Nhà khoa học Việt Nam trong nhóm điều tra Covid-19 của WHO tới Vũ Hán

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nhà khoa học của Việt Nam có mặt trong nhóm điều tra Covid-19 do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cử đến TP Vũ Hán – Trung Quốc ngày 14-1 là ông Nguyễn Việt Hùng.
 


Theo thông tin trên mạng xã hội Twitter, ông Nguyễn Việt Hùng là đại diện khu vực Đông Á và Đông Nam Á của Viện Nghiên cứu chăn nuôi quốc tế (ILRI, trụ sở tại Nairobi – Kenya).

Các nghiên cứu hiện tại của ông Hùng tập trung vào mối liên hệ giữa y tế và nông nghiệp, an toàn thực phẩm và các bệnh truyền nhiễm, sử dụng đánh giá rủi ro để quản lý an toàn thực phẩm.

Nhà khoa học cấp cao này đã có hơn 15 năm kinh nghiệm làm việc tại các nước đang phát triển. Ông Hùng sở hữu bằng cử nhân sinh học ở Việt Nam và bằng tiến sĩ khoa học đời sống - môi trường ở Pháp.


 

 Ông Peter Ben Embarek dẫn đầu nhóm chuyên gia tới TP Vũ Hán ngày 14-1. Ảnh: Reuters
Ông Peter Ben Embarek dẫn đầu nhóm chuyên gia tới TP Vũ Hán ngày 14-1. Ảnh: Reuters



Hôm 13-1, ông Nguyễn Việt Hùng – thành viên nhóm chuyên gia WHO được cử tới TP Vũ Hán – cho Reuters biết khi dừng chân ở Singapore: "Tôi không muốn gặp phải bất kỳ hạn chế nào khi làm việc tại Trung Quốc. Nhưng chúng tôi có thể sẽ không tìm được câu trả lời rõ ràng về nguồn gốc của đại dịch Covid-19".

Theo ông Hùng, sau khi hoàn tất quy trình cách ly 2 tuần, nhóm của ông sẽ dành 2 tuần để phỏng vấn những người đến từ các viện nghiên cứu, bệnh viện và chợ thủy hải sản ở TP Vũ Hán, nơi virus SARS-CoV-2 được cho là xuất hiện và lây lan ra toàn thế giới.

Dẫn đầu nhóm chuyên gia của WHO là ông Peter Ben Embarek, chuyên gia hàng đầu của WHO về các bệnh lây truyền từ động vật sang các loài khác. Ông Embarek từng đến Trung Quốc trong một nhiệm vụ sơ bộ hồi tháng 7 năm ngoái.

Tuần trước, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phàn nàn việc Bắc Kinh chưa cho phép họ tới TP Vũ Hán để điều tra.

Một thành viên khác của nhóm chuyên gia gồm 15 người, Marion Koopmans - nhà virus học tại Trung tâm Y tế Trường ĐH Erasmus (Hà Lan), vào tháng trước lưu ý còn quá sớm để kết luận virus SARS-CoV-2 lây truyền trực tiếp từ dơi sang người hay vật chủ trung gian là động vật.

Trong khi đó, 2 trong số 15 thành viên của nhóm này ngày 14-1 phải ở lại Singapore do xét nghiệm dương tính với kháng thể virus SARS-CoV-2. Dù kết quả xét nghiệm axit nucleic là âm tính nhưng họ có kháng thể virus SARS-CoV-2 nên đang được xét nghiệm lại.

Theo Phạm Nghĩa (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Guo Jiakun ngày 10/1 cho biết, quy mô lây lan các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp ở Trung Quốc năm nay thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, và metapneumovirus ở người (HMPV) đã lưu hành hơn 60 năm, không phải chủng vi-rút mới.

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Virus gây viêm phổi trên người (Human Metapneumovirus - HMPV) gây ra biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm phế quản, cơn hen suyễn hoặc bùng phát bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), suy hô hấp, viêm tiểu phế quản nặng đặc biệt là trẻ em.

Bác sĩ chỉ cách phát hiện sớm dấu hiệu tăng huyết áp ở trẻ nhỏ

Bác sĩ chỉ cách phát hiện sớm dấu hiệu tăng huyết áp ở trẻ nhỏ

Tăng huyết áp, hay còn gọi là cao huyết áp, là một tình trạng mà áp lực máu trong động mạch cao hơn mức bình thường. Ở trẻ em, bệnh này ít được nhận biết hơn so với người lớn nhưng không kém phần nguy hiểm. Vậy bố mẹ làm thế nào để phát hiện con mình có dấu hiệu của một bệnh nhân cao huyết áp?