Nhịp cầu yêu thương của anh thợ cắt tóc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Sống bằng nghề cắt tóc chỉ đủ chi tiêu cho gia đình, thế nhưng thấy nhiều cảnh đời khốn khó hơn mình, anh đã làm nhịp cầu yêu thương chia sẻ, giúp người nghèo trong khó khăn.

Anh Lê Minh Tân (người cầm điện thoại) trong một lần mang quà đến cho trẻ em vùng cao - Ảnh: NVCC
Anh Lê Minh Tân (người cầm điện thoại) trong một lần mang quà đến cho trẻ em vùng cao - Ảnh: NVCC


Tấm lòng nhân ái từ trái tim bình dị của anh đã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen. Đó là anh Lê Minh Tân (43 tuổi), ở xứ quế Trà Bồng, Quảng Ngãi.

Tuổi thơ khốn khó

Sáng đầu xuân ở TT.Trà Xuân, H.Trà Bồng đẹp đến lạ. Sương trên đầu núi chưa tan vào ánh vàng rực rỡ phía đông, người xứ quế mùa này đã sớm vào núi khai thác quế, đót cho một ngày mới mưu sinh tất bật. Chúng tôi đến xứ quế, gặp anh Lê Minh Tân, nghe anh kể chuyện leo núi cắt tóc làm từ thiện.

Anh Tân bảo, nhà anh ngày xưa kinh tế vốn bình thường, nhưng từ khi mẹ mắc bệnh ung thư thì rơi vào cảnh khốn khó. Khi đó, nhà có gì cũng phải bán lo chạy chữa cho mẹ. Tài sản thì mỗi ngày một cạn, nhưng bệnh thì không bớt. Cách đây 24 năm, mẹ anh ra đi khi đứa em út mới 8 tháng tuổi. Mọi cái ăn cái mặc đặt nặng trên vai người cha.

Đang học lớp 9, Tân (là anh lớn trong nhà, 18 tuổi) cùng em gái kế đành giã từ đèn sách để bươn chải mưu sinh. 5 anh em của Tân khi ấy cùng người cha phải tựa vào nhau để sống, trầy trật qua từng năm tháng của đời người. Những bữa cơm khoai muối, những bữa ăn nhường cơm cho em, ăn không no, ngủ không đủ giấc... đến nay anh Tân còn nhớ rõ. "Mình tâm niệm, sau này nhất định nếu có điều kiện sẽ làm từ thiện, giúp những người khốn khó, nhất là trẻ em như mình ngày thơ dại", anh nói.

Anh Tân vốn mê điêu khắc nhưng vì không có tiền nên năm đó, phải đi học nghề cắt tóc, vừa rẻ tiền vừa mau kiếm cơm. Có điều, cha anh phải bán hết mấy cái cây lớn trong vườn mới đủ tiền cho anh học nghề. Sau một năm học nghề, "tốt nghiệp" nhưng không có tiền mua đồ nghề, anh đành khăn gói vào miền Nam cắt tóc thuê. Hai năm xa quê, vừa mưu sinh, gửi tiền về nhà lo cho các em, anh Tân cũng gom đủ tiền trở về quê mở tiệm cắt tóc.

Nhờ siêng năng nên từ khi mở tiệm cắt tóc, đời sống của 5 anh em anh Tân cải thiện hơn. “Nghề cắt tóc chỉ đủ ăn thôi, biết lấy đâu ra tiền để làm từ thiện, làm sao thực hiện được tâm nguyện?”, nhiều đêm anh Tân trăn trở.

Một ngày tháng chạp lạnh cắt da thịt cách đây khoảng 7 năm, vừa mở cửa tiệm ra anh đã thấy 4 cha con người dân tộc Kor từ xã Trà Thủy, H.Trà Bồng chở nhau đến cắt tóc, chuẩn bị ăn tết. Thấy 3 đứa nhỏ co ro không có áo ấm mặc, mặt mày trắng tái lên vì lạnh, anh hỏi thăm thì người cha ấy đưa tay gãi đầu: “Nhà em không có áo ấm”. Nghe vậy anh liền vào trong nhà, mang 3 cái áo ấm của con mình ra mặc cho 3 đứa trẻ. “Nhìn ánh mắt lũ trẻ ánh lên niềm vui, tôi ứa nước mắt…”, anh Tân nhớ lại.

Từ hôm ấy, anh gắn liền với những việc làm thiện nguyện, dù là những công việc nhỏ xíu, bình dị.

 

 Anh Tân và nhóm của mình đến tận nhà cắt tóc cho trẻ em và đồng bào Kor
Anh Tân và nhóm của mình đến tận nhà cắt tóc cho trẻ em và đồng bào Kor


Nguyện làm “cái bang chúa”

Sau lần trao áo ấm cho 3 đứa trẻ người Kor, anh cứ trăn trở: Những đứa trẻ này đã vậy, còn sâu trong các thôn làng, chúng sẽ ra sao? Sáng hôm sau, anh nhét tông đơ vào túi rồi chạy xe máy đến tận xã Trà Thanh, H.Tây Trà (nay đã nhập vào H.Trà Bồng), nơi xa nhất của huyện vùng cao để “khảo sát” tình hình.

Anh Tân kể trưa hôm đó anh ghé vào một quán do người Kinh lên mua bán ở xã Trà Thanh heo hút này, ăn một tô mì tôm. Lúc này có 4 đứa trẻ quần áo bẩn, tóc tai lu bù, bê bết cầm 2.000 đồng vào mua kẹo. Khi ấy, các em cứ nhìn anh chằm chằm, có em còn nuốt nước miếng. Biết các thèm ăn, anh Tân nhờ quán làm cho 4 tô mì tôm cho các em, ăn xong còn cho kẹo mang về. Chiều hôm đó, anh Tân đi sâu vào các thôn làng ở đây, xót xa khi tận mắt chứng kiến cảnh đời tạm bợ của đồng bào Kor vùng cao này. Trẻ em hầu như thiếu quần áo, nếu có thì lấm lem, không đủ ấm, ở trong các căn nhà lụp xụp.

Sau chuyến lên vùng cao ấy về, anh Tân nghĩ: Nếu không có tiền thì đi xin quần áo cũ cho đồng bào Kor. Vậy là từ đó về sau, sau thời gian cắt tóc, anh Tân làm "cái bang chúa" đến tận từng nhà ở TT.Trà Xuân, H.Trà Bồng xin quần áo cũ. Những ngày đầu cảm giác có ngại ngần, nhưng làm điều thiện thì tâm sáng hơn nên anh bỏ qua những lời ong tiếng ve dị nghị. Chuyến đầu đưa quần áo lên cho đồng bào Kor, anh Tân cùng vài anh em trong nhóm trải bạt ra rồi chất quần áo cũ lên, người dân cứ thế đến lựa cái nào vừa thì mang về.

Có điều, do không có kinh nghiệm nên rất nhiều đồ quá cũ, hỏng không thể dùng. Anh Tân bị tổn thương lần đó, nhưng về sau, cứ xin quần áo cũ về, anh Tân cùng anh em mình mang ra lựa chọn, chỉ lấy những quần áo dùng được, giặt sạch rồi mới mang lên cho đồng bào nghèo trên núi. Sau này, anh cùng anh em đứng ra lập nhóm "Nhịp cầu yêu thương" kết nối những tấm lòng thơm thảo xa, gần về với người nghèo ở xứ quế Trà Bồng.

Tiếng lành đồn xa, việc làm thiện nguyện từ tốn, bình dị của anh Tân cũng bắt đầu lan tỏa. Nhiều tổ chức thiện nguyện của tỉnh Quảng Ngãi, các tỉnh phía nam, TP.HCM, Đà Nẵng... đã được anh Tân kết nối. Những chuyến hàng, tiền... của các mạnh thường quân đã đưa về đất quế và anh lại kết nối với chính quyền các xã, bôn ba hàng trăm chuyến đi vào thôn làng xa xôi để đưa quà đến tận tay người nghèo, làm vơi đi những khó khăn trước mắt, phần nào đỡ đần cho chính quyền địa phương vốn nghèo nhưng có nhiều con.

Đến nay, giá trị mà anh Tân cùng nhóm “Nhịp cầu yêu thương” đưa về địa phương gần 4 tỉ đồng. Một số tiền không nhỏ từ lời kêu gọi của anh chàng cắt tóc và nhóm anh em nhân ái của mình.

Trò chuyện quanh ấm trà buổi sáng, anh Tân tâm sự, mỗi buổi sáng mở mắt ra thấy mặt trời lên và cả bầu trời chuyển động, nên sống làm sao cho có ý nghĩa. Vì vậy, ngoài làm “cái bang chúa” đi xin quần áo cũ, xin tiền, xin gạo và đủ thứ xin khác, anh còn cùng người trong nhóm của mình lang thang đi cắt tóc miễn phí cho người già, đau yếu, trẻ em... Việc cắt tóc miễn phí anh Tân đã làm hơn 10 năm trước.

Có lúc anh đến một số gia đình có cha mẹ, người thân đau yếu nhờ đến tận nhà cắt tóc; khi thì cắt tóc miễn phí do các tổ chức xã hội, đoàn thanh niên tổ chức tập trung. Sau này, khi thấy người già đi lại khó khăn, nhưng nhu cầu cắt tóc cũng như bao người, anh Tân chuyển hẳn sang đi cắt tóc giúp những người không thể đến tiệm của mình. Đến nay, mỗi tháng anh chọn mùng 1 và ngày rằm, dắt 2 học trò lang thang vào các làng đồng bào dân tộc Kor, ai muốn cắt tóc thì đến tận nơi phục vụ tận tình, chu đáo nhưng miễn phí.

Anh Tân kể một lần vào trường tiểu học cắt tóc cho các em học sinh. Cắt từ sáng đến 13 giờ mới nghỉ. Vừa cắt tóc vừa thương các em học sinh vùng cao, vì lâu ngày không gội đầu nên tóc bết lại, tua tủa như rễ tre. “Thương nhất là chấy từ tóc các em cứ rơi xuống áo choàng. Mồ hôi làm bết tóc lại. Hàng trăm em được cắt tóc xong, cô giáo đưa đi gội đầu. Xong, chúng tôi còn cho mỗi em hai bộ quần áo và kẹo bánh mang về. Cứ thấy ánh mắt các em vui, hạnh phúc là mình quên hết đi mệt nhọc”, anh chia sẻ.

Gieo nắng hạnh phúc

Anh Tân tâm sự làm việc thiện cũng có những nỗi niềm riêng. Đó là những người không hiểu việc làm ý nghĩa ấy đã nói lời không hay. Không nói được anh Tân, họ lại chuyển sang nói với gia đình, tác động đến cả vợ anh. Có điều, tâm đã hướng thì cứ theo đường thiện. "Ba tôi động viên: Con làm được gì cho đời thì cứ làm, làm với cái tâm sáng. Nghe lời khuyên này và cùng nhiều động viên khác của chính quyền, lãnh đạo H.Trà Bồng, nên tôi làm thiện nguyện mãi đến nay", anh nói.

Dự định sắp đến, anh Tân không về vùng cao để cấp nhu yếu phẩm cho người dân nữa, mà khảo sát những vật dụng gia đình, dụng cụ lao động cần thiết, nước uống cho trẻ em, học sinh..., sau đó kêu gọi mạnh thường quân hỗ trợ.


 

Bà Lê Thị Hồng Hải, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Trà Bồng, cho biết những việc làm của anh Tân thật ý nghĩa, như những hạt nắng hạnh phúc gieo ra mỗi ngày, đã lan tỏa nhiều thơm thảo. Hiện nay có nhiều tổ chức, cá nhân cũng làm theo cách làm của anh Tân để giúp ích cho đời.

Theo bà Hải, anh Tân được biểu dương là “Những tấm gương bình dị mà cao quý” cấp huyện và cấp tỉnh. Cuối năm 2020, anh Tân được Thủ tướng tặng bằng khen trong cuộc vận động Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. "Chúng tôi sẽ tổ chức trao bằng khen này cho anh Tân trong thời gian đến", bà Hải cho biết.


Theo PHẠM ANH (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.