Người Mông trên cao nguyên đất đỏ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Gần 40 năm kể từ ngày nhóm người Mông đầu tiên từ tỉnh Cao Bằng đến lập nghiệp tại xã Ya Hội, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai, bà con nơi đây vẫn còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa đặc trưng, sống hòa nhập và có nhiều đóng góp cho sự phát triển chung của địa phương.
Đậm đà bản sắc người Mông trên đất Ya Hội
Trong tiết trời se lạnh những ngày cuối năm, chúng tôi về thăm làng Mông, xã Ya Hội với sự bồi hồi khó tả. Ấn tượng ngay từ đầu về ngôi làng đó là mấy chục nóc nhà dựng sát nhau bên những triền đồi khiến chúng tôi cứ ngỡ đang lạc vào vùng Tây Bắc địa đầu Tổ quốc.
Những ngôi nhà ở đây được dựng theo kiểu nhà dài 3 gian, thấp chứ không giống kiểu nhà sàn đặc trưng của cư dân bản địa Tây Nguyên. Điều đó đã làm những nét văn hóa trên vùng đất này thêm phong phú, đặc sắc, gợi lên nhiều điều tò mò, thôi thúc khám phá. Thấy chúng tôi có vẻ bất ngờ, ông Lý Nguyên Hùng tự hào khoe: “Chúng tôi dựng nhà giữ nguyên kiến trúc của người Mông trắng ở quê nên dù sống xa quê, bà con vẫn thấy ấm áp, dịu hẳn nỗi nhớ quê hương”.
Dạo một vòng quanh làng, điều làm chúng tôi thêm phần ấn tượng là những bộ trang phục đặc trưng của người Mông không lẫn vào đâu. Những người phụ nữ ngồi ở cửa nhà với đôi bàn tay khéo léo đã tạo nên bộ trang phục nhiều màu sắc rực rỡ, vô cùng ấn tượng.
 
Kiến trúc nhà dài 3 gian đặc trưng của người Mông trên đất Ya Hội.
Kiến trúc nhà dài 3 gian đặc trưng của người Mông trên đất Ya Hội.
Chị Linh Thị Pình vừa thoăn thoắt đôi tay với những mũi khâu, vừa giải thích: Con gái Mông học cầm kim, khâu áo quần từ lúc lên 8 tuổi. Đến năm 18 tuổi thì đã thuần thục từng đường kim, mũi chỉ để làm trang phục cho gia đình. Trang phục của phụ nữ Mông cầu kì, khó làm hơn trang phục của đàn ông nên có khi để làm xong bộ váy áo, người phụ nữ phải mất 1 năm, tất cả đều phải được làm bằng tay. Bộ trang phục càng đẹp, sặc sỡ thì người phụ nữ càng được đánh giá cao, chứng tỏ cô ấy khéo tay, giỏi giang.
Điều đáng mừng là khi cuộc sống đã có nhiều đổi thay nhưng các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Mông vẫn được lưu giữ và phát huy. Dẫu rời quê gần 40 năm nhưng các phong tục, tín ngưỡng truyền thống tốt đẹp vẫn được người Mông ở Ya Hội lưu giữ, bảo tồn gần như nguyên vẹn. Vào các dịp hội làng hay lễ, tết, các sinh hoạt truyền thống như: ném còn, leo cột mỡ, đánh quay... vẫn được duy trì đều đặn.
Trong những nét đặc trưng mà người Mông mang đến vùng đất Ya Hội, tiếng khèn được xem là linh hồn trong đời sống sinh hoạt, sản xuất của đồng bào. Trong hành trình khai phá đất mới, tiếng khèn người Mông ở Ya Hội cũng chưa bao giờ tắt. Qua tiếng khèn, đồng bào mong muốn gửi gắm tình cảm đến bạn bè, cộng đồng và giao hòa với thiên nhiên, núi rừng hùng vĩ.
Là một trong những thanh niên trong làng tham gia học thổi khèn, anh Lý Văn Pá hào hứng kể: Lúc mới học, mình không biết lấy hơi, thả ngón nên rất chán, định bỏ. Nhưng, mình nghĩ đó là truyền thống của dân tộc nên cố gắng học theo. Đến nay, mình đã thổi khèn ổn rồi, bố mẹ mình rất vui khi nghe mình thổi khèn, ông bà bảo nghe tiếng khèn mà vơi hẳn nỗi nhớ quê hương.
Về tín ngưỡng, ngoài thờ cúng tổ tiên, thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn, người Mông đặc biệt coi trọng nghi lễ cúng Thổ địa. Ông Đào Đức Dáy cho biết: Người Mông quan niệm mỗi vùng đất đều có Thổ địa cai quản. Vì vậy, phải thường xuyên cúng bái để ngài phù hộ, giúp đỡ. Lễ vật gồm có gà, rượu và giấy bản. Ngày trước, cúng lễ này chủ yếu là thầy mo, còn nay thì do người lớn tuổi trong làng, gia đình thực hiện.
Ẩm thực cũng là nét đặc trưng mà người Mông đã mang theo trong hành trình đến với cao nguyên đất đỏ. Nấu rượu bắp, mèn mén... vẫn được bà con giữ gìn, lưu truyền. Giờ đây, người Mông ở Ya Hội vẫn nấu món mèn mén ăn với canh cải, đậu nành như là cách trao gửi tình yêu, nỗi nhớ về nguồn cội. Nấu rượu bắp vẫn được duy trì nhưng không chỉ cung cấp cho gia đình, cộng đồng làng mà đã theo những chuyến xe đi khắp cả nước, góp phần quảng bá hình ảnh người Mông và mảnh đất lành Ya Hội, nơi mà họ đã chọn để an cư lạc nghiệp và coi là quê hương thứ hai.
Được biết, từ năm 2018 đến nay, nhờ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, các món ăn, thức uống, nét văn hóa truyền thống của người Mông ở Ya Hội đã có cơ hội quảng bá, giới thiệu tại các hội chợ nông sản, chương trình giao lưu văn nghệ do huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai tổ chức thường niên.
 
Phụ nữ Mông tự làm những bộ trang phục cho gia đình.
Phụ nữ Mông tự làm những bộ trang phục cho gia đình.
“Ơn người anh em Bahnar, ơn vùng đất mới!”
Trải qua gần 40 năm an cư lạc nghiệp trên đất Ya Hội, cộng đồng người Mông tại đây hiện có 150 hộ với 736 nhân khẩu; nhiều hộ sản xuất kinh doanh giỏi như hộ ông Hoàng Văn Phùng, Phùng Văn Trang... với thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo ở mức thấp.
Những người Mông thế hệ thứ hai, thứ ba được sinh ra, trưởng thành trên đất Ya Hội đã được học hành đầy đủ, cả làng hiện có 6 người có trình độ đại học, 6 người có trình độ trung cấp. Trong đó, 2 người đang công tác trong lực lượng Công an nhân dân, 3 người làm giáo viên, 5 người làm công chức cấp xã.
Để có được cuộc sống khấm khá, no đủ ngày hôm nay, trong hành trình đi xây dựng vùng kinh tế mới của mình, người Mông đã phải trải qua muôn vàn khó khăn.
Là thế hệ người Mông đầu tiên có mặt ở Ya Hội, ông Lý Nguyên Hùng nhớ lại những ngày đầu tiên trên vùng đất mới: Chúng tôi từ Cao Bằng vào đây giữa năm 1982, vỏn vẹn 11 hộ với hơn 100 nhân khẩu. Ya Hội khi ấy còn là một vùng rừng núi hoang vu, rậm rạp. Chúng tôi vào được tới đây, ngoài manh áo mặc trên người hầu như không có tài sản gì.
Chúng tôi gặp phải vô vàn khó khăn ngay từ giây phút đầu: bất đồng ngôn ngữ, lạ khí hậu. Đến khi cái đói chạm vào, bệnh sốt rét rừng mới thực sự là nỗi ám ảnh kinh hoàng. Hơn một trăm con người vò võ, tiều tụy, không còn sức đề kháng. Nhiều người đã bỏ mình ngay từ những ngày đầu đặt chân đến miền đất mới. Chứng kiến cái chết của những người anh em trong sự bất lực, đó là nỗi đau xót tột cùng.
Ông Hùng nói thêm, khi ấy, nhiều người Bahnar cũng chết vì sốt rét khiến chúng tôi hoang mang cực độ. Nhiều người đã nghĩ đến việc quay trở lại quê cũ, nhưng về lại Cao Bằng sống cheo leo trên những vách đá, thiếu nước uống, đất sản xuất như tìm về với con đường chết. Giữa lúc tuyệt vọng cùng cực ấy, ông Đinh Ye xuất hiện.
Ông Đinh Ye lúc ấy là Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Ya Hội. Ông Đinh Ye nói: Các dân tộc giống như anh em ruột thịt, khó khổ cùng nhau, đã vào đây rồi thì ở lại với người Bahnar chúng tôi, đừng về nữa. Sau đó, Đinh Ye đi vận động người Bahnar các làng, ai có bắp thì mang bắp, có mì mang mì đến cứu đói cho người Mông.
Người Bahnar khi ấy cũng đói khổ lắm nhưng họ đã mang đến cho chúng tôi những trái bắp nếp, những củ mì to nhất vừa thu hoạch trên rẫy. Tuy bất đồng ngôn ngữ nhưng cứ nhìn vào những ánh mắt sâu thẳm, giàu lòng trắc ẩn và tin cậy của những anh em Bahnar, chúng tôi như thấy ánh sáng cuối đường hầm. Sau đó, mỗi khi thu hoạch trên các đám rẫy, người Bahnar thường cố tình sót lại những mẩu mì, những trái bắp để người Mông đi mót về ăn sống qua ngày.
Sau cuộc “tổng động viên”, ông Đinh Ye tổ chức họp cấp ủy, chính quyền để chia đất sản xuất cho 11 hộ người Mông với gần 100 ha. Ông Hùng nhớ lại: Khi ấy chúng tôi đã kiệt sức vì đói khát và bệnh tật, hầu như không còn sức lực để lao động. Nhìn đất đai rộng lớn mà ứa nước mắt. Một thời gian dài sau đó, phụ nữ Mông mất sức đến nỗi không còn thực hiện nổi thiên chức, không có một đứa trẻ nào ra đời trong giai đoạn cùng cực này.
Lúc này, một lần nữa ông Đinh Ye lại mở cho những người anh em dân tộc Mông một con đường sống. Dù việc làm của ông từng gây tranh cãi nhưng “Giữa đúng và sai, tôi chọn cái sống cho người Mông” - đó là câu nói nổi tiếng của ông Đinh Ye suốt hàng chục năm qua.
 
Tiếng khèn của người Mông ở Ya Hội chưa bao giờ dứt trong hành trình khai phá đất mới.
Tiếng khèn của người Mông ở Ya Hội chưa bao giờ dứt trong hành trình khai phá đất mới.
Ông Lý Nguyên Hùng kể tiếp: “Ông Đinh Ye cho một cái nhà kho ngay ở trung tâm xã. Chúng tôi xẻ ván của nhà kho ấy để mang ra An Khê bán lấy tiền mua gạo. Nhờ cái nhà kho ấy, chúng tôi đã có cơm ăn. Từ đó, tinh thần chúng tôi vực dậy, bắt đầu sản xuất nông nghiệp, cuộc sống dần ổn định. Ơn của ông Đinh Ye, ơn của người Bahnar đối với người Mông chúng tôi rất sâu nặng”.
Nếu như những ngày đầu lập nghiệp trên vùng đất mới, đời sống của bà con người Mông chủ yếu là tự cung tự cấp, chưa biết áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, còn phụ thuộc nhiều vào tự nhiên thì đến nay bà con đã biết sản xuất hàng hóa, đưa cơ giới vào sản xuất nông nghiệp, biết dùng phân bón và chọn những giống tốt để gieo trồng, chăn nuôi. Từ đó, đời sống bà con nơi đây đã có nhiều đổi thay tích cực, nhiều hộ khá giả. Đặc biệt, gần 40 năm trên đất Ya Hội, không có người Mông nào đi theo tà đạo “Vàng Chứ”, tất thảy họ đều sống rất đoàn kết với đồng bào Bahnar ở các làng xung quanh.
Như để trả ơn vùng đất đã bao dung, nuôi dưỡng mình, người Mông ở Ya Hội đã tham gia, có nhiều đóng góp hiệu quả trong các hoạt động, phong trào của địa phương. Trong chương trình xây dựng nông thôn mới, cộng đồng người Mông đã tích cực tham gia đóng góp bằng ngày công, tiền để làm đường giao thông nông thôn. Đồng thời, bà con cũng tận dụng nguồn nước từ các khe suối, khai hoang ruộng hai vụ, tạo điều kiện hỗ trợ nhau phát triển kinh tế như cho mượn giống, mượn tiền, nuôi rẽ bò... Nhờ sự chung sức đồng lòng đó, các dân tộc anh em trên địa bàn xã Ya Hội đoàn kết chăm lo phát triển sản xuất, giữ vững ổn định an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội, đặc biệt là chung tay xây dựng nông thôn mới (từ 9/19 tiêu chí năm 2011 đến nay đạt 14/19 tiêu chí).
Sau ngần ấy năm sinh sống trên vùng đất Ya Hội, nhiều cuộc tình giữa người Mông - Bahnar đã chớm nở và “đơm hoa kết trái” như minh chứng cho tình yêu, sự đoàn kết không còn ranh giới giữa hai dân tộc. Những thế hệ người Mông được sinh ra, trưởng thành ngay trên mảnh đất Ya Hội đã xem đây là quê hương ruột thịt và có những người anh em Bahnar luôn coi họ như ruột thịt từ trong khốn khó hay khi cuộc sống nở hoa. 
Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Thái Thạch, Chủ tịch UBND xã Ya Hội vui vẻ cho hay: Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền các cấp, bà con người Mông tại xã có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế cũng như giữ gìn bản sắc, văn hóa dân tộc. Các lễ hội truyền thống của đồng bào vẫn được xã duy trì tổ chức thường xuyên với các hoạt động như: trò chơi dân gian, tổ chức hát múa, thi trình diễn trang phục dân tộc... Đây là dịp tạo không khí vui tươi, đoàn kết trong cộng đồng, góp phần bảo tồn những nét đẹp trong văn hóa của dân tộc Mông tại địa phương.
Chí Hào (cand.com.vn)

Có thể bạn quan tâm

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Suốt thời gian dài, tệ nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” ở miền núi Quảng Ngãi trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng, gây hoang mang, chia rẽ mối đoàn kết cộng đồng, nhiều người bị nghi ngờ có “đồ độc” phải bỏ làng vào rừng hoặc tự tử, thậm chí bị đánh đập dã man cho đến chết.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.