Những cột mốc biên cương - Bài 3: Gieo chữ miền biên ải

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cùng với những người lính biên phòng, ở đâu có thôn bản trên tuyến đầu biên giới, ở đó có những giáo viên. Hầu hết họ từ miền xuôi lên đây công tác.
Có người đã liên tục 7 - 8 năm dạy học vùng biên ải này. Xa gia đình, đi lại khó khăn, điều kiện ăn ở thiếu thốn, nhưng ở họ luôn tỏa sáng niềm vui khi đứng lớp, hòa cùng tiếng cười của con trẻ nơi đây. Với mô hình “Con nuôi đồn biên phòng”, nhiều người lính biên phòng đang là những người thầy, người cha của nhiều em nhỏ vùng cao có hoàn cảnh khó khăn, được đồng bào dân tộc tin yêu, cảm phục. 

Trung úy Nguyễn Quốc Hiệp đang hướng dẫn Sùng A Tủ học ở Đồn Biên phòng Trịnh Tường. Ảnh GIA KHÁNH
Trung úy Nguyễn Quốc Hiệp đang hướng dẫn Sùng A Tủ học ở Đồn Biên phòng Trịnh Tường. Ảnh GIA KHÁNH

“Người cha” mang quân hàm xanh

Sau bữa tối, căn phòng nhỏ trong khuôn viên Đồn biên phòng Trịnh Tường (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) của Trung úy Nguyễn Quốc Hiệp lại sáng đèn với tiếng trẻ nhỏ đọc bài “ê, a…”. Hơn 17 năm gắn bó với quân ngũ, làm nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho bộ đội và nhân dân địa phương, hơn 1 năm nay Trung úy Hiệp kiêm thêm nhiệm vụ của người thầy, người cha. Đó là khi Đồn biên phòng Trịnh Tường thực hiện mô hình “Con nuôi đồn biên phòng” với việc nhận chăm nuôi, lo ăn học 2 cháu nhỏ người dân tộc Mông ở địa phương là Sùng A Tủ (lớp 9, Trường PTDT bán trú Trịnh Tường) và Tẩn Chí Dũng (lớp 2, Trường Tiểu học Trịnh Tường). 
Nhà ở thôn Tùng Chỉn 3, xã Trịnh Tường - nơi đã từng phải chịu trận lũ quét khủng khiếp cách đây hơn 10 năm, bố không may mất sớm trong vụ tai nạn cuối năm 2018, hoàn cảnh gia đình Tẩn Chí Dũng vô cùng khó khăn. Em được các chiến sĩ Đồn biên phòng Trịnh Tường nhận về làm “con nuôi đồn biên phòng” từ tháng 9-2019. Trong khi đó, hoàn cảnh gia đình của Sùng A Tủ ở thôn Tôn Câu Liềng, xã Cốc Mỳ cũng rất éo le, nên khi em được đồn nhận làm “con nuôi”, những người thân của em cảm thấy vô cùng may mắn và xúc động trước tình cảm, sự giúp đỡ của các chú bộ đội biên phòng. “Những buổi đầu tiên mới lên đồn, sinh hoạt trong môi trường mới, các em nhỏ rất nhớ nhà và bỡ ngỡ. Với sự quan tâm chăm sóc, dạy dỗ, yêu thương của tất cả cán bộ, anh em chiến sĩ trong đồn, các cháu ngày một mạnh dạn, hòa đồng, tự tin và thành tích học tập cũng tốt hơn”, Trung úy Hiệp chia sẻ. 
Thăm nơi ăn ở của 2 cháu Tủ và Dũng tại Đồn biên phòng Trịnh Tường, chúng tôi cảm nhận được sự quan tâm, công sức, tình cảm cán bộ, chiến sĩ của đồn dành cho 2 “người lính nhí” rất lớn lao. Trong căn phòng nhỏ ấm áp, sạch sẽ, góc học tập được các em sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp; chăn, màn được gấp vuông vắn, những bộ đồng phục học sinh được treo ngay ngắn. Hàng ngày, vào lúc 5 giờ 30 phút, khi kèn báo thức của đơn vị vang lên, cũng là lúc các em thức dậy cùng các chú bộ đội đánh răng rửa mặt, tập thể dục, quét dọn nhà cửa, sân vườn, rồi ăn sáng và sau đó được các chú đưa đến trường học. Buổi chiều sau khi được đón từ trường về, Tủ và Dũng lại sinh hoạt theo hiệu lệnh của đồn. “Gia đình mình ở Duy Tiên, Hà Nam có 2 cháu, đứa lớn năm nay 7 tuổi, đứa bé mới lên 5. Khi được chỉ huy giao nhiệm vụ trông nom, chăm sóc Dũng và Tủ, tôi coi các cháu như con đẻ của mình và cảm thấy rất vui vì ở đồn cũng có “con” ở cùng để chuyện trò, dạy bảo”, Trung úy Hiệp tâm sự.   
Theo Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Lào Cai, hiện nay tất cả 11 đồn biên phòng trên địa bàn đều đã nhận “con nuôi”. Các em được hỗ trợ chỗ ăn ở, đồ dùng học tập, mua sắm quần áo và vật dụng sinh hoạt hàng ngày. Điều này sẽ giúp đỡ nhiều em nhỏ vùng biên có thêm điều kiện đến trường, tăng cường tình đoàn kết, gắn bó giữa cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng với người dân nơi vùng cao biên giới, góp phần xây dựng nền biên phòng toàn dân vững chắc.
Những “bóng hồng” xa nhà, cắm bản
Từ cột cờ Lũng Pô, ngược suối Lũng Pô, vượt chặng đường núi gập ghềnh, quanh co chừng 4km là tới điểm trường Lũng Pô (xã A Mú Sung, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai). Điểm trường được xây dựng trên một quả đồi, ngay giữa thôn Lũng Pô, là công trình được tuổi trẻ Lào Cai xây dựng. Tại điểm trường có 2 dãy nhà cấp 4 rộng rãi, khang trang, sạch sẽ. Phía trước các dãy nhà là sân chơi của học sinh rực rỡ nhiều hoa tươi và một số thiết bị đồ chơi. Các em nhỏ tại đây rất tự tin, vui vẻ và lễ phép khi trò chuyện với người lớn. 

Cô giáo Nguyễn Thị Vệ và học trò ở điểm trường Lũng Pô 2. Ảnh: GIA KHÁNH
Cô giáo Nguyễn Thị Vệ và học trò ở điểm trường Lũng Pô 2. Ảnh: GIA KHÁNH
Chia sẻ với chúng tôi, cô giáo Nguyễn Thị Vệ (49 tuổi, quê huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) cho biết, cả điểm trường có 4 cô phụ trách 1 lớp 1 với 12 học sinh, 1 lớp ghép 2+3 với 18 học sinh và 1 lớp mẫu giáo với 33 học sinh 2 - 5 tuổi. Các cháu đều là con em của các gia đình người Mông, Dao ở thôn Lũng Pô 1 và 2. Hàng ngày, các cháu được cha mẹ đưa tới trường để các cô dạy chữ và trông nom, chăm sóc, tới chiều thì gia đình đón về. Còn 4 cô giáo ở lại sinh hoạt ngay tại điểm trường do gia đình rất xa. Chỗ ăn ngủ của các cô là một phần trường học được ngăn lại, góc có bếp, 2 cái giường tầng với mấy tấm vải ngăn vách… 
Nhìn các học sinh nhỏ tuổi người dân tộc chăm chú học bài, ngoan ngoãn và khỏe khoắn, chúng tôi hiểu rằng các thầy cô nơi đây đã phải chấp nhận nhiều thiệt thòi, vất vả, thậm chí từ bỏ rất nhiều nhu cầu cá nhân, chấp nhận xa chồng con để dành hết tâm huyết, tình cảm với học trò của mình. Cô Vệ đã có 25 năm gắn bó với bảng đen, phấn trắng ở vùng cao Lào Cai. Do đường sá xa xôi cách trở, mỗi tháng cô chỉ có thể về nhà với chồng con 1 - 2 lần. “Ở trên này không chỉ đường đi lại khó khăn mà còn thiếu thốn rất nhiều, nhất là tình cảm gia đình, nhưng bù lại các con rất chăm ngoan, cố gắng học tập nên chúng tôi luôn lấy đó làm động lực động viên bản thân mỗi khi nhớ nhà”, cô Vệ tâm sự. 
Tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú, tiểu học Y Tý (xã Y Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai), cô giáo Lự Thị Kiều (quê huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai) cho biết, bản thân làm nghề dạy học được 7 năm và gắn bó trọn vẹn với điểm trường này. Quá trình công tác, cô và các đồng nghiệp luôn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền xã, sự quan tâm về vật chất của bộ đội biên phòng đóng trên địa bàn. Những năm gần đây, nhờ sự tuyên truyền tốt của chính quyền và bộ đội biên phòng nên trình độ dân trí, nhận thức của đồng bào các dân tộc được nâng lên, từ đó vấn đề cho con tới trường đã cơ bản được khắc phục. 
Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Vân cũng đã gắn bó với học sinh ở đây hơn 8 năm. Tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Lào Cai, cô Vân tình nguyện lên với học sinh nơi đây vì biết học sinh trên này còn nhiều khó khăn. Tuổi trẻ dấn thân luôn là điều mà nhiều giáo viên mới tốt nghiệp nghĩ tới, cô Vân cho biết. Khi cô mới nhận nhiệm vụ ở đây, vận động con em dân tộc tới lớp luôn là thách thức. Đó là quãng thời gian thực sự khó khăn. Mặc dù đường sá đi lại xa xôi nhưng vì học sinh thân yêu, cô và các đồng nghiệp đã động viên nhau gắn bó ở lại để dạy học, mong các em không ai còn mù chữ. 
Các thầy cô ở Y Tý hầu hết ở tập thể trường, sống xa gia đình. Cuối tuần, có khi cả tháng mới về thăm nhà 1 lần. Cũng như ở A Mú Sung, họ chủ động chạy xe máy về thăm nhà và quay lại trường, dù cung đường từ Y Tý về xuôi còn khó khăn, nguy hiểm gấp bội từ A Mú Sung. “Đường đi khó khăn, vất vả, xa xôi, nhưng anh chị em giáo viên đều đi lại bằng xe máy để chủ động thời gian, không phụ thuộc vào xe khách. Nhờ vậy, cuối tuần dạy xong, lo cho học sinh xong còn kịp về nhà thăm chồng con, rồi đầu tuần lại kịp lên để đứng lớp...”, cô giáo Hoàng Thị Phượng, Trường Mầm non Y Tý (nhà ở Bảo Thắng, Lào Cai, cách trường hơn 120km), 7 năm liên tục công tác ở đây, tâm sự.
Tại trường Phổ thông dân tộc bán trú, tiểu học Y Tý, chúng tôi gặp chị Trần Anh Thư (29 tuổi, ở Bạc Liêu) là tình nguyện viên dạy tiếng Anh cho học sinh nơi đây. Thư vốn là nhân viên nhà hàng, làm du lịch ở Côn Đảo, tham gia nhóm tình nguyện Cầu Vồng trên mạng. Muốn thay đổi, khám phá, nên Thư đã tình nguyện lên Y Tý dạy tiếng Anh miễn phí. “Lần đầu lên đây, nên cái gì mình cũng thấy bỡ ngỡ. Mấy hôm đầu trời lạnh quá, tưởng mình không làm được gì. Nhưng rồi cũng quen. Các em học sinh dân tộc rất dễ thương, chăm học. Mình rất ấn tượng về quang cảnh, mây trời nơi đây và rất mê sắc màu, vẻ đẹp của hoa đỗ quyên… ”, Thư tâm sự cùng nụ cười trong trẻo.
Y Tý không còn lạ lẫm và xa xôi với mọi người.
TRẦN LƯU - QUỐC KHÁNH - ĐỖ TRUNG (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.