Những người lái đò đặc biệt: Người thầy không bục giảng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Có một người thầy đặc biệt, gắn bó chỉ kém một năm so với bề dày lịch sử 30 năm của Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng. Không bục giảng, không bảng đen, phấn trắng, thầy truyền cho các em tình yêu với âm nhạc.
Truyền nghề cho trò
Tối cuối tuần, lớp học đàn ghi ta của thầy Đặng Tấn Ba (SN 1980, Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng) đông đúc hơn mọi ngày. Chừng mươi em học sinh ngồi ngay ngắn trên bục hội trường của Trung tâm, thầy Ba bỏ chiếc ghế nhựa, bắt đầu buổi dạy. Gẩy vài ngón đàn, thầy nói qua một chút về lý thuyết rồi cầm tay chỉ dạy cho từng em. Bài học đơn giản này, thầy đã lặp đi lặp lại cũng 2 - 3 buổi học bởi những học trò đều là trẻ khuyết tật, gặp khó trong việc ghi nhớ.

Dù công việc chính ở trường là hỗ trợ kỹ thuật, loa đài nhưng những thế hệ học trò ở Trung tâm đều gọi thầy Ba bằng “thầy” với tấm lòng trân quý.
Dù công việc chính ở trường là hỗ trợ kỹ thuật, loa đài nhưng những thế hệ học trò ở Trung tâm đều gọi thầy Ba bằng “thầy” với tấm lòng trân quý.
Duy trì lớp đàn nhiều năm nay, những lớp học của thầy đều đặn tổ chức vào mỗi tuần 2 - 3 buổi và hoàn toàn miễn phí. “Dạy các em phải rất kiên nhẫn. Với các em khiếm thị thì dễ hơn vì các em có thể tiếp thu nhanh hơn. Riêng với những em khuyết tật trí tuệ, mình phải bỏ nhiều thời gian, công sức hơn. Có lúc, chỉ cách bấm nốt, gẩy đàn cơ bản, mình cũng phải dạy đi dạy lại rất nhiều buổi”, thầy Ba kể.
Sinh ra và lớn lên ở Núi Thành (Quảng Nam), tuổi thơ của cậu bé Ba vốn không êm đềm như chúng bạn cùng trang lứa. Từ lúc lọt lòng, đôi mắt cậu đã không nhìn thấy ánh sáng. Năm 1992, khi Trường Chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu về quê tuyển sinh, thầy Ba mới may mắn được đi học. Hành trang mang ra Đà Nẵng chỉ là vài bộ quần áo cũ. Bố mẹ đưa thầy ra, ở lại 2-3 hôm rồi về. 13 tuổi, thầy Ba mới vào lớp 1. “Hồi đó, ra đến trường, tôi nhớ nhà, nhìn trường cũng khóc, nhìn trời cũng khóc. Mất cả nửa năm trời như vậy, tôi mới quen dần với trường lớp, thầy cô, bạn bè”, thầy Ba nhớ lại.

Những lớp học đàn đã nâng bước cho biết bao học trò khuyết tật yêu âm nhạc.
Những lớp học đàn đã nâng bước cho biết bao học trò khuyết tật yêu âm nhạc.
Học hết lớp 12, thầy Ba không chọn thi đại học bởi biết sức học của mình kém hơn chúng bạn. Biết thầy thạo sửa máy móc, nhà trường ngỏ ý giữ thầy lại để làm công tác hỗ trợ, lo âm thanh, loa máy. Yêu âm nhạc, cứ mỗi lần có đội tình nguyện lên trường dạy ghi ta, thầy lại lò dò theo học không quản nắng mưa. Ấy vậy mà cứ như một cái duyên, dù học chữ “không vô” nhưng thầy lại rất nhanh thạo các ngón đàn. Những ngày vừa ra trường, sáng thầy làm việc ở trường, chiều đi tẩm quất, massage để kiếm thêm thu nhập, dành dụm tiền mua cây ghi ta “tàm tạm” để dạy cho những đứa học trò ở Trung tâm.
Thế rồi, những buổi học ghi ta mỗi đêm khuấy động không gian yên tĩnh của Trung tâm. Những lớp học lúc đông được mươi trò, lúc vắng chỉ đôi ba em, có bao nhiêu trò, thầy Ba cũng đứng lớp. Trường có vài ba cây ghi ta được các mạnh thường quân tặng đã cũ, thầy mày mò sửa lại rồi xin phép trường dùng làm giáo cụ để dạy các em. Để giúp các em dễ tiếp thu, các em chậm hơn thường được học 2 buổi mỗi tuần, những em khá thì mỗi tuần chỉ cần kèm một buổi. “Có nhiều em học văn hóa khó nhưng lại thích âm nhạc. Vì vậy, tôi cũng muốn chỉ thêm cho các em một ngón nghề, biết đâu sau này, các em lại đam mê và có thể nuôi sống bản thân bằng nghề đàn”, thầy Ba nói.
Trân quý tiếng gọi “thầy”
Ngoài các lớp ghi ta buổi tối, thầy Ba còn đứng lớp dạy các em khuyết tật làm hương vào ban ngày. Đây là một trong những lớp hướng nghiệp cho các em “chậm” học văn hóa, giúp các em có một nghề ổn định sau khi tốt nghiệp ra trường. Phòng học làm hương nằm ở dãy phòng học sau vườn trường, ngày ngày o o tiếng máy móc, thi thoảng xen lẫn tiếng đàn ghi ta, đàn organ thầy Ba chơi cho học trò nghe trong những giờ giải lao. Những bàn tay nhỏ thoăn thoắt nhào nặn, rây bột… Mùi quế thoang thoảng khắp phòng. Với em nào thầy cũng phải cầm tay chỉ việc. Có vậy các em mới nhớ được lâu hơn một chút. Lớp có vài em, nhưng mỗi em một kiểu. Thầy vừa chỉ, vừa dỗ để các em kiên trì, tập trung làm, chứ không chỉ một chốc là tụi nhỏ đã nản lòng, thả tay.
Cô Đỗ Thị Đỗ Quyên, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng tự hào kể về những đóng góp thầm lặng của thầy Ba đối với các thế hệ học sinh. “Những lớp học đàn đều do thầy tự nguyện khởi xướng và duy trì, dành thời gian ngoài giờ làm việc để giúp đỡ các trò khuyết tật. Điều đó rất đáng trân trọng. Thầy gắn bó với trường đã gần 30 năm, dù không đứng lớp nhưng các trò đều yêu quý và gọi “thầy Ba””, cô Quyên nói.
Giữa tháng 10 mới đây, trận ngập lịch sử ở Đà Nẵng khiến nhà trường chịu ảnh hưởng nặng nề, phòng học ngập cao đến cửa sổ, máy làm hương bị hỏng chưa sửa chữa được. Gần một tháng nay, lớp học làm hương phải tạm dừng, thầy Ba lại nóng ruột. Thầy bảo, ngoài các em khiếm thị nhanh hơn một chút thì các em khác đều dễ quên. Chỉ khoảng 2-3 hôm không học là coi như phải dạy lại từ đầu. Cả tháng trời không xuống lớp, chắc các em cũng quên hết mấy công đoạn làm hương.
Ở nhà, thầy Ba cũng mở lớp dạy nhạc ở xóm trọ nhỏ của mình. Cứ em nào thích đàn, yêu âm nhạc đến đăng ký là thầy dạy. Học phí thầy cũng chỉ lấy tượng trưng, mỗi em 200 nghìn đồng cho cả tháng học. Em nào khuyết tật hoặc khó khăn quá, thầy miễn học phí. Nhiều trò cũng hỏi: “Sao thầy lấy học phí rẻ vậy, lấy gì để trang trải”, thầy Ba cũng chỉ cười hiền, bởi với thầy, truyền lửa đam mê cho những cô cậu học trò nhỏ trân quý hơn nhiều.
Các thế hệ học trò ở Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng vẫn trân quý gọi thầy Ba bằng “thầy” dù thầy không có chuyên môn sư phạm, thầy cũng không đứng trên bục giảng với bảng đen, phấn trắng. Những lớp học của thầy đôi khi chỉ là những buổi dạy trò tập đàn để chuẩn bị cho các ngày hội diễn, các chương trình văn nghệ bên góc sân trường. Niềm vui của thầy mỗi ngày đến trường đơn giản chỉ là khi các em học sinh vòng tay lễ phép chào một tiếng “thầy”; mỗi dịp lễ 20/11, Tết, trò cũ nhắn tin chúc mừng, hỏi han, kéo về căn trọ nhỏ của thầy để đàn hát.
“Tôi luôn trân trọng mỗi tiếng “thầy” mà các em gọi, càng như thế, tôi càng cố gắng mỗi ngày để có thể giúp đỡ, truyền đam mê, truyền nghề cho nhiều thế hệ học trò. Các em đã rất thiệt thòi, bản thân mình có thể cho đi, giúp đỡ các em được bao nhiêu thì tốt bấy nhiêu”, thầy Ba nói.
Theo Giang Thanh (TPO)

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.