hồ từ năm 2017, công việc bấp bênh, thất nghiệp từ 31/5 đến tận ngày về (đầu tháng 8). “Quê hương dẫu còn nhiều khó khăn nhưng khi mình thất cơ, lỡ vận, thì quê hương và gia đình vẫn giang rộng vòng tay cưu mang mình. Nên sau đợt này, tôi sẽ ở hẳn nhà, tìm cơ hội việc làm mới, đói no cùng vợ con!”, Phạm Văn Anh quả quyết. 
Tại xã Cát Văn, Chủ tịch UBND xã Trần Văn Thảo cho biết: Thông qua việc tuyên truyền vận động đến từng gia đình và gọi điện trực tiếp cho từng người lao động nên trong tổng số hơn 1.100 lao động Cát Văn đang làm việc ở các tỉnh phía nam chỉ có 38 người trở về quê, trong đó, 22 người về tự do. Địa phương  tận dụng dãy phòng học của một trường học không sử dụng để làm KCL tập trung, đồng thời huy động sức dân làm một lán mái tranh tách biệt có sáu phòng để làm KCL có nguy cơ cao. Khi chúng tôi đến, thì KCL đang tổ chức trao quyết định hoàn thành 14 ngày cách ly tại xã cho ba lao động để về cách ly tại nhà.  
Xã Đại Đồng là địa phương có lao động trở về quê nhiều nhất huyện Thanh Chương với hàng nghìn người. Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Thế Tú cho biết: Đến nay, đã có gần 200 lao động về cách ly tại KCL tập trung của xã và hơn 400 lao động cách ly tại nhà. Đại Đồng tận dụng các trạm xá xã và trường học không sử dụng (do sáp nhập ba xã) cải tạo  làm KCL tập trung. Cao điểm có lúc đón gần 100 lao động về cách ly cùng lúc nhưng nhờ  thông tin từ trước từ phía lao động và gia đình nên địa phương không bị động trong chuẩn bị cơ sở vật chất, hậu cần ở KCL và mọi người về quê đều về thẳng KCL thay cho về nhà như trước đây. Địa phương tổ chức các đội tình nguyện phục vụ hậu cần cho KCL, các tổ tự quản vận động quyên góp tiền, lương thực, thực phẩm nấu cơm miễn phí cho KCL…Tại KCL lắp đặt hệ thống camera giám sát, kịp thời nhắc nhở người vi phạm quy định 5K. Còn các trường hợp cách ly ở nhà, ngoài việc giao cho các tổ tự quản, tổ Covid cộng đồng và người dân giám sát thì địa phương tổ chức các tổ công tác kiểm tra đột xuất nhắc nhở phê bình những người không thực hiện nghiêm túc. 
Cả huyện cùng phòng, chống dịch
Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 huyện Thanh Chương, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương Nguyễn Văn Chiến cho biết: Huyện đã giao cho các địa phương tổng rà soát, lên danh sách số con em đang lao động ở các tỉnh, thành đang có dịch bùng phát; tổ chức cho các gia đình ký cam kết với ban chỉ đạo các xã, con em tự về quê phải đến ngay trạm y tế hay KCL của xã để kê khai y tế và cách ly. Từng cán bộ của Ban Chỉ đạo xã được phân công từng nhóm để gọi trực tiếp đến từng lao động nắm tình hình khó khăn, khả năng về hay ở lại. 
Việc chuẩn bị dữ liệu đầy đủ giúp địa phương chủ động nhân vật lực, mở rộng các KCL tập trung đủ điều kiện đón người lao động về. Huyện cũng tận dụng cơ sở hạ tầng của các trường học, trụ sở xã, trạm y tế, nhà làm việc của các địa phương... cải tạo làm gần 90 KCL tập trung, đáp ứng nhu cầu thu dung hơn 1.000 lao động một lúc. Bên cạnh phát huy vai trò chủ công của lực lượng Công an, quân sự các cấp, huyện đã chỉ đạo các địa phương và các ban, ngành kiện toàn được gần 300 tổ Covid cộng đồng cùng hơn 3.300 tổ tự quản và cùng người dân tham gia công tác phòng, chống dịch Covid tại cơ sở, nhất là việc tai mắt, giám sát người từ vùng dịch trở về. Huyện đã có văn bản hướng dẫn xây dựng các KCL, các phương án giải quyết phát sinh trong KCL (mất an ninh trật tự, người cách ly bỏ trốn…) cụ thể, chi tiết. Ngoài các chỉ thị, công điện chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện, Thanh Chương đã gắn trách nhiệm của người đứng đầu cấp xã trong công tác phòng, chống Covid cùng công tác thi đua bình xét cuối năm. Ban chỉ đạo huyện thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra đột xuất tại các chốt phòng, chống dịch, tại các khu cách ly tập trung, cách ly tại nhà để nhắc nhở những địa phương làm chưa tốt công tác phòng, chống dịch.
Bên cạnh đó, huyện còn triển khai giải pháp mạnh, tạm dừng hoạt động các chợ dân sinh. Là địa phương có nhiều di tích, nhà thờ dòng họ, vào dịp rằm tháng 7 vừa qua, huyện Thanh Chương đã tổ chức tuyên truyền, vận động và tổ chức cho các địa phương ký cam kết với từng tộc trưởng chỉ tổ chức rằm nội bộ gia đình; dừng dâng hương ở các khu di tích, đền chùa… Cùng với đó, Thanh Chương đẩy mạnh công tác tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch, đặc biệt phát huy hệ thống loa truyền thanh cơ sở, nêu gương tốt, chưa tốt trong phòng, chống dịch. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương rà soát các hộ thuộc diện khó khăn có con em trở về, có các giải pháp hỗ trợ thông qua kêu gọi xã hội hóa, không để hộ dân nào trên địa bàn bị đói.
(Còn nữa)

Từ ngày 27/4 đến nay, Thanh Chương đã đón hơn 7.200 lao động trở về quê. 100% đều thực hiện cách ly theo đúng quy định. Trong quá trình cách ly đã phát hiện 15 trường hợp F0,  có năm trường hợp đã khỏi bệnh; không có trường hợp lây chéo trong KCL hay lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, giữ vững vùng xanh trong toàn huyện. 

Theo Thành Châu (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm

Rừng cháy, người khát

Rừng cháy, người khát

Khô hạn kéo dài đang khiến rừng ở nhiều nơi tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ bị cháy trụi, cùng với đó, người dân và cây trồng... khát khô. Nắng nóng gay gắt kéo dài cũng khiến mực nước kênh mương khô cạn, nhiều cánh rừng ở miền Tây đối mặt với nguy cơ cháy rất cao.
Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Làng nghề truyền thống tương nếp Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã có truyền thống gần 200 năm, tạo ra loại tương trứ danh, là một trong 10 đặc sản của tỉnh Thái Nguyên. Nghề tương đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
Khởi sắc kinh tế rừng xanh - Bài 2: Từ tri thức bản địa 'đẻ' ra tiền

Khởi sắc kinh tế rừng xanh - Bài 2: Từ tri thức bản địa 'đẻ' ra tiền

Các nhà khoa học đánh giá, kiến thức bản địa và sản vật dưới tán rừng là tiềm năng lớn, giúp dọc dài dãy Trường Sơn phát triển nếu như được phát huy. Và người trẻ ngày nay lên với các cánh rừng cũng đến với kiến thức bản địa một cách thích thú, từ đó lan tỏa bảo vệ rừng ngày càng tốt hơn.
Kể chuyện bằng... bóng

Kể chuyện bằng... bóng

(GLO)- Trên tấm màn sân khấu, bóng của các vũ công khi uyển chuyển đơn lẻ, lúc lại lồng ghép biến hóa thành nhiều chủ thể khác nhau. Với sự kết hợp cùng âm thanh, ánh sáng một cách sinh động, những câu chuyện giàu cảm xúc cứ thế được kể lại một cách chân thực và chạm đến trái tim khán giả.
Vì những cánh rừng bình yên

Vì những cánh rừng bình yên

Đam mê từ những chuyến đi và tình yêu với màu xanh thiên nhiên, cô gái trẻ Lê Thị Lan Anh (SN 1996) quê Quảng Bình đã tìm về miền núi Nam Tây Nguyên, nơi có những cánh rừng già bạt ngàn để thực hiện những khát khao, hoài bão của tuổi trẻ.