Người Việt làm thuê ở Malaysia (kỳ 1): Xóm người Chăm An Giang ở Klang

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Từ cuối chiến tranh Việt Nam 1975 cho đến năm 1993, chính quyền Malaysia đã tiếp nhận không dưới 7.000 người Chăm Hồi giáo tị nạn từ VN và Campuchia bởi những người Chăm này theo đạo Hồi và có nhiều nét tương đồng với người Chăm ở Malaysia.

Theo một nghiên cứu của Danny Wong Tze Ken, giáo sư khoa lịch sử của Trường ĐH Malaya (Malaysia) nhóm người Chăm này là nhóm duy nhất trong số hơn hàng chục nghìn người tị nạn Việt Nam qua Malaysia được chính phủ nước này chấp nhận.

 

Ngôi nhà của ông Ya Yah, một người Chăm gốc Việt, đã sinh sống tại làng Delek trong hơn 25 năm qua.
Ngôi nhà của ông Ya Yah, một người Chăm gốc Việt, đã sinh sống tại làng Delek trong hơn 25 năm qua.

Tìm đường đến Lorong 2236

Sau nhiều ngày tìm hiểu, chúng tôi được biết có nhiều ngôi làng Chăm từ Việt Nam sang ở Malaysia, trong đó có một xóm chăm ở làng Delek, một khu vực thôn quê thuộc thành phố cảng Klang, bang Selangor, cách thủ đô Kuala Lumpur khoảng 50km về hướng tây. Hầu hết dân làng ở đây chưa có quốc tịch của cả Malaysia lẫn Việt Nam.

Qua sự kết nối của một Việt kiều sinh sống lâu năm tại Malaysia, chúng tôi liên lạc được với ông Abu Baka, trưởng xóm người Chăm gốc Việt ở làng Delek, có vợ là người dân tộc Kinh quê ở Bến Tre. Qua điện thoại, ông Abu Baka cung cấp cho chúng tôi địa chỉ của ngôi làng.

Từ trung tâm thành phố Klang, qua rất nhiều con đường ngoằn ngoèo, chúng tôi mới đến được Delek, một khu vực thanh bình, nhiều dân cư nằm cách cảng biển Klang khoảng 7km. Ở đây có nhiều lorong (con đường nhỏ theo tiếng địa phương) được đánh theo số thứ tự. Phải vất vả lắm tài xế taxi mới tìm được Lorong 2236 theo địa chỉ mà ông Abu Baka cung cấp.

Đó là một con đường đất vừa đủ cho một ôtô đi vào. Lúc đến đầu ngõ dẫn vào Lorong 2236, chúng tôi gặp một bé gái người Chăm đầu đội khăn đang chạy xe đạp. Chúng tôi hỏi: “Có người Việt ở đây không?”, thì cô bé nở nụ cười thân thiện trả lời bằng tiếng Anh: “Có. Anh đi thẳng vào bên trong và hỏi người dân dọc hai bên đường”.

Dọc hai bên đường là những ngôi nhà và quán ăn lụp xụp. Có rất nhiều phụ nữ choàng khăn ở đầu, đàn ông thì nước da đen nhẻm, mặc xà rông kẻ sọc carô, áo sơmi... và lúc nào cũng có chiếc nón vải tròn đội đầu. Trên đường bạn có thể bắt gặp rất nhiều dân địa phương mặc trang phục truyền thống trong sinh hoạt hằng ngày. Nam giới thường mặc xà rông, phụ nữ thì mặc abaja và quấn khăn hijab.

Khi tôi lân la hỏi: “Có người Việt ở đây không?” thì ông Ismail, quê ở Châu Đốc (An Giang), dừng xe máy lại và hỏi chuyện. Lúc này chúng tôi mới thở phào nhẹ nhõm vì tìm đúng làng người Việt ở Klang.

 

Ông Ali (bìa trái) và ông Amran (thứ hai từ trái) tại một tiểu thánh đường ở làng Delek. Các ông thường trò chuyện với nhau bằng tiếng Việt để không quên ngôn ngữ và nguồn cội Việt Nam.
Ông Ali (bìa trái) và ông Amran (thứ hai từ trái) tại một tiểu thánh đường ở làng Delek. Các ông thường trò chuyện với nhau bằng tiếng Việt để không quên ngôn ngữ và nguồn cội Việt Nam.

Cuộc sống khó khăn

Ông Ismail cho biết có khoảng 200 người dân tộc Chăm gốc Việt đang sinh sống ở làng Delek cùng những người Chăm từ Campuchia sang theo diện tị nạn. Ismail kể hầu hết người Chăm gốc Việt ở đây đều đến từ làng Chăm ở tỉnh An Giang. Họ từ An Giang qua Nam Vang, rồi sau đó lên tàu vượt biển đi Malaysia cùng nhiều người Chăm ở Campuchia từ những năm đầu 1980 đến những năm đầu thập kỷ 1990.

Một dân làng tại làng Chăm Delek cho biết sau khi đến Malaysia, những người Chăm này được đưa vào trại tị nạn ở Pahang, bang lớn thứ ba ở Malaysia, một số ít thì đến trại tị nạn Palau Bidong trên đảo Bidong nằm ngoài khơi bang Terengganu của nước này.

Ông Amran (56 tuổi, quê ở Châu Đốc), từng ở trại tị nạn tại Pahang, cho biết người Chăm từ Việt Nam di cư sang đây chủ yếu vì vấn đề kinh tế chứ không phải chính trị. Hầu hết người Chăm gốc Việt sống tại đây sống bằng nhiều nghề như phụ hồ, làm mướn, buôn bán vải, quần áo cũ... ở những ngôi chợ khắp Klang.

Ông Yah Ya (53 tuổi), sống trong một ngôi nhà lụp xụp, kể với chúng tôi rằng do không có ruộng đất canh tác trong khi làm mướn không đủ ăn nên ông quyết định mang ba đứa con nhỏ cùng vợ qua Malaysia làm ăn những năm 1990. Sau khi ở trại tị nạn tại Pahang trong một năm, ông làm đủ thứ nghề kiếm sống trước khi chuyển sang sống ở đây để sum họp với xóm làng.

Còn ông Ali (56 tuổi), một trong hai cư dân người Chăm gốc Việt lâu năm nhất ở làng, cho biết ông đến Delek những năm đầu thập kỷ 1980. Hai vợ chồng không có con nên nhận hai người con nuôi. Ông Ali trải qua nhiều nghề như thợ hồ, buôn bán vải. Dù sinh sống ở Malaysia đã hơn ba thập kỷ và nhiều lần nộp đơn xin quốc tịch, nhưng cho đến giờ ông Ali vẫn chưa có quốc tịch Malaysia.

Tâm sự với chúng tôi, ông Ismail (49 tuổi) cho biết vì nghèo quá nên phải đi kiếm sống. Đã qua Malaysia được hơn 20 năm, nhưng hai vợ chồng vẫn ở nhà thuê với giá 350 ringgit/tháng (gần 2 triệu đồng).

Hòa nhập

Trong một ngày tại làng Chăm, chúng tôi thấy người Chăm gốc Việt ở đây duy trì những thói quen của họ như khi sống ở Việt Nam. Từ sáng sớm tinh mơ, dân làng đã thức dậy để chuẩn bị một ngày mới và đến thánh đường cầu nguyện trước lúc mặt trời mọc. Sau khi rời thánh đường, nhiều người lớn trong làng tụ tập ngồi uống trà, cà phê tán gẫu.

Trẻ con cũng phải dậy sớm đi học. Ông Amran cho biết trường cấp I, cấp II chỉ cách ngôi làng 1km trong khi trường cấp III cũng chỉ cách... 2km nên trẻ con đi học rất thuận tiện. “Trẻ con Chăm gốc Việt đi học cùng trường với người Malaysia” - Amran nói.

Amran cho biết ngoài việc thức ăn Malaysia khô, nhiều dầu và hơi lạ, người Chăm gốc Việt không gặp vấn đề gì về hòa nhập. “Người Chăm ở Malaysia và người Chăm ở Việt Nam hầu như tương đồng về lối sống, văn hóa và cả tôn giáo” - Amran giải thích.

Dù người Chăm gốc Việt ở đây thường nói tiếng Việt với nhau nhưng con cái của họ lớn lên hầu như quên hết tiếng Việt. “Lúc tôi mới qua Malaysia thì đứa con đầu 10 tuổi. Giờ nó đã hơn 35 tuổi nhưng không nói được nhiều tiếng Việt. Các con tôi chỉ giao tiếp bằng tiếng Malay” - Amran nói.

Ông cho biết mẹ già và nhiều anh em ruột vẫn còn ở An Giang nên rất nhớ quê nhà. “Lúc sang đây tôi mang theo bốn đứa con nhỏ. Ở đây vợ chồng tôi sinh thêm ba đứa nữa. Cuộc sống ở đây quen rồi nên chúng tôi sẽ không quay lại Việt Nam sinh sống nhưng chúng tôi muốn đưa con mình về thăm quê hương, mồ mả tổ tiên để chúng hiểu về nguồn cội của mình” - Amran nói.

Theo tuoitre

Sống cực vì thiếu giấy tờ

Ông Yah Ya, một trong số ít người Chăm gốc Việt may mắn được cấp quốc tịch Malaysia, cho biết theo quy định của luật pháp Malaysia, những người nước ngoài sống ở Malaysia phải đủ 12 năm mới được phép nộp đơn xin quốc tịch. Thông thường người Chăm gốc Việt xin nhập tịch Malaysia phải đáp ứng ba điều kiện: nói rành tiếng Malay, tuân theo phong tục tập quán của Malay và phải là tín đồ đạo Hồi. Tuy nhiên, theo ông Yah Ya, việc được cấp quốc tịch cũng hên xui.

Những người không có giấy tờ hợp pháp như vợ chồng ông Ismail, bà Mariam thì luôn sống trong sợ sệt vì “không có giấy tờ thì cực dữ lắm”. Ông Ismail quê ở Châu Đốc, người đã rời Việt Nam cách đây 25 năm, nói mỗi khi biết công an đến kiểm tra giấy tờ thì dân làng báo động cho nhau để trốn. Những người không may mắn thì bị bắt trong trại tạm giam khoảng một, hai tháng trước khi bị trục xuất trở về lại Việt Nam. Cũng có người biết cách lo lót thì được tha.

Có thể bạn quan tâm

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.