Nhớ Anh hùng Trần Ngọc Chung: Người chỉ huy dũng cảm, cơ mưu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chủ tịch nước Trần Đại Quang vừa ký Quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho liệt sĩ, Thượng tá Trần Ngọc Chung-nguyên Phó Sư đoàn trưởng Sư đoàn 320 trên cương vị Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 64 chỉ huy chiến đấu trong Chiến dịch Đường 9-Khe Sanh 1968. Được tin tôi không bất ngờ. Bởi lẽ, tôi đã biết và chứng kiến những phẩm chất anh hùng trong chỉ huy chiến đấu của ông trước đó cũng như sau này trên chiến trường Tây Nguyên và Campuchia.
Di ảnh liệt sĩ, Anh hùng Trần Ngọc Chung (do gia đình cung cấp).
Di ảnh liệt sĩ, Anh hùng Trần Ngọc Chung (do gia đình cung cấp).
Đầu năm 1980, khi tham gia viết Lịch sử Sư đoàn Đồng Bằng, tôi được phân công tập hợp tư liệu giai đoạn Sư đoàn tham gia chiến đấu ở Bắc Quảng Trị (1967-1968). Một hôm, tôi được giới thiệu đến gặp Đại tá Ngô Huy Phát (sau này là Thiếu tướng)-giảng viên Khoa Chiến dịch Học viện Quân sự cấp cao, nguyên Trưởng ban Tác chiến Sư đoàn 320 năm 1968, Sư đoàn trưởng giai đoạn 1976-1977 để tìm hiểu. Trong căn hộ tập thể phía bên phải cổng vào Học viện, ông kể cho tôi khá kỹ về bối cảnh lịch sử và quá trình tham gia chiến đấu của Sư đoàn ở Bắc Quảng Trị trước, trong và sau Tết Mậu Thân. Đặc biệt, ông nhắc nhiều đến trận cắt đường 9 của Tiểu đoàn 7 (Trung đoàn 64) do Tiểu đoàn trưởng Trần Ngọc Chung chỉ huy-trận đánh đầu tiên của Sư đoàn với quân Mỹ. Tìm hiểu thêm, tôi đã nắm khá rõ diễn biến trận đánh này và rất ấn tượng với Tiểu đoàn trưởng Trần Ngọc Chung từ ngày ấy.
Thực hiện quyết tâm chiến lược của Trung ương về tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy trên toàn miền Nam Tết Mậu Thân, cuối năm 1967, từ khu rừng Cúc Phương (Ninh Bình), Sư đoàn 320 lên đường vào chiến trường Bắc Quảng Trị (còn gọi là B5) chiến đấu. Sau 40 ngày đêm trèo đèo lội suối, Sư đoàn đã vào vị trí tập kết an toàn và được Bộ Tư lệnh Mặt trận B5 giao nhiệm vụ: Cắt đứt sự vận chuyển của địch trên đường 9 để Mặt trận tiêu diệt địch ở Khe Sanh, góp phần thu hút kéo quân Mỹ ra chống đỡ để giam chân rồi tiêu diệt, tạo thuận lợi cho toàn miền tiến hành cuộc Tổng tiến công.
Bộ Tư lệnh Sư đoàn đã sử dụng Trung đoàn 64 đánh cắt giao thông đường 9 ở khu vực Động Mã và đánh địch giải tỏa ở Đông Nam Cù Đinh (cao điểm 182); giao cho Trung đoàn 48 đánh địch trên đường 76 và chuẩn bị tiến công chi khu Cam Lộ. Mặc dù thời gian gấp gáp nhưng Trung đoàn 64 vẫn nỗ lực khắc phục khó khăn, quyết tâm đánh trận mở màn thắng lợi.
Sau gần một tuần hành quân chiếm lĩnh, xây dựng trận địa, Tiểu đoàn 7 cùng các phân đội pháo cối của Tiểu đoàn 14, súng máy cao xạ 12,7 mm của Tiểu đoàn 16 và hỏa lực của Trung đoàn tăng cường đã hoàn thành trận địa chốt trên dãy núi Động Mã. Là người chỉ huy trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp, nhưng đây là lần đầu tiên chiến đấu với quân Mỹ có lợi thế hơn hẳn về vũ khí trang bị nên Tiểu đoàn trưởng Trần Ngọc Chung đã đến từng phân đội động viên bộ đội giữ vững quyết tâm, hiệp đồng chặt chẽ, quyết đánh thắng trận đầu. Ở hướng dự kiến địch giải tỏa, Tiểu đoàn 8 cũng đã bố trí xong trận địa. Đúng thời điểm đó, Bộ Tư lệnh B5 phát lệnh tiến công căn cứ Khe Sanh; đồng thời lệnh cho Sư đoàn 320 cắt đứt đường 9, triệt tiếp tế đường bộ, đẩy quân Mỹ ở Khe Sanh vào tình trạng cô lập.

49 tuổi đời, 29 tuổi quân, Thượng tá Trần Ngọc Chung đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, được Đảng, Nhà nước, Quân đội tặng nhiều phần thưởng cao quý. Ngày 27-7-2018, đoàn đại biểu Sư đoàn 320 do Đại tá Nguyễn Kiên Lợi-Phó Chính ủy làm trưởng đoàn đã về huyện Hưng Hà (tỉnh Thái Bình) để phối hợp cùng Đảng bộ, chính quyền địa phương tổ chức lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho liệt sĩ Trần Ngọc Chung.
 

Sáng 24-1-1968, một chiếc máy bay trinh sát L19 bay dọc đường 19, đoạn có trận địa chốt của Tiểu đoàn 7, rồi cho 1 trung đội Mỹ đi dò mìn dọc hai bên đường. Đến trưa, chúng dùng pháo ở Bái Sơn, Đầu Màu bắn dọc hai bên đường 9 từ núi Kiếm đến cầu Thiện Xuân làm một số chiến sĩ của ta thương vong. Tuy nhiên, Tiểu đoàn 7 vẫn bình tĩnh, giữ tuyệt đối bí mật trận địa. Lúc 14 giờ 30 phút cùng ngày, một đoàn xe địch gồm 8 chiếc ô tô vận tải và 1 xe Jeep đi đầu chở đầy lính Mỹ tiến vào đoạn đường vòng do Đại đội 1 phục kích. Khi địch vào tầm súng hiệu quả, Tiểu đoàn trưởng Trần Ngọc Chung liền ra lệnh tiến công. Lập tức, xạ thủ B40 Nguyễn Văn Thắng nhằm chiếc đi đầu bóp cò, chiếc xe khựng lại bốc cháy. Chớp thời cơ, hỏa lực của ta đồng loạt diệt nốt những chiếc còn lại. Bị đánh bất ngờ, nhiều tên Mỹ chưa kịp phản ứng đã ngã gục, số còn lại nhảy ào xuống đường, lợi dụng thành xe, vệ đường vừa chống cự vừa lui dần về phía căn cứ 241. Một nhóm khoảng 20 tên cụm lại phía đường đối diện chống trả. Trung đội trưởng Cử liền dẫn bộ đội vận động lên. Các chiến sĩ ta đã lợi dụng địa hình che đỡ đánh địch. Chỉ sau chưa đầy 20 phút, các chiến sĩ Đại đội 1 đã diệt tại chỗ 30 tên Mỹ, phá hủy 8 xe ô tô rồi rút nhanh khỏi trận địa. Khi đơn vị đã rút về trận địa mới ở núi Kiếm cách đó 500 m an toàn thì pháo địch ở các nơi dội cấp tập vào khu vực vừa diễn ra trận đánh. Pháo địch vừa dừng thì 5 chiếc máy bay A37 lao đến trút bom san bằng bình địa.
Gần tối, một đại đội Mỹ có 2 xe tăng đi đầu từ căn cứ 241 theo đường 9 tiến về phía trận địa ta, vừa đi vừa bắn loạn xạ. Khi địch đi qua trận địa cũ của Đại đội 1, vào hết trận địa phục kích của ta ở cầu Thiện Xuân, lập tức bộ đội ta nổ súng diệt liền 2 xe tăng địch. Chớp thời cơ, Tiểu đoàn trưởng Trần Ngọc Chung ra lệnh cho Đại đội 1 đánh chặn khóa đuôi, Đại đội 3 vận động đánh vào bên sườn. Trước sức mạnh tiến công dũng mãnh của bộ đội ta, quân Mỹ khiếp sợ kêu la, chống cự yếu ớt rồi bỏ chạy, để lại 70 xác chết.
Ngày đầu ra quân, các chiến sĩ Tiểu đoàn 7 đã lập công xuất sắc, đánh liền 2 trận phục kích giòn giã, diệt 100 tên Mỹ, phá hủy 8 xe ô tô và 2 xe tăng, cắt đứt hoàn toàn đường 9, làm cho bộ đội tin tưởng vào khả năng đánh Mỹ và thắng Mỹ, tạo điều kiện cho Sư đoàn 304 và Sư đoàn 325 trên hướng chủ yếu của chiến dịch xiết chặt thêm vòng vây quân Mỹ ở Khe Sanh.
Bị đánh đau ở Động Mã, 2 ngày sau, Bộ Tư lệnh Sư đoàn 3 Thủy quân Lục chiến Mỹ đưa Tiểu đoàn 2 (Trung đoàn 4) từ Dốc Miếu về chiếm giữ điểm cao 105 ở phía Bắc đường 9 chuẩn bị tiến công nhổ chốt Động Mã của ta. Nắm chắc diễn biến về địch, Bộ Tư lệnh Sư đoàn 320 ra lệnh cho Trung đoàn 64 tiến công tiêu diệt quân Mỹ ở 105. Sau khi cân nhắc, chỉ huy Trung đoàn 64 quyết định dùng Tiểu đoàn 7 và Tiểu đoàn 8 tập kích địch trước rạng sáng 27-1.
Nhận lệnh, 2 tiểu đoàn liền xuất kích. Sau nhiều giờ luồn rừng lội suối dưới trời mưa trong đêm tối, lúc 4 giờ sáng, Tiểu đoàn 7 vào vị trí tạm dừng và tổ chức nắm địch. Tiểu đoàn trưởng Trần Ngọc Chung cùng một tổ trinh sát bò vào trận địa địch thì thấy quân Mỹ căng bạt nằm ngủ ngổn ngang dưới khe, canh gác sơ sài. Mặc dù Tiểu đoàn 8 chưa vào nhưng đây là thời cơ tiêu diệt địch, Tiểu đoàn trưởng Chung liền hội ý chớp nhoáng với Chính trị viên Nguyễn Văn Đức rồi triển khai đội hình tiến công. Đúng 5 giờ sáng 27-1-1968, từ ba hướng, các loại hỏa lực B40, B41, thủ pháo, lựu đạn của ta đồng loạt đánh vào mục tiêu. Bị đánh bất ngờ trong lúc còn đang ngủ, quân Mỹ không kịp trở tay, nhiều tên bị diệt ngay từ những phút đầu. Một số tên vội vàng vơ súng chống cự, liền bị chiến sĩ ta xông lên dùng AK, báng súng, lưỡi lê tiêu diệt. Sau gần 20 phút nổ súng, Tiểu đoàn 7 đã diệt hơn 100 tên Mỹ, phá tan âm mưu chốt điểm lập bàn đạp giải tỏa đường 9 ở khu vực Động Mã của quân Mỹ.
 Thân nhân liệt sĩ Trần Ngọc Chung (thứ 3 từ phải sang) nhận bằng truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Ảnh: K.N.B
Thân nhân liệt sĩ Trần Ngọc Chung (thứ 3 từ phải sang) nhận bằng truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Ảnh: K.N.B
Sau trận thắng Mỹ ở đường 9, Trần Ngọc Chung còn chỉ huy hàng trăm trận đánh trên cương vị Tiểu đoàn trưởng ở Quảng Trị năm 1968, trên cương vị Trung đoàn phó ở Đường 9-Nam Lào năm 1971, trên cương vị Trung đoàn trưởng Trung đoàn 48 ở Tây Nguyên từ năm 1972 đến cuối năm 1974. Trên cương vị Tham mưu trưởng Sư đoàn 320, ông đã trực tiếp chỉ huy Trung đoàn 48 tiến công đánh chiếm căn cứ Đồng Dù sáng 29-4-1975. Năm 1977, trên cương vị Phó Sư đoàn trưởng, ông tiếp tục cùng Sư đoàn tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia. Ông luôn thể hiện vai trò của một chỉ huy dũng cảm, cơ mưu.
Sáng 12-2-1979, từ Sở chỉ huy Sư đoàn ở đường 3 cách Phnom Penh hơn 30 km về phía Tây, Thượng tá, Phó Sư đoàn trưởng Trần Ngọc Chung được Bộ Tư lệnh phân công cùng Phó Chính ủy Sư đoàn Nguyễn Văn Thứ xuống trực tiếp chỉ huy các Trung đoàn 48 và 64 tiến công giải phóng Ăng Ta Som. Khi xe chở ông đến địa phận Ta Keo thì một toán địch phục kích bên đường chặn đánh và ông đã anh dũng hy sinh.
Hùng Tấn

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.