Những dòng sông đang bị bức tử

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Chục năm trở lại đây, những dòng sông khắp các tỉnh miền núi phía Bắc: Sông Hồng, sông Chảy, ngòi Thia, ngòi Hút và các con suối Nậm Mu, Nậm Kim, Nậm Mả, Nậm Rạng…đang quằn quoại chết dần chết mòn vì thủy điện, khai thác cát sỏi và rác thải…
Sông Hồng đoạn từ ngã ba Việt Trì ngược lên Lào Cai mùa này cạn kiệt, nhiều đoạn người ta có thể xắn quần lội qua. Nhiều khúc sông các doi cát cao như núi do các tàu hút cát sỏi và đào vàng thải ra ngổn ngang những gò đống như vừa trải qua trận hủy diệt bằng bom B52.
 
Những đống sỏi thải trên sông Hồng do “cát tặc” để lại
Ông Nguyễn Văn Dũng, người lái đò ngang trên sông Hồng từ bến đò Y Can sang thị trấn Cổ Phúc kêu trời: Mấy năm nay nước sông Hồng lên xuống thất thường, chúng tôi phải chuyến bến liên tục. Bến phía Cổ Phúc còn đỡ, bến phía Y Can phải thay đổi liên tục vì nước lên xuống thất thường, đò vướng các bãi bồi nên phải chuyển bến, mỗi lần chuyển bến cực nhọc vô cùng…
Từ ngàn đời nay, sông Hồng được gọi là sông Mẹ, bắt nguồn từ Vân Nam-Trung Quốc chảy qua vùng núi phía Bắc được bổ sung nước từ hàng ngàn con suối lớn nhỏ khiến dòng sông lúc nào cũng đầy ăm ắp nước để làm nên những mùa vàng khắp vùng châu thổ sông Hồng. Khoảng chục năm nay, những chi lưu lớn của sông Hồng như: Sông Chảy, sông Lô, sông Đà, ngòi Thia, ngòi Hút…tầng tầng lớp lớp thủy điện mọc lên, mùa lũ các nhà máy thủy điện đồng loạt xả lũ, khiến khắp nơi ngập lụt, mùa cạn các nhà máy trữ nước để phát điện giá cao vào giờ cao điểm, khiến dòng sông Hồng nước lúc lên lúc xuống.
Chỉ những đống cát sỏi ngổn ngang giữa dòng sông trước nhà, ông Giàng A Lử, người dân xã Lâm Giang than thở: Những đống cát sỏi kia do các tàu đào đãi vàng để lại. Mặc dù đã qua hai mùa nước lũ rồi, nhưng các bãi sỏi vẫn còn đó. Từ cuối năm ngoái đến giờ, tàu vàng chuyển đi người dân chúng tôi mới đỡ váng đầu. Tàu chạy suốt đêm ngày, có hôm ba bốn cái tàu đào vàng ở đây, tiếng máy chạy ầm ầm như trống đánh mang tai không tài nào chịu nổi. Bây giờ chúng đã chuyển đi rồi, đêm mới ngủ ngon…
Nhìn dòng sông Hồng mùa cạn mới thật thê thảm, nước cạn nhe, những bãi cát sỏi thải nổi lên khắp lòng sông như vừa bị con quái vật khổng lồ móc ruột, khiến dòng sông trở nên già nua, kiệt quệ như đang lên cơn giãy chết.
Đoạn sông Chảy chảy qua xã Đông Khê (Phú Thọ) và Đại Minh (Yên Bái) chỉ dài độ hơn 1 km mà có tới hai công ty khai thác cát hoạt động. Đó là Công ty CP Vật tư và xây dựng Đô Thị do tỉnh Phú Thọ cấp phép khai thác và Công ty CP khai thác chế biến Khoáng sản Trường Phát do tỉnh Yên Bái cấp phép khai thác. Từ nhiều năm nay dân kêu trời vì hàng chục chiếc tàu hút cát to như những ngôi nhà 2-3 tầng với những chiếc gầu khổng lồ vục xuống lòng sông múc cát, khiến lòng sông sâu hoắm, bờ bãi, ruộng vườn của người dân hai ven bờ ngày đêm lở ùm ùm xuống sông.
 
Hung thần trên dòng sông Chảy
Người dân sống hai bên bờ dòng sông phải đội đơn tới nhiều cấp kêu cứu, nhưng đều tuyệt vọng, vì không ai giải quyết. Kêu mãi rát họng, cùng đường người dân Đông Khê từ đầu năm đến nay mới phải dựng lều trước cửa UBND xã phản đối việc khai thác cát khiến UBND tỉnh Phú Thọ phải ban hành văn bản tạm dừng khai thác cát tại đây.
Bà Lê Thị Hòa cư trú tại thôn Quyết Tiến 12, xã Đại Minh, huyện Yên Bình tỉnh Yên Bái dẫn tôi đi xem vườn bưởi xanh tốt nói với tôi như khóc: Đất vườn nhà tôi ra tận ngoài sông kia chỗ những gốc bưởi còn lại đó, mấy trăm gốc bưởi chứ ít đâu. Vậy mà, khi những tàu hút cát về đây thì vườn bưởi nhà tôi lở dần xuống sông mỗi ngày. Đến nay nhà tôi chỉ còn vài chục gốc, thử hỏi ai không đau xót?
Anh Trần Xuân Liên bức xúc cho biết: Ba năm nay khi tàu cuốc đến khai thác cát sỏi, khiến bãi soi nhà tôi dài 100m, sâu 40-50m lở hết xuống sông. Gia đình có 8 cây bưởi cổ thụ, năm ngoái thương lái đến đặt 100 triệu đồng, gia đình phải trả lại tiền vì 5 cây trôi mất xuống sông…
Đi dọc suối Thia mùa này như đang đi trên sa mạc, chỉ toàn đá là đá bàn chân bỏng giãy. Dòng suối từ triệu năm qua đã bồi đắp lên cánh đồng Mường Lò  và một phần cánh đồng Đại Phú An. Dòng suối bây giờ đang cõng trên mình cả chục nhà máy thủy điện trên dòng suối chính và các chi lưu: Văn Chấn, Noong Phai, Trạm Tấu, Hát Lừu, Nậm Tục, Nậm Đông III, Nậm Đông IV…Mùa khô thi nhau chặn dòng, khiến dòng suối trơ đá, không một loài thủy sinh nào sống nổi.
 
Tàu đào vàng trên suối Thia
Anh Lò Văn Khuôn ở bản Noong Phai, nhà ở ngay dưới chân thủy điện Noong Phai được người dân gọi là “rái cái”. Khi chưa xây dựng các nhà máy thủy điện, chiều nào anh cũng xuống suối Thia quăng chài, chỉ đi một loáng là anh kiếm được 2-3 kg cá suối. Còn bây giờ, suối Thia đã bị thủy điện bức tử từ 3-4 năm nay rồi, dọc dòng suối chỉ còn vài vũng nước rộng vài chục mét vuông. Đó là những chiếc vực cũ là có nước. Anh Khuôn bảo tôi: Những chiếc vực này trước đây sâu hơn chục mét, nước xanh biếc, cá nhiều vô kể. Khi các nhà nhà máy thủy điện xây dựng đất đá lấp hết giờ chỉ nông đến đầu gối thôi. Hôm nay mình đi quăng chài vì buồn tay quá, chứ chả kiếm được con nào đâu…
Nói rồi anh lội xuống vũng nước dưới đập thủy lợi Năng Phai quăng chài mấy lần, nhưng chả được con cá nào. Mà làm gì còn cá nữa mà quăng? Anh nhìn tôi nói như mếu: Trên khu ruộng Nà Chai, nhà tôi có mấy đám ở đó, do đập thủy lợi này cạn nên thiếu nước, lúa cấy rồi nhưng không lên nổi bác ạ…Nói rồi anh cắm cúi đi trên dòng suối lổm ngổm đá.
Các dòng sông, dòng suối bị nạn đào đãi cát sỏi, vàng tặc và thủy điện bức tử là vậy, nhưng còn sự bức tử nữa là các nhà máy chế biến khoáng sản, lâm sản…và chính người dân xả rác thải xuống sông, suối ngày càng nặng nề hơn. Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên-Môi trường) vừa phạt Cty TNHH HAPACO Yên Sơn đã để Xí nghiệp Âu Lâu chuyên sản xuất giấy đế xuất khẩu, xả nước thải sau khi xử lý ra Ngòi Lâu có nồng độ pH là 5,26 vượt quy chuẩn kỹ thuật cho phép, với số tiền phạt là 326,532 triệu. Cty CP Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái để Nhà máy giấy Yên Bình đơn vị trực thuộc xả nước thải ra môi trường vượt 1,32 lần so với quy chuẩn kỹ thuật cho phép, số tiền phạt là 171,532 triệu.
 
Thủy điện Trạm Tấu khiến dòng Thia tắc tử
Thị tứ Ba Khe, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái mấy tháng nay những gia đình sống dọc ngòi Phà ngập chìm trong mùi hôi thối. Từ trên cầu nhìn xuống dòng suối đen đặc rác thải. Rác của khu vực Ba Khe và của thị trấn nông trường Trần Phú đều đổ xuống ngòi Phà, khiến dòng nước đen kịt. Đứng trên cầu cách mặt nước hai chục mét mà mùi hôi thối bốc lên tanh ngòm không thể nào chịu nổi. 
Viết tới đây tôi chợt nhớ hai câu thơ trong trường ca Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm “Ôi những dòng sông bắt nước từ đâu/ Mà khi về Đất Nước mình thì bắt lên thành câu hát”. Những dòng sông, dòng suối khắp vùng núi phía Bắc và trên đất nước này đã tắt tiếng hát rồi, bởi đang bị bức tử, ằng ặc chết.
 
Suối Thia biến thành sa mạc dưới nhà máy thủy điện Noong Phai
 
Những vực nước nước trên suối Thia giờ chỉ là những vũng nước nhỏ
Thái Sinh (Nông Nghiệp Việt Nam)

Có thể bạn quan tâm

Xung quanh chiến công của du kích Puih Glớ và đồng đội - Kỳ 2: Đi tìm xác chiếc máy bay bị du kích Jrai bắn rơi

Xung quanh chiến công của du kích Puih Glớ và đồng đội - Kỳ 2: Đi tìm xác chiếc máy bay bị du kích Jrai bắn rơi

(GLO)- Ngày 12-5-1970, du kích người Jrai Puih Glớ (làng Maih, xã B6, huyện 4; nay là xã Ia Hrung, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) cùng đồng đội bắn rơi chiếc máy bay trực thăng khiến hàng chục binh sĩ cấp cao của quân đội Mỹ thiệt mạng. Vậy, xác chiếc trực thăng ấy bây giờ ở đâu?
Còn lại gì sau bão Yagi?

Còn lại gì sau bão Yagi?

Khi cơn bão Yagi quét qua, nhà cửa, đường sá, cầu cống - những gì tưởng chừng kiên cố nhất cũng bị gió bão, mưa lũ cuốn phăng. Xót xa hơn, sự sống - thứ đáng quý nhất cũng bị đánh cắp trong phút chốc.
Xung quanh chiến công của du kích Puih Glớ và đồng đội - Kỳ 1: Chuyện du kích Jrai hạ trực thăng Mỹ

Xung quanh chiến công của du kích Puih Glớ và đồng đội - Kỳ 1: Du kích Jrai hạ trực thăng chở 2 tướng Mỹ

(GLO)- Hơn nửa thế kỷ trôi qua nhưng câu chuyện về du kích Puih Glớ (làng Maih, xã B6, huyện 4; nay là xã Ia Hrung, huyện Ia Grai) cùng đồng đội bắn rơi máy bay quân sự Mỹ ngay tại quê hương mình vẫn được nhiều người cao tuổi trong vùng nhắc nhớ và được nhiều tài liệu lịch sử chính thống ghi nhận.

Giữa mùa mưa kể chuyện… đảo 'khát'

Giữa mùa mưa kể chuyện… đảo 'khát'

Do cấu tạo địa chất đặc biệt nên đảo Bé không tích tụ được mạch nước ngầm, người dân trên đảo phải dùng lu, bể... để hứng nước mưa dùng vào sinh hoạt. Hàng trăm năm qua, cộng đồng nhỏ bé hơn 500 người ấy tồn tại giữa biển khơi như một cuộc thi gan cùng tạo hóa.
Lặng thầm cống hiến nơi phên giậu Tổ quốc

Lặng thầm cống hiến nơi phên giậu Tổ quốc

(GLO)- Dẫu có những quãng ngắt do sóng chập chờn nhưng cuộc điện thoại với người thân trong gia đình mỗi buổi tối là “liều thuốc tinh thần” để cán bộ, chiến sĩ tại các chốt của Đồn Biên phòng Ia Lốp (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) vượt qua khó khăn, lặng thầm cống hiến nơi phên giậu Tổ quốc.
'Ba cùng' đổi thay vùng đất khó - Bài cuối: Ấm áp dưới tán rừng U Minh Hạ

'Ba cùng' đổi thay vùng đất khó - Bài cuối: Ấm áp dưới tán rừng U Minh Hạ

Tạm gác lại những công việc hàng ngày của mỗi cá nhân, những sinh viên tình nguyện hè của Trường Đại học Tây Đô (Cần Thơ), cùng nhau lên đường về với vùng đất thiêng liêng U Minh Hạ, để cùng ăn, cùng sống và cùng góp sức trẻ thể hiện phong trào “sinh viên 5 tốt”, cống hiến và trưởng thành.
Tấm lòng người làm lồng đèn truyền thống

Tấm lòng người làm lồng đèn truyền thống

Sau những gian hàng lồng đèn ồn ào, tấp nập mùa Trung thu là bao năm thao thức thầm lặng của các nghệ nhân, miệt mài, tỉ mỉ với từng công đoạn để thế hệ nào cũng có ký ức đẹp về những đêm trăng vàng với chiếc lồng đèn truyền thống rực rỡ trên tay.