Những người con ưu tú của xã Ayun anh hùng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Không chỉ anh dũng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, các ông Siu Đôm và Đinh A Nhur (xã Ayun, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) còn có nhiều đóng góp trong quá trình tái thiết, xây dựng quê hương sau ngày giải phóng. Họ là những tấm gương sáng cho thế hệ trẻ học tập, noi theo.

Chúng tôi đến thăm ông Siu Đôm (SN 1939, làng Amil, xã Ayun) vào một ngày tháng 4 lịch sử. Trò chuyện cùng chúng tôi trong căn nhà sàn nhuốm màu thời gian, ông Đôm bồi hồi kể: Ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, cha ông từng tham gia kháng chiến chống Pháp. Năm 1962, ông lên đường nhập ngũ và được biên chế tại Tiểu đoàn H15, hoạt động chủ yếu tại khu 6 (nay là huyện Mang Yang).

“Tôi vinh dự được kết nạp vào Đảng năm 1969. Vừa trực tiếp chiến đấu, tôi vừa vận động bà con không theo địch, giữ vững vùng căn cứ. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, tôi kiên cường bám trụ, không lùi bước trước quân thù”-ông Đôm hồi nhớ.

Đầu năm 1975, ông cùng đồng đội tham gia đánh chiếm căn cứ Cẩm Ga (tỉnh Đắk Lắk), góp phần mở màn cho Chiến dịch Buôn Ma Thuột và giải phóng tỉnh Đắk Lắk vào ngày 10-3-1975. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông Đôm đảm nhận nhiều vị trí quan trọng ở xã Hbông (huyện Chư Sê) như: Chủ tịch UBND xã (1979-1981), Trưởng Công an xã (1982-1985), Phó Bí thư Đảng ủy xã (1986-1989), Chủ tịch Hội Nông dân xã (1990-1995). Sau khi về hưu, ông Đôm được bà con tín nhiệm bầu làm người có uy tín của cộng đồng.

Nhắc đến ông Đinh A Nhur (SN 1952, làng Achông), ai cũng dành cho ông sự kính trọng. Trò chuyện cùng chúng tôi, ông kể: Năm 1967, ông lên đường nhập ngũ và được biên chế tại Tiểu đoàn H15. Là chiến sĩ hỏa lực, ông tham gia nhiều trận đánh ác liệt. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, ông cùng đồng đội chiến đấu kiên cường tại thị xã Pleiku và bị thương nặng ở cả 2 chân.

Sau đó, ông bị địch bắt và giam giữ tại Nhà tù Phú Quốc. Tại đây, dù bị địch dụ dỗ, lôi kéo nhưng ông vẫn giữ vững niềm tin với cách mạng. Năm 1973, theo Hiệp định Paris, ông được trao trả và trở về với đơn vị cũ. “Thời điểm ở trong tù, tôi bị địch dụ dỗ, lôi kéo nhưng vẫn một lòng kiên định, giữ vững niềm tin sắt son với Đảng, với cách mạng. Sau khi trở về đơn vị cũ, tôi tiếp tục tham gia chiến đấu, góp phần giải phóng tỉnh Gia Lai ngày 17-3-1975”-ông A Nhur nhớ lại.

Là người Jrai và thông thạo tiếng Bahnar, ông Siu Đôm được bà con trân quý gọi là “quan tòa” của làng. Một trong những vụ việc mà ông Đôm nhớ mãi là thanh niên xã Ayun và xã Hbông trong lúc uống rượu xảy ra mâu thuẫn, dẫn đến xô xát. Nhờ sự can thiệp kịp thời, ông đã ngăn chặn được vụ ẩu đả.

Ông Đôm kể: Hôm đó, sau khi uống rượu, 1 nhóm thanh niên làng Tung Ke (xã Ayun) xảy ra mâu thuẫn với thanh niên làng Kte và Kueng Đơn (xã Hbông). Trong lúc nóng giận, một số người bên làng Kte và Kueng Đơn mang theo dao, rựa kéo đến làng Tung Ke để giải quyết mâu thuẫn. Khi nắm được tình hình, ông đã có mặt kịp thời, thuyết phục các bên dừng lại, đồng thời đề nghị mời cán bộ trong hệ thống chính trị của các làng có liên quan cùng tham gia hòa giải. Buổi hòa giải diễn ra tại xã Ayun, trước sự chứng kiến của chính quyền địa phương. Cuối cùng, 2 bên đã bắt tay làm hòa, mọi chuyện được giải quyết trong ổn thỏa.

Không chỉ tham gia hòa giải mâu thuẫn, xích mích, ông Đôm còn giúp dân làng tháo gỡ nhiều khúc mắc trong đời sống. Ông tâm sự: “Đối với người dân trong làng, chuyện hôn nhân rất hệ trọng, không chỉ là việc riêng của 2 người mà còn liên quan đến gia đình, dòng họ, ảnh hưởng đến đoàn kết trong cộng đồng. Mỗi khi có người muốn đi bước nữa, bà con thường mời tôi đến nói chuyện trước với 2 bên gia đình, họ hàng để mọi người hiểu, cảm thông và chấp nhận. Làm vậy để sau này không xảy ra hiểu lầm, ganh ghét hay xích mích không đáng có”.

Với ông Đinh A Nhur, trở về cuộc sống đời thường, ông tiếp tục cống hiến cho địa phương, lần lượt đảm nhiệm các vị trí: Xã đội trưởng xã Hbông (1981-1982), Trưởng ban HĐND xã Hbông (năm 1986), Phó Chủ tịch UBND xã Ayun (năm 1994), Chủ tịch UBND xã Ayun (năm 1995), Bí thư Đảng ủy xã Ayun (2010-2012). Sau khi nghỉ hưu, ông được bà con tín nhiệm bầu làm người có uy tín.

Trong vai trò người có uy tín, ông luôn gương mẫu trong các phong trào tại địa phương. Đặc biệt, khi công trình thủy lợi Plei Keo đi vào hoạt động, ông chủ động phối hợp với cán bộ ngành Nông nghiệp hướng dẫn kỹ thuật trồng lúa nước 2 vụ cho bà con. Ông trực tiếp thử nghiệm trên ruộng của mình, mang lại năng suất cao, tạo niềm tin cho người dân làm theo.

Ông A Nhur kể: Trước đây, mỗi năm, bà con chỉ sản xuất được 1 vụ lúa và hoàn toàn phụ thuộc vào nước trời, nước suối. Có thời điểm, hạn hán kéo dài khiến nhiều diện tích đất bị bỏ hoang do thiếu nước tưới. Năm 2020, nguồn nước từ công trình thủy lợi Plei Keo đã đến tận chân ruộng nhưng một số hộ dân vẫn chưa mạnh dạn sản xuất vụ Đông Xuân do chưa nắm rõ kỹ thuật canh tác. Vì vậy, tôi đã vận động bà con học hỏi, áp dụng kỹ thuật canh tác lúa nước từ cán bộ chuyên môn. Tôi cũng tiên phong làm trước, thử nghiệm với 1 sào ruộng của gia đình. Vụ thu hoạch lúa năm đó, năng suất đạt cao, người dân trong làng bắt đầu tin tưởng và làm theo. Từ đó, cuộc sống của bà con thay đổi rõ rệt, làng không còn cảnh thiếu đói như trước.

Với những đóng góp của mình, ông Siu Đôm và ông Đinh A Nhur được nhận nhiều bằng khen, giấy khen. Năm 2023, ông Siu Đôm được Chủ tịch UBND huyện Chư Sê tặng giấy khen là người có uy tín tiêu biểu trong thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc giai đoạn 2021-2023. Còn ông Đinh A Nhur được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong việc tập hợp xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc ở khu dân cư từ năm 2014-2018; năm 2020, được Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong việc tập hợp xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc ở khu dân cư giai đoạn 2018-2020.

Có thể bạn quan tâm

Kết nối lòng nhân ái

Kết nối lòng nhân ái

(GLO)- Chương trình “Tiếng gọi yêu thương” vừa được nhóm thiện nguyện Đak Đoa-Mang Yang tổ chức vào tối 17-5 tại Công viên Đồng Xanh (xã An Phú, TP. Pleiku) nhằm vận động nguồn lực, trao tiền hỗ trợ cho 7 thiếu nhi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Nữ sinh Đà Nẵng giành giải Nhất viết thư UPU

Nữ sinh Đà Nẵng giành giải Nhất viết thư UPU

Hoá thân thành đại dương, viết một kịch bản gửi gắm đến đạo diễn lừng danh James Cameron để kêu cứu, bức thư của em Phạm Đoàn Minh Khuê, lớp 10C2, trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng đã giành giải Nhất cuộc thi viết thư UPU lần thứ 54. Lễ trao giải diễn ra sáng nay, 16/5.

“Bông hồng thép” ở Sư đoàn 320

“Bông hồng thép” ở Sư đoàn 320

(GLO)- Môi trường quân đội đòi hỏi kỷ luật cao, rèn luyện nghiêm, cường độ công việc lớn, nhưng vẫn có những “bông hồng thép” lặng lẽ cống hiến và lan tỏa tinh thần vượt khó. Thiếu tá QNCN Trần Thị Thu Hường-Chủ tịch Hội Phụ nữ Phòng Chính trị (Sư đoàn 320, Quân đoàn 34) là một minh chứng.

Khởi nghiệp từ cà phê đặc sản

Khởi nghiệp từ cà phê đặc sản

(GLO)- Những năm gần đây, nhiều nông dân trong tỉnh Gia Lai đã thay đổi tư duy sản xuất, tận dụng lợi thế của địa phương để nâng cao giá trị nông sản. Cơ sở sản xuất cà phê đặc sản Pure coffee (tổ 5, thị trấn Chư Sê) của gia đình anh Nguyễn Tiến Dũng là một ví dụ điển hình.

Tuổi trẻ học và làm theo gương Bác

Tuổi trẻ học và làm theo gương Bác

(GLO)- Sáng 14-5, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn Gia Lai tuyên dương thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác năm 2025 và tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Tuổi trẻ ngành điện Gia Lai xung kích tình nguyện vì cộng đồng

Tuổi trẻ ngành điện Gia Lai xung kích tình nguyện vì cộng đồng

(GLO)- Với khẩu hiệu “Tuổi trẻ GLPC trao nguồn sáng-Gửi yêu thương”, Đoàn cơ sở Công ty Điện lực Gia Lai đã và đang khẳng định tinh thần xung kích tình nguyện vì cộng đồng bằng những công trình, phần việc thiết thực, mang nguồn điện an toàn đến từng buôn làng, từng ngôi nhà ở vùng khó.