Người mẹ đặc biệt của trẻ em da cam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Gần 10 năm qua, chị H’Khuyn (32 tuổi, làng Chuét 1, phường Thắng Lợi, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) đã trở thành người mẹ đặc biệt của những đứa trẻ tại Trung tâm Nuôi dưỡng, phục hồi chức năng bán trú cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh. Bằng tình yêu và tâm huyết, chị đã miệt mài bước đi trên con đường gập ghềnh cùng những mảnh đời kém may mắn.
Duyên nợ với nghề
“Mẹ của em ở trường/Là cô giáo mến thương/Cô yêu em vô hạn/Dạy dỗ em ngày tháng”. Những ca từ bập bẹ vang lên từ lớp học phục hồi chức năng khi chúng tôi vừa bước vào khuôn viên Trung tâm Nuôi dưỡng, phục hồi chức năng bán trú cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh (phường Thống Nhất, TP. Pleiku). Tiếng hát không rõ lời ấy là của Phan Vũ Quang Minh-cậu bé 16 tuổi có thân hình cao lớn nhưng vẫn ngô nghê như trẻ lên ba. Minh cười bẽn lẽn nép vào cánh tay cô giáo H’Khuyn khi thấy người lạ. Xoa nhẹ đôi tay của Minh, chị H’Khuyn cười hiền, bảo: “Gần 30 đứa con của mình ở đây hầu hết là nạn nhân chất độc da cam. Đứa lớn nhất đã 24 tuổi, đứa nhỏ mới 6 tuổi. Thế nhưng với mình, chúng đều là những đứa trẻ non nớt, ngây dại, luôn cần sự nâng niu, chăm sóc tận tình, chu đáo”.  
Chị H’Khuyn là giáo viên duy nhất ở Trung tâm. Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang, chị gắn bó với lớp học này. Lớp học có gần 30 học sinh, em nào cũng hồn nhiên, ngô nghê bởi số phận không may mắn, phải gánh chịu những di chứng từ chất độc da cam/dioxin. Ngày ra trường, cô gái 22 tuổi đã đứng trước 2 sự lựa chọn đặc biệt quan trọng trong cuộc đời mình. Đó là việc chọn lựa giữa nghề nuôi dạy trẻ tại một trường mầm non và việc trở thành người mẹ thứ hai của những đứa trẻ tại Trung tâm Nuôi dưỡng, phục hồi chức năng bán trú cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh. “Mặc dù gia đình nhiều lần khuyên bảo, bản thân thì còn trẻ, thiếu kinh nghiệm sống nhưng mình vẫn mạnh dạn và tự tin lựa chọn gắn bó với lớp học của những đứa trẻ da cam. Mình còn nhớ như in ngày nhận lớp đầu tiên. Có những học trò cao to hơn cô giáo nhưng ánh mắt vẫn tròn xoe, ngây thơ. Bởi vậy, mình tâm niệm rằng, phải dành nhiều hơn tình thương, sự kiên nhẫn để phần nào bù đắp những thiệt thòi cho các con”-chị H’Khuyn tâm sự.  
Chị H’Khuyn đã dành cã tuổi trẻ của mình để chăm sóc, dạy dỗ những đứa trẻ kém may mắn. Ảnh: Trần Dung
Chị H’Khuyn đã dành cả tuổi trẻ của mình để chăm sóc, dạy dỗ những đứa trẻ kém may mắn. Ảnh: Trần Dung
Trải qua hành trình gần 10 năm gắn bó với những học trò đặc biệt này, chị H’Khuyn đã không biết bao lần khóc-cười cùng các con. Nhiều lúc nản chí, muốn rời đi nhưng rồi chị lại không thể dứt… vì thương. Mân mê ngón tay trỏ còn in hằn vết sẹo dài, chị rơm rớm nước mắt: Nhiều hôm trái gió trở trời, các cháu lại không làm chủ được tinh thần nên cứ xông vào ôm cô và cắn. Có lần, do không phản ứng kịp, chị bị cậu học trò lớn tuổi trong lớp cắn vào ngón tay rất sâu, không ngừng chảy máu. “Lúc ấy, tôi thực sự hoảng sợ và đã khóc rất nhiều. Rồi có những phụ huynh ban đầu còn nghi ngại khi giao con cái của họ cho một cô gái người Jrai nhỏ thó và non nớt. Những tưởng rằng mình sẽ bỏ cuộc, vậy mà sau một đêm suy nghĩ, tôi nhận thấy mình cần phải tiếp tục. Mình phải làm sao để phụ huynh tin tưởng, để những đứa trẻ thiệt thòi ở đây được bù đắp nhiều hơn bởi tình yêu thương”-chị H’Khuyn hồi nhớ.
Giờ đây, chị H’Khuyn dường như đã thấu hiểu tính cách, thói quen và tâm tư tình cảm của từng đứa trẻ. Đứa nào ngoan hiền, đứa nào khó tính, đứa nào ưa nhẹ nhàng… người mẹ ấy đều biết cả. Chính vì thế, công việc của chị suốt những năm qua cứ thế nhịp nhàng trôi đi mà rất ít khi xảy ra sự cố ngoài ý muốn. Những đứa trẻ được nuôi dưỡng ở đây đều khá lớn, có đứa đã đến tuổi thành niên nhưng vẫn đang ê a đánh vần, cúi gằm mặt đồ từng chữ cái; có cháu chưa biết mặc quần áo, chưa thể tự xúc cơm ăn… Những việc ấy đều do một tay cô H’Khuyn chăm sóc, chỉ bảo. 
Bà Nguyễn Thị Ý Nguyệt (phường Thống Nhất, TP. Pleiku) xúc động cho biết: “Tôi gửi con gái theo học cô H’Khuyn đã 9 năm nay. Mỗi cháu có một khuyết tật và đặc điểm riêng nên khi dạy dỗ, cô H’Khuyn lại áp dụng một giáo án và cách chăm sóc riêng. Gần gũi với nhau từ sáng đến tối nên với những đứa trẻ mang trong mình chất độc màu da cam như con tôi, không biết tự lúc nào, chúng xem cô H’Khuyn như người mẹ thứ hai của mình”.
Gieo những hạt giống yêu thương
“Dạy trẻ khuyết tật giống như nghệ nhân vuốt gốm sứ, lúc cần kiên quyết, lúc lại mềm mỏng, nhẹ nhàng nhưng trên hết là nâng niu, gửi gắm trọn niềm tin vào trẻ. Chỉ có vậy, các em mới mở lòng và dịu đi cơn bạo bệnh. Thế nhưng, nhiều lúc tôi cũng phải khóc theo học trò của mình. Có những ngày trái gió trở trời, nhiều em bị đau đầu dữ dội, gào thét, cào cấu liên hồi, cắn xé quần áo. Tôi chỉ biết ôm chặt các bé trong lòng, mặc sức để cho lũ nhỏ cấu vào tay mình. Cứ thế, cô khóc, trò gào, đến khi các bé dịu cơn đau mới thôi”-chị H’Khuyn trải lòng.

Ông Đỗ Tiến Quý-Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Gia Lai: “Cô giáo H’Khuyn về dạy dỗ và chăm sóc các cháu từ ngày Trung tâm mới thành lập; đảm nhiệm phần việc dạy các cháu về kỹ năng sống và tăng cường dạy chữ. Dù còn trẻ nhưng cô có tinh thần trách nhiệm cao, luôn hết mực yêu thương các cháu và có phương pháp dạy kỹ năng sống rất tốt. Qua quá trình theo dõi, chúng tôi thấy các cháu theo học ở Trung tâm có sự chuyển biến, trong đó có công sức của cô giáo H’Khuyn”.

Với bé Phan Huyền Bảo Trâm, cô H’Khuyn không chỉ là người mẹ mà còn là động lực để em cố gắng mỗi ngày. Trâm bị thiểu năng trí tuệ bẩm sinh, dù đã 15 tuổi nhưng vẫn là một đứa trẻ khờ khạo. Từ khi theo học cô giáo H’Khuyn, Trâm không nghỉ buổi nào và rất ngoan khi đến lớp. Ngày mới vào lớp, Trâm lúc nào cũng u buồn, thinh lặng. Trong các tiết học tô màu, những bông hoa của Trâm thường chỉ là màu đen, nâu hoặc xám. Thấu hiểu được tâm lý của học trò, chị H’Khuyn gần gũi chuyện trò và kể những câu chuyện tràn đầy niềm lạc quan cho Trâm nghe. Sau 7 năm theo học cô H’Khuyn, giờ đây, những bông hoa do Trâm tô màu đã trở nên tươi tắn. Nụ cười luôn rạng rỡ trên môi của cô bé. 
Lớp học đặc biệt của cô giáo H’Khuyn luôn đông vui trước khi tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Ảnh: Trần Dung
Lớp học đặc biệt của cô giáo H’Khuyn luôn đông vui trước khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Ảnh: Trần Dung
Không chỉ dạy kỹ năng sống, dạy chữ hay đơn giản là dạy những cô cậu học trò đã 19-20 tuổi phân biệt màu sắc, H’Khuyn còn phải làm chị, làm mẹ chăm sóc các em. Nhiều em nóng không biết cởi áo ấm, lạnh không biết đắp thêm chăn, cô H’Khuyn lại ân cần đỡ đần. Ngần ấy thời gian, người mẹ đặc biệt này cũng đã quen với việc thức khuya dậy sớm, chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho những đứa con của mình. Nhọc nhằn là thế, khó khăn là thế nhưng chưa khi nào chị H’Khuyn có ý định sẽ ngừng công việc thầm lặng này. “Ở đây quen rồi, mình nghỉ một hôm hay có khi các con không tới lớp mình lại thấy rất nhớ, chỉ muốn xem chúng hôm nay thế nào, có khỏe không, ăn có ngon không...”-chị H’Khuyn bày tỏ. 
Kết thúc một ngày, khi các con được đón về nhà, chị H’Khuyn mới tạm gác công việc, tranh thủ về nhà ăn bữa cơm tối với gia đình nhỏ của mình. Dù con đường mà người mẹ ấy đang đi còn nhiều khó khăn và không ít trở ngại, nhưng chị vẫn quyết tâm gắn bó và hết lòng với những đứa con của mình cho đến khi nào sức khỏe không cho phép. Mỗi ngày, niềm vui của cô giáo H’Khuyn đến từ những điều bình thường, đôi khi tưởng chừng như nhỏ nhặt. Chỉ cần có một học trò nhớ được thêm một chữ cái, làm được một phép tính hay đơn giản chỉ là biết vòng tay chào cô, chào mẹ… thì niềm hạnh phúc vô bờ ấy lại lấp lánh trong đáy mắt của cô giáo H’Khuyn.
Chia tay người mẹ đặc biệt H’Khuyn và lớp học hạnh phúc, chúng tôi không khỏi nhớ về những ca từ ý nghĩa trong bài hát “Một đời người, một rừng cây” của nhạc sĩ Trần Long Ẩn: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai…”.
TRẦN DUNG

Có thể bạn quan tâm

Tội ác trong một mái ấm

Tội ác trong một mái ấm

Trong khi công tác bảo trợ trẻ mồ côi cũng như các chương trình chăm sóc bảo vệ trẻ em ở TP.HCM ngày càng được xã hội quan tâm và hầu hết mái ấm tình thương đều đóng góp tích cực vào hoạt động ý nghĩa này, thì vẫn có nơi đã, đang diễn ra những hành vi vô nhân tính.
Dưới lớp tro tàn Tân Lập

Dưới lớp tro tàn Tân Lập

(GLO)- Những phát hiện mới về Tân Lập gần đây cho phép khẳng định nơi này từng là một làng quê trù phú của người Việt. Hành động bức tử, xóa sổ Tân Lập (nay thuộc xã Đăk Hlơ, huyện Kbang) của giặc Pháp hồi tháng 3-1947 chỉ có tác dụng nhất thời. 
Mưu sinh đầu mùa nước nổi

Mưu sinh đầu mùa nước nổi

Dân miền Tây có câu tháng Bảy nước nhảy khỏi bờ. Đó là tháng Bảy âm lịch, thời điểm nước tràn đồng trên miệt đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu. Một mùa đánh bắt cá của bà con cũng khởi phát, kéo dài suốt mấy tháng.
Hoài niệm ở chốn Kinh kỳ

Hoài niệm ở chốn Kinh kỳ

Bên cạnh cư dân người Việt có quê gốc tại chỗ, một số đông dân cư ngụ ở Phố Hiến là từ các địa phương khác về làm ăn sinh sống. Có một sự quần tụ nơi "đất lành".
Tiếng vọng đại ngàn

Tiếng vọng đại ngàn

Tháng 8 về, Buôn Đôn trong veo những mảng màu. Rừng xanh ầm tiếng tù và. Bên dòng sông chảy ngược Sêrêpốk, nơi các dũng sĩ săn voi (gru) trứ danh từng chinh phạt mãnh tượng, hồng hoang thương nhớ những cuộc đời huyền thoại...
Nghề làm đẹp cho… người chết!

Nghề làm đẹp cho… người chết!

Người sống cần làm đẹp đã đành, mà người đã khuất cũng có luôn? Tất nhiên, nhu cầu đó của người đã khuất, đa phần xuất phát từ người thân của họ, những người còn đang sống. Ai cũng hiểu, lúc sống thế nào thì thôi, nhưng đã về bên kia thế giới, thì còn gì nữa đâu?
Lang thang “chợ âm phủ” trên phố núi

Lang thang “chợ âm phủ” trên phố núi

Mặt trời ngả xuống núi, phố nhỏ lên đèn, êm đềm chìm trong làn sương trắng mong manh. Những gánh hàng rong kẽo kẹt ghì chặt từng đôi vai gầy. Các chị, các mẹ bắt đầu xuống “chợ âm phủ”, đem theo vận may một đêm chạy hàng.