Những 'ông bà già Noel' làm ấm phố đêm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ngăn cách với sàn gạch bằng một tấm ni lông gói hàng, đắp trên người là chăn cũ, áo khoác và vỏ hộp các tông. Rất nhiều người vô gia cư ở Hà Nội đã qua đêm như thế, trong cái rét hại dưới 10 độ C.

Từ khoảng 3 đêm nay, giấc ngủ của họ có thêm chút hơi ấm nhờ vào hàng trăm “ông bà già Noel” đi phát quà sớm, với chăn bông và đồ ăn.

Dù thời tiết khắc nghiệt, nhiều người vẫn chịu cảnh màn trời chiếu đất

Dù thời tiết khắc nghiệt, nhiều người vẫn chịu cảnh màn trời chiếu đất

Đêm đông của những người “không gia đình”

Mười một giờ đêm, khi những chuyến xe buýt cuối cùng đều đã về bến, cái lạnh trên phố Hà Nội càng trở nên tê tái hơn. Dưới ánh đèn đường, chỉ cần một cơn gió thốc qua là có thể bốc lên cả mảng bụi (hệ lụy của những cuộc đào đường liên tu bất tận) phủ lên những thân hình co quắp đang nép dưới hiên những cửa hàng được trang trí đầy họa tiết Giáng sinh dọc các tuyến phố trung tâm.

Chị Hiền (45 tuổi), người có thâm niên làm “bà già Noel” năm năm nay nói với tôi: những địa điểm có bán kính quanh Hồ Gươm chừng 2km như: Tràng Thi, Tràng Tiền, Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Ga Hà Nội , Công viên Thống Nhất... là nơi tập trung đông người vô gia cư nhất. Nếu muốn đi tặng quà thì chỉ cần chạy dọc mấy chỗ này là tìm thấy người.

Theo chân chị Hiền đi dọc Tràng Thi, chúng tôi đếm được có chừng hơn hai chục “điểm ngủ” màn trời chiếu đất của những người lao động ngoại tỉnh. Người già nhất là bà Yên (78 tuổi) ở Bắc Giang, người ít tuổi nhất là mẹ con nhà chị Lụa (mẹ 32 tuổi, con 6 tuổi) người Hà Nam.

Chị Hiền bảo, giờ còn sớm, tầm 1-2h sáng mọi người mới về đông. Nay không mưa nên những người nhặt rác vẫn tranh thủ làm việc, hôm nào mưa họ sẽ về “ổ” sớm hơn.

Một người vô gia cư trên đường phố Hà Nội

Một người vô gia cư trên đường phố Hà Nội

Bắt chuyện một lúc, khi quen hơn, chị Lụa khoe với tôi: năm nay mới phát hiện ra tác dụng của tấm gói hàng chống sốc, chỉ cần chồng hai tấm lên nhau là êm gần bằng cái đệm. Vừa nói chuyện chị vừa nhắc đứa con gái đừng nghịch nổ những hạt bóng khí trên ni lông. “Bóp vỡ nó xịt ra, hết êm”, chị giải thích. Những hạt bóng nhỏ bằng đầu đũa mà chỉ cần tác động lực vào sẽ nổ lép bép theo chị Lụa còn có tác dụng ngăn cách với mặt hè phố lạnh lẽo, khiến lưng đỡ buốt hơn.

Mẹ con chị Lụa ngụ cư ở Thủ đô năm nay là năm thứ hai. Sau dịch, nhà chị chăn nuôi bị mất trắng, có mảnh ruộng gần khu công nghiệp thì bị chồng gán đi đánh bạc. Nghe lời người làng, hai mẹ con dắt díu nhau lên Thủ đô, ban ngày chị đi rửa bát thuê cho một hàng phở. Thời gian đầu hai mẹ con còn có tiền thuê một căn nhà trọ giá triệu rưởi một tháng, nhưng vì đầu năm con bé ốm, tiền dành dụm hết sạch, chị phải chuyển “nhà” ra đường.

“Định qua năm mới tôi sẽ xuống Hải Phòng chỗ bà cô tìm việc, cho con bé còn đi học, nghe nói ở đấy trẻ con được miễn học phí. Chi phí ở đây đắt quá, tôi không kham nổi”, chị ngậm ngùi. Khi tôi giơ điện thoại ra định chụp một tấm ảnh, chị bảo đừng, sợ nhỡ lên báo chồng xem được “nó” lại tìm chị “tống tiền”.

Câu chuyện của chị Lụa giống như câu chuyện của rất nhiều phận đời ở đây. “Không ai giống ai nghề nghiệp/ Không ai khác ai cái nghèo”. Có người như chị Lụa, mới bám trụ Thủ đô một, hai năm, có người thâm niên năm, mười năm. Mùa hè còn đỡ, dù có muỗi nhưng vẫn ngủ được, mùa đông mới khổ, đông lạnh càng cực hơn. Họ tận dụng tất cả mọi thứ có thể giữ nhiệt để che chắn: vỏ hộp các tông, bao đựng gạo, áo mưa, áo khoác...

“Nhưng ở ngoài đường vẫn lạnh lắm, tôi đi ba đôi tất chân vẫn giá như hòn đá”, bà Thái (62 tuổi) cảm thán.

Những thành viên ẩn danh

Sau khi phát hết 50 suất quà, mỗi suất gồm 2 hộp sữa, 2 gói lương khô, 2 đôi tất và 1 lọ viên gừng đẩy hàn, chị Hiền bảo: “Nay đến đây thôi, tối Noel nếu em muốn đi tiếp thì lại hẹn ở chỗ cũ, 10 rưỡi xuất phát”!

Tôi quen chị Hiền trên fanpage Ấm. Đây là một diễn đàn dành riêng cho những người hay đi từ thiện đêm ở Hà Nội. Ở đó, các thành viên chia sẻ cho nhau thông tin về những địa điểm cần giúp, các trường hợp cần hỗ trợ khẩn cấp và cách tặng quà sao cho thiết thực, khỏi trùng lắp. Nói thêm là ngay trong khi chúng tôi đi tặng viên gừng, có một nhóm cũng đang đi tặng cơm hộp và một nhóm khác tặng chăn bông.

Họ chở hàng bằng xe máy, gặp người vô gia cư sẽ tặng một chiếc chăn bông mới (gọi là chăn Thu đông thì hợp hơn) vẫn còn đựng trong bao ni lông. Giải thích vì sao không mua chăn dầy, Quốc Đạt, thành viên của nhóm bảo tôi: vì ban ngày họ phải cuộn lại mang theo hoặc gửi đâu đó, chăn quá to thì không tiện cất giữ.

Nụ cười của một cụ bà vô gia cư khi nhận được chăn bông ấm trong tiết trời 8 độ C

Nụ cười của một cụ bà vô gia cư khi nhận được chăn bông ấm trong tiết trời 8 độ C

Ấm chỉ là một trong rất nhiều nhóm từ thiện chuyên giúp người vô gia cư ở Hà Nội. Ngoài một số thành viên, quản trị viên tích cực dùng tên thật hoặc nickname, đa số mọi người hoạt động trên trang dưới dạng “thành viên ẩn danh”. Chị Hiền, anh Tuấn, Mai Trang, Tý Nị, Thủy Trần, Hiếu Ca... đều nằm trong số “ẩn danh” này. Có người tôi biết, có người là đồng nghiệp, có người chưa gặp bao giờ. Những người này làm từ thiện giống nhau ở chỗ: không kêu gọi đóng góp, không làm quy mô lớn, và một nguyên tắc nữa là: không cho tiền.

Mai Trang có hai cửa hàng thời trang lớn trên mạng, làm ăn phát đạt nên mỗi tháng đều trích 10% doanh thu để làm từ thiện. Cô là Mạnh Thường Quân quen ở khu Ga Hà Nội.

Mùa nào thức nấy, Trang đều có quà tặng cho những người vô gia cư, nhất là vào những dịp đặc biệt như Tết, Noel, 8/3, Trung thu v.v...

“Ban đầu em cũng hay cho tiền kèm với quà, nhưng các anh chị bảo đừng nên làm thế, cứu gấp chứ chưa cứu được nghèo, chỉ nên tặng thứ mà họ thật cần thôi. Thế là em đổi cách làm, ai già quá, yếu quá thì giúp thuê phòng trọ, còn thì tặng áo phao, áo len, túi ngủ, đồ ăn... Em làm thế này được 3 năm rồi”, Trang kể.

Theo khảo sát hiện có khoảng 30 nhóm từ thiện thường xuyên đi tặng quà cho người vô gia cư ở Hà Nội

Theo khảo sát hiện có khoảng 30 nhóm từ thiện thường xuyên đi tặng quà cho người vô gia cư ở Hà Nội

Chị Hiền nói với tôi: “Chị làm “bà già Noel” năm năm nhưng chưa từng chụp một cái ảnh nào. Mình làm vì mình thấy cần phải làm, có báo cáo trình bày với ai đâu mà chụp ảnh. Ban đầu chị trích tiền lương của mình, sau con lớn đi làm nó cũng trích mỗi tháng 2 triệu “góp với mẹ”. Rồi bạn bè, chị em gái mỗi người đưa một ít, có đến đâu chị làm đến đấy. Nhiều hoàn cảnh thương lắm, nhất là những ông bà con không nuôi được bố mẹ, hoặc những người bị bệnh, mất sức lao động. Nhưng cũng có những người đúng thật là không muốn giúp, mà cũng không nên giúp”!

“Lòng tốt của bạn cần thêm đôi phần sắc sảo”

Câu chuyện “không nên giúp” của chị Hiền tôi đã nghe Hiếu Ca (Thông tấn xã Việt Nam) kể. Hiếu tham gia nhóm từ thiện đêm khá sớm, chừng những năm 2010.

“Lúc ấy chưa có nhiều nhóm như bây giờ, cả Mạnh Thường Quân và người được giúp đều khá vô tư. Nhưng sau khi các nhóm từ thiện đông dần lên thì cũng dần xuất hiện nhiều biến tướng. Có những người cả ngày chả làm gì, chỉ lê la chơi bời chờ đến tối nhận đồ từ thiện.

Hiện tại tính trung bình riêng ở khu vực Hoàn Kiếm đã có khoảng 30 nhóm từ thiện thường xuyên đi tặng quà, đồ ấm, đồ ăn. Quà nhiều, người ta không dùng hết, chuyện vứt nguyên suất cơm, hộp cháo là bình thường. Ngày Tết thì xuất hiện cả tiểu đội vô gia cư giả để nhận tiền lì xì. Thế nên, Mộ Nhan Ca nói đúng đấy, lòng tốt của bạn cũng cần thêm đôi phần sắc sảo”.

Biển cảnh báo “vô gia cư giả”

Biển cảnh báo “vô gia cư giả”

Tôi nhớ, tầm này năm ngoái, quản trị viên của trang “Hội Từ thiện đêm, giúp đỡ những người vô gia cư và hoàn cảnh khó khăn” đã chẳng đặng đừng phải ra một cảnh báo về tệ nạn giả làm người vô gia cư để nhận đồ từ thiện. Thậm chí, thành viên của nhóm phải làm biển “Vô gia cư giả, xin đừng tặng quà” và cầm đứng suốt từ 9 giờ tối đến 12 giờ đêm tại các tuyến phố có nhiều người làm “nghề ăn đồ từ thiện” như Tràng Thi, Hai Bà Trưng để “chặn chốt”.

Người này kể: “Số quà nhận được quá nhiều đến nỗi những người này phải gọi người nhà ra chở năm, sáu lượt mới hết. Có rất nhiều người coi việc nhận quà từ thiện như một cái nghề. Có người gia cảnh hoàn toàn không khó khăn, có người có cả dãy phòng trọ cho thuê... Một vài trung niên lẫn thanh niên lang thang thì chả thích lao động. Việc đầu tiên khi họ mở mắt ra là đem những suất quà các bạn vừa tặng đêm qua đi bán. Sau đó thì ăn chơi nhậu nhẹt cho hết ngày.

Tối đến lại nằm vật ra đường, hôm sau lại có một đống tiền, chả phải làm gì cũng đủ ăn. Mấy người ở khu Hàng Đậu một tối nhận được đến 5-7 suất cơm thì ăn làm sao hết. Thôi thì trút hết vào một túi to rồi mang về dưới bãi để nuôi lợn cho béo.

Quần áo nhận được sáng sớm hôm sau các bạn ra hồ Thiền Quang có khi lại thấy được cái áo mình mới mang đi tặng đêm qua đang được bày bán. Họ còn truyền tai nhau là “đừng có mặc lành lặn, đừng đi giày. Phải chọn đôi dép rách rách vào người ta mới thương”.

Để khắc phục tình trạng này, hiện các thành viên của nhiều nhóm từ thiện đã chuyển hướng giúp đỡ bằng cách tìm việc: rửa bát, phục vụ nhà hàng, quán ăn, dọn nhà, trồng cây... cho nhiều người vô gia cư còn sức lao động. Đối với những trường hợp già yếu, các nhóm sẽ chung nhau thuê phòng trọ, cải tạo nhà, kho cũ làm nơi lưu trú tạm thời cho họ.

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.