Nhiều nhà máy mía đường thua lỗ: Bộ trưởng khuyên nên trồng nấm

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Niên vụ mía đường 2018 -2019 là năm thứ 3 liên tiếp, ngành mía đường chịu sự tác động tiêu cực của khí hậu thời tiết, giá cả, thị trường trong nước và quốc tế...
 
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường vừa làm việc với lãnh đạo chủ chốt của Hiệp hội Mía đường Việt Nam. Nhận định hiện nay là thời điểm khắc nghiệt nhất đối với ngành mía đường từ trước đến nay, ông Nguyễn Xuân Cường đã có những chỉ đạo có tính chất tư vấn để ngành mía đường nâng cao khả năng cạnh tranh theo nền kinh tế thị trường, hội nhập và có khát vọng đi lên.
Ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, niên vụ mía đường 2018 -2019 là năm thứ 3 liên tiếp, ngành mía đường chịu sự tác động tiêu cực của khí hậu thời tiết, giá cả, thị trường trong nước và quốc tế. Đặc biệt, trong niên vụ 2017-2018, kết quả kinh doanh giảm sút, nhiều nhà máy đường, công ty mía đường thua lỗ.
Tồn kho lớn, nhiều nhà máy thua lỗ
Cập nhật đến ngày 15/3/2019, có 36 nhà máy đường đang hoạt động, ép được gần 8 triệu tấn mía, sản xuất được 750 ngàn tấn đường các loại. Ngoài ra, các nhà máy tinh luyện được khoảng 150 ngàn tấn đường từ nguyên liệu đường thô nhập khẩu. Từ đầu niên vụ đến nay, tình hình tiêu thụ đường rất chậm do tồn kho vụ trước lớn, cộng cả tồn kho vụ trước và hiện nay vẫn còn khoảng 75%, giá đường vẫn ở mức thấp, giá bán phổ biến đường kính trắng RS khoảng 10.500 đồng/kg. Nguyên nhân chủ yếu là tồn kho lớn từ vụ trước, buôn lậu chưa giảm.
Khi các lực lượng chống buôn lậu ra quân trong dịp Tết Nguyên đán, buôn lậu có giảm, nay buôn lậu gia tăng trở lại và phức tạp hơn. Đường lỏng tiếp tục nhập khẩu gia tăng (năm 2014 nhập khẩu 46 ngàn tấn, năm 2018 nhập khẩu khoảng 140.000 tấn, tăng hơn 3 lần). 
Tình trạng mía được thu mua chậm, giá mía xuống, nông dân chán nản, cùng với diễn biến bất thường của khí hậu thời tiết đã làm cho mía trổ cờ sớm và sâu bệnh nên diện tích, năng suất mía đang giảm mạnh. Năng suất, sản lượng mía, sản lượng đường các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long giảm tương ứng là 13%, 22% và 23%. 
Theo Hiệp hội Mía đường, ước niên vụ 2018-2019, sản lượng mía đạt khoảng 14 triệu tấn, sản lượng đường đạt khoảng 1,3 triệu tấn, giảm so với niên vụ trước và tương đương niên vụ 2015-2016 và 2016-2017. Dự kiến tình hình sản xuất niên vụ 2019-2020 sẽ tiếp tục giảm so với niên vụ 2018-2019, diện tích còn khoảng 220.000 ha, sản lượng mía khoảng 13 triệu tấn và sản lượng đường khoảng 1,25 triệu tấn, giảm 5% so niên vụ 2018-2019.
Ông Phạm Quốc Doanh cho hay, các doanh nghiệp mía đường đang thiếu vốn lưu động, do các ngân hàng thắt chặt việc cho vay, nên nhiều nhà máy không có tiền để thanh toán mía nguyên liệu cho nông dân. Vùng mía nguyên liệu giảm mạnh do người trồng mía chuyển cây trồng khác, vì giá mua mía nguyên liệu thấp hơn niên vụ 2017/2018. Nhiều nhà máy đã bị thua lỗ nặng, có nguy cơ đóng cửa do liên tục trong 3 vụ kinh doanh, tiêu thụ khó khăn và giá đường thấp.
Giảm giá thành, nâng cao giá trị sản phẩm
Sau khi Hiệp định thương mại ASEAN có hiệu lực, nhiều nước có những chính sách để hạn chế nhập khẩu. Philippines ban hành quy định cả đường thô và đường trắng đều phải có giấy phép nhập khẩu. Malaysia là nước không trồng mía, nhập khẩu 100% từ nước ngoài. Chính phủ nước này quy định: đối với đường thô thì cho phép được nhập khẩu tự do mà không cần giấy phép, nhưng chỉ áp dụng đối với các nhà máy đường luyện. Đối với việc nhập khẩu đường trắng thì cần giấy phép và được áp dụng cho các đơn vị công nghiệp và không được nhập khẩu để bán ra thị trường.
Sau khi nghe Hiệp hội Mía đường báo cáo, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khuyến cáo nên tận dụng bã mía để làm nấm. Bộ trưởng dẫn chứng mô hình ở Vĩnh Phúc, làm nấm trên diện tích hơn 2.000 m2, nhưng tháng nào cũng thu 400-500 triệu nấm tỏi gà. Mô hình trồng nấm rơm tại Lâm Đồng, cứ 1m2 nấm rơm bằng công nghệ của Nhật Bản cho 20 kg nấm mà 1kg nấm bán 450.000 đồng. 
"Các doanh nghiệp nên sang Nhật Bản học công nghệ và nhập nấm giống gốc và ngành mía đường phải có viện chuyên sâu. Còn đốt ra điện thì cũng chỉ là tận dụng trong giai đoạn quá độ, lãng phí, ô nhiễm", Bộ trưởng đánh giá và cho biết thêm, việc dùng bã mía làm nấm là tốt, sau bã có thể làm phân. 
Đặc biệt, nấm sẽ là sản phẩm thức ăn tiềm năng, trong 10 năm nữa chưa sản xuất đủ. Câu chuyện dùng lá chuối hay hộp làm từ bã mía, túi ngô đựng thực phẩm đang được các siêu thị ở Tp.HCM hưởng ứng.
Bộ trưởng khẳng định, để nâng cao sức cạnh tranh cho ngành mía đường, phải giảm giá thành tối đa ở tất cả các khâu, nâng cao giá trị tối đa cho các nhóm sản phẩm. Trong thời gian tới, Bộ sẽ đồng hành cùng hiệp hội, doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất giống 3 cấp để đáp ứng đủ giống cho nông dân trồng, qua đó nâng cao năng suất trồng mía của Việt Nam lên 90-100 tấn, thay vì 50-60 tấn như hiện nay. 
Cùng với đó, cần cơ giới hóa tất cả các khâu, tưới nước khoa học và bón phân cân đối để tạo ra sản phẩm chất lượng, chi phí sản xuất thấp. Bộ trưởng cũng đồng ý với đề xuất thành lập Trung tâm kiểm soát chữ đường - một cơ quan trung gian để xác định chữ đường, lấy lại niềm tin cho người trồng mía để xác định giá trị mía chính xác, thay vì mua xô, bán xô như hiện nay.
Chu Khôi (VnEconomy)

Có thể bạn quan tâm

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.