Người Churu đi "bắt chồng" - Kỳ 2: Quyền lực của mẹ và cậu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

“Mình đi bắt chồng, bỏ của thách cưới thì mình làm chủ nhà thôi!” - bà Ma Sia, làng R’Lơm, xã Tu Tra, huyện Đơn Dương (Lâm Đồng), diễn giải về lý do người phụ nữ làm chủ gia đình.


Trong khi người chồng là Ya Đạt - bí thư chi bộ làng R’Lơm - ngồi bên cạnh cùng gật gù đồng ý.

Dù là người phụ thuộc trong gia đình của chính mình, song người đàn ông Churu lại có vai trò lớn trong cộng đồng và quyết định những việc quan trọng tại nhà mẹ đẻ và các chị em gái của mình...

 

Vợ chồng bà Ma Sia và ông Ya Đạt.
Vợ chồng bà Ma Sia và ông Ya Đạt.

Đại gia đình mẫu hệ

Sau cơn mưa trắng trời đổ ụp xuống mặt đất Đơn Dương, bà Ma Sia kêu người chồng Ya Đạt che dù đi coi ngó nhà cửa và vườn tược của những người con gái sống trong khu vườn của mình.

Đó là ba ngôi nhà của con gái cả Touneh Nai Tâm, con gái thứ Touneh Nai Thảo và con gái kế út Touneh Nai Tuyết nằm bên cạnh, cùng dãy ngôi nhà vợ chồng bà.

Ông bà có sáu người con, bốn gái hai trai. Người con gái út Touneh Nai Hảo đã lấy chồng và đang sống chung trong nhà. Còn hai con trai là Ya Thiện và Ya Thiệu đều làm rể khác làng, ở nhà người ta.

Năm 1976, bà Ma Sia sang làng Pró Trong (xã Pró, cùng huyện Đơn Dương) “bắt” ông Ya Đạt về làm chồng. Họ có với nhau sáu người con và có đến bốn con gái.

Đó cũng là gánh nặng, nỗi lo lắng lớn vì phần của cải nhận được từ thách cưới hai con trai chỉ đủ bù lễ vật cho hai con gái “bắt chồng”.

Họ phải tập trung làm lụng, tích cóp của cải để bù vào phần thiếu “bắt chồng” cho hai con gái còn lại.

Người vợ Ma Sia nói vợ chồng bà làm lụng dữ lắm mới lo đầy đủ chuyện cưới xin, lễ vật thách cưới cho bốn con gái.

Bắt một chàng rể về nhà là bà cắt đất vườn và hỗ trợ tiền xây nhà cho con gái, chưa kể cấp thêm trâu bò và nương rẫy...

Một điều đặc biệt là cho dù gia đình các con gái sống riêng, nhưng hầu hết mọi chuyện của họ từ kế hoạch làm ăn, trồng trọt hay mua sắm... đều phải thông qua bà Ma Sia.

“Cũng may cả bốn chàng rể không cãi vợ, chỉ thỉnh thoảng có xích mích nhưng bằng lời nói chứ không có rượu chè đánh đập gì cả. Cả mấy đứa đều chí thú làm ăn” - bà Ma Sia tỏ sự bằng lòng.

 

Giang san đại gia đình của bà Nai Bồ cùng các con và cháu ở làng Tà In, xã Tà Hine, huyện Đức Trọng.
Giang san đại gia đình của bà Nai Bồ cùng các con và cháu ở làng Tà In, xã Tà Hine, huyện Đức Trọng.

Cũng như bà Ma Sia, người mẹ Ma Nai Bồ ở làng Tà In, xã Tà Hine, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) làm chủ cả bảy tiểu gia đình của các con mình.

Hôm chúng tôi đến, bà đang ngồi chuyện trò với mấy người con gái và con dâu trên sân rộng giữa cụm nhà gỗ ở ngọn đồi sát hồ thủy điện Đại Ninh.

Lúc 20 tuổi, năm 1976, bà Nai Bồ “bắt chồng” là Churu Gia Giới về nhà. Ông bà có với nhau bảy người con, ba trai và bốn gái; ngoài những người con gái lấy chồng về ở quanh nhà mẹ đẻ đã đành, ba con trai là Ya Diên, Ya Dế và Ya Dới cũng được vợ đồng ý về sống cạnh mẹ chồng do được tạo việc làm ổn định.

“Mọi việc lớn nhỏ trong mỗi gia đình riêng từ chuyện chi tiêu, sản xuất hay có việc gì cũng đều hỏi mẹ hết. Vì mẹ là chủ gia đình mà!” - Ma Vương Nai Huyền, người con gái kế út của bà Nai Bồ, cho biết.

Theo Nai Huyền, trước đây tất cả gia đình người Churu đều sống trong cùng một ngôi nhà dài. Có gia đình lên đến 3-4 thế hệ với rất nhiều cặp vợ chồng nên ngôi nhà sàn cứ được kéo dài thêm ra mỗi khi có thành viên trong gia đình “bắt chồng” về nhà.

Và tất cả mọi chuyện diễn ra trong ngôi nhà đều do người mẹ lớn làm chủ, nắm toàn bộ của cải, công cụ lao động và điều tiết toàn bộ hoạt động sản xuất.

Ngày nay, dù tình trạng ở chung dưới một mái nhà dài không còn nhưng các con gái sau khi lấy chồng (thường được mẹ chia đất làm nhà bên cạnh) vẫn phải tuân lệnh người mẹ...

Ông cậu quyền lực

Dù người mẹ là chủ, quyết định mọi việc trong gia đình, nắm toàn bộ của cải do chồng làm nên, song quyền quyết định mọi sự kiện trọng đại đều thuộc về người cậu, anh hoặc em trai của mẹ.

 

Trong gia đình mẫu hệ Churu, người phụ nữ làm chủ.
Trong gia đình mẫu hệ Churu, người phụ nữ làm chủ.

Người cha gần như không quyền hạn gì ở gia đình vợ con, nhưng trong vai trò ông cậu lại quyết định những vấn đề lớn trong gia đình mẹ đẻ của mình.

Hôm chúng tôi ghé nhà bà Ma Sia, ông Touprong Ya Đạt cũng vừa từ xã Ka Đơn về nhà. Ông cho biết vừa đi hỏi chồng cho cháu gái về.

Được biết Nai Trinh, con chị gái của ông, từ xã Pró sang xã Ka Đơn hỏi chồng là Ya Yan. Cậu của Ya Yan nêu ra một loạt điều kiện cùng các lễ vật thách cưới.

Là ông cậu đại diện cho nhà gái, sau một hồi “đấu trí”, cuối cùng Ya Đạt cũng đồng ý các khoản thách cưới của nhà trai là tám chỉ vàng, 25 triệu đồng cùng một số khăn, áo, xâu cườm và nhẫn bạc cho gia đình và họ hàng thân tộc nhà trai.

Ông Ya Đạt nói: “Trong khi đó, tất cả sự kiện quan trọng trong nhà, kể cả cưới hỏi cho sáu đứa con của tôi đều do anh em của vợ tôi quyết định hết cả!

Theo tập quán của người Churu, cho dù ông cậu đi làm rể nhà người khác nhưng với nhà chị em gái của mình, quyền lực của ông ta rất lớn!”.

Các sự kiện trọng đại như chia chác của cải, cưới hỏi, hiếu sự, tang ma, mua bán tài sản lớn... các ông cậu luôn được mời về nhà trong vai trò có tiếng nói quyết định cuối cùng.

 

Trong gia đình mẫu hệ, vai trò làm chủ thuộc về người vợ, nhưng ra khỏi phạm vi gia đình thì người đàn ông Churu lại có vai trò to lớn hơn đối với cộng đồng, xã hội.

Đó là các vị trí: trưởng thủy (chia nước để làm ruộng), trưởng làng, trưởng họ, quyết định các vấn đề xung quanh luật tục hay hòa giải giữa các gia tộc, dòng họ với nhau...

Ông Jơrlơng Ya Loan - một trí thức người Churu - giải thích về quyền quyết định của người cậu như sau: người cậu thuộc dòng họ nhà mình mà đang ở nhà người khác (vợ) nên sẽ giải quyết vấn đề một cách khách quan, chín chắn và công bằng hơn.

Trong khi đó người cha thì thuộc về dòng họ khác nên không được quyền quyết. Còn những người dì thì không được quyết định bởi dễ rơi vào bảo thủ, lạm quyền và mưu cầu lợi ích cho chính mình.

Trong khi đó theo già làng Ya Ga thì: “Trong gia đình, những người cha sẽ được trả về nhà mẹ đẻ nếu vợ ông ta chết, cho nên người cha chỉ tạm thời sống trong nhà mình nhưng phải gánh vác trách nhiệm ở nhà mẹ đẻ. Trong khi đó vai vế của ông cậu lại được nối tiếp truyền đời”.

Thái Lộc/tuoitre

Có thể bạn quan tâm

'Người cha' của rừng gỗ quý

'Người cha' của rừng gỗ quý

Gần 30 năm miệt mài ươm trồng, cánh rừng với hàng vạn cây Pơmu, Samu của gia đình ông Vừ Rả Tênh (trú xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) đã trở thành một trong những điểm đến thu hút du khách trong và ngoài huyện vui chơi, tận hưởng không khí trong lành.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...