Người mang họ Hồ: Người Vân Kiều thời 4.0

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Dù còn nhiều khó khăn nhưng người Vân Kiều nay đã khác. Họ được học hành, biết chữ, biết làm du lịch, biết phối hợp với tổ chức phi chính phủ giữ rừng để chở che tổ ấm của mình.
Ươm những “mầm xanh”
Tháng 9.2021, hình ảnh hai chị em ruột người Vân Kiều là Hồ Thị Thanh Huyền và Hồ Thị Son ở bản Bạch Đàn (xã Lâm Thủy, H.Lệ Thủy, Quảng Bình, đang học Trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Quảng Bình) lên núi dựng lều để bắt sóng 3G học online đã khiến nhiều người suy nghĩ. Thời điểm đó, do dịch Covid-19, các em không đến lớp mà học trực tuyến, ngặt nỗi bản làng quá xa xôi, không sóng điện thoại cũng chẳng có internet. Để kết nối với “thế giới phẳng”, 2 em đã phải leo lên ngọn núi cách nhà 3 km căng lều bạt, dựng bàn ghế ngồi học.

Học sinh Vân Kiều ở bản Chuồn (xã Trường Xuân, H.Quảng Ninh, Quảng Bình) được tiếp cận với tin học. Ảnh: Hoàng An
Học sinh Vân Kiều ở bản Chuồn (xã Trường Xuân, H.Quảng Ninh, Quảng Bình) được tiếp cận với tin học. Ảnh: Hoàng An
Câu chuyện hiếu học của 2 cô học trò Vân Kiều đã “đánh động” chính quyền địa phương và ngành chức năng. Ngay sau đó, Tập đoàn Viettel chi nhánh Quảng Bình lên hiện trường khảo sát vị trí, địa điểm để lắp trạm phát sóng 4G. Từ đó, không chỉ 2 chị em Huyền, Son mà hàng chục đứa trẻ Vân Kiều khác ở bản Bạch Đàn cũng có cơ hội học tập tốt hơn.
Nhưng học để đỗ đại học, với học trò miền núi nói chung và học trò người Vân Kiều nói riêng là chuyện không dễ. Vì thế, khi nữ sinh Hồ Thị Út (18 tuổi, thôn Chân Rò, xã Đakrông, H.Đakrông) đỗ vào Học viện Ngoại giao hồi năm 2021 với 29 điểm đã trở thành một kỳ tích. Út sinh ra ở bản nghèo, bố mất sớm. Hay tin em đỗ đại học, ai cũng ngỡ ngàng, nhất là khi bạn bè của Út đều đã… yên bề gia thất.
Chạm đến giấc mơ, nhưng trước mắt vẫn còn nhiều khó khăn khi phải đối diện với những khoản học phí, chỗ ăn chỗ ở khi Út một mình cắp sách ra Bắc học. Nhưng với cô nữ sinh Vân Kiều, đó lại chính là động lực để tiếp tục phấn đấu. Bởi giờ đây Út đang là tia hy vọng của gia đình, cũng là niềm tự hào của dòng tộc, bản làng.

Du khách tham quan thôn Chênh Vênh (xã Hướng Phùng, H.Hướng Hóa, Quảng Trị). Ảnh: Thanh Lộc
Du khách tham quan thôn Chênh Vênh (xã Hướng Phùng, H.Hướng Hóa, Quảng Trị). Ảnh: Thanh Lộc
Người Vân Kiều làm du lịch
Với những tiềm năng vốn có mà thiên nhiên ban tặng, cộng đồng người Vân Kiều đang sở hữu nhiều thứ có thể khiến du khách tò mò khám phá. Từ những năm 2018, ở Quảng Bình đã có những tour khám phá văn hóa cộng đồng người Vân Kiều ở các huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy. Lộ trình sẽ ngang qua những địa danh như xã Ngân Thủy, hang Nước, bản Cây Sung, hang Chà Lòi, vực Hang Còi…
Chi phí những tour như thế không nhiều, chỉ vài trăm ngàn đồng. Nhưng ở Quảng Trị, có nữ cán bộ xã thậm chí còn tổ chức tour khám phá cộng đồng với mức giá rẻ đến không tưởng: 199.000 đồng.
Người đưa ra ý tưởng về tour trải nghiệm giá rẻ khó tin ấy là Hồ Thị Thương, 35 tuổi, một người Vân Kiều và là đương kim Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Tà Long (H.Đakrông). Ý tưởng khởi nghiệp của chị Thương bắt đầu với câu hỏi: “Thay vì mang những đặc sản vùng cao về miền xuôi, tại sao mình không đưa khách hàng lên tận nơi để thưởng thức tại chỗ những món ăn, thức uống ấy và cho họ trải nghiệm không gian núi rừng, sông suối?”.

Hồ Thị Út, cô gái Vân Kiều thi đỗ vào Học viện Ngoại giao. Ảnh: Bá Cường
Hồ Thị Út, cô gái Vân Kiều thi đỗ vào Học viện Ngoại giao. Ảnh: Bá Cường
Về con số 199.000 đồng, chị Thương thổ lộ nhóm của mình không đặt nặng lợi nhuận. Số tiền đó không quá lớn để khách phải đắn đo khi lên với Tà Long, nhưng cũng không quá nhỏ đến mức chỉ phục vụ không công. Chị Thương nhanh chóng xây dựng 2 tuyến du lịch. Tuyến thứ nhất là thăm suối Pa Ca ở bản Pa Hy với các hoạt động đến nhà sàn, làm bánh beng, tắm thác Raa Po. Tuyến thứ hai thăm suối Tà Lao, trải nghiệm bắt cá rồi nướng ăn tại chỗ và “hóa thân” thành người con Vân Kiều bằng những tấm áo truyền thống. Chị tự tin chọn slogan: “Các bạn cứ lập team, mọi thứ có Thương lo!”.
Cũng ở H.Đakrông, dân bản Klu (xã Đakrông) với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương đã đưa vào vận hành, phục vụ du khách chương trình tại khu du lịch suối nước nóng Klu. Cách TP.Đông Hà chừng 40 km, du khách tìm đến không chỉ với con suối nước nóng 30 - 50 độ C mà còn có những dãy nhà sàn được dựng bên bờ suối, thưởng thức các món ăn của người bản địa như gà bản, măng rừng, rượu cần… Ông Hồ Văn Sơn, người sống ngót 50 mùa rẫy ở Klu, vẫn không ngờ rằng có ngày con suối ấy lại đưa du khách đến với bản, mang lại những đồng tiền quý giá nuôi sống bà con.
Vài năm gần đây, hàng ngàn lượt du khách đã đến với Klu mỗi năm. Ai cũng bảo cộng đồng người Vân Kiều giờ đã khác, biết làm du lịch và thậm chí làm du lịch rất khéo, níu được chân người.

Với tour của chị Thương, chỉ cần bỏ ra 199.000 đồng du khách sẽ được trải nghiệm nhiều hoạt động của người Vân Kiều. Ảnh: Thanh Lộc
Với tour của chị Thương, chỉ cần bỏ ra 199.000 đồng du khách sẽ được trải nghiệm nhiều hoạt động của người Vân Kiều. Ảnh: Thanh Lộc
Giữ rừng theo cách riêng
Với sự hỗ trợ của Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam tại Quảng Trị và UBND H.Hướng Hóa, thôn Chênh Vênh (xã Hướng Phùng, H.Hướng Hóa) đã lần đầu tiên mở tour khám phá rừng nguyên sinh kết hợp tìm hiểu cuộc sống người bản địa. Du khách sẽ được tìm hiểu đời sống người dân tộc thiểu số Vân Kiều và khám phá thắng cảnh thiên nhiên thác Chênh Vênh, rừng tre trúc, rừng tự nhiên nguyên sinh do chính người Chênh Vênh bảo vệ.
Thôn Chênh Vênh có diện tích 1.500 ha, với 130 hộ, 440 khẩu, tất cả đều là người Vân Kiều. Thôn nằm sát đường Hồ Chí Minh nhánh tây, được bao bọc bởi núi rừng, sông suối, đồi núi hoang sơ, hùng vĩ, đặc biệt là thắng cảnh thác Chênh Vênh, với đặc sản măng rừng, nếp than, rượu bản... Theo tour này, từ cụm dân cư Rờ Vê, du khách sẽ trải nghiệm cuộc sống của bà con Vân Kiều, mua bán nông sản địa phương, sau đó mới đến thác Chênh Vênh. Đồi Sa Mươi (sương mù), khu vực người dân chăn thả gia súc và làm nương rẫy, cũng nằm trong hành trình. Ngọn đồi này là đồng cỏ rộng hơn 20 ha, nằm trên đỉnh đèo Sa Mù cao hơn 1.000 m, một điểm lý tưởng để ngắm mây bay giữa các đỉnh núi.
Trong tour, du khách cũng đến thăm rừng tre trúc bạt ngàn, rừng nguyên sinh có chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Cánh rừng này rộng gần 1.000 ha, do người dân Chênh Vênh chung tay bảo vệ, giữ gìn. Tối đến, người dân sẽ đãi khách những món ăn bản địa như xôi nếp rẫy, gà, heo nướng, các món rau rừng, măng luộc... Du khách có thể lựa chọn ngủ trong nhà sàn hoặc lều trên đỉnh đồi Sa Mươi để ngắm bình minh trong sương. Tùy từng thời điểm trong năm, du khách còn được thưởng thức các lễ hội đặc sắc của người Vân Kiều như tết cơm mới, lễ cưới hỏi... “Chúng tôi vẫn sống nhờ rừng, nhưng chúng tôi đã sống rất khác, chúng tôi còn biết giữ rừng…”, một “hướng dẫn viên” du lịch tay ngang ở Chênh Vênh chia sẻ.
(còn tiếp)
Theo Nguyễn Phúc (TNO)
 

Có thể bạn quan tâm

Sống ở TP.HCM: Người hạnh phúc vẽ nên sắc hồng cho bệnh nhân ung thư

Sống ở TP.HCM: Người hạnh phúc vẽ nên sắc hồng cho bệnh nhân ung thư

Hiến tóc cho bệnh nhân ung thư là một trong những hoạt động ý nghĩa nằm trong khuôn khổ chương trình 'Ngày hội Nón hồng' do Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam (BCNV) tổ chức. Những mái tóc được gửi đến các bệnh nhân chính là biểu tượng của sự sẻ chia, tiếp thêm sức mạnh để họ tiếp tục chiến đấu.

Khơi dậy ý chí, khát vọng thoát nghèo - Kỳ 1: Những “đốm lửa hồng” nêu gương trong việc khó

Khơi dậy ý chí, khát vọng thoát nghèo - Kỳ 1: Những “đốm lửa hồng” nêu gương trong việc khó

Những năm qua, nhiều chính sách phát triển kinh tế-xã hội, an sinh xã hội, ba chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới (NTM), giảm nghèo bền vững, những chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được triển khai sâu rộng.

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Cách đây gần 18 năm, trong một số công trình điều tra văn hóa các làng đồng bào dân tộc thiểu số ở TP. Pleiku thì người ta xếp một số buôn làng trong khu vực, trong đó có làng Wâu và Ktu (xã Chư Á) là làng tương đối có giá trị, đưa vào diện bảo tồn và phát triển.

Tượng đài “Chiến sĩ bất khuất Vĩnh Trinh” ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam là một trong các tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Phan. Ảnh: Tư liệu

Ký ức vỡ

Những gì không lặp lại sẽ dễ lãng quên. Người thân cũng thế, ký ức về một ai đó, sau thời gian dài không gặp sẽ bị im lìm, đóng băng. Một phần nào trong ký ức tôi tưởng chừng như thế, đã im ngủ hơn 14 năm qua tính từ ngày anh từ bỏ cõi trần gian phiền muộn này.

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 2: “Nữ hoàng” sắc hương giữa môi trường sinh thái

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 2: “Nữ hoàng” sắc hương giữa môi trường sinh thái

Nông gia Nguyễn Đáp sinh ra, lớn lên và tạo lập cơ nghiệp trên những thửa rau, hoa bậc thang của thành phố cao nguyên Đà Lạt, hiện đang chạm ngưỡng tuổi lục thập vẫn dốc tâm sức và tiền vốn để bổ sung “công năng” trên từng diện tích đất nông nghiệp của mình.

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 1: Hoa trời Âu “phát sáng” góc trời Ðà Lạt

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 1: Hoa trời Âu “phát sáng” góc trời Ðà Lạt

Trên nền tảng dẫn đầu cả nước về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, vùng đất Nam Tây Nguyên Lâm Đồng đã và đang mở rộng những miền quê tập trung tạo ra những mặt hàng có giá trị khác biệt, trong đó nổi trội với sản phẩm du lịch cộng đồng gắn xây dựng NTM, phát triển làng nghề ở địa phương.

Đời chìm nước nổi…

Đời chìm nước nổi…

Thời điểm này, khu vực biên giới Tây Nam đang đỉnh lũ. Mùa nước nổi năm nay lượng nước sông Mê Kông đổ về Đồng bằng sông Cửu Long cao hơn trung bình nhiều năm trước. Mùa nước nổi là lúc người dân vùng biên thức thâu đêm giăng lưới, thả câu tận hưởng lộc trời.