Nhiều đặc sản sẽ giới thiệu trong lễ hội hoa dã quỳ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chuối “mồ côi”, gà lông ngược, muối cỏ thơm, thịt heo gác bếp, chả cá thác lác… là những sản phẩm đặc trưng của huyện Chư Pah sẽ được giới thiệu tại chợ phiên nông sản an toàn nằm trong khuôn khổ lễ hội hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đăng Ya năm 2018.
Về Chư Pah những ngày cuối tháng 10, chúng tôi cảm nhận rất rõ không khí chuẩn bị tất bật cho lễ hội hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đăng Ya. Dọc đường từ thị trấn Phú Hòa vào các xã, đâu đâu cũng treo băng rôn quảng bá về lễ hội. Và khi ánh chiều bắt đầu nhạt, công việc nhà nông vất vả tạm gác lại cũng là lúc chị em phụ nữ làng Mrông Yố 2 (xã Ia Ka) í ới gọi nhau tập trung chuẩn bị các món ăn đặc sản truyền thống của người Jrai để phục vụ nhu cầu du khách tại lễ hội sắp tới.
 Hơn 100 sản phẩm sẽ được giới thiệu tại chợ phiên nông sản an toàn. Ảnh: L.L
Hơn 100 sản phẩm sẽ được giới thiệu tại chợ phiên nông sản an toàn. Ảnh: L.L
Khoe với chúng tôi mẻ heo gác bếp vừa ra lò, bà Rơ Châm HKen-Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Ia Ka-cho biết: “Khi biết huyện sẽ tổ chức chợ phiên nông sản an toàn vào dịp lễ hội hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đăng Ya, Hội LHPN xã đã hội ý và quyết định đăng ký 1 gian hàng với mong muốn giới thiệu đến du khách các sản phẩm đặc trưng của người Jrai như: heo gác bếp, muối lá é, muối kiến vàng, gà nướng cơm lam… Đặc biệt, chúng tôi cũng sẽ giới thiệu sản phẩm muối cỏ thơm được chế biến rất công phu”.
Cẩn thận đóng chai và dán nhãn cho sản phẩm muối cỏ thơm, chị Rơ Châm  HJuly (làng Mrông Yố 2) tâm sự: “Cách làm loại muối này có từ thời xa xưa, mẹ mình truyền dạy lại. Loại cỏ này rất hiếm, tự mọc, không trồng được. Tất cả các khâu chế biến đều thủ công và phải có bí quyết mới giữ được hương vị thật của loại cỏ này”.
Không khí chuẩn bị cho chợ phiên nông sản an toàn tại các xã Ia Kreng, Đak Tơ Ve… cũng rộn ràng không kém. Ông Phạm Thanh Xuân-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Kreng-cho hay: “Xã đã đăng ký một gian hàng để giới thiệu sản phẩm đặc trưng như: măng sấy khô, gạo nếp cẩm, chuối sấy… và nhất là sản phẩm chuối “mồ côi”. Đây là loại chuối quý hiếm chỉ có trong rừng. Hạt của nó to gấp nhiều lần so với chuối thường. Người dân nơi đây thường dùng chuối “mồ côi” để ngâm rượu. Do quý hiếm nên giá bán cũng khá cao, trên 200.000 đồng/kg”. Còn ông Lê Ngọc Ánh-Chủ tịch UBND xã Đak Tơ Ve thì chia sẻ: “Sản phẩm độc đáo mà xã sẽ giới thiệu đến chợ phiên nông sản an toàn là gà lông ngược. Đây là giống gà đột biến gen được nuôi trong dân, số lượng không nhiều nhưng dễ nuôi bởi chúng có sức đề kháng rất tốt. Thịt gà lông ngược thơm ngon, rất phù hợp để chế biến các món nướng, hấp muối…”.
Trao đổi với P.V, ông Đặng Anh Tuấn-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pah, thành viên Ban tổ chức chợ phiên nông sản an toàn-cho biết: Tại lễ hội hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đăng Ya năm 2017, trên địa bàn huyện cũng có một số đơn vị tham gia giới thiệu sản phẩm đặc trưng nhưng quy mô nhỏ, chủ yếu là ẩm thực. Năm nay, lễ hội được tổ chức có kết hợp với chợ phiên nông sản an toàn. “Tất cả 15 xã, thị trấn trong huyện đều đăng ký tham gia chợ phiên với trên 100 sản phẩm gồm thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến sẵn, dược liệu, nông sản… của 70 cơ sở, hộ kinh doanh. Ngoài ra, còn có một số doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn cũng sẽ tham gia như: Công ty TNHH Bio Pháp, Công ty TNHH Sản xuất Dịch vụ Tam Ba, Công ty TNHH một thành viên Chè Biển Hồ… Đây là dịp thuận lợi để huyện vừa giới thiệu, quảng bá sản phẩm địa phương vừa góp phần phục vụ du khách những món đặc sản chất lượng”-ông Đặng Anh Tuấn thông tin.
Cũng theo ông Tuấn, huyện Chư Pah đã thành lập đoàn kiểm tra về an toàn vệ sinh thực phẩm, dự kiến từ ngày 5-11 sẽ thực hiện kiểm tra các cơ sở, hộ kinh doanh đã đăng ký tham gia chợ phiên nông sản an toàn. Các sản phẩm giới thiệu tại chợ phiên phải được đăng ký hoặc cam kết đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Lê Lan

Có thể bạn quan tâm

Khách quốc tế tới Việt Nam tăng mạnh

Khách quốc tế tới Việt Nam tăng mạnh

Trong 4 tháng đầu năm nay, khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 7,7 triệu lượt người, tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Người châu Á đến Việt Nam du lịch nhiều nhất, đạt gần 6 triệu lượt người nhờ chính sách thị thực thuận lợi và tổ chức các ngày lễ lớn của dân tộc.

Ẩm thực truyền thống của người Bahnar đến từ làng du lịch cộng đồng Mơ Hra-Đáp (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang). Ảnh: Hoàng Ngọc

Văn hóa "chắp cánh" cho du lịch Gia Lai

(GLO)- Cuộc thi nghề đan lát, dệt thổ cẩm và ẩm thực truyền thống phục vụ du lịch là dịp hội ngộ của những nghệ nhân giỏi tay nghề toàn tỉnh Gia Lai, đồng thời là hành trình khơi dậy kho tàng văn hóa, kết tinh thành sản phẩm quà tặng mang dấu ấn riêng của vùng đất cao nguyên.  

Cận kề 30.4, dòng người tranh thủ check-in với những view '50 năm mới có 1 lần'

Cận kề 30.4, dòng người tranh thủ check-in với những view '50 năm mới có 1 lần'

Không chỉ bạn trẻ ở TP.HCM, những người trẻ ở tỉnh, thành khác cũng về thành phố để hòa mình vào các hoạt động kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất. Tranh thủ ngày cận kề 30.4, không muốn bỏ lỡ cơ hội nên từ sáng sớm hôm nay dòng người nao nức check-in với những view '50 năm mới có 1 lần'.

Pleiku: Thành phố trẻ trên cao nguyên xanh

Pleiku: Thành phố trẻ trên cao nguyên xanh

(GLO)- Giữa bạt ngàn đồi núi Tây Nguyên, Pleiku hiện lên như một viên ngọc thô đang dần được mài giũa. Không ồn ào náo nhiệt như TP. Hồ Chí Minh hay cổ kính, trầm mặc như Huế… song Pleiku lại có một sức hút riêng, khiến bất kỳ ai đã đến đây đều không thể quên.