Những nẻo đường Campuchia - Bài 6

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Sau chuyến đi đó, tôi còn quay lại Battambang, Sisophôn và Xiêm Riệp trong một chuyến đi khá dài ngày. Lần sau này, tôi đi cùng các anh Lê Khắc Tịnh, tổ trưởng, Văn Thành, điện báo viên và Bùi Văn Trị, lái xe.
Nhà báo Lê Sơn (trái) và nhà báo Trần Mai Hưởng tại Phnom Penh (1980).

Nhà báo Lê Sơn (trái) và nhà báo Trần Mai Hưởng tại Phnom Penh (1980).

Chúng tôi đi bằng đường bộ trong một chuyến đi dài, đến nhiều vùng ở phía bắc Campuchia. Mấy anh em tự đi bằng đường bộ không đi cùng đơn vị bộ đội nào, nên vào thời điểm đó rất nguy hiểm. Quân Pôn Pốt phục kích thường xuyên. Trên đường rất dễ có mìn. Nhưng mọi việc rồi cũng ổn. Có xe và có điện đài nên việc phát tin, bài và liên lạc với Phnôm Pênh thuận tiện hơn nhiều.

Mùa khô năm ấy ở đồng bằng Battambang rất dữ dội. Chúng tôi ở với anh em chuyên gia tại thị xã, rồi đi về các địa bàn tác nghiệp. Thực phẩm rất khan hiếm. Hàng tuần lễ chỉ cơm với mắm khô, sang thì có chút cá, chẳng có tí rau nào. Không có nước thì chẳng có thể làm gì được. Trị, lái xe, có sáng kiến đi lấy rau tóc tiên mọc ở các bờ bụi về nấu canh. Cố gắng cũng nuốt được cho đỡ háo. Chỉ buồn cười là ăn món canh đó rất buồn ngủ!

Cái nóng ở Battambang năm ấy thật nhớ đời. Mệt quá, nhưng vì nóng trên 40 độ nên vẫn không sao ngủ được. Tôi còn nhớ rõ cảm giác mệt quá thiếp đi, trong giấc ngủ chập chờn, cảm giác rất rõ những giọt mồ hôi chảy xuống sau gáy, một thứ ngủ nửa mê, nửa tỉnh giữa bầu không khí ngột ngạt, khô nóng rất đáng sợ. Nhưng kỳ lạ nhất vẫn là sức chịu đựng của con người. Một lần giữa trời nóng, tôi đã ngồi quan sát một cậu bé Khơ-me, cậu chỉ mặc một chiếc quần cộc, cởi trần, người đen trũi, tóc khô đỏ quạch, nằm ngủ trên một tấm tôn dưới trời nắng một cách ngon lành. Sự thích nghi của con người quả là ghê gớm. Cuộc sống trên vùng đồng bằng nổi tiếng của Campuchia những ngày đầu sau giải phóng cũng vậy. Bất chấp chiến tranh, thiên nhiên khắc nghiệt, cái chết rình rập, mọi việc vẫn diễn ra. Người ta vẫn dựng nhà, làm trường, đào giếng, dựng xây… cho cuộc hồi sinh vĩ đại trên mảnh đất này.

Nhà báo Đỗ Quảng, phóng viên báo Nhân Dân (phải) và nhà báo Trần Mai Hưởng tại Sisophon (1980).

Nhà báo Đỗ Quảng, phóng viên báo Nhân Dân (phải) và nhà báo Trần Mai Hưởng tại Sisophon (1980).

Rời Battambang, chúng tôi lại ngược lên Sisophon đúng vào dịp người dân ở đây đón năm mới. Những chùm hoa Chanki nở đỏ ở huyện địa đầu biên giới miền tây này. Chính quyền đang phải lo rất nhiều việc: Cứu đói cho dân, sửa sang các đập nước, chuẩn bị cho kế hoạch sản xuất vụ mùa mưa tới… Bên cạnh đó, việc bảo đảm an ninh đường biên giới, tiêu diệt hoặc gọi hàng các tàn quân Pôn Pốt cũng gặp nhiều khó khăn. Nhưng, những điều ấy không làm giảm không khí lạc quan của Tết Chôn Chonam Thơmây cổ truyền. Mỗi gia đình ở các phum theo phong tục đều dựng những bàn thờ nhỏ, cầu chúc bình yên, hạnh phúc. Những chàng trai, cô gái vui trong đêm hội với những bộ quần áo đẹp nhất.

Chúng tôi đến phum Tức Thìa. Ngôi chùa lớn ở đây bị lính Pôn Pốt đập phá, đã được sửa sang lại. Chiều cuối năm, bà con trong phum tới đây đón mừng năm mới. Các gia đình có bữa ăn chung, nghe đọc kinh cầu phúc, làm lễ đắp núi cát, vui múa Rum Vuông… Ở thị trấn Sisophon, người dân làm vệ sinh đường phố và trong các gia đình, tổ chức các nơi vui chơi, múa hát, chiếu phim, thi đấu thể thao. Ở các tổ dân phố, các gia đình đều chú ý tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau để cùng đón Tết. Ở xã Cốp, xã đầu cùng của huyện, nằm sát biên giới Thái Lan, đập ngăn nước lớn nhất đã được chữa xong, bảo đảm chủ động nguồn nước cho sản xuất, đời sống. Bà con ở đây không quản một mùa khô nghiệt ngã, không quản thiếu đói, đi làm thủy lợi. Sau những ngày Tết Chon Chonam Thơmây người dân Sisophon lại bắt đầu vụ sản xuất lớn nhất từ sau ngày giải phóng.

Nhà báo Vũ Tâm và một đồng nghiệp.

Nhà báo Vũ Tâm và một đồng nghiệp.

Rời Sisophon, chúng tôi vòng về Xiêm Riệp. Mấy anh em tự lo khi đi đường, lúc nhờ vào bộ đội, lúc ghé vào các đơn vị bộ đội, lúc tự nấu ăn dọc đường. Đấy là một thời kỳ đặc biệt. Người dân Campuchia đã bắt đầu họp chợ, nhưng chưa có tiền giấy. Tiền thời Pôn Pốt không dùng được. Tiền của chế độ mới chưa phát hành. Ở các chợ nhỏ, người ta dùng hàng đổi hàng như thời xa xưa. Còn ở các chợ lớn, có các thương lái đã nhanh tay buôn hàng từ Thái Lan qua, người ta dùng vàng để trao đổi. Các chợ lớn đều có những máy cắt vàng, đèn khò và cân tiểu ly. Mặc cả xong, đầu tiên là người ta phải dùng đèn khò thử xem vàng thật hay giả. Rồi nếu tính ra vàng còn thừa thì cắt vàng để chia, lấy phần còn lại hoặc trả thêm nếu thiếu.

Chúng tôi chỉ rẽ vào chợ chơi và xem cho biết chứ chẳng có gì để mà mua bán. Việc duy nhất anh Trị lái xe hoặc Thành làm là đem ít gạo được cấp đổi lấy rau hoặc cá để nấu ăn. Chúng tôi chẳng có gì ngoài một bao gạo được cấp đi đường nên đành phải làm như vậy. Khi ấy, Campuchia cái gì cũng thiếu, từ gạo, vải vóc đến vật liệu làm nhà. Cuộc sống luôn tìm cách vượt qua những rào cản để tìm ra lối đi cho mình. Những thương lái làm giàu ghê gớm từ việc buôn hàng lậu ở Thái Lan về các vùng. Nhưng công việc đó cũng đầy những rủi ro vì đi qua những vùng chiến sự còn tiếp diễn.

Sang Xiêm Riệp, chúng tôi ở ngay thị xã cùng đoàn chuyên gia. Rất may là trong đoàn có nhiều anh em ở Hà Tây, nơi tôi công tác trước, nên cảm thấy rất gần gũi, ấm cúng. Các anh Trịnh Tiến Hòa, Trưởng đoàn, trước là Bí thư tỉnh đoàn; anh Nguyễn Văn Hiển, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp tỉnh… và một số anh em khác. Xa nhà, cuộc sống trên đất bạn khó khăn, nhiều bữa thức trắng đêm trò chuyện, tâm sự. Ai cũng lo lắng cho gia đình, người thân ở Việt Nam đang trong thời kỳ gian khó. Ai cũng mong ngày về lại quê hương.

Các phóng viên TTXVN đi công tác tại Biển Hồ. Từ trái sang: Hữu Thành, Trần Mai Hưởng, Phần Thành Nghiêm (1980).

Các phóng viên TTXVN đi công tác tại Biển Hồ. Từ trái sang: Hữu Thành, Trần Mai Hưởng, Phần Thành Nghiêm (1980).

Lần ấy, tôi mới có dịp đến thăm Angkor Vát và đến Biển Hồ, hai thắng cảnh nổi tiếng của Campuchia. Tôi nhớ, khi ấy vào Ăng Co Vát còn nguy hiểm lắm. Ngay gần thị xã thôi nhưng quân Pôn Pốt thường xuyên phục kích. Chúng tôi phải đi cùng với anh em bộ đội, xe trước xe sau theo đội hình sẵn sàng chiến đấu. Tôi nhớ nhất khi vào đến tận trong cùng khu đền, gặp mấy anh lính Việt Nam đang nấu ăn bằng chảo quân dụng ở đó, mặt mũi nhọ nhem. Họ cũng phải giúp các bạn giữ gìn di tích quý giá này và ngăn quân Pôn Pốt lập căn cứ tại đây.

Tôi đã đi lang thang khắp khu Thành cổ và chạnh lòng khi thấy Angkor Vát vẫn còn các ngọn tháp uy nghi, nhưng hoang tàn như phế tích. Cả nụ cười của thần Bayon cũng vẫn đượm vẻ buồn dai dẳng qua bao thế kỷ. Bữa ấy, trong đoàn có một cô phiên dịch người Campuchia tên là Phon-ni. Tôi vẫn nhớ vẻ người nhỏ nhắn, gương mặt dịu dàng của cô. Gia đình Phon-ni trước đây sống chung cùng một khu với bà con người Việt, nên cô biết tiếng Việt. Sau khi quân Pôn Pốt kéo về, cả gia đình cô ly tán, không biết bố mẹ và các anh chị em còn sống hay đã chết. Buổi trưa, khi đang cùng tôi đi trên những bậc thang đá, chợt cô dừng lại, quay mặt đi. Phon-ni đi lang thang một mình, lúc sau mới quay lại, hai mắt còn mọng nước. Cô đã khóc rất nhiều và không muốn cho chúng tôi nhìn thấy. Phon-ni nói :

- Em vào đây bỗng nhớ cha mẹ qua các anh ạ. Ngày trước nhà em ở thị xã Xiêm Riệp, các dịp cuối tuần em theo bố mẹ vào đây, có đông anh chị em bạn bè vui lắm. Thế mà bây giờ, gia đình em không biết ai còn ai mất nữa!

Tôi có ghi lại câu chuyện về Phon-ni trong một bài báo nhỏ và một bài thơ ngắn về số phận của một cô gái Campuchia ngày ấy.

Phon-ni đưa tôi đi thăm Angkor Đang cười nói chợt em lặng lẽ Gương mặt buồn chẳng nói năng chi

Em vào đây nhớ lắm anh ơi Nhớ cha mẹ, nhớ gia đình lắm Angkor này với em bao kỷ niệm Bao buồn vui những năm tháng không quên…’’ Có một người con gái khác những ngày ở Battambang để lại ấn tượng đối với tôi. Cô tên là Lệ, một Việt kiều ở vùng đồn điền Chúp. Bố cô chết bởi đám lính áo đen. Cô cùng gia đình chạy về Việt Nam lánh nạn. Khi quân tình nguyện Việt Nam sang giúp bạn, Lệ cùng một số người Việt trở lại làm phiên dịch cho đoàn chuyên gia. Những người biết tiếng Campuchia lại thông thạo tình hình, nhiệt tình với công việc như Lệ rất quý. Cô gái có gương mặt dễ thương, tính tình rất dịu dàng ấy rất quan tâm đến tổ phóng viên SPK chúng tôi. Cô thường giúp cho anh em đồ ăn, chăm lo mọi việc, kể cả khi đau ốm. Tôi nhớ nhất là khi nói về tương lai, Lệ mới ngoài hai mươi tuổi, chỉ mong sau này yên hàn, về học nghề thợ may, giúp mẹ nuôi các em trưởng thành và gặp được một người con trai thương mình thật lòng để xây dựng gia đình. Nhiều người Việt lặng thầm như cô, tạm thời hy sinh những mong muốn rất bình thường trong cuộc sống, để sang giúp bạn trong thời kỳ khó khăn ấy.

Chúng tôi có chuyến đi đầu tiên đến Biển Hồ. Lần đầu tiên tôi đi giữa vùng hồ nổi tiếng này của Campuchia. Những người dân làng chài đưa chúng tôi theo đánh cá. Mùa nước cạn mật độ cá dày hơn. Thuyền đi đến đâu, cá nhảy xung quanh đến đấy, có những con nhảy luôn cả vào lòng thuyền. Thiên nhiên quá ưu đãi cho những con người ở đây. Chỉ cần một cuộc sống thanh bình, họ được tự do làm ăn thì cuộc sống của họ đã rất yên ấm rồi. Chuyến đi ấy, ngoài các anh Tịnh, Thành và Trị, còn có cả anh Phan Thành Nghiêm mới từ đoàn chuyên gia lên Xiêm Riệp công tác.

Sau đó, chúng tôi còn cùng các anh đến thăm tổ phóng viên thường trú ở Quân đoàn 3, do anh Nguyễn Đình Cao làm tổ trưởng và các anh Phạm Nhật Nam, Hà Lộc. Anh Nghiêm và anh Cao đều là những cán bộ cựu trào của Thông tấn xã. Trước khi sang giúp bạn, anh Nghiêm là trưởng phòng văn xã, anh Cao là trưởng phòng nông nghiệp của Ban Tin trong nước. Các anh đều tham gia công tác từ kháng chiến chống Pháp, nay lại sang Campuchia, chẳng kể hiểm nguy và tuổi tác cũng đã cao. Điều ấy thật đáng quý.

Hai nhà báo Nguyễn Văn Tường (trái) và Phạm Tiến Dũng trong phiên tòa xử tội ác Khơ me Đỏ tại Phnom Penh (1980).

Hai nhà báo Nguyễn Văn Tường (trái) và Phạm Tiến Dũng trong phiên tòa xử tội ác Khơ me Đỏ tại Phnom Penh (1980).

Tôi có một kỷ niệm đặc biệt với nhà báo lừng danh Winfred Buchet khi gặp ông ở Xiêm Riệp. Lần ấy, tôi về công tác ở huyện Ôt đo Miên Chây. Ở lại huyện, đêm nằm phải lên đạn súng ngắn để đầu võng, vì lính Pôn Pốt có thể phục kích bất cứ lúc nào. Đêm ấy ở huyện đón một đoàn khách đến rất muộn. Sáng ra, tôi gặp W.Buchet đang đi dạo trong sân khu nhà khách. Vẫn với dáng vẻ cao lớn, phong trần, ông mang chiếc máy ảnh bên người, đang đi dạo và ngắm nghía quang cảnh xung quanh. Tôi hỏi thăm mấy anh trong đoàn là người Việt Nam thì được biết W.Buchet đang trong một hành trình đi khắp Campuchia. Việc ông có mặt ở Xiêm Riệp nằm trong chương trình đó. Tôi mạnh dạn bước đến để làm quen với ông. W.Buchchet nở một nụ cười rất thân thiện khi biết tôi là phóng viên của Thông tấn xã Việt Nam cũng đang ở vùng này. Ông nói rằng ông đang làm một cuốn sách về Campuchia và Đông Dương vốn là địa bàn quen thuộc của ông. Tôi rụt rè với vốn tiếng Anh còn hạn chế của mình để nói rằng, tôi đã biết ông từ rất lâu, một người bạn lớn của Việt Nam, một nhà báo lớn và rất ngưỡng mộ ông. Ông vui vẻ lắc vai tôi với nói đại ý rằng các nhà báo trẻ phải đi đến những nơi gian khó và đem sự thật lại cho mọi người… Tôi nhớ mãi câu nói của ông về chế độ Pôn Pốt khi ông giơ hai tay lên trời:

- Terrible! Terrible! (Khủng khiếp! Khủng khiếp!)

Sau bữa sáng hôm ấy, W.Buchet cùng đoàn lên đường ngay. Ít ngày sau khi trở về Xiêm Riệp, tôi sững người khi nghe tin đoàn của ông bị phục kích trên đoạn đường từ Battambang về Phôm Pênh. Nhờ Trời, ông không bị trúng đạn. Người lái xe Việt Nam dù bị bắn vào vào ngực, vẫn lái xe vượt qua vùng nguy hiểm, cứu ông cùng mọi người trong đoàn thoát chết. Khi ấy, chỉ cần xe dừng lại thì có thể cả xe đã lãnh trọn cả một quả B40 của quân Pôn Pốt. Chúng hay dùng chiến thuật ấy, bắn AK trước và khi xe dừng, sẽ dùng B40 tiêu diệt, vì mục tiêu đã đứng im. Sau đó W.Buchet đã viết về câu chuyện đó. Tấm gương dũng cảm của người lái xe Việt Nam ấy được bạn bè quốc tế ca ngợi.

Các phóng viên TTXVN tại mặt trận Siêm Riệp. Từ phải sang: Các nhà báo Nguyễn Đình Cao, Phạm Nhật Nam, Nguyễn Hà Lộc và nhà báo Anh Ngọc, báo QĐND (1/1979).

Các phóng viên TTXVN tại mặt trận Siêm Riệp. Từ phải sang: Các nhà báo Nguyễn Đình Cao, Phạm Nhật Nam, Nguyễn Hà Lộc và nhà báo Anh Ngọc, báo QĐND (1/1979).

Sau chuyến đi lên miền Bắc ấy, tôi còn có các chuyến đi khác nữa, dọc các vùng Kampốt, Takeo, rồi Kôngpông Chàm, Puốcxát… Những ngày mùa khô, đất và người đều khát. Những cái chết luộn rập rình bên đường. Sự sống nhiều khi chỉ còn là sự may mắn, không ai có thể nói trước điều gì. Rồi ngày mưa triền miên trên đất bạn khi những cánh đồng lên xanh, những dòng sông ngập tràn nước. Thiên nhiên và con người trên mảnh đất này vật lộn trong cuộc trở về lớn lao của mình.

Những ngày ấy, nhóm phóng viên ở một khu nhà ngay ngã tư cuối đường Mônivông, gần chợ Mao Trạch Đông. Đấy là một khu biệt thự rộng, có vườn cây, bể cá rất đẹp. Nghe nói đây là nhà của viên cảnh sát trưởng sân bay Pôchentông thời Lon Non. Vài anh em ở chung một buồng, tối tối tụ họp rất đông vui. Các anh Phan Thành Nghiêm, Nguyễn Đình Cao, Lê Sơn, Trần Sơn, Lê Khắc Tịnh, Phạm Quốc Khánh, Phạm Nhật Nam, Nguyễn Chiến, Vũ Khắc Cư, Tiến Dũng, Vinh Quang… Ban lãnh đạo đoàn chuyên gia và anh em kỹ thuật, đối ngoại thì ở khu phía trên, cũng trên đại lộ Mônivông, gần khu Chợ Vòm. Cánh phóng viên có nhiều điều chia sẻ, lại cùng cảnh xa nhà, nên rất thương nhau. Phía bên kia tòa nhà chúng tôi ở, sâu một chút vào trong là nơi đặt Bộ chỉ huy của chiến trường Campuchia. Anh Vũ Tạo, Thông tấn quân sự, người tôi có dịp đi cùng trong chiến dịch Mùa Xuân 1975, có một thời làm trợ lý cho Cục chính trị mặt trận. Anh hay ra chỗ chúng tôi để trao đổi khi có công việc hoặc lúc rỗi rãi. Chúng tôi hay chơi cầu lông, đánh bài hoặc ngồi tán chuyện. Mỗi người một kinh nghiệm sống, một chặng đường đời, chia sẻ và động viên nhau trong mọi việc.

Đoàn chuyên gia Thông tấn xã Việt Nam triển khai giúp bạn với quy mô rất lớn, cả về nghiệp vụ, đào tạo, ngoại ngữ, kỹ thuật… Với sự giúp đỡ đó, SPK đã có những bước trưởng thành vượt bậc. Càng ngày, bạn càng có nhiều cán bộ được đào tạo tốt, vươn lên làm chủ các công việc của một cơ quan Thông tấn trong một thời kỳ rất quan trọng.

Một lớp đào tạo cán bộ cho SPK.

Một lớp đào tạo cán bộ cho SPK.

Những đóng góp, hy sinh của các chuyên gia TTXVN được bạn đánh giá rất cao. Trên thực tế, anh chị em trong đoàn không nề hà bất cứ công việc gì để giúp bạn. Anh Phát, cán bộ kỹ thuật, đã hy sinh trong một tai nạn giao thông rất đáng tiếc. Nhiều người đau ốm, bệnh tật vẫn không quản khó khăn, nguy hiểm để hoàn thành nhiệm vụ. Tôi nhớ hình ảnh của bác Hoàng Quang Sinh, Chánh văn phòng của đoàn. Bác đã cao tuổi, chẳng hiểu bị nhiễm chất độc gì mà tóc và lông mi đều bạc và rụng hết, trông rất thương. Thế mà mọi công việc bác vẫn lăn vào làm và lo cho cuộc sống của cả trăm con người trên đất bạn. Các anh Trần Hữu Năng, chị Nguyễn Thị Tỳ (Bí thư chi bộ), anh Vũ Ngọc Luân (phụ trách tài chính), Trương Việt Cường (kỹ thuật)… và nhiều anh chị nữa, dù mệt mỏi, đau ốm nhưng vẫn hết lòng với công việc chung.

Sự kiện lớn cuối cùng tôi tham gia khi ở Campuchia là đưa tin về phiên tòa xử các quan chức chế độ diệt chủng Pôn Pốt. Tôi cùng với anh Lê Sơn, Tiến Dũng, Vinh Quang… cùng tham gia sự kiện này. Lần đầu tiên, tội ác của chế độ Pôn Pốt được đem ra xét xử, giúp cho người dân Campuchia và bạn bè quốc tế có một cái nhìn toàn diện về một trong những chế độ quái gở nhất được sản sinh ra trong thời đại này. Rất nhiều phóng viên quốc tế đã đến Phnôm Pênh để đưa tin. Đối với tôi, đấy là một kinh nghiệm nghề nghiệp hết sức quý báu trong đời làm báo của mình. Anh Lê Sơn, khi đó đã là một phóng viên giàu kinh nghiệm, cũng là người tôi hay chia sẻ những suy nghĩ về cuộc sống, về nghề báo, anh luôn là người biết vượt qua khó khăn để có thể làm tốt công việc.

Có thể bạn quan tâm

Mưu sinh truyền đời ở Chợ Lớn - Kỳ 5: Những thợ bạc danh tiếng

Mưu sinh truyền đời ở Chợ Lớn - Kỳ 5: Những thợ bạc danh tiếng

Nhà văn Sơn Nam từng hóm hỉnh: "Là nhà văn thì phải chấp nhận nghèo, nếu viết văn để làm giàu thì ở Sài Gòn, dân Chợ Lớn làm hết rồi, không tới mình đâu". Tất nhiên, "ông già Nam bộ" chỉ nói đùa nhưng chuyện dân Chợ Lớn làm đủ mọi ngành nghề và đều ăn nên làm ra là có thật. Trong đó có nghề thợ bạc.

Người Thái Bình bên dòng sông Ba

Người Thái Bình bên dòng sông Ba

(GLO)- Mỗi chiều, nhìn đàn cò trắng bay về ngang dòng sông Ba mênh mang sóng nước, ông Nguyễn Văn Để (86 tuổi) lại bâng khuâng nhớ về quê nhà. Tròn 40 năm rời quê hương Thái Bình vào vùng đất Krông Pa định cư, nỗi nhớ nguồn cội vẫn dâng đầy trong ông khi bắt gặp hình ảnh thân thuộc như vậy.

Đời chìm nước nổi…

Đời chìm nước nổi…

Thời điểm này, khu vực biên giới Tây Nam đang đỉnh lũ. Mùa nước nổi năm nay lượng nước sông Mê Kông đổ về Đồng bằng sông Cửu Long cao hơn trung bình nhiều năm trước. Mùa nước nổi là lúc người dân vùng biên thức thâu đêm giăng lưới, thả câu tận hưởng lộc trời.

Người mở cánh cửa hy vọng cho bệnh nhi ung thư

Người mở cánh cửa hy vọng cho bệnh nhi ung thư

Trong suốt câu chuyện, bác sĩ Bùi Ngọc Lan luôn nhắc, để có được những thành tựu trong việc chữa trị cho bệnh nhi ung thư là nhờ có teamwork (nhóm làm việc) mạnh, với nhiều bác sĩ giỏi từ các chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh, ung thư, ngoại khoa, di truyền, giải phẫu bệnh...