Những khoảng lặng thanh xuân, bài 2: Tan ca - ngủ và ăn nhậu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sau khi tan ca, vì quá mệt mỏi hoặc thiếu định hướng cho tương lai, công nhân hầu như không biết làm gì ngoài việc ngủ, dán mắt vào màn hình điện thoại hoặc ăn nhậu.
Guồng quay
Chiều cuối tuần, dưới cái nóng hầm hập, chúng tôi tìm đến khu nhà trọ trên phố Thịnh Cầu, thị trấn Phố Mới (huyện Quế Võ, Bắc Ninh). Cạnh khu trọ là mương nước thải đen kịt khiến không khí trở nên khó thở. Khu nhà trọ được xây thành hai khối nhà 3 tầng úp mặt vào nhau, khoảng trống ở giữa dành làm nơi đỗ xe. Dù là cuối buổi chiều nhưng cả khu trọ vẫn im ắng, nhiều cánh cửa đóng kín.
Lên tầng 3 của khu trọ, hơi nóng từ mái tôn phả xuống khiến chúng tôi toát mồ hôi hột. Thấy có cánh cửa hé mở, chúng tôi gõ cửa. Những người trong phòng choàng tỉnh, mặc vội chiếc áo, mời vào. Một thanh niên giới thiệu là Bùi Duy Khánh (SN 1993), quê ở Lương Sơn (Hòa Bình). Căn phòng rộng chừng 12m2 bề bộn với quần áo, chăn màn, đồ sinh hoạt và khu vệ sinh không có cửa.
Cạnh chiếc tủ quần áo bằng vải, bạn của Khánh đang cởi trần, vẫn nằm ngủ dưới nền đá hoa. Phía trên, chiếc quạt trần chạy hết công suất, phần phật gió nhưng không làm dịu đi sức nóng. “Vợ em về Hà Giang gần 10 ngày rồi nên hơi bừa bộn. Hôm nay, em được nghỉ để thứ 2 chuyển sang làm ca đêm. Buồn quá nên rủ bạn ở quê xuống chơi. Sáng bạn xuống, em đón ra quán có uống ít rượu. Trời này phải có rượu mới dễ ngủ”, Khánh chỉ tay về phía can rượu 5 lít đã vơi phân nửa nói.
Khánh đang học cấp 3 thì bỏ dở. Năm 2011, Khánh xuống Gia Lâm (Hà Nội) phụ việc trong câu lạc bộ bi-a với lương 1,6 triệu đồng/tháng. Làm được hai năm, em xin chuyển về làm lễ tân ở một khách sạn trên quận Cầu Giấy, thu nhập 4 triệu đồng/tháng. Trải qua nhiều công việc, đến tháng 4/2020, Khánh theo bạn xuống KCN Quế Võ này làm cho công ty của Nhật Bản với lương hơn 10 triệu đồng/tháng. “Lúc đó, cứ 2 tuần làm ngày, 2 tuần làm đêm. Một tháng tăng ca “full” (đủ tháng) từ 8h sáng đến 20h tối (làm cả thứ 7, chủ nhật). Công việc hằng ngày là kéo xe chở hàng, đẩy thùng cho công nhân. Ngày lạnh thì mướt mát mồ hôi; nắng thì ướt đẫm hết áo. Cứ kéo xong một tua hàng lại phải chạy vào nhà vệ sinh cởi áo, vắt mồ hôi. Công việc vất vả lại thay đổi giờ sinh học nên lúc nào em cũng thèm ngủ. Ăn uống ở công ty, tan ca, về nhà trọ tắm rửa xong người rã rời, chỉ muốn ngủ luôn”, Khánh cho hay.
Khánh kể tiếp: “Có lần bạn xuống chơi, đi ăn uống, hôm sau đi làm như người mất hồn, chở nhầm hàng còn bị lập biên bản. Sau vụ đó, em ít giao du với bạn chỉ tập trung... cày”. Khánh cho biết thêm, trong một tháng, những ngày đổi từ ca đêm sang ca ngày thì anh em trong công ty sẽ được nghỉ. “Chủ nhật đó là ngày em được “xả trại”. Anh em trong xóm trọ thường rủ nhau đi uống rượu, đi hát karaoke”, Khánh nói.
Đang dở chuyện với Khánh thì Bùi Văn Toàn (SN 2000) làm công ty sản xuất nhựa trong KCN Quế Võ sang chơi. Nói về “giải trí” sau ca làm, Toàn cho biết: “Cảnh công nhân ngày làm tối ngủ hoặc tối làm ngày ngủ. Ngày nghỉ cuối tuần nếu không ngủ nướng thì rủ mấy đứa bạn cùng công ty hay đồng hương đi ra quán làm một chầu. Có lương thì thêm tiết mục karaoke, hát cho nhau nghe hoặc đi massage…”. Dù xuống Bắc Ninh được vài năm nhưng Toàn chỉ loanh quanh trong thị trấn Phố Mới (huyện Quế Võ).
Mệt nhoài xoay ca
Buổi tối, chúng tôi tìm về xã Chi Lăng (huyện Quế Võ). Ở đây, hầu như gia đình nào cũng có người đi làm công nhân trong KCN. Lúc 20h, cạnh nhà văn hóa thôn mới được xây dựng khang trang hiện đại là sân bóng chuyền đang nhộn nhịp người chơi. Nhưng người chơi chủ yếu là trung niên, những người già trên 50 tuổi.

Trong căn trọ của công nhân KCN Quế Võ
Trong căn trọ của công nhân KCN Quế Võ
Phía sau nhà văn hóa, chúng tôi gặp anh Nguyễn Văn Ứng. Anh làm công nhân tại công ty điện tử lớn nhất trong KCN Quế Võ 1 đang tranh thủ dọn dẹp lại căn nhà đang sửa sang. Anh Ứng kể, ra trường, anh xin làm trong khu mỏ ở Quảng Ninh, đến 2015 anh chuyển về quê xin vào KCN. Nay, đã nhiều tuổi nên anh được sắp xếp vào vị trí “libero” (vị trí tự do, ai cần thì thay).
Với đặc thù công việc, kế hoạch sản xuất của công ty nên công nhân cũng được bố trí luân phiên một tháng làm ngày, một tháng làm đêm. “Nếu từ ca ngày chuyển sang ca đêm thì công nhân được nghỉ 24 tiếng, còn chuyển từ ca đêm sang ca ngày thì được nghỉ 36 tiếng. Mình sợ nhất là những ngày “xoay ca” đó, phải mất mấy ngày mới quen được. Ngày nào mệt quá thì ngủ thiếp đi, còn không, chơi điện thoại, chơi game cho rũ mắt đến 10h giờ mới ngủ được. Có lần đến công ty ngủ gật hỏng hàng, lỗi hàng bị trưởng ca nhắc hoặc bị phạt. Những lúc như thế chỉ có cách đi rửa mặt bằng nước lạnh cho tỉnh táo rồi tiếp tục làm việc”, anh Ứng kể. Ngoài làm bạn với điện thoại, mỗi tháng một lần, cứ đến ngày nhận lương, cả dây chuyền sản xuất của anh rủ nhau đi liên hoan nhậu nhẹt, hát hò đến khuya mới về. Nếu anh em thấy lương còn chưa đều thì tổ chức “chia lại lương” (đánh tá lả ăn tiền).

Công nhân sau giờ tan ca
Công nhân sau giờ tan ca
Anh Ứng cho hay, với đặc thù công việc ca kíp nên việc giỗ chạp, cưới xin anh cũng phải sắp xếp từ sớm. Nếu có cưới xin vào chủ nhật, anh còn tham dự được, còn ngày thường phải tăng ca thì nhờ bạn bè làm giúp hoặc xin nghỉ sớm. Nếu là việc người thân trong gia đình thì viết đơn xin nghỉ phép. Mỗi tháng, mỗi công nhân được nghỉ phép một ngày có tính lương. Nếu hết phép thì đành lỗi hẹn với anh em, bạn bè.
Ông Nguyễn Hữu Sơn - GĐ Trung tâm Y tế các Khu Công nghiệp tỉnh Bắc Giang cho biết: Công nhân tăng ca nhiều, thường mắc chứng rối loạn tiền đình, cơ thể hay rơi vào trạng thái lâng lâng, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn. Đây là hậu quả của việc ăn uống, ngủ nghỉ không đảm bảo giờ giấc.
Quốc Hưng
Gần đó, anh Nguyễn Văn Trường đang tranh thủ bế con ra xem đánh bóng. Trường học ĐH ngành xã hội xong không xin được việc nên đành cất tấm bằng để xin làm công nhân tại công ty nhựa ở KCN Quế Võ 1. Trước đây, hai vợ chồng cùng làm công nhân thu nhập ổn định nhưng khi có con, anh cho vợ nghỉ luôn ở nhà.
Mình anh bươn chải, tăng ca nhưng cũng cố gắng chăm vợ con được ổn định. Mấy tháng trước, anh cùng nhóm bạn họp bàn, chốt ngày giờ cho gia đình đi du lịch, nhưng rồi đành hoãn vì công ty có đơn hàng, không thể nghỉ. “Ngày nghỉ, anh em công ty có tụ tập, tôi cũng chỉ tham gia chút, hát hò ít phút rồi về ngủ nướng. Có thời gian thì bế con đi dạo ít phút. Ngay cả xem tivi, nghe nhạc, đọc báo còn không có thời gian...”, anh Trường nói.
(Còn nữa)
Theo Đức Anh (TPO)
 

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.