Những con đường Phố núi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tôi có sở thích rất lạ là dạo quanh những con đường ở Pleiku vào sớm mai, khi những giọt sương còn đọng trên lá, khi hơi lạnh của đêm qua còn lẩn khuất. Co ro trong chiếc áo ấm, tôi đi dạo trong không khí trong lành của sáng tinh mơ.
Trong phố, những hàng cây gầy guộc, trơ trụi lá ngày nào nay đã vươn mình vạm vỡ, khoe tàng lá xanh mướt cùng chồi non lộc biếc của mùa xuân. Pleiku có một vài con đường đẹp ngây ngất như đường Đoàn Thị Điểm, Huỳnh Thúc Kháng, Tăng Bạt Hổ… với hai hàng cây tỏa bóng xanh mát quanh năm. Dù nằm ngay trung tâm thành phố nhưng chúng vẫn đầy vẻ dịu dàng, trầm mặc và cổ kính. Đường Nguyễn Du thì mang trong mình trọng trách như là một chứng nhân lịch sử với hàng cây có tuổi đời lên đến cả trăm năm, như những cụ già đứng tĩnh tại nhìn con cháu lớn khôn. Sáng sớm đi qua đây, chúng ta sẽ bắt gặp những chuyến xe chở rau vội vã trở về sau đêm chợ đông đúc. Họ đi về cho kịp chuyến hàng ở một vài khu phố nhỏ. Mùi nước phở thơm nức mũi của những hàng ăn buổi sáng đã chuẩn bị chào đón những người khách quen trước một ngày làm việc bận rộn, khiến ai đi ngang cũng thấy rộn ràng.
 Đường Hoàng Hoa Thám (TP. Pleiku). Ảnh: K.N.B
Đường Hoàng Hoa Thám (TP. Pleiku). Ảnh: K.N.B
Một đoạn ngắn trên đường Nguyễn Thái Học với hai hàng cây cao vút thì lại có vẻ hiện đại hơn. Nằm gần trường học và những quán ăn, đoạn đường này luôn tấp nập và pha chút hiện đại của thời kỳ đổi mới. Một con đường khác mà tôi không thể không nhắc tới là đường Hoàng Hoa Thám. Con đường như chia làm hai nửa, một nửa đầy tĩnh lặng, một nửa thì nhộn nhịp với khá nhiều quán cà phê. Sáng sớm, con đường này mang đến cảm giác thật bình yên với hình ảnh những chiếc xe nép mình vào phố, cạnh đó, vài ba người lớn tuổi, vai kề vai ngồi thưởng thức những giọt cà phê ấm nóng, xua tan cái lạnh của sương sớm. Nếu là mùa hè, ngồi cà phê ở vỉa hè Hoàng Hoa Thám ngắm những bông hoa bằng lăng nở tím một vùng trời sẽ thấy lòng nhẹ nhàng đến lạ.
Phố buổi sớm, những nếp nhà như còn ngái ngủ, những chậu cúc vàng vẫn còn rực rỡ sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ mang mùa xuân về trong từng nhà, trên từng con phố. Sắc hoa vàng rực, tươi vui làm tôi nhớ đến loài muồng hoàng yến trên những con đường như Lê Lợi, Tôn Thất Tùng, Thống Nhất… mà lòng không thôi ước ao, đến một ngày, hoa sẽ nhiều hơn để có thể trở thành điểm nhấn đặc trưng cho mùa.
Trước Tết, Pleiku mở rộng thêm nhiều con đường, phố phường thông thoáng và đẹp hơn, trong đó có con đường Trần Phú, Hai Bà Trưng. Và, tôi thở phào nhẹ nhõm khi thấy những cây to vẫn được giữ lại một cách khéo léo, không lấn mất phần đường đi lại của xe cộ mà vẫn giữ được vẻ xanh mát của con đường.
Tháng Giêng năm nay trời khá lạnh. Càng lạnh, những con đường đầy cây xanh lại càng đẹp cổ kính và bí ẩn một cách lạ thường trong làn sương sớm. Tôi và bè bạn hay mơ mộng rằng, nếu mỗi mùa Pleiku đều có một con đường hoa đặc trưng thì sẽ đẹp biết bao nhiêu. Đó có thể là con đường hoa phượng, con đường hoa ngọc lan, con đường hoa muồng hoàng yến…
Cứ vậy mà tôi yêu Pleiku, yêu những buổi sáng sớm với sương lạnh lan tỏa khắp phố phường. Bỏ mặc những bộn bề cuộc sống, cảm giác được đi dưới tán cây rợp bóng thật thú vị xiết bao. Chỉ mong những hàng cây nhỏ mới trồng mau lớn lên để mang đến cho Pleiku vẻ xanh mát, bình yên. Để dù có đi đâu, lòng ta cũng muốn quay về...
LÊ VI THỦY

Có thể bạn quan tâm

Tổ quốc trong tim

Thơ Lenguyen: Tổ quốc trong tim

(GLO)- Bài thơ “Tổ quốc trong tim” của tác giả Lenguyen là lời tri ân sâu sắc với cha ông đã hy sinh vì độc lập dân tộc. Từ Cửu Long đến Trường Sơn, từ Điện Biên đến Sài Gòn, một Việt Nam bất khuất vươn lên giữa máu và hoa, rạng ngời sắc cờ Tổ quốc.

Thơ Đào An Duyên: Lòng quê

Thơ Đào An Duyên: Lòng quê

(GLO)- Trong nhịp sống hiện đại hối hả, bài thơ "Lòng quê" của tác giả Đào An Duyên là tiếng vọng thầm lặng mà day dứt. Người xa quê, dù ở đâu chăng nữa vẫn mang trong tim nỗi nhớ cội nguồn. Qua hình ảnh nước xuôi nước ngược, bài thơ gợi về sự gắn bó thiêng liêng giữa con người và quê hương.

Người nặng lòng với dân ca Tày

Người nặng lòng với dân ca Tày

(GLO)-Hơn 30 năm kể từ ngày rời quê hương Cao Bằng vào Gia Lai lập nghiệp, ông Mã Văn Chức (SN 1961, tổ 3, thị trấn Phú Thiện) vẫn nặng lòng với văn hóa dân tộc Tày. Hơn 100 bài hát đã được ông sáng tác theo làn điệu dân ca Tày với mong muốn “giữ lửa” cho âm nhạc dân gian.

Thơ Lữ Hồng: Những gương mặt hoa cài

Thơ Lữ Hồng: Những gương mặt hoa cài

(GLO)- Bằng hình ảnh thiên nhiên giàu biểu cảm, bài thơ "Những gương mặt hoa cài" của Lữ Hồng gợi nên vẻ đẹp bình yên ẩn sâu trong nhịp sống phố thị. Lời thơ không chỉ là hoài niệm, mà còn là nơi gửi gắm tình yêu, ký ức và những giấc mơ không lời giữa tháng năm xoay vần.

Thơ Sơn Trần: Phía Trường Sơn

Thơ Sơn Trần: Phía Trường Sơn

(GLO)- Bài thơ "Phía Trường Sơn" của Sơn Trần là khúc trầm sâu lắng về nỗi nhớ và sự hy sinh lặng thầm phía hậu phương. Tháng Tư về trên biên cương đầy cỏ xanh và chiều sương phủ trắng, nỗi nhớ hòa quyện cùng đất trời, tạo nên một bản tình ca sâu lắng dành cho cha-người lính năm xưa.

Khẳng định sức sống bất tận của văn học nghệ thuật trong đời sống tinh thần Nhân dân

Khẳng định sức sống bất tận của văn học nghệ thuật trong đời sống tinh thần Nhân dân

(GLO)- Đó là phát biểu của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn tại hội nghị tổng kết 50 năm nền văn học nghệ thuật tỉnh Gia Lai sau ngày thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025) diễn ra vào sáng 23-4 tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku).

Nơi “Ngọn lửa cao nguyên” rực sáng

Nơi “Ngọn lửa cao nguyên” rực sáng

(GLO)- Trong kho tàng âm nhạc Việt Nam có nhiều ca khúc không chỉ đơn thuần là tác phẩm nghệ thuật mà còn là biểu tượng của một vùng quê. Nơi ấy, tình yêu và nỗi nhớ không thể phai mờ. “Ngọn lửa cao nguyên” của nhạc sĩ Trần Tiến chính là một trong những ca khúc như thế.

Thơ Lenguyen: Mùa qua phố

Thơ Lenguyen: Mùa qua phố

(GLO)- Bài thơ "Mùa qua phố" của tác giả Lenguyen là một bức tranh dịu dàng, gợi cảm xúc, đưa người đọc bước vào không gian phố núi Pleiku trong thời khắc chuyển mùa. Với giọng điệu lãng mạn và sâu lắng, bài thơ khơi gợi vẻ đẹp bình dị nhưng đầy chất thơ của phố núi...

Con đường tất yếu

Con đường tất yếu

Vài năm trở lại đây, các sản phẩm văn hóa - nghệ thuật Việt đã được khai thác với tinh thần mới: vừa trân trọng truyền thống, vừa dấn thân khai phá cái mới.