Người đam mê sưu tầm ảnh Pleiku xưa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trải qua những bước thăng trầm của thời gian, với niềm đam mê ấp ủ từ lâu, hình ảnh Phố núi Pleiku xưa luôn được hiện hữu rõ nét trong tâm thức của ông Phan Châu Dũng. Chủ nhân của những bức tranh “Pleiku xưa” được ông tâm đắc, nâng niu như một “báu vật”.

Được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Tây Nguyên đầy nắng và gió, hơn ai hết ông Phan Châu Dũng sống tại tổ 11, đường Nguyễn Viết Xuân, TP. Pleiku (còn được biết đến với cái tên thân thuộc... Năm Dũng) đã dành một tình cảm vô cùng đặc biệt cho mảnh đất, con người, nền văn hóa... nơi đây.

 

Nhà thờ Thăng Thiên.
Nhà thờ Thăng Thiên.

Sống lại ký ức

Những năm trước giải phóng, hình ảnh những con đường như: từ Phan Bội Châu đến Nhà thờ Thăng Thiên, dốc Hội Phú hay con đường cửa ngõ vào thành phố... đến nội thành Pleiku, rạp chiếu phim Thanh Bình đến Diệp Kính qua từng giai đoạn thời gian, một lần nữa lại  được tái hiện rõ nét và khá sinh động qua bộ sưu tập tranh với tên gọi “Pleiku xưa thân thương” của ông Phan Châu Dũng. Với bộ sưu tập tranh này đã mang đến cho người xem một cảm giác tò mò, thú vị đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.

Bước vào phòng trưng bày tranh ảnh “Pleiku xưa”, cũng như các hiện vật Tây Nguyên của ông Dũng khiến tôi không khỏi ngỡ ngàng. Chiêm ngưỡng những bức ảnh xưa do chính tay ông Dũng sưu tầm hơn chục năm nay, hình ảnh Pleiku xưa với những con đường, ngôi nhà, rạp hát... khiến cho người xem như sống lại một thời ký ức. Giúp ta hồi tưởng lại một phần của cuộc sống bình dị, dân dã... hình ảnh dãy núi Hàm Rồng trơ trọi, những con đường đất nối dài, gồ ghề với những hàng cây xanh thẳng tắp, những ngôi chợ chòi... đến những chiếc xe lam đưa đón người đi. Pleiku xưa mang trong mình dáng dấp của vẻ hoang sơ, mộc mạc.

 

Rạp chiếu phim Thanh Bình.
Rạp chiếu phim Thanh Bình.

Pleiku hôm nay có một bước chuyển mình quá lớn, quá vượt bậc. Theo thời gian, hình ảnh Pleiku thân thương, bình dị ngày nào đã dần đổi thay, khoát trên mình “bộ áo” hoàn toàn mới.

Điển hình là bức ảnh chụp con đường Hoàng Diệu khi xưa. Hình ảnh con đường đất trải dài thẳng tắp, hai bên đường là những ngôi nhà cấp bốn xập xệ với những hàng cây xanh. Giờ đây, cũng chính con đường này cách đây 47 năm, nó mang trong mình dáng dấp của một đô thị phồn hoa. Với những tòa nhà cao ngút nằm san sát, khu phố sầm uất, náo nhiệt... Nếu ai đã từng sống ở Pleiku vào những năm 1967 đến nay thì càng thấy rõ sự khác biệt giữa con đường mang tên Hoàng Diệu xưa và nay là đường Hùng Vương.

 

Đường Hoàng Diệu trước đây, bây giờ là đường Hùng Vương.
Đường Hoàng Diệu trước đây, bây giờ là đường Hùng Vương.

Với niềm đam mê nghệ thuật cháy bỏng, hơn 10 năm nay, ông Dũng không quản ngại vất vả, khó khăn lặn lội vùng sâu, bỏ nhiều thời gian và công sức để tìm kiếm, sưu tầm những hình ảnh Pleiku, các hiện vật văn hóa của Tây Nguyên. Ông Dũng cho hay: “Để có được bộ sưu tập ảnh Pleiku xưa cũng như các hiện vật Tây Nguyên là một quá trình kỳ công. Trước hết đòi hỏi người sưu tầm phải có niềm đam mê thật sự, phải kiên trì, nhiều khi nghe được tin tức ở đâu có tranh ảnh về Pleiku xưa thì bằng mọi cách tôi đều tìm đến”.

Ông chia sẻ: “Bằng nhiều con đường khác nhau để có một số lượng lớn những bức ảnh xưa. Trước hết ông nhờ đến những người bạn thân tìm đến những “lão làng” đã gắn bó và am hiểu nơi đây may ra còn lưu giữ một số hình ảnh Pleiku xưa. Ngoài ra ông còn tìm tòi, thăm dò một số nơi để tìm kiếm những bức ảnh cũ đa phần là trước năm 1975.

 

Rạp chiếu phim Diệp Kính trước đây.
Rạp chiếu phim Diệp Kính trước đây.

Đến nay, bộ sưu tập ảnh của ông Dũng có trên 50 bức về Pleiku những năm trước giải phóng. Đối với ông, ngoài viêc sưu tầm ảnh ông còn có sở thích sưu tầm những vật dụng gắn liền với đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Được biết, những hiện vật này được ông sưu tầm đã lên tới con số hàng 100.
 
Trong đó ông tâm đắc nhất là bộ tượng gỗ của đồng bào Jrai. Ông đã cất công đến tận buôn làng, nhờ những nghệ nhân “lão luyện” để khắc, đục, chạm phải mất gần một năm mới trở thành thành phẩm. Từ những khúc gỗ vô tri, qua bàn tay của chính nghệ nhân người dân tộc thiểu số chạm trỗ dường như đã làm cho bức tượng trở nên có thần hơn.

Ngoài những bức tượng gỗ, ông còn sưu tầm một số lượng lớn các hiện vật nhà rông, như cồng, chiêng, đàn t’rưng, ly tách, tẩu thuốc lá, bộ đồ dệt bằng thổ cẩm… đều là những vật dụng của đồng bào dân tộc Nahnar, Jrai...

Ông Dũng cho biết: “Tất cả những hiện vật về tranh ảnh, văn hóa Tây Nguyên đều được chọn lọc rất kỹ. Phải chọn những cái hay, đặc sắc, những cái mới lạ mà nhiều nơi chưa có thì lúc đó bộ sưu tập của mình mới có giá trị cao”.

 

Ông Dũng bên những bức tranh và các hiện vật Tây Nguyên.
Ông Dũng bên những bức ảnh và các hiện vật Tây Nguyên.

Để thực hiện được điều đó đòi hỏi người sưu tập phải có một cái nhìn tinh tế, khéo léo mới tìm và chọn được những bức ảnh ưng ý. Những bức ảnh cũ về Pleiku, qua thời gian đã làm cho độ sáng, màu của bức ảnh nhòe đi, mất nét. Vì vậy phải tốn khá nhiều thời gian để phục hồi. Đa phần những bức bị hư, mối mọt được ông gói gém một cách khá kỹ lưỡng, ông mang vào tận TP. Hồ Chí Minh tìm đến những người thợ ảnh có kinh nghiệm lâu năm mới phục hồi lại được.

Niềm đam mê cháy bỏng

Ông Dũng cho biết: “Việc lưu giữ những kỷ vật của đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên cũng như những bức ảnh Pleiku xưa không chỉ để thưởng lãm. Nó giống như một món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống. Trong những lúc mệt mỏi, khi chiêm ngưỡng những bức ảnh dường như tiếp thêm sức lực, thôi thúc mình phải làm một điều gì đó cho thế hệ sau này. Lưu truyền và gìn giữ những bản sắc văn hóa do cha ông chế tác và để lại chính là mong mỏi và mục đích”.

 

Bến xe Pleiku trước đây.
Bến xe Pleiku trước đây.

Trong không gian rất riêng, với cách bài trí những hiện vật văn hóa Tây Nguyên, những bức ảnh vô cùng độc đáo. Ông Dũng thường xuyên mở cửa tiếp đón những người bạn bè gần xa. Những ai muốn tìm hiểu về nền văn hóa Tây Nguyên cũng như muốn quay lại một thời “ký ức”.

Ông Nguyễn Bá (60 tuổi-tổ 4, phường Hội Thương) đến thưởng lãm bộ sưu tập ảnh của ông Dũng không khỏi xúc động: “Tôi sống ở Pleiku hơn 30 năm, quả thật khi xem bộ sưu tập ảnh tôi rất bất ngờ, tôi không nghĩ lại có người còn lưu giữ số lượng hình ảnh Pleiku xưa nhiều đến như vậy quả là một kỳ công và rất quý. Xem những bức ảnh có thể  thấy rõ sự phát triển một cách vượt bậc giữa Pleiku xưa và nay. Những hình ảnh này tôi nghĩ chắc chỉ còn trong ký ức, không ngờ giờ đây tôi được tận mắt ngắm những bức ảnh quả thật khiến tôi thấy rất thú vị”.

Với bộ sưu tập đầy giá trị văn hóa và nghệ thuật, mặc dù đã có một số doanh nghiệp mở lời muốn mua lại, trả giá rất cao nhưng ông Dũng lại từ chối. Ông tâm sự: “Đối với tôi, sở thích sưu tầm ảnh về Pleiku xưa đã trở thành điểm tựa tinh thần rất lớn và một phần trong cuộc sống. Niềm đam mê này tôi đã ấp ủ từ lâu, giờ đây mới có cơ hội được trưng bày để bạn bè gần xa có thể tới chiêm ngưỡng và dành riêng cho mảnh đất đầy nắng, gió một chút nào đó tình cảm. Do vậy tôi không có ý định kinh doanh hay mua bán, mà luôn mở cửa đón tiếp những ai yêu nghệ thuật và muốn tìm hiểu nền văn hóa Tây Nguyên”.

Minh Hương

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.