Nhớ một tiếng rao

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Ai… cối xay… khép hông?
Ở vùng quê Phước Sơn (huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định), vào những năm 60 thế kỷ trước, cả xã chỉ có 1 máy xay lúa của ông Xã Nhị, người thôn Xuân Phương. Người dân các làng muốn xay phải gánh hoặc chở lúa bằng xe đạp đến, trả công bằng tiền mặt hoặc để lại cám cho nhà máy. Tuy vậy, số người đưa lúa đến xay còn ít, phần đông vẫn tự xay và giã lấy ở nhà. Như những nhà khác trong làng, gia đình tôi cũng có 1 bộ cối chày giã gạo và chiếc cối xay lúa. Chiếc cối giã bằng gỗ, hình chữ nhật, cao đến đầu gối, giữa đục lõm sâu xuống. Đôi chày có từ đời nào đã bóng nước, hai đầu tròn và dài, phần giữa thắt lại cho dễ cầm. Thường cứ khoảng 4-5 ngày là má tôi lại vần chúng ra từ xó cửa nhà bếp để giã.
Chiếc cối xay đặt ngay khoảng trống giữa nhà ngang và nhà bếp, chiếm khoảng chừng 4 m2. Nó gồm có 1 thớt trên hình tròn, đường kính khoảng 50 cm, cao 60 cm, đan bằng tre cật, bên trong đổ đất cứng, giữa trống để đổ lúa, bên dưới mặt thớt đầy răng, hai bên thớt có hai tai cối bằng gỗ, trống ở giữa để móc cần cối xay vào. Thớt dưới cũng hình tròn, đổ đất cứng, răng chĩa lên trên, cả cỗ thớt cố định trên chân đế làm bằng gỗ căm xe hoặc gỗ cây ké. Tại tâm điểm của thớt dưới, người ta đục một lỗ hình vuông cạnh dài 4 cm để cắm vào một dụng cụ gọi là trụ ngõng. Đó là 1 đoạn gỗ hình trụ có đường kính khoảng 3 cm (thường làm bằng cây lồng mức hoặc duối) làm trụ cốt cho thớt dưới và trục quay cho thớt trên, giúp hai thớt khít nhau, khó xê dịch khi xay. Thớt dưới được đan thêm 1 vòng tròn cũng bằng tre gọi là mông cối bao quanh lồng cối, đường kính dài hơn thân cối, cao khoảng 10 cm để đựng thóc xay trước khi chảy xuống chiếc thúng hứng bên dưới.
Minh họa: Huyển Trang
Minh họa: Huyển Trang
Khi xay, thóc đổ vào miệng cối rơi xuống nằm giữa 2 thớt. Chiếc cần cối hình chữ T lộn ngược, phần đầu hình chữ L đã được móc vào 1 bên tai cối, giữa tay cầm cần có 1 sợi dây thừng buộc giữ cần cối với xà nhà phía trên cho chắc. Chiếc cần cối xay này làm bằng gỗ kiền kiền rất chắc, nghe má tôi kể là hình như nó đã có từ thời ông nội, bởi khi má tôi về làm dâu đã thấy có nó rồi. Cần cối xay dùng lâu ngày nên cũng bóng nước. Khi xay lúa, người cầm cần đứng chụm chân đẩy chiếc cần cối xay quay tròn theo một nhịp điệu đều đều. Những chiếc răng cối xay của 2 thớt cối ma sát nhau, nghiến lớp vỏ, đưa những hạt lúa đã bóc vỏ rơi xuống mông cối rồi tiếp tục rơi rào rào xuống thúng đựng bên dưới, chốc chốc người xay lại thò tay dồn lúa vào miệng mông cối cho lúa chảy xuống nhanh hơn. Thóc sau khi xay sẽ được đưa vào cối giã thêm một lần nữa rồi má tôi dùng sàng và giần, sảy để cho ra những hạt gạo không trắng lắm nhưng khi nấu cơm rất thơm (ngày trước quê tôi thường trồng lúa Tám Thơm, lúa Cúc… thân lúa cao để sau khi thu hoạch sẽ dùng rạ đánh tranh lợp mái nhà).
Do thường dùng nên cứ sau vài mùa là răng cối xay bị mòn, lung lay phải thay. Vậy là, có những người thợ chuyên sửa gọi là thợ khép cối xay. Họ đi bộ gánh một bên là thúng đựng các thứ đồ nghề như: chàng, đục, dùi đục… bên thúng kia đựng đất và những miếng dăm gỗ làm răng cối. Tháng ba, thợ khép cối đi khắp các làng rao đều: “Ai... cối xay… khép… hông?”. Tiếng rao được nhấn trọng âm ở tiếng “khép” rồi hạ giọng xuống cứ vang ra xa, kéo dài qua các ngõ xóm. Nhà nào cần sửa thì gọi thợ vào. Thợ khép cối xay thường là đàn ông, họ vào nhà thong thả uống nước trà chủ mời, xem cối xong đâu đó mới lấy trầu ra ăn. Nhai một chốc, họ nhổ bã trầu rồi xắn tay vào làm. Đầu tiên là lật thớt trên xuống, đục hết đất, tháo các răng cối ra. Thớt dưới cũng vậy. Rồi lấy đất ụ mối đã mang theo (phải đất ụ mối vì vừa dẻo, vừa cứng) phun nước một lần nữa cho dẻo và cứng thêm, dồn vào, cắm các răng xếp theo một trật tự riêng chỉ có thợ mới nắm được, dùng dùi đục gõ răng cho chắc, thêm đất… Mỗi lần khép cối xay như vậy mất thời gian khoảng nửa buổi. Xong đâu đó đổ lúa vào xay thử, chủ ưng bụng mới nhận tiền công rồi họ lại gánh đi, tiếp tục rao: “Ai... cối xay… khép hông?”.
Những năm sau này, quê tôi xuất hiện thêm nhiều nhà máy xay lúa, bà con không còn giã và xay lúa nữa. Thợ khép cối xay cũng từ giã nghề. Những chiếc cối giã và cối xay cũng dần biến mất. Cùng với nỗi luyến tiếc về một thời thơ ấu, tôi không khỏi bâng khuâng biết rằng có những tiếng rao mãi mãi không bao giờ còn nghe được trong đời…
THANH PHONG

Có thể bạn quan tâm

Tranh minh họa (nguồn internet).

Thơ Đại Dương: Kính rượu thầy giáo cũ

(GLO)- Bài thơ "Kính rượu thầy giáo cũ" của tác giả Đại Dương chứa đựng nhiều tình cảm và lòng tri ân sâu sắc. Mỗi câu thơ là hình ảnh rất chân thật về một thời gian khó cắp sách đến trường, về những hy sinh thầm lặng của thầy giáo và cả sự khắc khoải, trăn trở của người học trò đã trưởng thành...

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

(GLO)- Hình ảnh "những ngôi sao xanh" trong thơ Hà Hoài Phương tượng trưng cho ánh sáng hy vọng không bao giờ tắt, dẫu rằng có bao nhiêu khó khăn, thử thách hay bóng tối bao phủ. Những ngôi sao ấy là niềm tin, sức mạnh tinh thần giúp con người vượt qua mọi gian truân cuộc sống...

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

(GLO)- Bài thơ "Gửi lại" của Nguyễn Đình Phê là một tác phẩm đầy hoài niệm, suy tư về thời gian, tình yêu và sự chia ly. Xoay quanh cảm giác tiếc nuối, luyến lưu một mối tình đã qua, những kỷ niệm khó quên, tác giả muốn gửi lại cho người yêu hay cho chính mình?

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn bên một bức tranh của họa sĩ Xu Man tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: P.D

Tranh Xu Man: Di sản tìm về

(GLO)- Từ chỗ chỉ sở hữu số lượng tác phẩm rất ít ỏi của họa sĩ Xu Man, hiện nay, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang có một bộ sưu tập dày dặn với tổng cộng 52 bức của người họa sĩ tài danh, nhiều nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước.

Hình dung

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Hình dung

(GLO)- Bài thơ "Hình dung" của Nguyễn Ngọc Hưng là một tác phẩm đẹp, đậm chất mộng mơ và lãng mạn. Nó thể hiện một tình yêu vĩnh cửu, dường như không thể chạm vào, nhưng vẫn mãnh liệt và đầy khắc khoải...

Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

Thơ Từ Dạ Linh: Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

(GLO)- "Tặng em nỗi nhớ ngược chiều" của Từ Dạ Linh mang vẻ đẹp mộc mạc, đầy hoài niệm về tuổi thơ, về những khoảnh khắc hồn nhiên mà người ta thường dễ dàng quên đi. Ẩn chứa trong đó cũng là nỗi nhớ, sự lưu luyến về tình yêu đầu đời với những xúc cảm tinh khôi, thuần khiết...

Ảnh minh họa. Nguồn : Internet

Niềm vui đọc sách

(GLO)- Từ lâu, đọc sách đã là một hoạt động được ưa thích của nhiều người, được khích lệ ở nhiều nơi vì những lợi ích mà nó mang lại. Tôi vẫn giữ thói quen đọc đều đặn mỗi ngày. Điều đó vừa cần thiết cho công việc, vừa là cách để tôi giải trí và tìm hiểu về thế giới xung quanh.

“Mùa xuân của mẹ”

“Mùa xuân của mẹ”

(GLO)- Đầu năm nay, tác giả Lê Thị Kim Sơn-Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Gia Lai ra mắt tập truyện dành cho thiếu nhi “Cổ tích trưa” (Nhà xuất bản Kim Đồng) và mới đây là tập truyện ngắn “Mùa xuân của mẹ” (Nhà xuất bản Hồng Đức). 

Gương mặt thơ: Thanh Thảo

Gương mặt thơ: Thanh Thảo

(GLO)- Là một trong những nhà thơ tiêu biểu nhất của thế hệ thơ chống Mỹ cùng thời với Nguyễn Khoa Điềm, Hữu Thỉnh, Bằng Việt, Hoàng Nhuận Cầm, Lưu Quang Vũ, Nguyễn Trọng Tạo, Phạm Tiến Duật, Thu Bồn... nhưng Thanh Thảo có một giọng thơ riêng, thiên về trí tuệ và một lối tư duy trực cảm.

“Gia Lai trong tôi”

E-magazine“Gia Lai trong tôi”

(GLO)- Gia Lai trong bạn là những hình dung gì khi nhắc đến? Là khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, là nụ cười sơn nữ hay nét bản sắc văn hóa khó lẫn? Những câu trả lời sẽ được tìm thấy tại Triển lãm nhiếp ảnh năm 2024 với chủ đề “Gia Lai trong tôi”.