Người lớn phải làm gương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Chiều tuần rồi, đón con ở trường, tôi nghe con gái thắc mắc: "Người lớn lạ mẹ nhỉ?". Rồi con kể một chị lớp 5 đang dắt xe đạp ra cổng thì va vào xe của phụ huynh nên bị xây xát mặt mày.

Kể xong, con nói: "Giá mà người lớn chịu dắt xe lên lề, mẹ nhỉ? Con thấy chị ấy tội lắm!". Câu nói của con trẻ khiến tôi nghĩ ngợi. Ừ nhỉ! Tại sao chỉ một việc đơn giản thế thôi mà nhiều người lớn không làm?

Không phải đến bây giờ trường con mới yêu cầu phụ huynh khi đón các cháu phải dắt xe lên lề và quay đầu xe ra ngoài. Ngay từ đầu năm, trường đã làm một tấm bảng thông báo ở cổng để nhắc phụ huynh. Hôm họp phụ huynh, tôi cũng có nghe cô giáo nhắc. Vậy mà lần nào đón con, tôi cũng thấy những chiếc xe máy để ngổn ngang. Mặc cho bác bảo vệ nhắc nhở, người ta cứ lờ đi. Thậm chí, có phụ huynh còn để xe ngay cổng trường khiến cho các cháu lớp 4, lớp 5 phải khó khăn lắm mới dắt được xe đạp ra khỏi cổng. Nhiều vụ va quệt xe cũng xảy ra do xe cộ để lộn xộn, phụ huynh chen lấn đón con.

Thỉnh thoảng, tôi nghe một đứa trẻ nhắc mẹ: "Mẹ ơi, cô dặn phải dắt xe lên lề. Mẹ dắt lên đi mẹ!". Thay vì dắt xe lên, chị ta quay sang mắng con: "Lắm chuyện! Để một chút rồi đi liền, dắt lên làm gì cho mệt". Mặc kệ đứa con đang xịu mặt và mặc chiếc xe đang chiếm cả một phần đường, chị thúc giục con lên xe, rời đi.

Người ta cứ lấy lý do này, lý do kia để bao biện cho việc làm của mình: "Để một chút thì chết ai?", "Đưa con vào lớp là ra ngay!", "Để lên lề, tí dắt xuống mệt lắm!"... nên cứ làm sai và cho rằng việc mình làm chẳng nguy hại đến ai. Họ không biết rằng chính những việc mà họ nghĩ là nhỏ nhặt, đơn giản ấy có thể ảnh hưởng đến con trẻ. Bởi lẽ khi con còn nhỏ, cha mẹ chính là tấm gương để con noi theo. Một tấm gương xấu có thể khiến con bắt chước và thế là con hư lúc nào không hay.

Một đứa trẻ vừa được dạy phải xếp hàng ngay ngắn, phải biết nhường nhịn nhưng thấy mẹ mình lúc nào cũng chen lấn, cũng giành phần hơn, con trẻ sẽ nghĩ gì? Một đứa trẻ vừa được dạy không được nói tục, chửi thề nhưng về nhà, thấy bố nói tục, chửi thề luôn miệng. Nó nhắc thì bố nó xuề xòa, bao biện: "Quen rồi". Ai dám chắc đứa trẻ sẽ không bị ảnh hưởng từ bố? Và một ngày nào đó, liệu ông bố có bất ngờ khi nghe con văng tục. Ông sẽ hối hận hay thẳng tay tát vào mặt con?

Nên muốn con trở thành đứa trẻ tốt, một đứa con ngoan thì mỗi ông bố, bà mẹ phải thay đổi mình, làm gương cho con. Bắt đầu từ những điều nhỏ như nói năng lịch sự. Hay đơn giản là dắt xe lên lề đường để cổng trường khỏi ùn tắc... Tôi cho rằng việc làm ấy không khó khi chúng ta nghĩ đến con và vì con.

 

Theo Bảo Hân (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Bán sầu riêng non làm tổn hại cả ngành hàng

Bán sầu riêng non làm tổn hại cả ngành hàng

Sầu riêng Việt Nam xuất khẩu đang mang về hàng tỷ USD lợi nhuận, nhưng các chuyên gia cảnh báo, tình trạng bán sầu riêng non, chạy theo số lượng - bỏ chất lượng có thể gây tổn hại nghiêm trọng cho cả ngành hàng rất tiềm năng và lợi thế này.
Chi trả gần 1,1 tỷ đồng bảo hiểm cho khách hàng

Chi trả gần 1,1 tỷ đồng bảo hiểm cho khách hàng

(GLO)-Sáng 22-7, Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIC) phối hợp với BIDV Nam Gia Lai chi trả quyền lợi bảo hiểm trị giá gần 1,1 tỷ đồng cho gia đình khách hàng Phạm Văn Tụng (thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai).
Pleiku có 115 hội viên, phụ nữ đã thoát nghèo và cận nghèo

Pleiku có 115 hội viên, phụ nữ đã thoát nghèo và cận nghèo

(GLO)- Chiều 17-7, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) TP. Pleiku tổ chức hội nghị Ban Chấp hành lần thứ VIII (mở rộng) để sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ TP. Pleiku lần thứ XIII (nhiệm kỳ 2021-2026), sơ kết công tác Hội và phong trào phụ nữ 6 tháng đầu năm 2024.