Người đàn ông hơn 7 năm lao đến nơi có tai nạn giao thông để cứu người

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Hơn 7 năm qua, anh Đinh Văn Hoàng (30 tuổi) ở làng Măng Khênh, xã Đak Man, huyện Đak Glei (Kon Tum) đã cứu giúp hàng chục người bị tai nạn giao thông trên đèo Lò Xo.

Đèo Lò Xo dài 27 km nằm trên quốc lộ 14, giáp ranh hai tỉnh Quảng Nam và Kon Tum, được ví là con đèo tử thần vì quanh co, nguy hiểm và mưa phùn, sương mù ẩm ướt quanh năm.

Tìm đến nhà Hoàng ở làng Măng Khênh vào ngày trời lạnh như cắt da cắt thịt, nghe hỏi về chuyện cứu người bị tai nạn giao thông (TNGT), Hoàng ái ngại: "Chuyện đáng làm thì làm thôi anh ạ!".

 

Công việc hàng ngày của Hoàng.
Công việc hàng ngày của Hoàng.

Chuyện đáng làm của Hoàng “Lò Xo”

Cái "chuyện đáng làm" ấy xuất phát từ một đêm cuối tháng 11-2009, Hoàng đang ở nhà thì nghe nói có vụ TNGT ở đầu đèo Lò Xo. Hoàng chở theo chị gái (hiện công tác ở Trạm y tế xã Đăk Man) đến hiện trường, thấy một chiếc ô tô tải bị rớt xuống vực.

Lần mò leo xuống nơi xe lật, Hoàng tìm thấy hai người, một tài xế và một phụ xe nằm bất động, anh lần lượt cõng từng người leo lên con dốc đứng dài 40 m. Hôm đó, do vết thương quá nặng, lại gặp trời quá lạnh, hai người ấy đã tử vong.

"Tại sao họ phải chết?", một ý nghĩ đau xót lóe lên trong đầu rồi cứ ám ảnh Hoàng. “Nếu như có ai đó, hay mình có mặt kịp thời thì chắc chắn hai người này được cứu sống” - Hoàng nghĩ vậy và từ đó đến nay, ngày cũng như đêm, mưa hay nắng, hoặc trời có lạnh đến mấy, cứ nghe có TNGT ở đèo Lò Xo là anh bỏ ngay công việc để đến hiện trường cứu người.

7 năm qua, Hoàng không nhớ mình tham gia cứu nạn bao nhiêu vụ, bao nhiêu người, chỉ biết hễ có TNGT ở đèo Lò Xo là có mặt anh, đến nỗi người ta “định danh” anh bằng cái tên Hoàng “Lò Xo”.

Mỗi vụ như thế, Hoàng đưa người mắc kẹt trong những ô tô dưới vực ra ngoài an toàn rồi về nhà, lại làm lụng mưu sinh. Hoàng vừa mở tiệm sửa xe máy, vừa bán tạp hóa ở làng Măng Khênh, sống với vợ và hai con ở trên đỉnh đèo Lò Xo.

Hằng ngày, khách qua lại có mấy ai biết chàng trai hơi ngăm đen, gương mặt phúc hậu tuy tay sửa xe, nhưng hai tai luôn nghe ngóng và điện thoại không bao giờ tắt. Mục đích là nếu có TNGT thì người dân, chính quyền hoặc lực lượng CSGT tuần tra qua đoạn đường này sẽ gọi ngay cho Hoàng.

"Ban đêm cả nhà ngủ say. Em nghe điện thoại ai báo xong là mở cửa đi ngay. Vợ em cũng quen cảnh này rồi nên không bao giờ nói gì", Hoàng chia sẻ.

Ân nhân thầm lặng

Trong những lần cứu nạn, Hoàng nhớ nhất là vụ lật xe khách BS 48B-000.16 vào 12 giờ ngày 23.6.2015, trên xe có 42 người. Lúc đó trời mưa phùn, nơi lật xe thuộc địa phận H.Phước Sơn (Quảng Nam). Nghe anh em báo, Hoàng mang xà beng, cưa, búa, đục… chạy đến hiện trường và leo xuống vực, chui vào trong xe, quan sát thấy ai bị thương nặng thì cứu trước.

Hôm đó, một mình Hoàng chui vào trong xe, nhưng do không rành về ô tô nên anh phải gọi điện thoại cho một CSGT nhờ hướng dẫn nên đục cái nào ra trước, cắt cái gì đảm bảo an toàn.

"Vụ này, trên xe có bình ắc quy lớn, điện vẫn hoạt động, nếu không khéo thì nguy hiểm lắm!", Hoàng nói. Hôm đó, hì hục đục, cắt… đưa người bị thương trong xe ra ngoài từ 12 giờ đến 16 giờ, Hoàng rã rời, chân phải bị tê, yếu đến 4 ngày sau mới khỏi. Nhờ công sức của Hoàng, vụ tai nạn chỉ có một người bị thiệt mạng, còn lại đã được cứu sống.

Trung tá Nguyễn Ích Hòa, Trưởng trạm CSGT Ngọc Hồi, Phòng CSGT tỉnh Kon Tum, cho biết: Hầu như vụ TNGT nào đơn vị cũng gọi cho anh Đinh Văn Hoàng để phối hợp cứu người gặp nạn và có hàng chục trường hợp như thế, không thể nào kể hết.

"Hoàng rất lạ, đến hiện trường hùng hục làm, xong thì về ngay. Vì vậy những người bị TNGT được cứu giúp chẳng mấy ai biết đến Hoàng là người cứu mình", trung tá Hòa chia sẻ.

Hỏi ngần ấy năm, có ai quay lại để cảm ơn không, Hoàng cười: "Chưa có ai anh ạ. Mà em cũng đâu nghĩ đến chuyện ấy, mình giúp ai đó, thì sẽ có người giúp lại mình".

Theo thanhnien

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.