Biệt thự trong làng tái định cư cao tốc: 'Đâu cũng là đất quê hương mình'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Với những gia đình vừa phải nhường nhà cửa, vườn tược để xây dựng cao tốc thiên lý bắc nam, họ cũng vừa có 1 mùa xuân đầu trong những khu tái định cư.

Những mùa xuân đầu tiên luôn có ý nghĩa đặc biệt, dù đó có là mùa xuân đầu của đời người, của hòa bình, của đôi lứa hay của hôn nhân... Và với những gia đình vừa phải nhường nhà cửa, vườn tược để xây dựng cao tốc thiên lý bắc nam, họ cũng vừa có 1 mùa xuân đầu trong những khu tái định cư... Một mùa xuân đầy những mới mẻ, những bỡ ngỡ, thoáng những lo toan nhưng cũng đầy kỳ vọng!

Từ tạm cư đến tái định cư với sự phát triển cao tốc trong đời sống hiện đại

Những ngày xuân, kết hợp những chuyến dạo chơi cùng bè bạn, PV Thanh Niên đã ghé thăm những khu tái định cư dành cho bà con bị ảnh hưởng bởi thi công cao tốc bắc nam đoạn qua tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị.

Khu tái định cư thôn An Mỹ (xã Cam Tuyền, H.Cam Lộ, Quảng Trị)
Khu tái định cư thôn An Mỹ (xã Cam Tuyền, H.Cam Lộ, Quảng Trị)

Ở khu tái định cư thôn An Mỹ (xã Cam Tuyền, H.Cam Lộ, Quảng Trị), tiết se lạnh đầu năm không thể cản những tia nắng mặt trời chiếu rọi vùng đất bán sơn địa này. Ở đó, đã có 7 ngôi nhà mới xây, san sát nhau, gần như cùng 1 kiểu dáng, như những chiếc chuồng chim câu xinh xắn.

Anh Hoàng Kim Vỹ, một trong số các hộ dân "cắm dùi" xây dựng cuộc sống mới ở nơi này nói rằng, để có những gì hiện hữu như ngày hôm nay, cả gia đình anh đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc. Từ bất ngờ trước thông tin phải rời khỏi ngôi nhà cũ thân thuộc để nhường cho các tốc đến giây phút bịn rịn chứng kiến những chiếc xe múc bỏ từng bức tường nhà và mấy tháng trời mỏi mệt vì phải ra thuê trọ…

Hoàng Kim Vỹ (thôn An Mỹ (xã Cam Tuyền, H.Cam Lộ, Quảng Trị) cho biết với gia đình anh mọi thứ chỉ mới bắt đầu
Hoàng Kim Vỹ (thôn An Mỹ (xã Cam Tuyền, H.Cam Lộ, Quảng Trị) cho biết với gia đình anh mọi thứ chỉ mới bắt đầu

"Gia đình tôi đã sống tạm cư gần 4 tháng trời trước khi động thổ xây nhà nơi khu tái định cư này. Dù các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, chúng tôi đã nhận đủ, nhưng đó thực sự là 1 khoảng thời gian khó khăn", Anh Vỹ nói.

Nói về hiện tại, anh Vỹ cho biết "cũng chưa dám nói trước điều gì" nhưng chuyện rõ ràng nhất mà ai cũng thấy là… nhà mới thì khang trang hơn nhà cũ và hy vọng gia đình sẽ có cuộc sống tốt hơn trước kia.

Bà Hà Thị Gái (70 tuổi, thôn An Mỹ, xã Cam Tuyền, H.Cam Lộ, Quảng Trị) không ngờ đến tuổi này bà vẫn phải làm nhà, lại là nhà to
Bà Hà Thị Gái (70 tuổi, thôn An Mỹ, xã Cam Tuyền, H.Cam Lộ, Quảng Trị) không ngờ đến tuổi này bà vẫn phải làm nhà, lại là nhà to

Nhà kế bên anh Vỹ, bà Hà Thị Gái (70 tuổi) chỉ nhoẻn miệng cười rằng, bà chưa bao giờ nghĩ mình phải dựng nhà ở tuổi thất thập và cũng không ngờ đến cuối đời mình lại xây được ngôi nhà to đẹp như thế này.

"Tất tần tật hết 1,5 tỉ đồng. Tiền xây nhà là từ tiền đền bù của nhà cũ", bà Gái chép miệng nhẩm tính.

Có mặt trong đoàn đi thăm các hộ dân tái định cư trong những ngày xuân cùng PV Thanh Niên, ông Nguyễn Hoài Linh, Phó chủ tịch UBND H.Cam Lộ cho biết, điều làm ông hài lòng nhất trong công tác giải phóng mặt bằng ở địa phương là chính quyền đã làm được, đã giữ được lời hứa với bà con.

Cao tốc bắc nam, công trình trọng điểm quốc gia đang rầm rập thi công
Cao tốc bắc nam, công trình trọng điểm quốc gia đang rầm rập thi công

"Ngày đầu khi chúng tôi đến vận động bà con di dời, ngoài thống nhất tiền bồi thường, chúng tôi hứa sẽ chỉ để bà con tạm cư 1 thời gian ngắn rồi sẽ tổ chức tái định cư đúng tiến độ, bài bản. Nay bà con đã lên đây sinh sống ổn định, vui xuân đón tết, chúng tôi mới thở hắt ra", ông Linh nói.

Khu biệt thự trong làng

Nếu đi dọc đường Hồ Chí Minh đoạn qua thị trấn Nông trường Lệ Ninh (H.Lệ Thủy, Quảng Bình), nhiều người sẽ bất ngờ với khu tái định cư dành cho các hộ dân bị ảnh hưởng do thực hiện cao tốc bắc nam được xây dựng ở đây. Bởi chúng giống những khu biệt thự ở dưới phố hơn là khu tái định cư ở giữa làng quê…

Những ngôi nhà lớn ở khu tái định cư Nông Trường Lệ Ninh (H.Lệ Thủy, Quảng Bình)
Những ngôi nhà lớn ở khu tái định cư Nông Trường Lệ Ninh (H.Lệ Thủy, Quảng Bình)

Dạo 1 vòng quanh khu tái định cư trên con đường đổ nhựa, có vỉa hè thẳng tắp, chiêm ngưỡng lần lượt những ngôi nhà mới, hầu hết là nhà 2 tầng, xây dựng với kiến trúc hiện đại.

Kéo chúng tôi vào ngôi nhà mới của mình để… khoe, ông Nguyễn Văn Lập (67 tuổi, là một cựu giáo chức) kể rằng ngôi nhà cũ của ông ở cách đây không xa, có cả khu vườn rộng cả ngàn mét vuông để nuôi gà, trồng rau.

Nhưng khi Ban giải phóng mặt bằng H.Lệ Thủy đến đặt vấn đề, gia đình ông là những người tiên phong rời đi và cũng là một trong những hộ dân đầu tiên đặt gạch mở móng nhà tại khu tái định cư Lệ Ninh này. "Vợ chồng tôi là đảng viên, phải đi đầu, dù tôi biết… có khi thiệt thòi", ông Lập nói.

Niềm vui đón tết trong ngôi nhà mới toanh của gia đình ông Nguyễn Văn Lập (khu tái định cư Nông trường Lệ Ninh, H.Lệ Thủy, Quảng Bình)
Niềm vui đón tết trong ngôi nhà mới toanh của gia đình ông Nguyễn Văn Lập (khu tái định cư Nông trường Lệ Ninh, H.Lệ Thủy, Quảng Bình)

Nhưng vượt qua những toan tính thiệt hơn, gia đình 5 người của ông Lập cũng là tổ ấm sớm ổn định nhất và có tâm thể sẵn sàng nhất để đón một mùa xuân mới, trong nhà mới.

"Nói cho công bằng thì điều kiện sinh hoạt có nhiều điểm thuận lợi, tốt hơn chỗ ở cũ. Tết này gia đình chuẩn bị đón tết như truyền thống, tương đối đầy đủ. Ở nơi mới có nhiều điểm thuận lợi, nhiều thành viên trong gia đình vui vẻ phấn khởi", bà Lê Thị Hoài Thu, vợ ông Lập, đúc kết.

PV Thanh Niên (bìa phải) thăm nhà ông Lập dịp đầu xuân
PV Thanh Niên (bìa phải) thăm nhà ông Lập dịp đầu xuân

Nói đoạn 2 vợ chồng ông Lập còn kéo tôi ra bằng được phía sau nhà để khoe vườn xà lách xanh rì.

"Đâu cũng là đất quê hương mình thôi mà. Huống là giờ chúng tôi ở nhà lớn mà vẫn có rau do chính mình trồng để ăn", bà Thu nói.

Vườn rau xanh của vợ chồng ông Nguyễn Văn Lập
Vườn rau xanh của vợ chồng ông Nguyễn Văn Lập

Tôi nhìn vườn rau xanh của vợ chồng già, nghĩ vui rằng, đó chính là minh chứng rõ ràng nhất cho sự sống đã bén rễ, đâm chồi và vươn lên mạnh mẽ ở khu tái định cư Lệ Ninh này. Mà ở đó, không chỉ có gia đình ông Lập, bà Thu…

Gác những ngổn ngang để vui xuân

Ở những khu tái định cư cho người dân nhường đất cho cao tốc, giữa những ngổn ngang vật liệu xây dựng, mặt bằng vừa san lấp, những móng trụ của những ngôi nhà tái định cư khác vừa khởi công, chưa hoàn thiện, sắc xuân cũng hiện hữu với cờ Tổ quốc tung bay, lồng đèn đỏ, những cây mai bung búp…

Mùa xuân đầu đã đến với Khu tái định cư Lệ Ninh
Mùa xuân đầu đã đến với Khu tái định cư Lệ Ninh

Và để vui xuân đầu, người dân ở đó cũng tạm gác những ngổn ngang trong lòng mình. Mà cũng dễ hiểu thôi, khi bắt đầu cuộc sống mới ở vùng đất mới, trong ngôi nhà mới…, ai mà không thoáng những lo toan. Nói như anh Vỹ (cư dân khu tái định cư An Mỹ, xã Cam Tuyền) ở đầu bài thì "mọi thứ chỉ mới bắt đầu".

Dễ hiểu cho nỗi lo toan của lão nông Hoàng Văn Vương (sống ở Khu tái định cư xã Phú Thủy, H.Lệ Thủy, Quảng Bình), dù hiện đang sống trong ngôi nhà khang trang trị giá hơn 1,2 tỉ đồng, là mơ ước cả 1 đời thành hiện thực, nhưng vẫn canh cánh việc… không còn vườn tược canh tác. Vốn quen tay hay làm, họ lo sợ mình sẽ… lười nhác trong ngôi nhà đẹp mà không có đất.

Chia sẻ với người dân, ông Nguyễn Hoài Linh, Phó chủ tịch UBND H.Cam Lộ cho biết về lâu dài, huyện sẽ tìm cách chuyển đổi 1 số mô hình kinh tế, trồng cây ăn quả, cây dược liệu từ các cây trồng có hiệu quả… để người dân ở các khu tái định cư có "cần câu cơm".

Không khí làm việc rầm rập trên dự án cao tốc bắc nam
Không khí làm việc rầm rập trên dự án cao tốc bắc nam

Và những ngày cuối tháng 1.2025, khi những mét đất cuối cùng trên tuyến cao tốc Cam Lộ - Vạn Ninh đoạn qua H.Lệ Thủy đã được giải phóng xong, thì ông Nguyễn Đình Hòa, Chủ tịch UBND H.Lệ Thủy cũng cho rằng điều đáng mừng nhất là việc bà con đã có sự đồng thuận, dẫu đâu đó vẫn còn những ngổn ngang.

"Huyện cũng đã thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách. Đặc biệt các hộ tái định cư đã ổn định, tết này bà con cũng có cái tết vui vẻ, trong điều kiện đảm bảo", ông Hòa nói.

Cao tốc không có chân, mà bà con thì... có, nên khi cao tốc đi qua, ai cũng phải tránh. Càng hợp lý hơn, khi đó là đại dự án trọng điểm quốc gia mà khi hoàn thành sẽ mở ra vận hội phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, làm đổi thay hệ thống giao thông, giao thương trên dải đất hình chữ S, nên những thiệt thòi, những xáo trộn (nếu có) của nhiều bà con có nhà cửa, ruộng vườn do cao tốc đi qua, cũng là vì cái chung.

Chính quyền cũng đã làm tất cả có thể để những nơi bà con xây dựng cuộc sống mới phải bằng hoặc hơn nơi ở cũ. Là vậy, như mùa xuân đời người, sự tái sinh này trên những vùng đất mới, trong những ngôi nhà mới, kỳ vọng sẽ mang đến những điều tốt đẹp hơn.

Theo Nguyễn Phúc (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Giữ vị chè Truồi

Giữ vị chè Truồi

Làng Truồi (đoạn thuộc xã Lộc Điền, huyện Phú Lộc, thành phố Huế), bát nước chè trong veo chứa đựng từng giọt tinh túy của đất trời. Không để hương vị đặc trưng của chè Truồi bị lãng quên, các nông hộ nơi đây đang mở ra hướng đi đột phá cho loại đặc sản này.

Tái chế đến tái sinh

Tái chế đến tái sinh

Tại một xưởng nhỏ nằm sâu trong vùng ngoại ô Bình Định, tiếng nói cười rộn ràng luôn tràn ngập giữa không gian xanh mát của cây trái tạo nên một không khí đầy sức sống.

Ánh sáng về làng Canh Tiến

Ánh sáng về làng Canh Tiến

Suốt nhiều năm chìm trong bóng tối của cách trở và thiếu thốn, làng Canh Tiến (xã Canh Liên, huyện Vân Canh) từng là một trong những "vùng trắng" điện lưới hiếm hoi còn sót lại ở Bình Định.

Ngược dòng Thác Ma

Ngược dòng Thác Ma

Sông Thác Ma, tên gọi dân dã của một nhánh nhỏ hợp lưu với sông Ô Lâu, bắt nguồn từ vùng rừng phía Tây huyện Hải Lăng (Quảng Trị), xuôi qua các làng Khe Mương, Trầm, Tân Điền, Cồn Tàu - xã Hải Sơn, rồi đổ về Hải Chánh, hòa vào sông lớn.

Ra Biển Đông săn những đường bay

Ra Biển Đông săn những đường bay

Giữa mênh mông Biển Đông, đường bay của cá chuồn vút lên thành vũ điệu, cú phóng mình của cá heo tinh nghịch đáng yêu, đàn ó sà xuống chớp nhoáng, thót tim... Mỗi đường bay là chuyển động của sự sống, bản năng sinh tồn nhưng cũng mang vẻ đẹp tuyệt mỹ của tự nhiên.

Chuyện xóa nhà tạm ở vùng cao: Mệnh lệnh từ trái tim

Chuyện xóa nhà tạm ở vùng cao: Mệnh lệnh từ trái tim

Từ mệnh lệnh trái tim, những người lính Biên phòng Sơn La đã “cùng ăn, cùng ở” giúp người dân nghèo biên giới xóa nhà tạm, nhà dột nát. Việc làm của cán bộ, chiến sĩ bộ đội Biên phòng đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng dân, tô thắm thêm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong tình hình mới.