Người vá đường đặc biệt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Như chính bà chia sẻ: “Ai sinh ra cũng đã mắc nợ cuộc đời này”. Do vậy, dù cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, nhưng bà vẫn gom hết số tiền dành dụm được để “lo chuyện bao đồng” cho thiên hạ. Mấy chục năm qua, trên nhưng nẻo đường quê ở Đồng Tháp, người ta quen gọi bà với cái tên: “Người vá đường đặc biệt”…

Nghĩa tình trong hoạn nạn

Những ngày của tháng 2 năm 2017, người dân ở xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp đi ra đường với tâm trạng vừa mừng vừa lạ lẫm. Mừng là vì con đường nông thôn với nhiều đoạn hư hỏng đang được sửa chữa phục vụ việc đi lại của bà con; còn lạ lẫm là vì đơn vị thi công chỉ có duy nhất một người phụ nữ!. Hỏi ra mới biết, đó là bà Nguyễn Thị Phượng Thu (53 tuổi, ngụ khóm 1, phường 4, TP.Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp). Càng giật mình hơn khi biết bà Thu đã bỏ ra số tiền 40 triệu đồng dành dụm cất nhà để sửa đường.

 

Bà Thu trong một lần vá đường.
Bà Thu trong một lần vá đường.

Tiếp chuyện với chúng tôi, bà Thu từ tốn kể: Bà sinh ra trong một gia đình nghèo, có ít ruộng đất nên không thể canh tác. Từ thời còn con gái, bà đã thích làm từ thiện qua việc hái thuốc nam tặng cho nhiều người dân trong thành phố chữa bệnh. Bà là người kém may mắn khi lấy phải người chồng say xỉn, cờ bạc dẫn đến ly hôn. Thế là bà phải bươn chải làm đủ thứ nghề nuôi con. “Cuộc sống ngày trước của tôi khó khăn lắm, trừ việc ăn trộm là chưa làm chứ nghề nào cũng từng trải qua. Trước đây, tôi có chiếc ghe ngày ngày chèo trên sông bán tạp hóa, rau cải, nước mắm, nước tương… Tuy nhiên với sự phát triển của đường bộ, chợ nên nghề này không có lãi đành bỏ lên bờ kiếm kế sinh nhai”, bà Thu nhớ lại.

Thế là hàng ngày bà Thu đạp xe đi mua ve chai hoặc gánh xôi, chè, bánh bông lan… bán dạo khắp các ngõ ngách trong thành phố. Chính từ cái nghèo mà hầu hết các con của bà đều không biết chữ. Lên bờ được vài năm, bà Thu được cha cho mảnh đất nhỏ cất nhà nào ngờ chỉ sau vài trận sạt lở đã cuốn sạch tất cả, bà tiếp tục trở thành người không nhà.

Để có chỗ trốn nắng, tránh mưa bà thuê căn nhà của một người quen với số tiền chi trả mỗi tháng hơn triệu đồng. Bà Thu có 4 người con, đến nay đã có 3 đứa lập gia đình nhưng tất cả đều nghèo chẳng giúp gì được, bà phải tự làm nuôi thân. Sau khi ly dị chồng cách nay 4 năm, có chấp nối với một thầy giáo để bầu bạn sớm chiều, nhưng người này cũng bỏ bà vì… vắng số. “Việc chấp nhận đi thêm bước nữa không phải vì ham vui mà chỉ nghĩ các con có cha sẽ được dạy dỗ nhiều hơn”, bà Thu trần tình.

Sau nhiều năm lăn lộn với đủ thứ nghề, tưởng rằng sẽ được cuộc sống an nhàn và chỉ việc giữ cháu. Nào ngờ con gái lớn làm ăn thua lỗ lên thành phố trốn nợ bà phải đảm nhận việc nuôi cháu. Thế nhưng dù bận rộn cỡ bào bà cũng tranh thủ thời gian đi hái thuốc nam. “Rảnh là tôi vác xe chạy qua Cần Thơ, Vĩnh Long, Trà Vinh và một số huyện của Đồng Tháp rồi len lỏi vào những khu vườn, bờ kênh để tìm đủ loại cây thuốc mang về chặt ra phơi khô, khi nào đủ nhiều mang đến cho những phòng thuốc nam hoặc chùa. Nghề này đã gắn bó với tôi 30 năm nay và không thể bỏ được”, bà Thu nói.

Giờ đây, ngày nào cũng vậy, cứ 6 giờ sáng bà Thu chất lên xe lỉnh kỉnh xi-măng, cát đá kèm theo đó là những chiếc túi để chứa bọc, chai nhựa và hái thuốc nam. Ngoài những việc này bà còn chạy xe ôm chở khách. “Tôi phụ quán phở rửa bát 2 lần/ngày và được trả công 70 ngàn đồng, chạy vài cuốc xe ôm kiếm ít chục nữa cộng với tiền lượm ve chai nên có nguồn thu khoảng 200 ngàn”, bà Thu chia sẻ.

Nói về lý do đến với nghề vá lộ, bà Thu chia sẻ: “Có lần tôi tận mắt chứng kiến người ta vấp ổ gà ngã chết tại chỗ, lần khác thấy té bị thương nặng rồi cũng tử vong sau đó khiến tôi bị ám ảnh nên muốn làm gì đó giúp mọi người khi đi trên những tuyến đường xuống cấp”.

Giúp người, giúp đời

Thường thì bà Thu vá đường ở Sa Đéc, trong một lần đi ngang qua tuyến đường ở xã An Hiệp, huyện Châu Thành; bà thấy đường xuống cấp nên chạnh lòng. Về nhà đắn đo suy nghĩ, rồi bà quyết định đem số tiền 40 triệu đồng dành dụm để cất nhà mang ra… vá đường.

Ban đầu bà Thu lượm than đá và gạch vụn lấp những ổ gà. Sau một thời gian, thấy cách làm của mình không mang lại hiệu quả cao nên bà chuyển sang vá những điểm hư hỏng bằng xi-măng, cát đá. Tính ra bà làm công việc này đã được hơn chục năm nay. “Lúc đầu đi ngang thấy mấy ông thợ hồ dội nước vào chỗ bị hư, rồi trộn cát đá đắp vào đó nên về bắt chước làm theo”, bà Thu nói.

Để vá được nhiều tuyến đường bà Thu chọn cách nhịn ăn và đóng hụi. Bà kể: “Cứ mỗi tuần tôi đóng 200 ngàn và sau 29 lần đóng sẽ hốt ra được 5,5 triệu đồng. Đến nay tôi đã hốt được 2 lần và đang vô lần thứ 3. Sau mỗi lần hốt là chạy ra tiệm mua cát đá, xi-măng và về đến nhà cháu xin tiền mua bịt sữa cũng không có. Việc vá đường giờ như người nghiện ma túy, bởi hôm nào đi ngang thấy ổ gà hoặc thuốc nam mà không ghé lại vá hay hái là về không ngủ được”.

Bà Thu là một người có rất nhiều nghĩa cử cao đẹp, bởi ngoài việc giúp đời còn biết nghĩ cho người khác. Không chỉ vá nhiều tuyến đường ở phường 3, phường 4 của TP.Sa Đéc bà còn mở rộng sang xã An Hiệp, huyện Châu Thành. Có lần đang ngồi vá nhiều xe chạy ngang vô tình cán vào những vết vá bà cũng chẳng than phiền mà cặn cụi làm lại. Bà nói: “Thà mình bỏ công vá lợi chứ nếu la gấp quá họ tránh té còn nguy hiểm hơn. Mình nghĩ nếu nhịn một bữa ăn có thể mua được ký xi-măng , nhiều ổ gà bị lấp đi”.

Thấy tấm lòng của bà, nhiều người đi ngang ngỏ lời góp tiền nhưng bị từ chối. Bà nói: “Nhận tiền người ta mà không làm được sợ họ phiền hoặc vá không vừa ý. Phận mình nghèo nên có bao nhiêu làm bấy nhiêu, nếu hết tiền sau này sẽ trở lại vá bằng than đá”. Ngoài ra, nhiều lần bà Thu được chính quyền địa phương đề nghị tặng giấy khen nhưng đều thẳng thừng từ chối. Nói về quyết định trên bà chia sẻ: “Việc mình làm thua những người công an đi bắt cướp, bởi họ gặp nguy hiểm, lên rừng, lội suối còn mình chỉ làm mấy việc đơn giản trên bờ nên có gì đâu mà nhận”. “Mấy ngày liền ngủ không được vì muốn vá đường mà chỉ còn lại đá với cát. Lúc đó tôi ước gì mình trúng vé số được 500 ngàn đồng để mua 5 bao xi-măng tha hồ làm. Nào ngờ mấy hôm sau, tôi được gọi lên phường nhận 1.210.000đ đồng tiền thưởng bằng khen, nên liền chạy ra tiệm vật liệu mua một khối đá, khối cát và chục bao xi-măng”.

Từ những việc làm ý nghĩa mà giờ đây bà Thu được nhiều người biết đến. Chỉ tay ra con đường trước nhà, bà Nguyễn Thị Lan (ngụ phường 4, TP.Sa Đéc) nói: “Đoạn đường này xe chạy rất nhiều nhưng lỗ nhỏ hay bự gì cũng được cô Thu vá hết. Ngày nào ra đường cũng gặp cô không ở ngã này thì ngõ khác”. Ông Võ Hồng Điệp (phường 4) khen ngợi: “Hiếm có ai mà làm được như cô Thu, bởi ai cũng lo cuộc sống của mình. Mỗi lần thấy đường hư là cô tự nguyện làm, chỉ khi nào làm hết cô ấy mới về nhà. Nhiều lúc tôi thấy cô vá đến 3 giờ chiều mà không có hột cơm trong bụng”. Cả đời dành hết tiền của, công sức vào việc làm thiện nguyện, niềm mơ ước lớn nhất của người “thợ hồ bất đắc dĩ” này là một căn nhà nho nhỏ.

Nhắc đến bà Thu, ông Nguyễn Thành Kiệt - Chủ tịch UBND phường 4, TP.Sa Đéc nhận xét: “Nhờ lòng từ thiện và nghĩa cử cao đẹp của chị Phượng Thu mà việc đi lại của người dân ở địa phương được dễ dàng và an toàn hơn. Chúng tôi xem chị là một tấm gương điển hình về người tốt việc tốt để nhân rộng trên địa bàn phường”. Vừa qua, UBND TP.Sa Đéc và UBND tỉnh Đồng Tháp đã tặng Giấy khen và Bằng khen cho bà Thu như một sự ghi nhận cho những việc làm nhân văn, cao cả của bà…

Trần Lưu - N.V/laodong

Có thể bạn quan tâm

Nghề của niềm đam mê

Nghề của niềm đam mê

Ở xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa), nhiều người biết anh Mai Ngọc Trương Vinh (35 tuổi), bởi anh nổi tiếng với nghề đúc chậu hoa, cây cảnh, có hoa văn, họa tiết độc đáo.

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.