Những cuộc đời ven kênh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Từ bao đời nay, trên các nhánh sông Sài Gòn từng có những xóm làng ven kênh, họ sống đời cha nối tiếp đời con. Đó là những xóm kênh hay dân bờ kè gắn liền với cuộc đời và số phận thăng trầm cùng các dòng sông, bờ kênh của thành phố...

Khi dòng kênh “thay áo”

Những ngày nắng đổ lửa ở TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Minh Thành (75 tuổi, ngụ phường 17, quận Bình Thạnh) thường ra bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè trên đường Trường Sa phía quận 3 để hóng mát. Con kênh đã gắn bó với tuổi thơ của ông, đã chứng kiến những biến thiên của lịch sử thành phố. Ông Thành kể, hai bên bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè trước năm 1975 chưa có nhiều cư dân sinh sống, chỉ vài căn nhà mọc ven kênh. Ngày ấy, dòng kênh dài và rộng, nước trong, đứng trên bờ nhìn thấy được cả cá bơi tung tăng dưới nước, đêm nghe cá búng nước, đớp mồi râm ran. Đến mùa trăng lên, triều cường cũng dâng cao, ghe thuyền từ miền Đông vào đầy ắp hàng gốm sứ, ngói Đồng Nai, Biên Hòa tươi rói...

Bên bờ kênh chỉ còn lại đống tro tàn sau vụ hỏa hoạn.

Bên bờ kênh chỉ còn lại đống tro tàn sau vụ hỏa hoạn.

Ngày đó, người Nhiêu Lộc còn lấy nước kênh để nấu cơm, đun nước uống; ông Thành cùng bao lứa thanh niên vẫn tắm trên kênh sau mỗi giờ lao động, cái mệt mỏi bỗng tan biến đi đâu hết. Sau ngày đất nước giải phóng, xã hội mở cửa, người từ khắp nơi đổ dồn về thành phố mưu sinh, lập nghiệp. Những xóm ven kênh ngày một đông đúc và theo quy luật, mọi thứ nguyên thủy sẽ xả trực tiếp xuống dòng kênh. Chỉ trong 10 năm, dòng Nhiêu Lộc bị lãng quên, “ngắc ngoải” với căn bệnh ô nhiễm trầm kha. Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè kêu cứu. Người sống hai bên bờ cũng kêu cứu.

Trong ký ức của ông Thành và những người sống cả cuộc đời bên dòng Nhiêu Lộc - Thị Nghè, sẽ chẳng bao giờ quên cái ngày dòng kênh được hồi sinh vào năm 2002. Khi ấy, chính quyền thành phố quyết tâm triển khai dự án được thiết kế nhằm xóa đi dòng kênh đen Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Các kỹ sư của dự án phải xây hệ thống cống ngầm thu gom nước thải phía dưới kênh dài 8 km, cống có đường kính 3 m nhằm tăng khả năng thoát nước; đồng thời gia cố bờ kênh và lắp đặt 60 km cống thu nước thải. Một nhịp sống văn minh, sạch đẹp đã trở lại với người dân hai bên bờ kênh. Những cuộc đua thuyền truyền thống được tổ chức, người dân đã có thể vui vẻ bơi lội trên dòng kênh từng được mệnh danh là con kênh bẩn nhất TP Hồ Chí Minh, dòng kênh chết... Dân xóm kênh chia sẻ, có nằm mơ, họ cũng không nghĩ một ngày được xem đua thuyền, các hoạt động dưới nước ngay trước nhà mình.

Ông Trần Văn Dũng nghẹn ngào kể lại những kỷ niệm hơn 30 năm sống trong căn nhà bên dòng kênh Đôi.

Ông Trần Văn Dũng nghẹn ngào kể lại những kỷ niệm hơn 30 năm sống trong căn nhà bên dòng kênh Đôi.

Dân ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè bây giờ trở thành khu nhà giàu, xóm văn minh hiện đại. Đó là điểm sáng để các xóm ven kênh như Tàu Hủ, kênh Tẻ, rạch Xuyên Tâm, rạch Văn Thánh, kênh Tham Lương - Bến Cát, rạch Nước Lên, kênh Hy Vọng... mong chờ một ngày có thể đổi đời ngay trên chính dòng kênh đen.

Cải tạo các dòng kênh, hồi sinh con nước là công việc lâu dài, đầy khó khăn và phức tạp. Trong những tháng ngày chờ “sông xanh, đường đẹp”, bà con xóm kênh vẫn hối hả mưu sinh và nhẫn nại sống trong những căn nhà “hộp tôn” thấm dột khi mưa và nóng đổ lửa khi nắng.

Nỗi buồn xóm kênh

Những ngày này, thời tiết tại TP Hồ Chí Minh lên tới 36-38 độ, cái nóng như rang người, nhưng dân xóm kênh vẫn phải ra đường lao động chân tay. Anh Nguyễn Văn Hiền (38 tuổi, ngụ xóm kênh Đôi) làm nghề xe ôm công nghệ cho biết, để tránh cái nóng gắt, anh thường đi làm lúc 5 giờ sáng, đến tầm 11 giờ trưa thì ghé vào quán cà phê máy lạnh trốn nắng khoảng 2 tiếng rồi tiếp tục ra đường. “Ở ngoài đường đã nóng, nhưng về nhà thì như cái lò bát quái vì nhà làm bằng tôn, trần lại thấp. Phải đến 9 giờ tối tôi mới về để nghỉ ngơi và ngủ. Dân xóm kênh hầu như ai cũng vậy. Người già và trẻ nhỏ không đi làm thì cả ngày trốn ở siêu thị hoặc khu vui chơi có máy lạnh”, anh cho biết.

Nhà của anh Hiền có 5 nhân khẩu, gồm cha mẹ, vợ chồng anh Hiền và con gái đã sống ở xóm kênh trên 30 năm. Căn nhà được cha anh Hiền mua lại từ một bạn hàng thời ông đi thương hồ. Suốt bao năm, cả gia đình sống trong diện tích 35 m2 bít bùng bởi các lớp tôn. Khi có chút tiền muốn xây mới hoặc sửa chữa lại cũng không được vì nhà nằm trong quy hoạch, thuộc diện giải tỏa của dự án làm sạch kênh Đôi, đường Phạm Thế Hiển (quận 8).

Bà con bên dòng kênh bao năm vẫn luôn mong chờ một dòng sông xanh sạch, không còn mùi hôi thối, ngập rác mỗi khi triều lên, mưa đổ. Họ chấp nhận di dời theo kế hoạch của thành phố. Như đã nói, để “hồi sinh” được một dòng kênh đã ô nhiễm, nước đen đặc là một chặng đường trường chinh, đôi khi trải dài qua những năm tháng đời người.

Bà Nguyễn Thị Láng thất thần trở lại căn nhà cũ đã bị lửa thiêu rụi.

Bà Nguyễn Thị Láng thất thần trở lại căn nhà cũ đã bị lửa thiêu rụi.

Thời gian chờ đợi là một thử thách, nhưng thật nghiệt ngã, xóm kênh Đôi bên nhánh sông Sài Gòn tối 1/4 đã bị “bà hỏa” ghé thăm và thiêu rụi. Gia tài bà con tích góp bao nhiêu năm tan thành khói bụi. Ngọn lửa bùng lên, nhanh đến mức chẳng ai kịp vơ lấy thứ gì, phải bỏ cả dép để chạy thoát thân.

Đến hôm nay, bà Nguyễn Thị Láng (73 tuổi) vẫn còn thất thần, hoảng loạn khi nhớ lại vụ cháy. Căn nhà của bà Láng, nơi sinh sống của 7 người trong gia đình trên 30 năm nay. Biết bao ký ức ở đó, bên dòng kênh Đôi chiều chiều ngó lục bình trôi, ngắm những chiếc thuyền chở đầy hoa trái từ miệt vườn Bến Tre lên thành phố. Sau khi tháo chạy thoát thân, gia đình bà Láng được chính quyền hỗ trợ ở tạm phòng trọ. Ngày hôm sau, bà lọ mọ trở lại thì bàng hoàng khi thấy chẳng còn thứ gì ngoài đống tro tàn nơi căn nhà của mình.

Bà Láng kể, khoảng 19h30 tối 1/4, bà cùng chồng đang xem tivi thì bất ngờ thấy khói lửa lan qua kẽ hở trên vách nhà từ xưởng gỗ bên cạnh. Trong tích tắc lửa bùng lên khiến vách gỗ cháy phừng phực. Luống cuống và hoảng loạn, bà ôm lấy nồi cơm điện ở gần tầm tay nhất chạy ra ngoài, còn chồng thì vơ được cái máy tính của cháu ngoại.

“Dù tiếc của nhưng lửa cháy quá nhanh, vợ chồng tôi chỉ kịp chạy thoát thân ra ngoài. Căn nhà rộng 50 m2, vách gỗ, lợp tôn ngăn thành 3 phòng ngủ nhanh chóng chìm trong biển lửa. Đây là nơi vợ chồng tôi gắn bó từ năm 1992 khi từ An Giang lên TP Hồ Chí Minh trông coi kho xưởng. Con trai, con gái lập gia đình cũng về đây sống, nay thì trắng tay rồi”, bà Láng nghẹn ngào.

Chính quyền thành phố thường xuyên chăm sóc, cải tạo để Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè trở nên xanh, sạch.

Chính quyền thành phố thường xuyên chăm sóc, cải tạo để Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè trở nên xanh, sạch.

Cùng hoàn cảnh chẳng còn nhà để về là hộ bà Lê Thị Thái Phương (49 tuổi), ở phòng trọ cạnh gia đình bà Láng. Trong đêm lửa cháy rực trời ấy, vợ chồng bà Phương chỉ biết chạy thoát thân, họ không kịp mang theo bất cứ thứ gì trong nhà. Cậu con trai 20 tuổi của bà Phương nhanh tay gom được mớ sách vở và ôm theo cái tivi. Tất cả chỉ có thế, còn lại mất hết.

Căn nhà cấp 4 ven dòng kênh Đôi của vợ chồng bà Phương được người chị chồng cho ở nhờ từ hơn 20 năm trước. Dù nhà xuống cấp, mái tôn mục nát, nắng như đổ trên đầu, mưa lại thấm dột nhưng nó chứa bao nhiêu là kỷ niệm của đôi vợ chồng từ ngày mới lấy nhau.

Chồng bà Phương bị bệnh tim và tiểu đường không thể lao động, con trai hiện là sinh viên năm 2 nên mọi gánh vác gia đình đều một vai bà Phương. Cũng giống như bao gia đình ở xóm kênh Đôi, bà Phương làm nghề buôn bán gỗ. Hằng ngày, bà đi mua tủ gỗ, cửa gỗ với giá vài trăm nghìn rồi mang về nhà để bán dần. Ngọn lửa cháy lan khiến phần lớn hàng hóa của bà bị hư hỏng, hầu hết đồ điện gia dụng cháy rụi. Căn nhà bà ở nằm trong dự án cải tạo kênh nhưng chưa ấn định ngày di dời. Vì cơ sở để buôn bán đã cháy hết, rất khó làm lại từ đầu nên bà Phương dự định về quê Tiền Giang tìm việc khác kiếm sống, lo cho gia đình.

Bà con quay về nhặt nhạnh những thứ còn sót lại.

Bà con quay về nhặt nhạnh những thứ còn sót lại.

Những mảnh đời bên dòng kênh Đôi vốn bao năm bươn chải mưu sinh, gắn bó chờ đợi ngày di dời thì nay “bà Hỏa” buộc họ phải từ giã mái nhà. Chỉ trong chớp mắt, toàn bộ gia sản của ông Trần Văn Dũng (75 tuổi), tích góp cả đời nay biến thành tro bụi. “Ngọn lửa bốc cháy dữ dội, lúc đó tôi vừa tắm xong nên còn kịp mặc theo cái áo. Thằng cháu đang xem tivi chỉ kịp cầm theo chiếc điện thoại rồi chạy”, ông Dũng kể.

Sống bên dòng kênh Đôi đa phần là dân lao động nghèo, nhưng tình làng nghĩa xóm thì luôn đong đầy, mọi người gần gũi, cưu mang, giúp đỡ nhau. Nghe tin người mất nhà, mất của, bà con dọc theo dòng kênh Đôi, bên kia kênh Tàu Hũ đã thăm hỏi, động viên, gom quần áo cũ, đồ dùng sinh hoạt mang tặng các gia đình bị nạn. Họ chia sẻ với nhau ân tình đã được hun đúc từ những ngày đầu tiên về xóm kênh lập nghiệp.

Theo báo cáo của Công an Quận 8, vụ cháy xuất phát từ bãi chứa vật liệu gỗ cũ nằm phía sau dãy nhà ven kênh Đôi. Khi đó kho không có người trông coi, lửa bén vào vật liệu dễ cháy đã bùng lên dữ dội, lan sang các căn bên cạnh. Gần 100 người cùng ca nô được huy động để dập lửa trong khoảng một giờ thì khống chế, ngăn cháy lan.

UBND Quận 8 thông tin, vụ hỏa hoạn khiến nhiều tài sản, đồ dùng của các hộ dân bị cháy thành than, mái tôn, tường bê tông đổ sụp. Khu nhà cháy nằm trong dự án cải tạo, chỉnh trang đô thị trên kênh Đôi. Sự cố khiến 9 hộ dân với 26 nhân khẩu ảnh hưởng. Ông Phạm Quang Tú, Phó Chủ tịch UBND Quận 8 cho biết, địa phương từng kiểm tra khu vực này trước khi cháy và đã nhắc nhở, xử phạt các cơ sở sản xuất tập kết vật liệu gỗ cũ do vi phạm phòng cháy. Khu vực này ven sông, hẻm nhỏ nên công tác chữa cháy ban đầu gặp khó khăn.

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.