Sống ở TP.HCM: Nửa thế kỷ lái đò, 3 thế hệ tiếp nối thân thuộc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Giữa nhịp sống hối hả của TP.HCM, ít ai ngờ rằng vẫn có một người đàn ông hơn 40 năm miệt mài với những chuyến đò đưa.

Ông Bảy Đò (75 tuổi, ở H.Bình Chánh) nhiều năm qua đã gắn mình với công việc lái đò, chuyên chở người và hàng hóa di chuyển giữa các xã Lê Minh Xuân, Bình Lợi… (H.Bình Chánh).

Lật giở sách xưa, được biết TP.HCM là thành phố dọc ngang kênh rạch, trước đây từng dày đặc các bến đò. Theo thời gian, những chuyến đò ngang dọc đã trở thành một phần không thể thiếu trong ký ức của nhiều tầng lớp thị dân. Đặc biệt, ngày nay những người bám trụ với công việc này như ông Bảy lại càng hiếm hoi.

Nghề lái đò đặc biệt giữa TP.HCM

Chúng tôi tình cờ gặp ông Bảy trong một chuyến đi đến làng mai Bình Lợi (H.Bình Chánh) dịp giáp tết. Dáng người gầy, da đen sạm nhưng rắn khỏe, ông Bảy ngồi trên “chiến mã” của mình trông rất oai phong, bản lĩnh.

Ông Bảy lái đò đưa khách qua sông
Ông Bảy lái đò đưa khách qua sông

Gọi là đò thì không hẳn đúng, vì phương tiện hiện tại ông dùng để chuyên chở là một chiếc phà. “Trước đây, tôi lái con đò nhỏ để đưa người dân qua kênh, rạch. Khi dành dụm được chút vốn liếng, cuộc sống cũng phát triển hơn, tôi mới đầu tư một chiếc phà để sức chở tốt và đảm bảo an toàn. Tui làm nghề này quen rồi. Sáng ra mà không cầm lái, không nghe tiếng nước vỗ hay người ta gọi đò í ới là thiếu vắng dữ lắm”, ông Bảy nói.

Mỗi ngày, ông Bảy bắt đầu công việc từ tờ mờ sáng. Những khách quen của ông là người bán hàng rong, công nhân và cả những cụ già đã gắn bó với chuyến đò này từ thuở thanh xuân.

Ông Bảy cười nói: “Cứ tầm 5 giờ sáng là có người gọi tui rồi. Bà Hai bán xôi, chú Ba chạy xe ba gác… ai cũng cần qua bến sớm để còn buôn bán. Nhiều người tui chở riết thành thân thuộc, cứ gặp nhau là hỏi han chuyện nhà cửa, con cháu”.

Theo lý giải của ông Bảy Đò, người dân ở xã Lê Minh Xuân muốn sang xã Bình Lợi và ngược lại, nếu đi đường bộ thì phải chạy xe gần 15 km. Nhưng nếu đi đường đò chỉ mất chưa đầy 5 phút. Giá mỗi lượt đi, về là 1.000 đồng/người, nếu có xe máy hay hàng hóa quá cồng kềnh, ông Bảy thu thêm 4.000 đồng/người.

Giá mỗi lượt đi, về là 1.000 đồng/người
Giá mỗi lượt đi, về là 1.000 đồng/người

Ông bảo rằng, nghề này không chỉ giúp ông mưu sinh mà còn là niềm vui, là ký ức, đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Những chuyến đò từ thuở trai trẻ đã chở không biết bao nhiêu người, bao cuộc đời, bao câu chuyện.

Thấy chúng tôi ngạc nhiên vì giữa thành phố hiện đại bậc nhất như TP.HCM vẫn còn người làm nghề này, ông Bảy nói thêm, đò nghĩa là ghe thuyền chở khách. Ở TP.HCM ngày trước, bến đò là nơi tiếp nhận người, hàng hóa đi tiếp các nơi khác giúp tiết kiệm rất nhiều sức người, sức của. Thời ông Bảy còn đôi mươi, phần lớn đò đều là chèo tay. Sau này khi hiện đại, bắt đầu dùng những chiếc đò hay phà có gắn động cơ.

Mỗi chuyến, ông Bảy chở nhiều nhất khoảng 10 - 15 người và 5 xe máy. Thời gian chờ giữa mỗi chuyến chỉ cách nhau khoảng 5 phút.

Chị Lê Ánh Xuân (34 tuổi), người dân sống ở xã Bình Lợi cho biết: “Mỗi ngày, tôi đều đưa con đi học ở bên Lê Minh Xuân bằng đò của ông Bảy. Cứ vậy hơn 10 năm qua, tôi và người dân nơi đây đã dần quen với hình ảnh người đàn ông hiền từ đó. Ông Bảy là người tốt bụng, thấy người nào khổ quá, ông chở miễn phí chứ chẳng hề thu tiền”.

Niềm yêu thích công việc

Nghề lái đò của ông Bảy không đơn thuần là một công việc mưu sinh, mà hơn hết, đó là niềm vui, là một phần không thể thiếu trong cuộc đời ông.

Ông Bảy tự hào vì vẫn giữ được một nghề đã trở nên hiếm hoi giữa lòng phố thị hiện đại. Những chuyến đò của ông lặng lẽ chứng kiến bao lớp người xuôi ngược, bao đổi thay chảy trôi theo năm tháng, để lại giữa đô thành náo nhiệt một khoảng lặng bình yên hiếm có.

Ông Bảy lái đò đưa khách từ bờ xã Bình Lợi sang bờ xã Lê Minh Xuân (H.Bình Chánh)
Ông Bảy lái đò đưa khách từ bờ xã Bình Lợi sang bờ xã Lê Minh Xuân (H.Bình Chánh)

Con đò nhỏ của ông không chỉ chở người, hàng hóa mà còn chất chứa bao tâm tư, nỗi niềm của người đi đò. Có khi là tiếng cười trong trẻo của lũ trẻ theo mẹ ra chợ sớm, lúc lại là tiếng thở dài của người lao động sau một ngày làm việc vất vả…

Ông Bảy không nhớ hết mình đã lắng nghe bao nhiêu câu chuyện, chỉ biết rằng, mỗi sớm mai thức dậy, nghe tiếng nước vỗ vào mạn phà, nghe giọng nói cười thân quen, lòng ông lại thấy ấm áp lạ thường.

Kỷ niệm đáng nhớ nhất với ông có lẽ là những ngày giãn cách vì dịch Covid-19. Lần đầu tiên sau mấy chục năm, con đò nằm im lìm, dòng sông lặng như tờ, không còn bóng dáng người qua lại.

"Tui quen dậy từ tờ mờ sáng, quen nghe tiếng người gọi đò. Tới chừng phải ở nhà, tui buồn đến mất ăn mất ngủ. Nhớ lắm những tiếng cười, nhớ những câu chuyện, nhớ cả những gương mặt quen thuộc... Cứ ngồi nhìn ra bến đò mà thấy lòng trống trải vô cùng", ông Bảy nhớ lại.

Cứ cách 5 phút lại có một chuyến đò
Cứ cách 5 phút lại có một chuyến đò

Để rồi khi thành phố hồi sinh, những chuyến đò lại tiếp tục, tiếng máy nổ lại vang lên nơi bến cũ. Niềm vui của ông cũng trở lại, ông lại cầm tay lái, đưa từng đoàn người sang bờ bên kia mà không biết mệt mỏi là gì.

Không chỉ riêng ông Bảy, con trai và cả cháu nội của ông cũng dần yêu nghề lái đò. Ngay từ nhỏ, con trai ông đã say mê con đò nhỏ, thường đòi theo ba đưa khách qua sông. Dần dà, những lần lái đò trên những con rạch ngang dọc đã hun đúc trong lòng đứa trẻ năm ấy một tình yêu với bến nước, mái chèo. Giờ đây, khi ông Bảy đã già, con trai ông lại tiếp bước và đến lượt người cháu nội ông cũng dần quen với công việc này.

"Tụi nó cũng quen hơi nước, quen cái nghề này rồi. Nhiều khi tui cười, nói chắc kiếp trước ông bà mình cũng lái đò nên kiếp này cả nhà mới gắn với nó dữ vậy", ông nói đùa, nhưng trong ánh mắt không giấu được niềm tự hào.

Chúng tôi hỏi, vì sao ông không lấy tiền lượt đò chở chúng tôi đi, ông chỉ cười xua tay: "Một chuyến đò có đáng gì đâu. Đời người cũng như con đò vậy thôi, đưa nhau qua đoạn này, đoạn khác, ai cần thì mình giúp. Quan trọng là mình còn ngồi đây, còn nghe tiếng nước, còn được nghe tâm tư, nỗi niềm qua từng lượt khách, vậy là vui rồi".

Nhìn ông Bảy vững vàng tay lái, ánh mắt vẫn đượm nét bình yên, chúng tôi bỗng nhận ra rằng, có những nghề, dù giản dị, dù thầm lặng, nhưng lại chứa đựng biết bao ý nghĩa.

Những chuyến đò của ông không chỉ nối đôi bờ các xã, mà còn nối liền những đời người, những ký ức, những nỗi niềm rất riêng của một Sài Gòn không bao giờ mất đi vẻ đẹp dung dị của mình.

Theo Thái Thanh - Hoài Nhiên (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Xuân thêm vẹn tròn

Xuân thêm vẹn tròn

Khi sắc xuân sắp chạm ngõ mọi hiên nhà, bước chân mưu sinh của những người lao động dường như càng thêm hối hả, vội vã trên khắp phố phường. Bởi để đón mùa Tết đầm ấm hơn, họ phải vun vén, dành dụm trong ngoài để có thể đong đầy lu gạo, chắt tràn lọ mắm, thêm củ dưa hành…

Lệ Mật - làng 'cầm tinh' con rắn

Lệ Mật - làng 'cầm tinh' con rắn

Ở nước ta, không ít làng quê nuôi rắn hay chế biến thịt rắn. Nhưng với sự tích gắn với con rắn và cách chế biến các món ăn từ loài rắn thì làng Lệ Mật có nét độc đáo riêng không lẫn với bất kỳ đâu.

Bồi hồi mâm cỗ Tết xưa

Bồi hồi mâm cỗ Tết xưa

Món ăn trên mâm cỗ Tết bao giờ cũng hết sức cầu kỳ, tinh tế và chứa nhiều nội hàm sâu sắc. Nhưng cái ngon thật sự của cỗ Tết nằm ở hương vị của ký ức. Nếu chỉ cảm nhận bằng vị giác thôi thì chưa đủ…

Xuân về trên vùng “đất lửa” Đak Sơ Mei

Xuân về trên vùng “đất lửa” Đak Sơ Mei

(GLO)- Phát huy truyền thống anh hùng, lớp lớp cháu con của vùng căn cứ cách mạng Đak Sơ Mei (huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) tiếp tục đoàn kết một lòng, chung tay xây dựng quê hương. Vùng “đất lửa” Đak Sơ Mei một thời gian khó nay đã chuyển mình khởi sắc.

Tết giữa đại dương

Tết giữa đại dương

Trong khi người người, nhà nhà tất bật chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 với gia đình, thì ở cảng cá Thọ Quang (TP. Đà Nẵng), các ngư dân miền Trung cũng đang tất bật chuẩn bị cho chuyến đi biển dài ngày và đón một cái Tết nữa giữa đại dương.

Thầy Nguyễn Quang Tưởng và cô RCom H’Ni (thứ 3 từ phải sang) tâm huyết với mô hình “Làng văn hóa dân tộc”. Ảnh: T.D

Người thầy làm “sống dậy” văn hóa dân tộc thiểu số trong trường học

(GLO)- Mong muốn xây dựng môi trường giáo dục đặc thù mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số, năm 2023, thầy Nguyễn Quang Tưởng-Hiệu trưởng Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đã phục dựng thành công “Làng văn hóa dân tộc” trong khuôn viên trường học.

Nghề của niềm đam mê

Nghề của niềm đam mê

Ở xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa), nhiều người biết anh Mai Ngọc Trương Vinh (35 tuổi), bởi anh nổi tiếng với nghề đúc chậu hoa, cây cảnh, có hoa văn, họa tiết độc đáo.