(GLO)- “Huyện Chư Prông hiện có hơn 2.400 ha hồ tiêu, trong đó khoảng 100 ha bị nhiễm các loại sâu bệnh. Năm nay, huyện không có kế hoạch mở rộng diện tích hồ tiêu vì lo ngại sẽ phá vỡ quy hoạch loại cây này và tình trạng sâu bệnh lây lan. Thế nhưng do giá hạt tiêu cao hơn các sản phẩm nông sản khác nên bà con vẫn đua nhau trồng mới hồ tiêu, bất chấp khuyến cáo của cơ quan chức năng”- ông Nguyễn Văn Gặp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Prông, cho biết.
Đúng như lời ông Gặp, thời điểm này, tại huyện Chư Prông, đâu đâu cũng thấy người dân nói chuyện đúc trụ, đào hố, đổ phân... chuẩn bị trồng mới hồ tiêu. Anh Phan Công Diệu (Chủ doanh nghiệp tư nhân Diệu Thư, thôn 1, xã Thăng Hưng, huyện Chư Prông) phấn khởi: Chưa năm nào người dân trồng nhiều hồ tiêu như năm nay. Từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp đã bán được hơn 100.000 trụ tiêu và đang đúc thêm 50.000 trụ tiêu nữa cho khách hợp đồng. Hiện tại, giá trụ tiêu đúc bằng bê tông cốt thép dao động từ 125.000 đồng đến 140.000 đồng/trụ…
Người dân xã Ia Phìn (huyện Chư Prông) chăm sóc cây hồ tiêu. Ảnh: Đức Thụy |
Trong khi giá cà phê, cao su và các loại nông sản khác xuống thấp thì giá hạt tiêu khô bán ra thị trường vẫn luôn ở mức cao. Thêm vào đó, hồ tiêu là loại cây thích hợp phát triển trên đất bazan, đất hẹp, đất dốc. Thực tế đã có rất nhiều gia đình ở huyện Chư Prông như ông Trần Văn Chiến, ông Hoàng Ngọc Tài (xã Ia Pia), ông Nguyễn Văn Quang, ông Ngô Văn Bình (xã Ia Phìn), ông Huỳnh Thế Hiệp, ông Nguyễn Xuân Hùng (xã Ia Tôr)... thu hoạch hơn 10 tấn hạt tiêu khô/năm và trở thành tỷ phú. Đây là động lực mạnh mẽ để đông đảo người dân đầu tư công của vào việc trồng mới hồ tiêu, bất chấp nhiều vườn tiêu đang bị sâu bệnh, thậm chí bị chết hàng loạt.
Ông Bùi Viết Hội (thôn 1, thị trấn Chư Prông) cho biết: “Thấy hồ tiêu mang lại hiệu quả hơn các loại cây trồng khác nên gia đình tôi đầu tư trồng mới 1.400 trụ. Để phòng tránh sâu bệnh, gia đình tôi đã đặt mua giống tiêu ở tỉnh Bình Phước về trồng. Với giá hạt tiêu cao như hiện nay, nếu được mùa, chỉ cần thu hoạch 2-3 vụ là người đầu tư lấy lại đủ vốn”. Còn ông Trần Văn Duân-Chủ tịch UBND xã Ia Phìn, cho hay: “Nhờ trồng hồ tiêu mà nhiều gia đình ở xã Ia Phìn đã có của ăn của để. Do vậy, bà con thi nhau đầu tư công sức vào trồng tiêu. Năm nay, đa số các hộ trong xã đều đầu tư đúc trụ bê tông để trồng mới từ vài trăm trụ đến 1 ngàn trụ/hộ. Riêng hộ ông Nguyễn Văn Ngạc (thôn Giang 1) trồng mới đến 5.000 trụ”.
Những năm qua, hồ tiêu đã giúp rất nhiều gia đình ở huyện Chư Prông trở thành tỷ phú nhưng cũng có không ít gia đình thất bại. Nguyên nhân là bởi các nhà khoa học hiện vẫn chưa tìm ra biện pháp đặc trị các bệnh như: thán thư lá, vàng lá thối rễ tơ (chết chậm), tuyến trùng rễ gây hại trên hồ tiêu. Thêm vào đó, các giống tiêu trên địa bàn huyện Chư Prông đều có nguy cơ cao về các mầm bệnh. Ngoài ra, hầu hết nguồn phân chuồng bón cho hồ tiêu đều mua bán trôi nổi trên thị trường, có thể mang nhiều mầm bệnh. Chính vì vậy, việc trồng mới hồ tiêu rất khó tránh khỏi những rủi ro. Những người có nhiều kinh nghiệm trên thương trường và đã thành công trong việc sản xuất, kinh doanh hồ tiêu cho rằng, người dân nên tập trung vào việc thâm canh, nâng cao năng suất vườn tiêu, tránh tình trạng quảng canh và nên lượng sức mình để đầu tư trồng tiêu, không nên đi vay nặng lãi vì rất dễ lâm vào cảnh mất vốn, nợ nần.
Hoàng Cư