Nhức nhối lừa bán lao động qua Campuchia: 'Địa ngục trần gian' ở xứ người

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Không ít những lao động bị lừa bán qua Campuchia đã phải đối mặt với 'địa ngục trần gian' ở xứ người.
Sau khi theo dõi loạt bài điều tra Nhức nhối lừa bán lao động qua Campuchia đăng trên Thanh Niên (từ 19 - 24.6), nhiều gia đình nạn nhân và nạn nhân ở Campuchia thông qua mạng xã hội chuyển nội dung kêu cứu đến Tòa soạn Báo Thanh Niên nhờ giải cứu.
Trước thực trạng này, PV Thanh Niên trực tiếp gặp nạn nhân, ghi nhận lại cuộc sống “địa ngục trần gian” của họ bên xứ người để cảnh báo người dân tránh né chiêu trò “việc nhẹ lương cao” này.
Bị trói, treo ngược lên đánh đập
Sáng 26.6, theo sự chỉ dẫn của lực lượng cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Quảng Ngãi, chúng tôi vượt cả trăm cây số lên tận xã vùng cao Sơn Dung, H.Sơn Tây (Quảng Ngãi), mới gặp được anh T.P.V (tên đã thay đổi theo yêu cầu của nhân vật, 21 tuổi) sập bẫy đường dây lừa đưa qua Campuchia làm việc. “Việc nhẹ lương cao” đâu không thấy, V. chỉ toàn bị ép buộc lao động, đi lừa đảo thiên hạ và bị hành hạ tàn nhẫn nhiều tháng ngày.
Cuối năm 2021, qua mạng xã hội “Kiếm việc Quảng Ngãi”, V. thấy công việc làm bên Campuchia hợp với mình nên đăng ký. Theo hướng dẫn, V. ra Đà Nẵng, bay vào TP.HCM và có người đón, đưa đến một nhà nghỉ. Hôm sau, có người đến đưa V. cùng 20 người khác đi làm hộ chiếu, sau đó được một tài xế lái ô tô 16 chỗ ngồi chở đến cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh). Sau khi làm thủ tục đi bộ qua cửa khẩu Mộc Bài, V. cùng nhóm lao động VN được đưa lên ô tô chở về một tòa nhà cao chừng 7 tầng và bị thu lại hộ chiếu. V. được đưa lên tầng 4, ở cùng 5 người VN khác, bên ngoài cửa có những người Campuchia bặm trợn cầm dùi cui và cả súng canh gác. Do V. sử dụng máy tính rành nên được bố trí đến 3 máy tính, 3 điện thoại và bắt đầu học “công thức lừa đảo”, đóng nhiều vai để dụ người Việt nhiều nơi đóng tiền vào tài khoản...
 
Nạn nhân T.P.V kể lại vụ việc với PV Báo Thanh Niên. Ảnh: Hải Phong
Nạn nhân T.P.V kể lại vụ việc với PV Báo Thanh Niên. Ảnh: Hải Phong
Trầm tư và ánh mắt có phần thất thần khi nhớ về khoảng thời gian bị ép lao động bên Campuchia, V. nhớ mình được phát 1 cái tô, chén và 1 đôi đũa, làm việc từ 8 - 22 giờ mới được nghỉ. “Ăn sáng 9 giờ, ăn trưa 11 giờ và chiều 17 giờ, nhưng tự ra hành lang lấy về bàn làm việc để ăn. Ai không lấy đồ ăn, bọn họ dẹp liền, đói thì đành chịu”, V. kể. Ngoài thời gian làm việc quá sức, nhóm người Việt không được đi ra khỏi tòa nhà. Khi làm việc, ngồi sát nhau cũng không được nói chuyện, trao đổi tin nhắn qua vi tính, chỉ cần có động thái nhỏ đều bị phát hiện, nhẹ thì bị phạt tiền, nặng thì bị đánh.
Do bị ép đóng nhiều vai để lừa đảo, mỗi tháng phải đem về lợi nhuận 380 triệu đồng, lại không được trả đồng lương nào nên V. không chịu nổi. Hôm đó, tên môi giới người Việt gọi V. qua phòng, bắt quỳ xuống và dùng dùi cui đánh. V. kể bị đánh hộc máu miệng, mặt mày sưng húp, đau đớn vô cùng. Tại đây, V. từng chứng kiến 2 người bỏ trốn bị bắt lại, rồi ăn đòn bầm dập. Thấy cảnh này, V. đành hoãn ý định bỏ trốn, dù đứng trên lầu nhìn qua thấy đất Tây Ninh trước mặt. Vài ngày, bọn người trong tòa nhà còn tung tin khủng bố: “Thằng này bị chết, thằng kia bị bán đi nơi khác”, mục đích khủng bố và dằn mặt những ai có ý định bỏ trốn.
Một lần V. thổ lộ mẹ bị bệnh nặng, muốn về nhà, tên môi giới báo lại cho chủ người Trung Quốc, thế là V. bị trói treo ngược lên, bị đánh một trận tơi bời. Không bỏ ý định trốn đi, V. lén trộm một điện thoại, sim và tiền, rồi vờ đau bụng, về phòng tìm cách liên lạc với người thân bên ngoài. “Sợ bọn họ bắt được khi nhắn tin nên lưng em dựa vào cửa phòng, nhưng chỉ 10 phút là phải dừng”, V. nói.
 
Anh N.C.T (38 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) vừa được người thân chuộc về từ Campuchia. Ảnh: Trác Rin
Anh N.C.T (38 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) vừa được người thân chuộc về từ Campuchia. Ảnh: Trác Rin
Đến đầu năm 2022, chủ Trung Quốc bất ngờ cho V. về, nhưng phải đóng tiền chuộc 60 triệu đồng mới được thả. Do gia đình trễ hẹn đóng tiền, có một ngày V. bị tra tấn hai lần. Qua thỏa thuận, người thân của V. yêu cầu phải đưa V. ra cửa khẩu giáp Mộc Bài mới đóng tiền nên V. được chở ra cửa khẩu nhận mặt. Tại cửa khẩu này, V. liều mạng chạy đến nơi có lực lượng biên phòng Campuchia và VN ở đó, trình báo vụ việc, rồi ngồi lì trong đó, cuối cùng cũng được về đoàn tụ với gia đình. “Do không biết em đã chạy trốn nên gia đình cũng chuyển cho bọn họ 60 triệu đồng. Có điều, nếu em chưa bỏ trốn thì chưa chắc đóng tiền xong em được về”, V. cho biết.
Không đạt chỉ tiêu sẽ bị tra tấn bằng roi điện
Ngày 26.6, Công an tỉnh Phú Yên cho biết đã tiến hành xác minh 6 vụ với 6 người dân trên địa bàn tỉnh liên quan đến việc bị dụ dỗ, lôi kéo sang nước ngoài làm việc với mức lương, hoa hồng cao và mất tích. Trong đó, có 1 trường hợp bỏ ra 69 triệu đồng để chuộc người.
 
Bức ảnh hiếm hoi về cảnh làm việc của lao động VN tại Campuchia. Ảnh: DO ANH T.P.V CHỤP LÉN CUNG CẤP
Bức ảnh hiếm hoi về cảnh làm việc của lao động VN tại Campuchia. Ảnh: DO ANH T.P.V CHỤP LÉN CUNG CẤP
Trong số những trường hợp Công an tỉnh Phú Yên xác minh có câu chuyện giải cứu em Đ.H.C (18 tuổi, ngụ TP.Tuy Hòa). Trước đó, C. vào Bình Dương tìm kiếm việc làm nhưng công việc không ổn định nên đầu tháng 5.2022, C. tìm việc làm trên mạng xã hội và được một người giới thiệu đến làm việc gần cửa khẩu Campuchia với mức lương hấp dẫn. Kể từ đó, cuộc sống đầy ám ảnh của C. bắt đầu. C. nhớ rõ ngày khởi đầu chuyến hành trình tìm việc mới là 6.5. Trên đường đi, C. thấy có nhiều bất thường và khi đến Campuchia, người môi giới bán C. cho một người Campuchia với giá khoảng gần 2.000 USD và được giao công việc bấm máy tính lừa đảo qua mạng xã hội. Theo C., bọn họ bố trí công việc cho người bị lừa sang đây là ngồi làm việc trên máy tính để lừa đảo tiền của người VN qua các link cá độ đã được tạo sẵn. “Hằng ngày, họ bắt em phải lừa từ 60 - 180 triệu đồng, nếu không hoàn thành mức này sẽ phải chịu các hình phạt như 50 USD cho mỗi lần không đạt và bị tra tấn bằng roi điện…”, C. nói và kể tiếp, có nhiều người VN cũng bị lừa. Nghe thông tin làm đủ 6 tháng mới được về VN, nhưng nhiều người đã làm đủ 6 tháng vẫn không trả hết nợ cho công ty. Có người chưa làm đủ 6 tháng thì bị bán sang nơi khác; cũng có người không chịu được nên đã bỏ trốn nhờ Đại sứ quán VN tại Campuchia liên hệ với người thân nhờ giúp đỡ. Trong thời gian làm việc tại Campuchia, C. nhiều lần bị đe dọa và tận mắt chứng kiến một người không hoàn thành công việc bị các đối tượng dùng roi điện chích, bị đánh đập…
Biết mình đã bị bọn lừa đảo lừa bán sang Campuchia làm chuyện phi pháp nên chỉ sau 5 ngày làm việc, C. liên lạc với ông Đ.M (ba của C.) cầu cứu. Sau khi về được nhà, đến giờ C. vẫn còn ám ảnh. “Giờ ai muốn tìm việc làm thì phải tìm hiểu kỹ công việc có phù hợp hay không. Tuyệt đối không nghe lời dụ dỗ của môi giới việc nhẹ lương cao, ăn ở miễn phí… ham mà qua Campuchia”, C. nhắn nhủ.
 
Vết bầm còn trên đùi anh T.P.V. Ảnh: Hải Phong
Vết bầm còn trên đùi anh T.P.V. Ảnh: Hải Phong
Vừa quỳ xuống đất vừa làm việc
Sau sự cố chết người tại một sòng bạc ở Campuchia, anh N.V.C (19 tuổi), T.N.T (18 tuổi, cả 2 đều ngụ Thanh Hóa) may mắn được lực lượng chức năng của Campuchia giải cứu và đã trở về quê nhà. Dù đã về được gần 2 tháng qua, nhưng những ngày tháng bị cưỡng bức lao động nơi xứ người thì anh C. và T. vẫn chưa hết khiếp hãi.
Bố mẹ ly dị và mỗi người đều đã lập gia đình riêng ở miền Nam, N.V.C từ nhỏ đã sống với bà ngoại ở Thanh Hóa. Đầu năm 2022, C. được một đối tượng ở cùng phường dụ dỗ sang Campuchia làm việc nhẹ nhàng, đơn giản, chỉ ngồi máy tính ngày mấy giờ đồng hồ là có thu nhập 500 USD/tháng. Tin lời, đầu tháng 3, C. cùng 3 người khác vào TP.HCM, vượt biên sang Campuchia.
“Sang đó ít hôm, em bị ép làm việc, bị dọa không cho về, và nhìn thấy người khác bị phạt, bị đánh đập thì em nghĩ chắc không còn sống nổi mà trở về nhà nữa. Em đã từng gọi cho người thân, nói là có khi sẽ không trở về nhà được nữa. Họ bắt làm việc mỗi ngày từ 12 - 15 tiếng đồng hồ. Họ nhốt 10 người ở chung một phòng nhỏ suốt 2 tháng không được ra khỏi khu vực của sòng bạc”, C. kể và cho hay, họ chia thành từng tổ, mỗi tổ khoảng 10 người. Mỗi ngày, những người thuê mướn họ giao cho một tổ phải mời gọi được 20 người tham gia chơi, hoặc nạp tiền chơi bạc, hoặc đăng ký tài khoản chơi bạc. Khi không mời đủ người là phải tăng ca. Còn ai mà một tuần hoặc mấy ngày liên tục không mời được ai chơi thì bị bắt quỳ xuống nền nhà, vừa quỳ vừa phải làm việc. Nặng hơn là bị nhốt vào phòng tối để đánh đập.
 
Khu vực nơi các lao động người Việt bị giam lỏng. Ảnh: DO NẠN NHÂN N.C.T CUNG CẤP
Khu vực nơi các lao động người Việt bị giam lỏng. Ảnh: DO NẠN NHÂN N.C.T CUNG CẤP
Còn T.N.T nhớ lại: “Khu em ở có khoảng 300 người VN; làm việc có hôm từ 17 - 23 giờ mới được ăn. Có một lần em bị người quản lý tát vào mặt vì không hoàn thành chỉ tiêu. Em còn từng chứng kiến một anh người VN bị đánh bằng dùi cui điện đến ngất, sau đó tỉnh dậy lại bị đánh tiếp”.
Cả T. và C. đều cho biết trong quá trình làm việc ở sòng bạc, không ai được chụp ảnh nơi ở hay nơi làm việc, nếu bị phát hiện sẽ bị thu máy điện thoại, bị đánh đập. Và cũng không ít lần cả T. và C. thấy những người ở cùng phòng bị thâm tím mình mẩy, sưng tay, mặt, thậm chí bị còng tay vào ghế do không hoàn thành chỉ tiêu.
Qua điều tra, ngày 16.6, Công an tỉnh Thanh Hóa đã bắt tạm giam bị can Trần Ngọc Chung (19 tuổi, ngụ TP.Sầm Sơn) để điều tra về tội “tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép”. Chung chính là đối tượng đã dụ dỗ, lôi kéo, lừa bán anh T. và anh C. qua Campuchia lao động trái phép. Chung khai nhận đã bán mỗi người cho các sòng bạc với giá 650 USD/người.
Đàn ông bị ép lừa đảo, phụ nữ bị ép “tiếp khách” ?
Chiều 26.6, tiếp xúc với PV Thanh Niên, anh N.C.T (38 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết vì thất nghiệp nên anh lên trang Chợ Tốt để kiếm việc làm. Sau khi thấy dòng thông tin đăng tuyển qua Campuchia làm văn phòng, lương từ 23 - 28 triệu đồng/tháng, anh liên hệ tìm hiểu. Sau đó, anh T. kết bạn qua mạng xã hội Zalo với một “đầu nậu” tuyển việc làm để nhắn tin trao đổi về công việc. “Người này nói với tôi cứ qua đó tham quan cho biết, rồi sau đó về lại VN bổ sung hồ sơ sau. Ngày 22.6, tài xế lái ô tô đón tôi tại Q.Tân Bình cũng khẳng định sẽ chở tôi qua Campuchia rồi sẽ đợi tôi tham quan công ty, xong sẽ chở về lại VN. Vì vậy tôi mới dính bẫy của bọn chúng”, anh T. nói về thủ đoạn xảo quyệt của đường dây lừa bán lao động.
Anh T. kể ô tô chở anh đến khu vực giáp biên giới thuộc tỉnh Long An, sau đó có xe ôm chờ sẵn chở anh vượt biên trái phép qua Campuchia. Vừa qua Campuchia, có ô tô đợi sẵn chở anh T. đến thẳng công ty, nằm gần cửa khẩu Mộc Bài. “Vừa vào cổng, có một phụ nữ xưng là quản lý công ty nói tôi đã bị lừa bán qua Campuchia, công ty đã mua với giá 2.800 USD. Giờ ở lại làm chứ không có chuyện trở về VN như nội dung mà người môi giới đã hứa hẹn trước đó”, anh T. nhớ lại. Lúc này, anh T. bị một nhóm bảo vệ người Campuchia có trang bị roi điện, còng số 8… áp tải lên nơi ở. “Rất khó để chạy thoát vì bảo vệ trong khu vực này rất đông. Họ chia thành nhiều nhóm nhỏ để canh gác 24/24. Ai bỏ trốn nếu bị phát hiện sẽ bị nhóm này chích điện, đánh đập…”, anh T. nói lý do không thể kháng cự.
Sau khi lên phòng, anh T. được quản lý người Việt hướng dẫn công việc mỗi ngày là sử dụng các tài khoản Zalo ảo, rồi nhắn tin lôi kéo người dân tham gia đánh bạc. “Lúc này, tôi nói với quản lý là muốn về VN, thì được người này ra giá chuộc là 2.600 USD. Sau đó, tôi gọi điện về cho người thân cầu cứu và gia đình chuyển tiền nên ngày 25.6 mới được thả về”, anh T. cho hay rồi chia sẻ ở đây có rất nhiều người VN bị lừa bán qua Campuchia. Mỗi ngày có hàng chục người VN bị sập bẫy. “Tôi nghe “đồng nghiệp” khác kể đàn ông con trai chỉ bị ép làm các công việc lừa đảo, còn phụ nữ thì bị ép cả việc đi “tiếp khách”. Nếu không chấp hành sẽ bị các quản lý người Trung Quốc chích roi điện, đánh đập”, anh T. ớn lạnh nhớ lại.
(còn tiếp)
Theo Thanh Niên
 

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.