Nhớ quê mùa gặt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Miền Trung lúc nắng thì nắng đến cháy da cháy thịt, lúc mưa thì mưa ngập trời ngập đất. Thế mà một đời ông bà, cha mẹ tôi không bỏ đất mà đi, vẫn lam lũ như bụi tre sau nhà.

Có ai đã từng đi trên bờ đê vào mùa gặt mới thấy cơn gió mát đến nhường nào-Ảnh: Trương Quang Nam
Có ai đã từng đi trên bờ đê vào mùa gặt mới thấy cơn gió mát đến nhường nào-Ảnh: Trương Quang Nam


Sau này đi xa tôi mới hiểu quê hương quan trọng với tôi đến nhường nào… Có những trưa nằm mơ nơi phố thị, giật mình tỉnh dậy vì cơn mưa bóng mây, ngó quanh chỉ là bốn bức tường, mà cứ ngỡ mình đang nằm ở quê những ngày mùa, và ngoài kia mẹ phơi đầy sân thóc. Dù xa quê đã lâu, nhưng những kỷ niệm của tuổi thơ năm nào vẫn còn ám ảnh tôi trong mỗi giấc mơ…

Thuở còn nhỏ hay ngồi sau xe mẹ ra đồng. Miền Trung nắng rát mưa nhiều… Cho nên chỉ có những buổi sớm tôi mới cảm nhận được vẻ dịu dàng của miền Trung. Có ai đã từng đi trên bờ đê vào mùa gặt mới thấy cơn gió mát đến nhường nào. Cái mát từ dòng sông, cái mát từ hơi sương buổi sớm cuốn theo từng cơn gió làm dịu đi những giọt mồ hôi.

Trên khắp đường thôn ngõ xóm phủ vàng một màu rơm óng ả. Bọn trẻ con đạp xe tới trường phải rướn người lên mới đạp qua những đoạn rơm phơi dày. Thi thoảng lại có đứa dừng lại gỡ, vì rơm đã quấn đầy vào những mắt xích. Đất trời thơm mùi hương lúa mới. Chợt bắt gặp nụ cười của bà bán lòng lợn đạp xe ngang qua mà cũng vui lạ. Sao dung dị và yên bình đến thế! Ta cảm nhận trong tiếng rao ấy là sự hân hoan mùa vụ, là no ấm đủ đầy.

Ngày mùa chỉ sợ nhất là những cơn mưa bóng mây, cứ đến và đi bất chợt. Có những buổi trưa trời đang nắng như đổ lửa bỗng mây ở đâu kéo đến trong chớp mắt. Cả nhà đang ngồi ăn cơm bỗng nháo nhào ra chạy thóc, người cào, người quét, người bê, ai cũng vội vã mong sao cho thóc khỏi ướt. Chỉ chốc lát sau trời quang mây tạnh, làm cho người lớn lại phân vân xem có đem phơi lần nữa không… Cũng có lần cơn giông kéo đến, nó nhanh tới nỗi chưa cào xong mưa rào đã kéo đến, bố vội vàng cầm những nắm rơm chặn lại nơi góc sân để giữ cho những hạt thóc khỏi trôi đi. Những hạt thóc ấy có khi phải phơi mất hai, ba hôm sau mới khô lại. Đấy là may mắn còn gặp hôm nắng ráo, chứ ông trời cứ mưa cho cả tuần liên tiếp thì thóc lại mọc mầm hết…

Lại nhớ đến những ngày bão về đúng vào vụ gặt. Lúa trĩu bông đổ rạp xuống mặt đất, cánh đồng trắng xóa một màu nước, những giọt mưa cứ nối đuôi nhau rơi không ngưng nghỉ, nẫu cả lòng cả ruột. Con châu chấu không còn đến một chỗ đậu, cố bám theo một nhánh củi khô mà lênh đênh theo dòng lũ trôi đi. Bà ngồi thở dài, hai hốc mắt trũng sâu như đựng đầy cả mùa lũ. Ông buồn rầu ngồi bên cái điếu cày lơ mơ thả làn khói trắng lên nóc nhà. Trong góc giường con cóc vẫn kêu mưa...

Sau bão mẹ lại đi vớt lúa ngay cho thóc khỏi mọc mầm, ôi bao nhiêu mồ hôi nước mắt giờ còn lại chả là bao. Năm mất mùa, có lẽ những cơn đói ngày giáp hạt chẳng bao giờ tôi có thể quên. Bà tôi ngồi bên nồi khoai nước luộc nhường lại từng bát cơm trắng tinh khôi cho anh em chúng tôi. Giờ mỗi lần nhớ lại lần nào tôi cũng khóc, tôi khóc không phải vì yếu đuối, cũng không phải vì cái nghèo cái khó năm nào, mà khóc vì thương bà. Những năm mất mùa tiếng rao lòng lợn nghe cũng trĩu buồn sau mấy rặng tre.

Cơn bão năm ấy đã cuốn đi đàn lợn duy nhất của gia đình tôi, cái đàn lợn mà cả năm dành dụm cho tôi vào đại học. Những tưởng nó cuốn phăng cả giấc mơ đi thật xa… Nhưng không, giấc mơ vẫn còn đấy. Sau bão mẹ lại làm việc quần quật, nhìn mái tóc bạc phơ và dáng mẹ gầy đi trông thấy. Chỉ những đêm sâu tôi nghe tiếng mẹ trở mình thật nhẹ, tôi biết cơn đau lưng của mẹ lại tái phát. Mẹ đã nén cơn đau để nuôi lại giấc mơ cho tôi, tôi chỉ biết lặng im mà khóc, lặng im mà thương mẹ, lặng im mà nghe tiếng mọt trên mái nhà đục khoét vào đêm.

Như mầm cây lại lên sau mùa lũ, có lẽ những khó khăn năm nào lại càng làm tôi có thêm động lực, thêm cố gắng để bù đắp lại những hy sinh của bà của mẹ đã dành cho tôi. Xã hội ngày càng phát triển, tôi lớn lên rồi đi làm ăn xa, nên cũng đỡ đần được nhiều cho mẹ. Chỉ thương bà, bà giờ không còn trên cõi đời này nữa, nhiều lúc bưng bát cơm trắng muốt lại nhớ tới nồi khoai nước năm nào mà thương bà đến ứa nước mắt. Có những chiều ngồi trên gác thượng, giữa phố xá đông đúc mà nỗi cô đơn đến rợn lòng. Mắt dõi mãi về một vệt khói chiều phía cuối trời xa, phía ấy là quê mình, và giờ cũng đang mùa gặt.


 

 



Theo LÊ ĐÌNH TIẾN (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Thơ Đào An Duyên: Ngàn sau

Thơ Đào An Duyên: Ngàn sau

(GLO)- Không chỉ là một lời nói về tình yêu, "Ngàn sau" của tác giả Đào An Duyên còn là một tác phẩm thơ triết lý, khẳng định sự bất tử, trường tồn của những xúc cảm chân thật qua biến động của thiên nhiên và cuộc sống.

Thơ Lê Vi Thủy: Tinh khôi mùa xuân

Thơ Lê Vi Thủy: Tinh khôi mùa xuân

(GLO)- "Tinh khôi mùa xuân" của Lê Vi Thủy thể hiện cảm xúc tươi mới, ngọt ngào của mùa xuân và tình yêu trong sáng, thuần khiết. Từ hình ảnh thiên nhiên gần gũi như "cánh hoa trắng", "giọt sương ban mai" đến những ẩn dụ về tình yêu, tất cả đều mang lại cho người đọc cảm giác ấm áp, đầy hy vọng.

Thơ Vân Phi: Ngõ xanh

Thơ Vân Phi: Ngõ xanh

(GLO)- Bài thơ Ngõ xanh của tác giả Vân Phi khắc họa một không gian thiên nhiên thanh bình của làng quê, nơi có mẹ cha và những điều thân thuộc nhất. Mỗi hình ảnh trong thơ như một lời nhắc nhở về sự quan trọng của gia đình, quê hương và những ký ức đẹp mà ta luôn cất giữ trong trái tim mình.

Khúc ca mùa xuân đoàn tụ

Khúc ca mùa xuân đoàn tụ

(GLO)- Mỗi lần nghe lại ca khúc “Sông Đakrong mùa xuân về” của nhạc sĩ Tố Hải, lòng tôi lại dạt dào xúc cảm và không thôi nghĩ về dòng chảy của những đoàn quân hào hùng ra trận để đem về mùa xuân đoàn tụ của một dân tộc anh hùng.

Thơ Phạm Đức Long: Tản mạn Pleiku

Thơ Phạm Đức Long: Tản mạn Pleiku

(GLO)- Pleiku hiện lên trong bài thơ của tác giả Phạm Đức Long như một vùng đất đầy bí ẩn, vừa thực vừa ảo, vừa hùng vĩ vừa mộng mơ. Những câu từ mang đến cho người đọc cảm giác như đang lạc vào không gian trữ tình, đầy sức sống, thôi thúc họ khám phá và trải nghiệm.

Du khách người Ý thích thú tìm hiểu các nhạc cụ truyền thống Jrai dưới sự hướng dẫn của Nghệ nhân Ưu tú Rơ Châm Tih. Ảnh: Quốc Nguyễn

Quảng bá “sức mạnh mềm” từ hoạt động đối ngoại văn hóa

(GLO)- Những ngày gần đây, hình ảnh truyền cảm hứng nhất được lan tỏa trên báo chí và mạng xã hội là việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và ông Jensen Huang-Nhà sáng lập, Chủ tịch Tập đoàn Nvidia (chuyên về lĩnh vực công nghệ) cùng dạo phố cổ và thưởng thức nem chua rán, uống bia.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tiết lộ cách viết '3 trong 1' ở 'Tiệm sách của nàng'

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tiết lộ cách viết '3 trong 1' ở 'Tiệm sách của nàng'

Trong số các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, đã có nhiều tựa sách đề cập đến nhân vật nữ cá tính như: Nữ sinh, Những cô em gái, Út Quyên và tôi… nhưng đây là lần đầu tiên từ khóa “sách” và “nàng” cùng xuất hiện trên bìa tác phẩm mới, tạo cho bạn đọc sự tò mò thú vị.

Phương án sắp xếp cơ quan báo chí thuộc Chính phủ và bộ, ngành

Phương án sắp xếp cơ quan báo chí thuộc Chính phủ và bộ, ngành

Quán triệt nội dung định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và của Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW đã xây dựng phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ, trong đó có các cơ quan báo chí thuộc Chính phủ.