Cầu treo làng Tung Ke bắc qua sông Ayun, nối liền làng Tung Ke và làng Amil. Cầu được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng năm 1994. Cầu dài khoảng 100 m, rộng 2 m và là tuyến giao thông quan trọng với lưu lượng xe cộ qua lại hàng ngày khá lớn. Tuy nhiên, trải qua thời gian dài sử dụng, cây cầu đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Lúc 21 giờ ngày 17-2, người dân phát hiện cầu bị sập dầm dọc nên đã nhanh chóng trình báo với chính quyền địa phương.
Anh Trần Thái Dương (thôn Mỹ Thạch 1, thị trấn Chư Sê) kể: “Tối 17-2, khi đang đi trên đường thì tôi nghe bà con nói với nhau là cầu sập dầm dọc. Sau khi hỏi rõ thông tin, tôi lập tức báo cho chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý. Sau đó, tôi cùng lực lượng Công an xã Ayun túc trực suốt đêm để cảnh báo người dân khi lưu thông qua cầu”.
Sau khi nắm bắt thông tin, sáng 18-2, UBND xã Ayun đã thành lập đoàn kiểm tra hiện trạng của cầu treo và thực hiện các biện pháp để đảm bảo an toàn cho người dân khi lưu thông. Kết quả kiểm tra cho thấy, mặt cầu làm bằng ván ghép đã bị mục nát, nhiều mảnh gỗ bị rơi tạo thành những lỗ hổng. Hệ thống lan can hư hỏng 35%, chịu lực kém. Các mố neo của cầu bị bong tróc, cáp treo rỉ sét ăn mòn, dễ bị đứt gãy. Dầm dọc hư hỏng 85%, ván ngang hư hỏng 80%, gờ chắn bánh hỏng 45%. Hai trụ bê tông ở đầu cầu xuống cấp, có dấu hiệu rạn nứt...
Anh Đinh Păng (làng Amil) lo lắng nói: “Đây là cây cầu duy nhất để bà con đi lại và vận chuyển nông sản từ làng Amil đến thị trấn Chư Sê để bán. Nay cầu xuống cấp nghiêm trọng, mỗi lần qua lại, tôi rất sợ. Nếu cây cầu bị sập, chúng tôi sẽ phải đi đường vòng xa hơn hàng chục cây số hoặc di chuyển bằng đường sông. Tôi mong chính quyền địa phương sớm có phương án sửa chữa hoặc xây dựng cây cầu mới để bà con an tâm khi lưu thông qua đây”.

Cùng chung tâm trạng, ông Đoàn Văn Quang (thôn Mỹ Thạch 1, thị trấn Chư Sê) chia sẻ: “Cây cầu này đã hư hỏng từ lâu. Giờ đi qua cầu, tôi cũng thấp thỏm lo sợ lốp xe có thể vướng vào đinh hoặc lỗ hổng trên cầu”.
Trao đổi với P.V, ông Phạm Ngọc Tuấn-Phó Chủ tịch UBND xã Ayun-cho hay: Sau khi nhận được tin báo của người dân và qua kiểm tra hiện trạng, ngày 18-2, UBND xã đã chỉ đạo lực lượng Công an xã chốt chặn tại cầu, giăng dây cảnh báo nguy hiểm cho người dân và hạn chế phương tiện cơ giới có trọng tải lớn qua lại. Đồng thời, xã cũng thông báo rộng rãi để người dân biết.
“Hàng năm, cây cầu đều được tu bổ, sửa chữa, song do thời gian và thời tiết, hiện nay, mặt và dầm cầu bị mục nát, đứt gãy, cong vênh, lan can thành cầu rỉ sét không còn khả năng bảo vệ, gây khó khăn trong việc đi lại, vận chuyển nông sản của người dân và có nguy cơ xảy ra tai nạn”-ông Tuấn nói.

Theo tìm hiểu của P.V, tuyến đường này phục vụ việc đi lại của hơn 300 hộ dân làng Tung Ke và Amil. Nếu không có cây cầu, toàn bộ công việc đồng áng của người dân sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Phó Chủ tịch UBND xã Ayun cho biết thêm: Hiện nay, xã đã có văn bản báo cáo và kiến nghị UBND huyện chỉ đạo các đơn vị liên quan kiểm tra, đánh giá thực trạng để đề xuất kinh phí sửa chữa cây cầu, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân khi tham gia giao thông. Về lâu dài, các cấp, các ngành cần đầu tư xây dựng một cây cầu kiên cố để việc đi lại của người dân đảm bảo an toàn.