Nhân văn tập tục cưới xin của người Bahnar

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Từ xưa đến nay, người Bahnar không thách cưới, ép gả. Đặc biệt, đám cưới được thực hiện theo phương thức “song hệ”, tức là cả 2 gia đình nhà trai và nhà gái cùng chăm lo chu đáo cho ngày quan trọng này.

Ông Suk-một trong những người am hiểu về văn hóa truyền thống của đồng bào Bahnar ở làng Piơm (thị trấn Đak Đoa) cho hay: Từ xa xưa, người Bahnar cũng có tục hứa hôn (mĕ [ă rơ\ng) kiểu cha mẹ đặt đâu con ngồi đó. Tuy nhiên, theo thời gian, người Bahnar dần loại bỏ tục hứa hôn, bắt đầu coi trọng quyền tự do hôn nhân của con cái, không ép buộc, thách cưới hay gả bán.

Các chàng trai, cô gái khi đến tuổi cập kê được tự do tìm hiểu, lựa chọn người mình yêu thương nhưng tuyệt đối không được quan hệ thân xác. Trong trường hợp đôi trai gái đã quan hệ với nhau mà không nên vợ chồng thì sẽ bị nhà gái bắt phạt rất nặng.

Tốp người theo người mai mối đến “bắt” anh em họ hàng hỗ trợ heo gà để mừng đám cưới. Ảnh: A.D

Tốp người theo người mai mối đến “bắt” anh em họ hàng hỗ trợ heo gà để mừng đám cưới. Ảnh: A.D

Vì lẽ đó, khi đôi trai gái tìm được ý trung nhân thì họ tìm đến người mai mối để se duyên. Thông thường, chàng trai chủ động tìm người mai mối, chọn người uy tín, giỏi ăn nói và không có họ hàng với 2 gia đình để đứng ra “đánh tiếng” với cô gái.

Qua mai mối, nếu cô gái đồng ý thì sẽ tiến hành lễ đính hôn (et sơkơ\t jơ\ng). Trong trường hợp cô gái không đồng ý thì người mai mối lặng lẽ báo lại cho chàng trai, giữ kín, không để chuyện này lọt ra ngoài, sợ ảnh hưởng đến danh dự của chàng trai.

Bà Yao (71 tuổi) là bà mối đã từng se duyên cho hàng chục cặp vợ chồng ở làng Piơm. Bà chia sẻ: “Khi chàng trai, cô gái đem lòng yêu nhau, bố mẹ biết thì nhờ người mai mối đến hỏi ý kiến 2 người, nếu cả 2 đồng ý thì tổ chức lễ đính hôn. Người mai mối cầm tay chàng trai trao cho cô gái căn dặn 2 người mãi yêu thương nhau và giữ trọn lời hẹn ước”.

Cũng theo bà Yao, lễ đính hôn được tiến hành đơn giản, không cầu kỳ nhưng có ý nghĩa rất quan trọng, vì đây là sự ràng buộc tình duyên của đôi trai gái. Sau lễ đính hôn, đôi trai gái tuyệt đối không được có quan hệ yêu đương với những người khác, trường hợp 1 trong 2 người bội ước, đem lòng yêu người khác thì gia đình người bị bỏ rơi có quyền bắt phạt theo những gì đã hứa. Theo đó, có thể lấy đất đai, ruộng, rẫy, trâu, bò hoặc tài sản, chiêng, ché quý... như bắt phạt khi ly hôn.

Trong thời gian đính hôn, đôi trai gái không được phép ăn ở như vợ chồng, có thể đi làm giúp nhau, nhưng phải có người đi cùng và khi xong việc bắt buộc phải về lại nhà mình. Thậm chí ở một số nơi còn cấm không cho đôi trai gái đã đính hôn đi làm đổi công chung, sợ 2 đứa “vượt rào” lỡ không nên duyên vợ chồng sẽ gây sự hận thù, chia rẽ 2 gia đình. Đây là cách mà gia đình 2 bên phòng khi 1 trong 2 người thay lòng đổi dạ.

Sau thời gian đủ để tìm hiểu nhau, nếu không có trắc trở hay sự thay lòng đổi dạ thì gia đình tổ chức đám cưới (et pơkong) cho đôi trai gái. Xưa kia, người Bahnar thường hứa hẹn sau khi thu hoạch xong mùa màng, lúa đầy bồ, bắp đầy kho, trâu bò đầy chuồng, heo gà đầy sân... thì tổ chức đám cưới.

Tại lễ cưới, cùng những lời chúc phúc, trước sự chứng kiến của họ hàng 2 gia đình và bà con thân tín, người mai mối hoặc một người uy tín trong họ hàng 2 bên sẽ đứng ra căn dặn cô dâu, chú rể phải sống hòa thuận, luôn yêu thương nhau; chăm làm để xây dựng cuộc sống gia đình và đặc biệt phải hiếu thảo, kính trọng cha mẹ của nhau.

Về lễ vật, bắt buộc phải có để cúng các Yàng, mời gọi tổ tiên về chứng kiến lễ cưới, gồm: 1 ché rượu ghè, 1 con gà (ie\r pơ, tơdrơ bo#i), 2 nắm cơm và 2 sợi dây chuyền. Ông Hyết (làng Piơm) cho hay: “Khi tiến hành lễ cưới, thầy cúng sẽ cúng với lễ vật gồm gà nướng, 2 nắm cơm để chàng trai và cô gái cầm đưa cho nhau ăn, thể hiện sự đồng ý nên duyên vợ chồng.

Tiếp đó, người mai mối lấy 2 sợi dây chuyền trộn vào nhau và kéo lên, nếu 2 sợi dính vào nhau thì 2 người là duyên trời định, sẽ sống với nhau trọn đời. Nếu 2 sợi dây không dính vào nhau, qua 3 lần xáo trộn kéo lên thì cho rằng, 2 người không có duyên, sau này rất dễ xung đột, ly hôn”.

Rượu ghè se duyên vợ chồng. Ảnh: A Dơng

Rượu ghè se duyên vợ chồng. Ảnh: A Dơng

Trước ngày cưới 1 ngày, khi chiều xuống, heo gà đã vào chuồng, người mai mối dẫn theo một tốp người đi đến từng nhà họ hàng 2 bên “bắt” anh em họ hàng hỗ trợ heo gà (đo# nhu\ng ie\r) tùy khả năng có, rồi đem về nhà cô gái tổ chức đám cưới. Những con vật này sẽ được người mai mối tổ chức giết mổ, nấu nướng sẵn. Hôm sau, anh em họ hàng thân thiết, từng người mang theo ghè rượu của gia đình đến nhà gái cùng uống rượu mừng.

Ông Suk chia sẻ thêm: “Đám cưới Bahnar không tồn tại tục thách cưới, trả tiền công nuôi dưỡng... Việc tổ chức cưới cũng không bắt 2 bên gia đình bỏ ra tiền của như nhau. Nếu nhà trai không có điều kiện thì có thể góp cho ngày cưới ít hơn, nhà gái có điều kiện hơn thì góp nhiều hơn. Đây là nét nhân văn, cái chính là bày tỏ niềm vui có dâu, rể, bày tỏ tấm lòng thương yêu con cái; mừng con cái có gia đình, gắn bó với nhau trọn đời”.

Ngày nay, việc cưới xin của người Bahnar có một số thay đổi cho phù hợp với đời sống mới. Tuy nhiên, những tục lệ truyền thống giàu tính nhân văn như: không thách cưới, không ép buộc hoặc gả bán và cả 2 gia đình cùng chung sức lo cho ngày cưới vẫn được duy trì. Có lẽ bởi thế mà cuộc sống hôn nhân của người Bahnar thường rất bền chặt.

Có thể bạn quan tâm

Lễ bỏ mả: Cuộc trình diễn nghệ thuật truyền thống đặc sắc của người Jrai

Lễ bỏ mả: Cuộc trình diễn nghệ thuật truyền thống đặc sắc của người Jrai

(GLO)- Trong các nghi lễ truyền thống của người Jrai thì lễ bỏ mả mang đậm nét văn hóa dân gian, là lễ hội nổi trội nhất, hấp dẫn nhất và được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Theo quan niệm của người Jrai, lễ bỏ mả là ngày vui cộng cảm, ngày hội của cộng đồng.
Yêu t'rưng như yêu tâm hồn xứ sở

Yêu t'rưng như yêu tâm hồn xứ sở

(GLO)- 

Tròn 70 năm kể từ khi cố Nghệ sĩ Ưu tú Nay Pharr (làng Ơi H'Briu, xã Chư Mố, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) mang chiếc đàn t'rưng giới thiệu đến đông đảo công chúng trong và ngoài nước, loại nhạc cụ độc đáo ấy đã được quảng bá không ngừng.

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Nồng nàn hương vị rượu cần

Nồng nàn hương vị rượu cần

(GLO)- Trong đời sống văn hóa, tinh thần của bà con các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung, người Jrai vùng Ia Pa nói riêng, rượu cần (rượu ghè) là một loại thức uống quý, không thể thiếu trong các buổi sinh hoạt cộng đồng hoặc của từng gia đình, dòng họ.
Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

(GLO)- Nhằm phát huy giá trị Khu di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi, huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã chú trọng đầu tư tôn tạo cũng như tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, về nguồn nhằm xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù tại địa phương.