Người dân các tỉnh ven biển Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình tuyệt đối không ra ngoài khi mưa to, gió lớn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia cho biết bão sẽ đổ bộ đất liền sớm hơn dự kiến. Từ trưa đến chiều 7-9, bão sẽ đổ bộ đất liền.

Cơn bão Yagi được đánh giá là hiếm gặp vì hình thành và mạnh lên thành cấp siêu bão ngay trên Biển Đông. Trước đây, các siêu bão chủ yếu hình thành ở vùng biển Tây Bắc Thái Bình Dương và thường giảm cường độ khi vào Biển Đông.

Theo thống kê, chưa có cơn bão nào đi vào Biển Đông và mạnh lên thành cấp siêu bão. Trước đây, chỉ có 2 cơn bão đạt cấp siêu bão khi vào Biển Đông nhưng không ảnh hưởng đến đất liền Việt Nam.

Đó là bão Rai (bão số 9) vào tháng 12-2021, đạt cấp 16 trên khu vực Biển Đông, di chuyển hướng vào miền Trung nhưng sau đó vòng lên và tan dần trên Bắc Biển Đông; bão Saola (bão số 3) vào cuối tháng 8, đầu tháng 9-2023, đạt cấp 16 trên Biển Đông, di chuyển vào Nam Trung Quốc và tan dần.

Cây đổ đè bẹp hàng loạt ô tô ở Hà Nội vào chiều 6-9. Ảnh do người dân chia sẻ

Cây đổ đè bẹp hàng loạt ô tô ở Hà Nội vào chiều 6-9. Ảnh do người dân chia sẻ

Ông Mai Văn Khiêm nhấn mạnh, bão số 3 mạnh lên rất nhanh, từ cấp 8 khi vào Biển Đông vào ngày 2-9 và đạt cấp siêu bão chỉ hơn 2 ngày sau đó. Thời gian duy trì cường độ cấp 16 kéo dài hơn 1 ngày, điều này cũng khá hiếm đối với một cơn bão trên Biển Đông.

Dự báo bão sẽ đổ bộ đất liền sớm hơn dự kiến. Từ trưa đến chiều 7-9, bão sẽ đổ bộ đất liền. Theo ông Mai Văn Khiêm, khu vực sâu trong đất liền của Đông Bắc bộ, bao gồm các tỉnh như Lạng Sơn, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Ninh Bình và Thanh Hóa từ trưa 7-9 sẽ xuất hiện gió cấp 6-8, giật cấp 9-11.

Trên biển, dù thời điểm bão vào bờ có thủy triều thấp nhưng nước dâng và sóng trong bão có thể làm ngập trên diện rộng.

Tại Bắc bộ, vùng mưa to sẽ di chuyển từ Đông sang Tây theo quỹ đạo của bão số 3, tập trung mạnh nhất ở khu vực Đông Bắc bộ trong ngày và đêm 7-9. Phía Tây Bắc bộ có lượng mưa nhỏ hơn, tập trung từ tối 7-9 đến đêm 8-9.

Ông Mai Văn Khiêm lưu ý, trước khi bão vào, người dân cần tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn của chính quyền địa phương, đặc biệt chú trọng việc chằng chống nhà cửa, nhà xưởng, thiết bị, cây xanh và neo đậu tàu thuyền vào nơi an toàn. Cần sơ tán người dân khỏi các nhà canh, khu nuôi trồng thủy hải sản. Ngoài ra, cần lưu ý mối nguy hiểm từ mưa dông trước bão, trong cơn dông có thể xuất hiện gió giật mạnh tương đương với gió trong bão.

Người dân ở những ngôi nhà không kiên cố trên đảo Cô Tô (Quảng Ninh) đã được sơ tán đến nơi an toàn

Người dân ở những ngôi nhà không kiên cố trên đảo Cô Tô (Quảng Ninh) đã được sơ tán đến nơi an toàn

"Người dân ở các tỉnh ven biển Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình - nơi chịu ảnh hưởng trực tiếp của hoàn lưu bão số 3, cần tuyệt đối không ra ngoài khi mưa to gió lớn", ông Khiêm cảnh báo.

Lực lượng chức năng sơ tán người dân ở đảo Ngọc Vừng (huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) vào bờ chiều 6-9

Lực lượng chức năng sơ tán người dân ở đảo Ngọc Vừng (huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) vào bờ chiều 6-9

Đối với các tỉnh vùng núi và trung du Bắc bộ, khu vực Thanh Hóa, người dân cần cảnh giác với nguy cơ ngập lụt, lũ ống, lũ quét và sạt lở đất, đặc biệt ở những khu vực nhà tạm, nhà cạnh các khu khai trường và hạ lưu hồ chứa.

Bão rất nguy hiểm, người dân nên ở nhà ngày 7-9
Bão rất nguy hiểm, người dân nên ở nhà ngày 7-9

Các địa phương cần tổ chức di dời ngay người dân và tài sản khi thấy không đảm bảo an toàn. “Sau khi bão qua, nguy cơ lũ quét và sạt lở đất vẫn còn hiện hữu trong những ngày sau đó, nên cần tiếp tục đề phòng và theo dõi tình hình chặt chẽ”, ông Mai Văn Khiêm khuyến cáo.

Clip ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia thông tin bão đã giảm 2 cấp nhưng mạnh trở lại trên vịnh Bắc bộ


Sơ tán hơn 37.000 người dân tránh bão

Báo cáo từ Ban Chỉ đạo quốc gia quốc gia về phòng chống thiên tai đến 19 giờ ngày 6-9, các địa phương đã kiểm đếm, hướng dẫn cho 51.426 tàu với 220.805 người tránh bão. Các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Nghệ An và Quảng Bình đã cấm biển.

Đồng thời, các địa phương đã sơ tán 37.188 người từ lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản và các nhà không kiên cố đến nơi an toàn, bao gồm: Quảng Ninh 3.000 người, Hải Phòng 9.259 người, Thái Bình 21.510 người, Nam Định 734 người và Ninh Bình 2.685 người.

Theo VĂN PHÚC (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm