Người cần mẫn phục dựng một biểu tượng độc đáo của xứ Quảng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
"Tôi làm cái nhỏ nhất cũng mất gần nửa tháng mới xong. Vậy nên có người mua thì có thu nhập, mà không có người mua thì để ngắm cũng vui. Mục đích chính khi tôi làm mô hình bờ xe nước thu nhỏ này là muốn lưu giữ lại hình ảnh một thời của bờ xe nước trên sông Trà, chứ không phải vì kinh tế", ông Quýt cho biết.
Bờ xe nước sông Trà từng là những công trình cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp của tỉnh Quảng Ngãi trong những năm giữa thế kỷ XX. Nhưng cách đây gần 30 năm, bờ xe nước đã bị thay thế bằng những công trình thủy lợi hiện đại hơn. Dù vậy, biểu tượng độc đáo của người dân xứ Quảng vẫn được ông Mai Văn Quýt (73 tuổi, ở thôn Thống Nhất, xã Tịnh Ấn Tây, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) sống bên bờ sông Trà cần mẫn tái hiện.
 
Ngày ngày, ông Quýt lặng lẽ phục dựng lại mô hình bờ xe nước sông Trà.
Sinh ra và lớn lên bên bờ sông Trà nên trong ký ức của ông Quýt, bờ xe nước quen thuộc như hơi thở. Ngày đó, cứ đêm đêm, từ đầu đến cuối làng, người ta lại nghe âm thanh ầm ì, lắc cắc, rào rạo... của những bờ xe nước, làm xốn xang cả một vùng quê.
"Gần 30 năm qua, sông Trà đã có hệ thống kênh mương đưa nước về tận ruộng đồng, tôi cũng như mọi người ai cũng vui. Tuy nhiên, vắng bờ xe mà nhiều đời từng gắn bó thì cũng tiếc và nhớ những âm thanh ầm ì, rào rạo của bờ xe nước", ông Quýt chia sẻ.
Tuổi thơ của ông Quýt gắn liền với những vòng quay của bờ xe nước nên khi bờ xe bị xóa bỏ, ông cảm thấy hụt hẫng, tiếc nuối vô cùng. Chính vì vậy, ngày ngày ông lặng lẽ phục dựng lại mô hình những bánh xe nước - dấu tích xưa bên dòng sông Trà.
Ông bảo, thông qua hình ảnh bánh xe nước được ông làm bằng chất liệu tre, nan quê nhà, có thể truyền lửa đến thế hệ con cháu về sự cần cù, vượt qua gian khó của những thế hệ cha ông thuở trước. Họ đã chế ngự được thiên nhiên khắc nghiệt để sản xuất trồng trọt, mưu sinh trên mảnh đất quê hương.
Để làm được bờ xe nước khoảng 10 - 12 bánh, thuở xưa thế hệ cha ông phải tốn nhiều công sức tìm đốn tre già, gọt mắt, cắt khúc rồi mang đi ngâm dưới nước suốt 6 tháng liền. Sau đó, tre được vớt lên phơi khô rồi chẻ nhỏ với nhiều kích cỡ để làm bánh xe. Người thợ dùng các loại dây rừng để buộc néo các bánh xe lại với nhau tạo guồng quay cho đồng bộ để đưa nước từ sông lên đồng ruộng.
 
Những mô hình bờ xe nước của ông Quýt chủ yếu có đường kính từ 2 - 4m.
Mỗi bờ xe nước có khoảng 10 - 12 bánh xe, cao 12m, dài 20m. Bắt đầu mùa lũ hằng năm, bờ xe nước được tháo dỡ đưa lên bờ để vừa tu sửa, vừa tránh bị lũ cuốn trôi. Qua mùa lũ, bờ xe nước tiếp tục được đưa xuống sông để cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp.
Việc làm bờ xe không khó, mà cái khó nhất là chọn được địa điểm và xây dựng bờ cừ. Bờ cừ phải xây theo hình chữ V, làm sao nước được dẫn dồn về một chỗ hẹp để tạo dòng chảy mạnh. Ngay tại điểm nước chảy mạnh sẽ đặt bờ xe.
Xung quanh mỗi bánh xe được buộc hàng trăm ống tre, đặt nghiêng một góc, sao cho khi bánh xe quay xuống nước, các ống tre này đong đầy nước. Lực chảy của nước do việc đắp bờ cừ sẽ đẩy bánh xe tiếp tục quay tròn, đưa ống nước lên cao và trút ra máng, dẫn nước đến đồng ruộng.
Đó là thực tế xưa kia, còn bây giờ, ông Quýt làm những mô hình bờ xe nước thu nhỏ, chủ yếu có đường kính từ 2 - 4m, mỗi bờ xe có từ 2 - 4 bánh. Đối tượng mà ông hướng đến khi làm mô hình bờ xe nước thu nhỏ này là các khu du lịch, nhà hàng, khách sạn, quán cà phê… vì những nơi này thường cần những thứ độc, lạ để trang trí.
Trước đây, các vật liệu chưa có nên phần lớn bờ xe được buộc bằng dây rừng. Còn bây giờ, ông làm mô hình bằng dây kẽm, dây đồng, cước để kết các chi tiết bằng tre của bánh xe nước lại với nhau, rồi phủ thêm lớp sơn bên ngoài nhằm tăng tuổi thọ.
"Công đoạn khó nhất khi làm một bánh xe nước là làm bánh cho cân bằng để khi vận hành không bị lỗi, quay vòng được trơn tru. Nếu sai kỹ thuật thì các bánh xe nước sẽ không thể hoạt động được. Mô hình bờ xe nước lớn nhất mà tôi làm đang đặt trong một khu du lịch ở xã Nghĩa Thuận, huyện Tư Nghĩa.
Bờ xe này có đường kính hơn 6m và hiện là bờ xe lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi. Tôi làm cái nhỏ nhất cũng mất gần nửa tháng mới xong. Vậy nên có người mua thì có thu nhập, mà không có người mua thì để ngắm cũng vui. Mục đích chính khi tôi làm mô hình bờ xe nước thu nhỏ này là muốn lưu giữ lại hình ảnh một thời của bờ xe nước trên sông Trà, chứ không phải vì kinh tế", ông Quýt cho biết.
Ông Nguyễn Văn Trọng (ở thôn Thống Nhất) cho biết, mặc dù ngày nay dấu tích về những bờ xe nước trên sông Trà đã không còn, nhưng với nhiều người thì kỷ niệm một thời gắn liền với những bờ xe nước trên con sông quê yêu thương vẫn còn mãi.
Và với tâm nguyện lưu giữ, bảo tồn công trình nổi tiếng một thời, ông Quýt đã dày công tái hiện lại bờ xe nước để nhắc nhớ về ký ức xưa. Ông Quýt tỉ mỉ trong từng chi tiết dù là nhỏ nhất, để cho ra bánh xe nước thu nhỏ với những bộ phận và kết cấu giống hệt những chiếc bánh xe nước cỡ lớn trước đây trên sông Trà.
Dù vậy, hiện nay, nỗi lo lớn nhất khiến ông Quýt luôn suy nghĩ là không có người kế tục. Ông sợ sau này những bánh xe nước dù là mô hình nhưng sẽ bị thất truyền. Ông vẫn thường tâm sự với thế hệ con cháu rằng, đây là cái hồn, ký ức của cha ông để lại.
Khi làm, ông dồn hết tình cảm vào những thớ tre, tạo ra bờ xe nước có hồn hơn để người đời được chiêm ngưỡng, để những giá trị truyền thống mãi trường tồn theo năm tháng, minh chứng cho những ký ức đẹp, đầy tự hào của người dân xứ Quảng.
Hình ảnh bờ xe nước đi vào trong ký ức của tuổi thơ, của đời người và là nguồn cảm tác của các thi nhân.
Lớp lớp người con của đất mẹ Quảng Ngãi, dẫu đi đâu, về đâu cũng vẫn ngân nga câu hát: "Rì rào dòng sông âm vang đôi bờ/ Mênh mông sông nước tiếng đàn xe/ Cuồn cuộn Trà Giang trăng nghiêng mây biếc sóng lao xao/ Làn gió vi vu ú ù…/ Nước cuốn trắng xóa reo vui/ Long lanh mưa bay đàn ca trong nắng hè...", trích lời bài hát "Nhớ đàn xe nước" của cố nhạc sĩ Vân Đông.
 
Mô hình bờ xe nước lớn nhất mà ông Quýt làm có đường kính hơn 6m.
Tác giả P.Guillenmiet trong công trình "Một ngành công nghiệp An Nam: Các guồng xe nước ở Quảng Ngãi" (năm 1926) cho rằng, các xe nước xuất hiện sớm nhất ở tỉnh Quảng Ngãi là ở sông Vệ vào năm 1740, cụ thể là xe nước ở làng Bồ Đề (nay thuộc xã Đức Nhuận, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi). Người đầu tiên đem guồng xe nước đến Quảng Ngãi là một người phụ nữ tên Diệm.
Trong khi đó, một nguồn tư liệu khác cho rằng, guồng xe nước có ở Quảng Ngãi vào thế kỷ XVIII dưới thời Tây Sơn, người sáng chế ra các guồng xe nước nổi tiếng là một người đàn ông tên Thêm, người làng Bồ Đề. Vào năm 1790, ông Thêm đã có một bờ xe nước trên sông Vệ.
Theo ông Cao Văn Chư - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi, người đã có một thời gian dài cất công tìm hiểu về lai lịch của guồng xe nước ở Quảng Ngãi, bà Diệm và ông Thêm chắc chắn là hai người khác nhau.
Có thể bà Diệm mới là người đưa xe nước về Quảng Ngãi, còn ông Thêm là con cháu của bà Diệm. Sau khi bà Diệm mất, người ta xây một cái miếu thờ nhỏ để thờ bà ở làng Bồ Đề. Cho đến trước cách mạng tháng 8-1945, người dân ở 6 xã sử dụng nguồn nước từ guồng xe của bà Diệm vẫn giữ lễ giỗ bà. Họ khiêng heo đến cúng ở miếu thờ như một sự hàm ơn, cầu mong bà phù hộ.
Các nguồn tư liệu đều cho rằng, guồng xe nước đầu tiên ở tỉnh Quảng Ngãi được lắp đặt trên sông Vệ, sau đó lan rộng ra sông Trà và tồn tại hàng trăm năm sau đó. Bờ xe nước là biểu tượng của tỉnh Quảng Ngãi khi xưa, thể hiện sức sáng tạo vô hạn của cộng đồng dân cư gắn liền với nông nghiệp.
"Ở Quảng Ngãi, xe nước là giải pháp thủy lợi đặc biệt quan trọng. Trên sông Vệ và sông Trà từng có không dưới 114 bờ xe nước... Đầu mùa hè đến giữa mùa thu, bờ xe nước vận hành. Nước sông dâng lên 40 - 50cm, chảy vào các kênh mương hai bên bờ, rồi tự chảy hoặc bằng gầu sòng, gầu giai, xe lùa đến hàng ngàn mẫu ruộng mùa hè khát nước", trích sách "Quảng Ngãi tỉnh chí" của tác giả Nguyễn Bá Trác.
Ông Chư cho biết, một thời, từ Bắc vào Nam đều có guồng xe nước, nhưng khi nhắc đến nó, người ta nghĩ ngay đến Quảng Ngãi, bởi nơi đây có số lượng công trình nhiều, quy mô lớn tập trung ở sông Vệ và sông Trà. Điểm khác biệt lớn giữa bờ xe nước ở tỉnh Quảng Ngãi với những nơi khác là số bánh xe. Nếu ngoài Bắc chỉ có một thì ở Quảng Ngãi có đến 10 - 12 bánh.
Kiến trúc này được đánh giá rất cao và được một công sứ người Pháp nghiên cứu, làm hẳn một chuyên đề về nó nên người Quảng Ngãi rất tự hào. "Gần 30 năm qua, không còn hình ảnh bờ xe nước trên các con sông ở tỉnh Quảng Ngãi, nhưng ngay bên dòng sông Trà vẫn còn đó ông Mai Văn Quýt ngày ngày miệt mài dựng lại hình ảnh bờ xe nước. Ông đã góp phần không nhỏ vào công cuộc bảo tồn văn hóa truyền thống", ông Chư nói.
Phan Nhuận Phin (Cảnh sát toàn cầu Online)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.