Những cung trầm giữa đại ngàn: Ám ảnh 'ma rừng'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đồng bào các dân tộc thiểu số thường giỏi săn bắt con thú trong rừng, giỏi làm rẫy, đến khi ngã bệnh họ đều đổ cho “ma rừng”. Cách chữa bệnh phổ biến là chuẩn bị lễ vật mời thầy về cúng. Bây giờ “ma rừng” đã không còn, gần như xóa bỏ được một hủ tục khỏi tâm thức bà con dân tộc. Tuy nhiên chuyện “ma rừng” vẫn có quá nhiều điều để kể.
 
Xã Dur Kmăl giờ đường bê tông vào tận các buôn
Hủ tục
Lẩn khuất giữa khu rừng, rẫy điều là buôn làng của đồng bào Ê Đê  (xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk). Giữa trưa hơi nóng phả lên từ nền bê tông hầm hập, chúng tôi tạt vào nhà văn hóa cộng đồng đầu buôn đang lúc những đứa trẻ chơi đùa, bà con ngồi nói chuyện về việc tiêm chủng.
Già Ma Nem nói rằng: Khoảng 5 năm trở lại đây bà con đã nhận thức được việc tiêm phòng. Các trạm y tế xã trước đây ít người lui tới bao nhiêu thì giờ đông bấy nhiêu.  Cách đây hơn 30 năm, Dur Kmăl như một ốc đảo hoang vu, cách trở về địa lý. Cuộc sống rất khó khăn. Hồi đó, khi bị bệnh tật đồng bào tin rằng đó là do con ma rừng. Vì thế dù cái ăn còn khó nhưng hễ có người đau bệnh, việc đầu tiên là người nhà đi coi bói rồi thuê thầy, sắm lễ cúng đuổi chúng đi. Bệnh nhẹ thì giết con gà, con heo, bệnh nặng thì giết con trâu, con bò. Thầy cúng bảo sao nghe vậy, phó thác hoàn toàn sinh mạng người bệnh vào việc cúng bái. Chỉ khi các thầy đã cúng bái mấy ngày, heo bò đã bị giết hết mà bệnh không khỏi, người nhà mới chịu đi bác sĩ.
Chị H’Lác kể lại: Trước đây giống như bà con trong buôn, khi mẹ chị bị bệnh gia đình đi coi và thầy phán bị ma lai phải làm lễ cúng mới giải được. Theo lời thầy, gia đình về đốt 1 con bò, mua 3 ché rượu cúng vái. Nhưng bệnh của mẹ vẫn không khỏi thậm chí còn nặng thêm, đến khi được động viên để nhân viên y tế khám, điều trị cho uống thuốc bệnh tình mới thuyên giảm.
Những truyền thuyết về ma rừng khiến cuộc sống của họ bị ảnh hưởng nặng nề. Nỗi khiếp sợ ấy càng tăng thêm bội phần khi họ tự lý giải sự việc xung quanh mình do ma khiến. Từ vật nuôi chết đến người đau ốm, mất tích đều quy do ma rừng làm. Chính vì vậy họ rất sợ nói chuyện với người lạ vì ý nghĩ sợ ma rừng dưới lốt người nhập vào. Tiếp tục kể về nỗi ám ảnh ma rừng, già tiếp: Ngày đó, có 2 bố con ở buôn Krông lần lượt bị chó dại cắn. Họ muốn làm đẹp lòng con ma nên âm thầm tự cúng, cán bộ y tế đến nhà vận động khuyên giải đi tiêm nhưng lực bất tòng tâm bởi với họ mọi chuyện xảy ra đều là ý muốn của ma rừng. Sau khi ông bố qua đời trong cơn co giật thê thảm mấy ngày thì đến lượt người con bị chó cắn. Lần này cán bộ cũng phải giải thích, động viên mãi gia đình mới đồng ý đưa con đến trạm y tế để tiêm phòng dại.
 
Chị Tuyết hướng dẫn trồng và sử dụng cây thuốc nam
Cuộc chiến với ma rừng
Ngày ở buôn làng chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện khác về ma rừng. Người dân ở đây tin rằng có một thế lực siêu nhiên luôn tồn tại trong những cánh rừng già, người sống phải làm theo ý của ma bằng không sẽ gặp tai ương. Có người phụ nữ ở buôn Dur Kmăl (SN 1982) mang thai 7 lần, lần nào chị sinh con ra bé cũng chỉ sống được ít hôm là mất. Người ta nghĩ đó là do ma rừng bắt đi. Họ hàng nói rằng, “Tại nó không biết giữ phong tục nên mới bị con ma bắt, nhà phải cúng cho nó rồi ma sẽ trả lại thôi”. Chỉ đến khi chị mang thai lần thứ 8, gia đình mới chịu nghe theo lời vận động, động viên của cán bộ y tế đến trạm xá để sinh con.
Trong vườn cây thuốc nam ở trạm y tế xã Dur Kmăl, Phó trạm trưởng trạm y tế xã Lê Thị Ánh Tuyết đang hái lá thuốc hướng dẫn cho bà con về trồng. Trò chuyện cùng chị chúng tôi hiểu thêm cuộc chiến với những hủ tục giành giật sự sống cho bệnh nhân cách đây hơn 10 năm là chuyện thường ngày với thầy thuốc vùng sâu. Tất cả bệnh tật bà con đồng bào đều bảo do ma rừng, nên họ tin thầy cúng hơn cán bộ y tế. Các y, bác sĩ bất chấp nắng mưa, ngày đêm, cùng ăn ở giúp đỡ người dân lúc khó khăn để tạo lòng tin. Do bất đồng ngôn ngữ nên mỗi lần muốn chữa bệnh cho dân phải có người đi theo làm phiên dịch để vận động họ. Được bà con tin tưởng chẳng dễ dàng gì. Nhiều ca bệnh được điều trị khỏi, người dân lại cho rằng lúc cán bộ y tế đến con ma đi vắng không bắt nên người bệnh bình thường chứ chẳng phải do được uống thuốc.
Trước đây cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều thiếu thốn, ăn ở chưa hợp vệ sinh nên dịch bệnh thường xuyên xảy ra. Sống ở chốn rừng thiêng nước độc, mắc bệnh sốt rét, thương hàn hay các bệnh tiêu chảy người dân nghĩ do ma rừng nên chỉ biết mời thầy về cúng để quyết định sống chết. Bệnh hiểm nghèo chết đã đành, có những căn bệnh đơn giản cũng có thể cướp đi mạng sống con người.  Phải qua hàng trăm ca bệnh được chữa khỏi người dân bắt đầu có thiện cảm với cán bộ y tế.
Cả làng đã dần bỏ được hủ tục này chỉ vì một câu chuyện thực rất thuyết phục: Đồng bào quan niệm rằng con sinh ra sống thì nuôi, chết thì chôn, nên việc tiêm phòng cho trẻ con và phụ nữ mang thai là một điều xa lạ trong tâm thức của họ. Năm 2015, có một ca bị viêm não Nhật Bản ở buôn Kmăl, cô gái lúc này đã 19 tuổi. May mắn là gia đình cô khá giả nên đưa xuống bệnh viện ở thành phố Hồ Chí Minh để chữa trị và cứu được mạng sống. Từ đó bà con trong buôn ý thức hơn trong việc tiêm phòng cho trẻ và họ chịu khó lắng nghe tuyên truyền vận động của cán bộ y tế.
Chị H’Rung (buôn Kmăl) cho biết: Mình mang thai tháng thứ 5 rồi, hôm nay mình đi khám thai định kỳ ở trạm y tế xã. Mình cũng tiêm phòng đầy đủ khi mang thai. Bây giờ nhà mình ai có bệnh đều đến trạm y tế để được khám và cho thuốc chứ không cúng nữa.
Già Ma Nem chia sẻ: Ngày trước các y bác sĩ phải băng rừng vượt suối, bất chấp nắng mưa để đến tận nhà người bệnh nhưng bây giờ hết rồi. Ở Dur Kmăl bây giờ con ma rừng đã thực sự không còn. Người dân không chỉ tìm đến cán bộ y tế khi có bệnh mà họ còn ý thức trong việc phòng bệnh. Những y bác sĩ nơi xã vùng sâu này họ không thể nhớ phải mất bao nhiêu thời gian để đuổi ma. Họ đã trải qua biết bao gian nan, bền gan, vững chí mới giác ngộ được cho dân bản.

(Còn nữa)

Nguyên Thảo (TP)

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.