Những người hùng giữa đời thường - Bài 1: Mình trần, chân đất cứu người

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Họ là những người bình thường, nhưng đã bất chấp hiểm nguy để cứu giúp những người đang trong hoạn nạn, gian khó - thắp sáng truyền thống quý báu “thương người như thể thương thân” của người Việt.

“Em nặng có 50kg” - Đồng Văn Tuấn nói. Không to cao, vạm vỡ, thế mà chàng trai 21 tuổi một tay bám cửa sổ, một tay quai búa tạ đập vỡ bức tường phòng trọ cứu người mắc kẹt trong vụ cháy ở phố Trung Kính (Hà Nội). Nói với phóng viên Tiền Phong, Tuấn bảo, lúc đó, cũng không biết tại sao lại khỏe như thế.

Ám ảnh những lời kêu cứu của nạn nhân

Gần một tuần sau vụ cháy ở phố Trung Kính (Cầu Giấy, Hà Nội), chúng tôi hẹn gặp Đồng Văn Tuấn - nam thanh niên tham gia cứu nạn nhân trong vụ cháy. Tuấn gầy và đen thêm, càng giống với tên gọi bạn bè hay gọi - “Tuấn Đen”.

Chàng trai sinh năm 2003 quê Nam Định cùng với 3 thanh niên khác được người dân cả nước biết đến với hành động dũng cảm đập tường cứu người bị mắc kẹt trong vụ cháy. Nhưng, Tuấn bị ám ảnh sau vụ cháy, đặc biệt là với những lời kêu cứu của các nạn nhân.

Nhiều đêm Tuấn mất ngủ. Để “chữa lành”, Tuấn tìm về với mẹ. “Thấy em về, mẹ em vui lắm. Mẹ em cũng biết em vừa hỗ trợ cứu người trong vụ cháy. Hàng xóm láng giềng cũng sang chơi”, Tuấn nói. Tuấn cũng được nhiều người ở quê nhận ra khi đi ăn sáng, đi chơi. Nhiều người khen Tuấn làm được việc tốt, làm rạng rỡ quê hương…

Tuấn có gương mặt góc cạnh, bươn chải cuộc sống từ sớm. Mồ côi cha từ năm 3 tuổi, Tuấn lớn lên nhờ sự tảo tần nuôi nấng của mẹ. Học hết lớp 9, Tuấn rời quê vào Bình Dương làm công nhân dệt, rồi trở ra Đà Nẵng, về quê, rồi ra Hà Nội. “Em ra Hà Nội từ tháng 10/2022 làm thợ điện nước. Sau đó, em về quê một thời gian rồi mới ra lại”, Tuấn kể.

Tuấn ở trọ cùng bạn ở phố Trung Kính, hằng ngày chạy xe ôm công nghệ. Tuấn thường làm việc từ trưa hôm trước đến rạng sáng hôm sau mới về. Ngoài tiền trang trải cuộc sống ở Thủ đô, Tuấn cũng tiết kiệm một ít gửi về quê cho mẹ. “Hôm xảy ra vụ cháy, tính ra em mới ra Hà Nội được gần 1 tháng”, Tuấn nói, đồng thời cho rằng, có thể do có kỹ năng quai búa từ hồi còn làm thợ điện nước, mà đêm đó, Tuấn có thể bám vào cửa sổ, một tay quai búa để cứu người trong vụ cháy.

Nhắc về thời điểm xảy ra vụ cháy, Tuấn vẫn còn xúc động. Hôm đó, gần 0h Tuấn mới đi làm về. Đang ngồi ăn cơm, Tuấn nghe tiếng nổ và hô hoán có cháy. Chân đất, cởi trần, Tuấn chạy ra xem có giúp được gì không.

Thấy ánh đèn cầu cứu trên tầng 2, Tuấn và mấy anh em bắc thang lên. Tuấn dùng tay đập vỡ kính cửa sổ, nhưng thấy có khung sắt bên trong nên chuyển sang phương án đập tường. Một tay Tuấn bám vào thanh sắt cửa sổ, một tay Tuấn quai búa tạ, vài viên gạch rơi ra.

Khi Tuấn mỏi, anh Phạm Quốc Luật lên thay. Hoàng Anh Tuấn - một thanh niên người Nam Định khác - bằng tuổi với Đồng Văn Tuấn kiên trì đứng dưới giữ thang - dù bị vài viên gạch, vữa từ lỗ thủng bức tường rơi vào người. Nhờ sự nỗ lực của nhóm thanh niên, 3 - 4 người trong căn phòng được cứu nạn kịp thời.

Các anh Nguyễn Kim Long, Phạm Quốc Luật, Hoàng Anh Tuấn, Đồng Văn Tuấn nhận khen thưởng từ chính quyền vì hành động dũng cảm cứu người trong vụ cháy. Ảnh: PV

Các anh Nguyễn Kim Long, Phạm Quốc Luật, Hoàng Anh Tuấn, Đồng Văn Tuấn nhận khen thưởng từ chính quyền vì hành động dũng cảm cứu người trong vụ cháy. Ảnh: PV

Cứu xong người, Tuấn về phòng. Lúc đó trời đã gần sáng. Tuấn đăng dòng tin “Vẫn sống, tuyệt vời” lên Facebook. Nhiều người lúc đó không biết Tuấn đăng tin có ý nghĩa gì.

Trưa và chiều 24/5, khi video ghi lại cảnh Tuấn đập tường giải cứu người trong vụ cháy nổi tiếng trên mạng xã hội, Tuấn phải viết status “xin” mọi người đừng liên hệ, gọi điện cảm ơn để nghỉ ngơi. Tuấn nói, lúc tham gia cứu người chẳng kịp nghĩ gì.

Lúc xong việc, thấy còn sống, đúng là điều tuyệt vời nhất. Tuấn và những người cùng hành động với Tuấn đều không tự nhận là người hùng. “Em vẫn là người bình thường, sẵn sàng giúp đỡ người khác khi họ cần”, Tuấn nói. Tuấn bảo, mỗi khi về phòng, đi ngang qua đám cháy vẫn thấy ám ảnh. Tuấn buồn vì vụ cháy khiến nhiều người chết.

Sau khi nổi tiếng, trang facebook của Tuấn ngập lời mời kết bạn, theo dõi và những bình luận cảm ơn. Nhiều bạn trẻ vẽ lại khoảnh khắc Tuấn đập tường cứu người rồi gửi cho Tuấn.

Đến nay, Tuấn bảo vẫn chưa kịp trả lời hết những tin nhắn gửi đến. Cũng có người đặt biệt danh cho Tuấn đi kèm chữ “Thor” - tên một nhân vật dùng búa trong phim siêu anh hùng, nhưng Tuấn có vẻ không thích. Tuấn bảo, như thế thì kiểu “anh hùng” quá, trong khi Tuấn chỉ là người bình thường.

“Có lẽ em vẫn sẽ giữ cái tên trang cá nhân facebook của mình là Tuấn Tót”, Tuấn nói, đồng thời lý giải, từ “Tót” chỉ để cho cùng vần “T” trong tên của mình… Gần 12h trưa, Tuấn xin phép rời đi để kịp chạy cuốc xe ôm công nghệ. Nhiều người cũng mời Tuấn thử sức ở những công việc mới, nhưng Tuấn đang suy nghĩ…

Thầm lặng!

“Mình bận lắm” - anh Phạm Quốc Luật - người tham gia đập tường cứu người trong vụ cháy ở phố Trung Kính - nói qua điện thoại với phóng viên Tiền Phong. Khi những diễn biến của vụ cháy được các lực lượng chức năng giải quyết, anh Luật trở về với cuộc sống thường nhật, làm nghề nhôm kính.

“Mình vào Nghệ An theo công trình rồi”, anh Luật nói. Anh Luật sinh năm 1989, quê ở Hà Tĩnh. Anh lên Hà Nội từ những năm 2007 - 2008, rồi đi lao động nước ngoài, trước khi về nước “lập nghiệp” ở Nghệ An rồi lại ra Hà Nội. Anh và gia đình nhỏ thuê trọ ở phố Trung Kính đã vài năm nay.

Cứ mỗi chiều, sau giờ làm của công ty, anh lại chạy xe ôm công nghệ, nhận giao hàng để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống. “Thời điểm xảy ra vụ cháy, mình vừa về nhà được một lúc”, anh Luật kể. Thấy có người hô hoán cháy, anh chạy ra, cùng với mấy thanh niên cứu người mắc kẹt.

“Khi đó, hai bạn tên Tuấn leo lên trước. Bạn Tuấn đập tường được một lúc thì mỏi quá nên mình lên thay”, anh Luật kể. Bức tường mười nhanh chóng bị đập thủng, người mắc kẹt được anh Luật và các bạn cứu ra ngoài. Về nhà, anh trằn trọc không ngủ được vì vẫn hoảng hốt sau vụ cháy.

Đồng Văn Tuấn trò chuyện với phóng viên Tiền Phong. Ảnh: Trọng Tài

Đồng Văn Tuấn trò chuyện với phóng viên Tiền Phong. Ảnh: Trọng Tài

Sau khi hành động dũng cảm đập tường cứu người trong vụ cháy của nhóm anh Phạm Quốc Luật, Đồng Văn Tuấn, Hoàng Anh Tuấn, Nguyễn Kim Long được báo chí, mạng xã hội đăng tải, anh Luật và các anh em được gọi là người hùng. Anh Luật nhấn mạnh, dù thế, cả anh và các bạn đều chỉ là những người bình thường, thấy người khác đang bị nạn thì cứu giúp.

“Lúc đó mình không nghĩ gì cả, cũng không ý thức được những hiểm nguy có thể gặp phải. Mình có thể làm được gì thì cố gắng làm thôi”, anh Luật khẳng định. Anh bảo, nếu hôm đó bản thân có mệnh hệ gì, có lẽ gia đình nhỏ của anh sẽ khổ, nhưng thời điểm, khoảnh khắc đó, anh chỉ nghĩ làm sao giúp được người.

Từ sau hôm cứu người trong đám cháy, anh Luật chưa thu xếp được thời gian về quê nhà Hà Tĩnh. Nhưng anh bảo, qua theo dõi camera ở quê nhà (Hà Tĩnh), nhiều hàng xóm, láng giềng cũng đến nhà hỏi thăm, động viên gia đình.

Giống như Tuấn, anh Luật cũng được nhiều người gọi điện, nhắn tin đề nghị hỗ trợ về công việc mới, thậm chí liên quan đến chỗ ở, nhưng anh bảo, chưa suy nghĩ về vấn đề này.

“Hiện mình vẫn làm công việc nhôm kính như bình thường. Mình gắn bó với công việc này, với anh em trong công ty cũng đã nhiều năm rồi nên chưa tính đến việc thay đổi. Sau giờ làm công việc chính, mình vẫn sẽ tranh thủ thời gian rảnh để chạy xe ôm công nghệ, giao hàng để kiếm thêm thu nhập”, anh Luật nói.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gửi thư khen hành động dũng cảm cứu nạn nhân mắc kẹt trong đám cháy ở phố Trung Kính. Trong thư, Thủ tướng viết: Tôi rất xúc động khi được biết, các anh: Phạm Quốc Luật, Nguyễn Kim Long, Hoàng Anh Tuấn, Đồng Văn Tuấn đã dũng cảm, không quản ngại khó khăn, nguy hiểm, dùng thang leo lên tầng cao và sử dụng búa tạ để đập tường kịp thời giải cứu các nạn nhân trong vụ cháy. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương, khen ngợi hành động mưu trí, dũng cảm của các anh. Thủ tướng cho rằng, đây là tấm gương sáng điển hình về tinh thần quả cảm, nghĩa hiệp, yêu thương của con người Việt Nam; thể hiện nghĩa cử cao đẹp, truyền thống nhân ái của dân tộc ta, như câu ca dao “Dẫu xây chín bậc phù đồ, chẳng bằng làm phúc cứu cho một người”.

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.