Nguyễn Tấn Công-Người truyền cảm hứng nông nghiệp xanh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Khi nhắc đến anh Nguyễn Tấn Công-Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Khởi nghiệp nông nghiệp Gia Lai, nhiều người trẻ làm nông nghiệp bày tỏ sự cảm phục và xem anh như người “truyền lửa”. Bằng tâm huyết cùng sự chân thành, anh đã xây dựng một cộng đồng nông nghiệp hiện đại, bền vững, hiện thực hóa ước mơ nông nghiệp xanh ngay trên mảnh đất quê hương.

Lần nào gặp anh Công, tôi cũng ấn tượng với dáng vẻ của một nông dân tràn đầy năng lượng và nhiệt huyết. Dường như khát khao xây dựng nền nông nghiệp xanh của người đàn ông sinh năm 1975 này chưa bao giờ tắt.

Tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ

Năm 2000, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Marketing Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, anh Công “bén duyên” với nghề làm bánh ngọt. Những tưởng sau khi xây dựng thành công chuỗi cửa hàng bánh mang thương hiệu Đại Phú, anh sẽ dừng lại ở miền trú ẩn an toàn này. Vậy nhưng, năm 2010, anh quyết định “rẽ lối” để làm… nông dân. Lúc bấy giờ, nhiều người nói anh “ngông”. Nhưng, chỉ có anh mới hiểu rõ con đường mình lựa chọn. Vậy nên, anh vẫn quyết tâm về xã Nam Yang (huyện Đak Đoa) làm một nông dân công nghệ cao với vốn tiếng Anh phong phú cùng những kiến thức sâu rộng về nông nghiệp hữu cơ.

 Anh Nguyễn Tấn Công không ngừng học hỏi, tích lũy kiến thức về nông nghiệp hiện đại. Ảnh: Trần Dung
Anh Nguyễn Tấn Công không ngừng học hỏi, tích lũy kiến thức về nông nghiệp hiện đại. Ảnh: Trần Dung



Là người theo sát chồng suốt chặng đường làm nông nghiệp xanh, chị Nguyễn Thị Nga chia sẻ: “Anh ấy quyết tâm rất cao với sự lựa chọn này, bởi anh nhận ra những tiềm năng của vùng đất nơi mình sinh ra và lớn lên. Ngày lên rẫy cuốc đất, chăm cây; tối về, anh lại lướt internet tìm hiểu thị trường”. Nghe vợ nhắc lại chuyện cũ, anh Công tiếp lời: “Ngày ấy, tôi đã hiểu nông nghiệp hữu cơ không có gì xa lạ, mà chính là hiệu quả thiết thực, giải quyết hài hòa vấn đề môi trường với hiệu quả kinh tế bền vững cho nông dân. Tôi muốn xây dựng không chỉ thương hiệu hồ tiêu hữu cơ mà còn nhiều sản phẩm nông nghiệp khác để có thể xuất khẩu, đem lại lợi nhuận cao hơn. Nghĩ là làm, từ vườn hồ tiêu của gia đình, tôi cải tạo 1.000 trụ rồi lên 12.000 trụ. Thấy rõ quyết tâm của tôi cùng những hiệu quả bước đầu, một số hộ dân làm theo. Năm 2017, tôi vận động bà con nông dân trong xã thành lập Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang và tôi là Chủ tịch Hội đồng Quản trị”. Dưới sự dẫn dắt của anh Công, HTX Nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang là HTX đầu tiên trên địa bàn tỉnh sản xuất hồ tiêu theo hướng hữu cơ. Anh đã nhanh chóng đăng ký, xây dựng thành công thương hiệu Tiêu Lệ Chí với 4 sản phẩm tiêu hữu cơ: tiêu đỏ, tiêu sọ, tiêu đen và tiêu xanh. Từ đó, anh đẩy mạnh quảng bá sản phẩm và đưa ra thị trường trong nước và thế giới.

Ngay sau thành công của thương hiệu hồ tiêu hữu cơ, anh Công đã cùng một số bạn trẻ đang khởi nghiệp trong nhiều lĩnh vực khác nhau, trọng tâm là lĩnh vực nông nghiệp sạch thành lập CLB Khởi nghiệp nông nghiệp Gia Lai. Đây là tổ chức xã hội-nghề nghiệp tự nguyện thuộc Hội Doanh nhân trẻ tỉnh. Từ đây, vai trò “truyền lửa” của anh Công ngày càng rõ nét. Anh tâm niệm: “Trong bất cứ việc gì, ở đâu, điều đầu tiên là phải chân thành. Và, tôi đã truyền nguồn cảm hứng làm nông nghiệp sạch cho mọi người. Hiện nay, tôi vẫn không ngừng học tập kiến thức sản xuất nông nghiệp tiên tiến từ các lớp tập huấn, các buổi hội thảo hoặc tranh thủ tham vấn các chuyên gia, kỹ sư”.

Là thủ lĩnh, anh Công luôn lan tỏa tinh thần khởi nghiệp cho giới trẻ. Anh sẵn sàng chạy hàng trăm cây số chỉ để về vườn hỗ trợ các bạn trẻ canh tác hữu cơ bền vững, chế biến sau thu hoạch, hỗ trợ khởi nghiệp gắn với việc thực hiện Chương trình OCOP. Ngoài việc giúp các bạn trẻ có thêm kiến thức, kỹ năng trên con đường khởi nghiệp, anh Công như một người anh cả dìu dắt các thành viên CLB ngay từ những bước đi chập chững.

Người “truyền lửa”

Nhìn lại thành quả của mình, chị Nguyễn Thị Hà (xã Ia Vê, huyện Chư Prông) không khỏi xúc động khi nhắc tới anh Công-người đã cho chị kiến thức, niềm tin và động lực để chinh phục con đường khởi nghiệp đầy chông gai. Chị Hà kể, chị gặp anh Công trong một buổi họp mặt của CLB Khởi nghiệp nông nghiệp Gia Lai vào năm 2017. “Lúc ấy, tôi bụng bầu 7 tháng vẫn vượt đường sá xa xôi ra tham gia CLB. Biết tôi có ý tưởng tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có là mãng cầu xiêm để chế biến trà, góp phần tăng giá trị cho sản phẩm nông nghiệp ở địa phương, anh Công đã rất ủng hộ và định hướng xây dựng, phát triển sản phẩm cho tôi. Anh giúp đỡ tôi về mọi mặt, kể cả việc kết nối thị trường, tạo dựng thương hiệu. Đặc biệt, những lúc tôi cảm thấy nản chí, chính anh Công đã động viên, tiếp thêm nguồn năng lượng tích cực giúp tôi tiếp tục hành trình làm nông nghiệp sạch”-chị Hà nhắc nhớ.

 Chị Phạm Thị Mơ (tổ 4, phường Yên Thế, TP. Pleiku) là một trong những người trẻ được anh Nguyễn Tấn Công tiếp lửa trong hành trình làm nông nghiệp sạch. Ảnh: Trần Dung
Chị Phạm Thị Mơ (tổ 4, phường Yên Thế, TP. Pleiku) là một trong những người trẻ được anh Nguyễn Tấn Công tiếp lửa trong hành trình làm nông nghiệp sạch. Ảnh: Trần Dung



Với sự dìu dắt chân thành ấy, năm 2019, chị Hà mở cơ sở chế biến mắc ca sấy và trà mãng cầu xiêm Minh Hưng Phát. Hiện sản phẩm trà mãng cầu xiêm Minh Hưng Phát tiêu thụ hơn 2 tấn/năm, chủ yếu ở TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Với giá bán 200-300 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí sản xuất, cơ sở lãi khoảng 300 triệu đồng/năm. Sản phẩm trà mãng cầu xiêm của chị Hà đã được chứng nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2022.

Vừa nghe tôi ngỏ ý sẽ cùng anh Công ghé thăm vườn cà chua và dưa leo công nghệ cao của gia đình, chị Phạm Thị Mơ (tổ 4, phường Yên Thế, TP. Pleiku) đã vội vàng bỏ dở công việc để quay về vườn. Gặp nhau, câu chuyện về nông nghiệp sạch cứ kéo dài mãi. Chị Mơ bảo: “Mấy hôm nay, vườn cà chua đang gặp sâu bệnh nhưng tôi chưa biết cách xử lý. May có anh Công ghé thăm, hướng dẫn và chia sẻ cách phòng trừ”. Chị Mơ cũng là một trong những người được anh Công “tiếp sức” ngay từ những ngày đầu khởi nghiệp. Với việc xây dựng nhà màng rộng hơn 1.200 m2 để trồng cà chua và dưa leo, trung bình mỗi tháng, mô hình này đem lại cho gia đình chị nguồn thu hơn 30 triệu đồng.

Khác với chị Hà và chị Mơ, anh Nguyễn Văn Thiêm-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Nguyễn Thiêm (làng Bia Ngó, xã Ia Chía, huyện Ia Grai) khởi nghiệp từ hạt điều rang củi khi đã ngoài 40 tuổi. “Ban đầu, tôi cảm thấy dè dặt và e ngại. Nhưng khi gặp anh Công, tôi như được “tiếp lửa”. Anh Công chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn và giúp kết nối để sản phẩm hạt điều của tôi ngày càng hoàn thiện và tiếp cận thị trường. Hiện các sản phẩm điều rang củi đang được tiêu thụ mạnh ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng... Mỗi năm, tôi tiêu thụ khoảng 2,5 tấn điều thành phẩm và thu về gần 700 triệu đồng. Nhờ có anh Công mà tôi nhận ra rằng, nông nghiệp sạch với quy trình an toàn, tạo ra những nông sản an toàn là rất quan trọng, đồng thời đây là xu thế tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại”-anh Thiêm cho hay.

Dưới sự dẫn dắt của anh Công, HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang là HTX đầu tiên trên địa bàn tỉnh sản xuất hồ tiêu theo hướng hữu cơ. Ảnh: Trần Dung
Dưới sự dẫn dắt của anh Công, HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang là HTX đầu tiên trên địa bàn tỉnh sản xuất hồ tiêu theo hướng hữu cơ. Ảnh: Trần Dung


Dõi theo hành trình và những thành công bước đầu của mọi người, anh Công hài lòng vì con đường mình đi là đúng đắn. Với nhiệt huyết của mình, anh vẫn sẽ tiếp tục học tập, trau dồi kiến thức và cập nhật những xu thế mới về nông nghiệp để có thể giúp đỡ và lan tỏa tinh thần nông nghiệp xanh cho mọi người, góp phần xây dựng một cộng đồng nông nghiệp hiện đại, bền vững tại Gia Lai.


Anh Trần Văn Trong-Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh, Chủ nhiệm CLB Khởi nghiệp nông nghiệp Gia Lai: Anh Nguyễn Tấn Công đã đưa HTX Nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang trở thành đơn vị tiên phong, hoạt động có hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ. Anh là người đầu tiên ở Gia Lai đưa sản phẩm nông nghiệp của mình đạt chuẩn nông nghiệp sạch theo chứng nhận quốc tế. Sự thành công này đã lan tỏa tích cực, thúc đẩy sự phát triển của phong trào sản xuất nông nghiệp theo xu hướng hữu cơ, bền vững.

 TRẦN DUNG

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.