Nhà nghèo mắc bệnh nan y

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- “Xin hãy cứu con trai tôi”-chị Mai Thị Tuyết (thôn Tam Điệp, xã Hneng, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) nói trong nước mắt khi đang chăm đứa con 12 tuổi Mai Đức Trọng (SN 2011) bị mắc bệnh xơ hóa tủy xương.

Tháng 1-2023, Trọng thường xuyên bị đau đầu, cơ thể mệt mỏi, da nhợt nhạt. Nghĩ là con bị bệnh cảm sốt thông thường, chị Tuyết tự mua thuốc cho con uống nhưng không đỡ. Đưa con đến Bệnh viện Hoàng Anh Gia Lai để xét nghiệm, siêu âm thì kết quả cho thấy lá lách phình to, tiểu cầu tăng cao. Các bác sĩ đề nghị gia đình chuyển lên tuyến trên, chuyên về xét nghiệm máu để có kết quả chính xác hơn. Tại Bệnh viện Huyết học-Truyền máu TP. Hồ Chí Minh, sau nhiều lần sinh thiết tủy, xét nghiệm máu, bác sĩ chẩn đoán Trọng mắc bệnh xơ hóa tủy xương. Đây là thể bệnh hiếm, bệnh thường gặp ở người trên 50 tuổi, thế nhưng lại xảy ra với một cậu bé mới 12 tuổi.

Nói về căn bệnh của con, chị Tuyết không kìm được nước mắt: “Bác sĩ thông báo cháu Trọng bị xơ hóa tủy xương, quá trình điều trị trong thời gian dài, mỗi tháng tốn ít nhất 40 triệu đồng. Bác sĩ yêu cầu gia đình cho cháu nhập viện ngay để có phác đồ điều trị sớm, nhưng do không có tiền, tôi đành đưa con về nhà”.

Em Mai Đức Trọng và bố mẹ. Ảnh: Thủy Bình

Em Mai Đức Trọng và bố mẹ. Ảnh: Thủy Bình

Chị Tuyết cho biết thêm: Chị và anh Mai Văn Sự lấy nhau từ năm 2000, sinh được 4 người con. Con gái đầu đang làm việc tại một công ty may mặc ở TP. Hồ Chí Minh nhưng lương cũng chỉ đủ ăn. Ba đứa con trai: Mai Hoàng Phúc đang học lớp 11, Trường THPT Nguyễn Huệ, Mai Đức Trọng học lớp 6/9, Trường THCS Võ Thị Sáu, Mai Quang Đạt học lớp 4 Trường Tiểu học số 2 thị trấn Đak Đoa. Gia đình chỉ có 4 sào cà phê tái canh, vợ chồng chị đi làm thuê nhưng thu nhập chẳng được bao nhiêu. “Cháu Đạt từng mắc căn bệnh tim bẩm sinh, gia đình phải vay mượn gần 100 triệu đồng để chữa trị. Xoay xở hơn 10 năm nay, vợ chồng tôi mới trả hết nợ thì cháu Trọng lại mắc bệnh nặng. Gia đình lại chạy đôn chạy đáo lo tiền điều trị cho con. Từ ngày cháu Trọng đổ bệnh, anh Sự đi làm công, ai kêu gì làm đó, còn tôi phải bỏ hết việc để chăm con ốm”-chị Tuyết tâm sự.

Hiện tại, do không có tiền chữa trị, Trọng được cho về nhà và yêu cầu hạn chế vận động, cứ 10 ngày thì vào TP. Hồ Chí Minh tái khám. Những lúc đỡ đau, Trọng xin mẹ cho đến trường. Trong quá trình học tập, nếu cháu phát bệnh, cô giáo sẽ gọi điện để bố mẹ đến trường chở về. Từ khi phát hiện bệnh đến nay, Trọng giảm hơn 10 kg, cơ thể gầy gò, da nhợt nhạt.

Ngôi nhà cấp 4 được vợ chồng chị Tuyết xây dựng 20 năm, nay đã xuống cấp, xiêu vẹo. Trong ngôi nhà nhỏ ấy không có tài sản gì đáng giá ngoài những tấm giấy khen về thành tích học tập của con. Mấy ngày nay, biết đến bệnh tình của cháu Trọng, bà con dân làng đến thăm hỏi, động viên. “Cháu Trọng biết bệnh nhưng luôn động viên bố mẹ “con không đau, con không sao đâu”. Gia đình tôi đã chạy vạy vay mượn người thân, bạn bè nhưng chỉ đủ tiền để cho cháu tái khám, lấy thuốc uống. Tôi đau lòng lắm, chỉ biết cầu mong sự giúp đỡ của mọi người”-lời nói của anh Sự xen nước mắt khiến người nghe thắt ruột.

Ông Trần Nguyễn Trãi-Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Tam Điệp-cho biết: “Gia đình chị Tuyết là hộ cận nghèo. Cháu Trọng mang căn bệnh hiếm gặp, cần chi phí điều trị lớn. Thôn đã thông báo, kêu gọi mọi người chung tay quyên góp, hỗ trợ gia đình chị Tuyết. Tuy nhiên, do người dân trong thôn cũng không mấy khá giả nên số tiền ủng hộ không được bao nhiêu. Hy vọng cháu Trọng sẽ nhận được sự giúp đỡ của các Mạnh Thường Quân”.

Mọi sự hỗ trợ, chia sẻ của bạn đọc với gia đình cháu Mai Đức Trọng xin vui lòng liên hệ chị Mai Thị Tuyết (SĐT: 0352320887; STK 5012205215942, Agribank) hoặc gửi về Báo Gia Lai, STK: 62110002425979 tại BIDV do chị Đoàn Lê Bích Hà-Phòng Hành chính-Quảng cáo Báo Gia Lai (SĐT: 0986112277) phụ trách.

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Ca mắc sởi tăng nhanh, bệnh viện quá tải

Gia Lai: Ca mắc sởi tăng nhanh, bệnh viện quá tải

(GLO)- Từ đầu tháng 1-2025 đến nay, ca mắc sởi nhập viện điều trị tại Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi Gia Lai) có chiều hướng tăng nhanh dẫn đến khoa Bệnh nhiệt đới bị quá tải. Đội ngũ y, bác sĩ nỗ lực hết mình để chăm sóc và điều trị cho người bệnh một cách tốt nhất.