Bằng cách này cách khác, những người mang họ Hồ đã gìn giữ vẹn nguyên giá trị truyền thống và bản sắc văn hóa riêng biệt của tộc người Vân Kiều vốn được đắp bồi từ hàng ngàn năm…
Gìn giữ từng vần thơ, điệu nhạc
Đồng bào Vân Kiều nói tiếng Bru - Vân Kiều nhưng chưa có chữ viết. Vậy nên, “thơ của người Vân Kiều” thường khuyết danh, là những khúc hát dân ca, dù mộc mạc nhưng cũng rất da diết, đặc biệt khi hát về tình yêu lứa đôi.
Một số tài liệu về văn hóa của người Vân Kiều còn ghi lại những câu hát ngắn gọn như: “Lửa gặp gươm/Chàng gặp nàng”. Có lúc lại sục sôi, bỏng cháy: “Nhớ nhau lòng như con sóng chao/Thương nhau hơn dòng nước Khóng chảy xiết/Yêu nhau núi lở trong lòng...”. Cũng có khi thấy sướt mướt: “Em ở chòi bên này chưa ngủ đợi anh/Muốn thổi khèn Amam nhưng lại thiếu một người/Khèn Aman không thổi một người/Em biết thương ai bây giờ ngoài anh”...
Những dòng thi ca đầy hình tượng này được các đôi trai gái yêu nhau, hát cho nhau nghe. Cũng có thể đấy là lời ru của mẹ của bà bên cánh võng. Cứ thế, câu ca giọng hát truyền từ đời này qua đời khác.
Nhưng cũng có không ít đồng bào Vân Kiều vì trót mê vần thơ, điệu nhạc của dân tộc mình nên đã dành cả đời để tìm hiểu, bảo tồn. Ở Quảng Bình, có thể nhắc ngay đến ông Hồ Văn Tiêu (xã Kim Thủy, H.Lệ Thủy). Ông Tiêu nguyên là Bí thư Đảng ủy xã miền núi Kim Thủy, lớn lên với những bài dân ca thấm đẫm của bà của mẹ hát những đêm mưa... Mạch nguồn đó luôn chảy trong ông, nhưng phải đến khi nghỉ hưu ông mới có thời giờ sống hết mình cho đam mê. Ông đến từng bản làng, tập hợp những người biết đàn hát dân ca để âm thầm phục dựng và bảo tồn các giá trị nghệ thuật dân ca của người Bru - Vân Kiều rồi dạy cho học sinh. “Tôi yêu các bài ca như máu thịt, nhưng tôi không muốn hát một mình. Bài ca chỉ thực sự vang vọng khi được nhiều người cùng hát”, ông Tiêu nói.
|
Nhạc cụ của người Vân Kiều hiện diện trong lễ hội truyền thống ở bản làng miền tây Quảng Trị. Ảnh: Nguyễn Phúc |
Kể từ đó, ở Kim Thủy và nhiều xã miền tây Lệ Thủy, tiếng khèn Aman, sáo Pi, chiêng Prana và điệu Xiêng oát, điệu Oát xa nớt, điệu Cha chấp… đã bắt đầu trỗi lại. Chung tay cùng ông Tiêu, ở bản Khe Dây (xã Trường Xuân, H.Quảng Ninh) có già Hồ Văn Thương, cũng được biết đến là một tay chơi lão luyện với những loại nhạc cụ truyền thống người Vân Kiều. Những nhạc cụ ấy sẽ được đích thân già Thương cùng đám thanh niên trong bản mang ra chơi ở những ngày hội tết cổ truyền, mừng lúa mới, lễ đâm trâu, cưới hỏi... “Rời bỏ âm nhạc, rời bỏ các giá trị văn hóa là người Vân Kiều sẽ bị mất gốc, là chối bỏ những tinh hoa truyền thống tổ tiên để lại”, già Thương đau đáu.
Đưa tấm áo truyền thống vào... nghị quyết
Vài năm gần đây, khi trang phục người miền xuôi vốn rất tiện lợi và rẻ tiền ồ ạt nhập lên miền ngược, may mắn có không ít người Vân Kiều nhận ra cần phải giữ gìn tấm áo truyền thống của đồng bào mình.
|
Men lá, bí quyết để nấu được những mẻ rượu ngon ở bản Đá Bàn (xã Pa Nang, H.Đakrông, Quảng Trị). Ảnh: Nguyễn Phúc |
Đầu tiên phải kể đến nỗ lực khơi dậy tình yêu học trò với thổ cẩm của các thầy cô giáo ở Trường tiểu học và THCS A Dơi (H.Hướng Hóa, Quảng Trị). Ông Hồ Sỹ Chẩm, Hiệu trưởng nhà trường, đã từng chạnh lòng khi nhận thấy nhiều người quay lưng với trang phục truyền thống của dân tộc mình, trong đó có học sinh. Qua thời gian vận động, hiện tất cả học sinh người Vân Kiều trong trường đều có ít nhất 1 bộ trang phục thổ cẩm truyền thống. Vào sáng thứ hai đầu tuần và các ngày lễ lớn, các em mặc trang phục thổ cẩm. Từ đây, tình yêu dành cho trang phục và những nét đẹp truyền thống của người Vân Kiều càng nảy nở.
Ở xã A Bung (H.Đakrông, Quảng Trị), trước nguy cơ mai một của thổ cẩm, chính quyền thậm chí đã đưa chủ trương hồi sinh thổ cẩm vào nghị quyết Đảng bộ xã. Với những việc làm cụ thể, chính quyền A Bung lập được 4 tổ sản xuất chuyên dệt vải thổ cẩm với gần 30 phụ nữ. Thổ cẩm nhờ đó làm cuộc hồi sinh kỳ diệu. Nếu ai đó một lần đến xã A Bung, đừng ngạc nhiên khi thấy toàn bộ công chức xã diện những chiếc áo, bộ váy rực rỡ bằng chất liệu vải thổ cẩm.
Lửa nghề không bao giờ tắt
Với kinh nghiệm trăm năm sống ở núi rừng cùng với đôi tay khéo léo, người Vân Kiều gìn giữ được nhiều nghề truyền thống. Trong đó, có những ngón nghề in đậm bản sắc Vân Kiều, sản phẩm tạo ra cũng trở thành vật dụng hiếm hoi.
|
Gia đình ông Hồ Khăm ở bản Cồn Cùng (xã Kim Thủy, H.Lệ Thủy, Quảng Bình) tập kèn, chiêng và các làn điệu dân ca của người Bru - Vân Kiều cho con cháu trong nhà. Ảnh: Hoàng An |
Ở xã Pa Nang (H.Đakrông, Quảng Trị), có một loại rượu thơm nồng đủ sức làm mê đắm bao người. Rượu này chỉ được nấu ở bản Đá Bàn, bằng loại men được kết tinh từ hàng chục loại lá, rễ cây mọc trong những khu rừng sâu, dọc biên giới Việt - Lào. Bà Hồ Thị Mom (60 tuổi, nhà 3 đời nấu rượu men lá ở Đá Bàn) kể rằng từ nhỏ bà đã được mẹ truyền lại cho bí quyết làm men lá. Đó là một công thức pha chế bằng cách trộn lẫn những loại lá cây như tán tiêu, mặt cờn, piêng praza... và rễ cây a moi, a sơn, pum loác... “Trên rừng có cả ngàn loài cây, nhưng tôi vẫn nhận ra thứ gì dùng được, thứ gì không, thứ gì có độc. Điều này cũng vì quen mà thành, chứ không tài giỏi gì đâu”, bà Mom chép miệng.
Bà Mom còn “bật mí” thêm, ngoài men lá, điều làm cho rượu Pa Nang trở nên đặc biệt là bởi loại “nước trời” chảy rỉ ra từ vách đá, lúc nào cũng trong veo. “Cả trăm năm qua, bếp lửa nhà tôi chưa bao giờ tắt. Ở Đá Bàn bây giờ dù chỉ còn chừng chục hộ nấu rượu theo bí quyết cũ, nhưng chưa một ai có ý định bỏ nghề. Mong sao rượu men lá sẽ còn mãi”, bà Mom nói.
Giữ lửa nghề Vân Kiều không chỉ là phần việc của người già. Các bạn trẻ ở thôn Trăng Tà Puồng (xã Hướng Việt, H.Hướng Hóa, Quảng Trị) cho thấy đó là việc của người trẻ. Với nghề truyền thống mây tre của địa phương, có sự hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ, nhóm bạn trẻ ở đây đã tạo ra những sản phẩm ống hút, hộp đựng tăm, cốc uống nước... đẹp mắt, và nhất là sản phẩm ấy mang lại cơm no áo ấm.
“Chúng tôi vẫn sống dựa vào rừng, nhưng theo cách khác chứ không phải làm lâm tặc”, Hồ Văn Giỏi (28 tuổi, thôn Trăng Tà Puồng) nói. Từ những thành công bước đầu, các thành viên của nhóm thậm chí đang quyết tâm thành lập Hợp tác xã Vân Kiều Bamboo... “Bếp lửa có thể tắt nếu hết củi, nhưng khát vọng đưa nghề truyền thống trở lại, đưa sản phẩm truyền thống của chúng tôi chưa bao giờ nguội lạnh”, Giỏi quả quyết. (còn tiếp)
Theo Nguyễn Phúc (TNO)