Người A Rem "ăn rừng"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Lần đầu tiên tôi nghe chuyện người A Rem (xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) lấy sản vật rừng được ví von là “ăn rừng”. Họ đã xem tôi như người anh em thân thiết mới cho tôi theo trong một chuyến “ăn rừng” lạ lẫm và cổ xưa. Từ thức ăn đến vị thuốc, từ hoa quả đến rễ cây, đều là thứ nằm trong trí khôn A Rem. Mỗi thứ họ không lấy triệt mà còn giữ lại cho những mùa sau.


 

Người A Rem không lấy kiệt quệ của rừng thứ gì nên mỗi lần đi rừng họ đều có sẵn thức ăn
Người A Rem không lấy kiệt quệ của rừng thứ gì nên mỗi lần đi rừng họ đều có sẵn thức ăn



Tương kính trong hái lượm

Trong thế giới hơn 7 tỷ người trên trái đất, tộc người A Rem chỉ có hơn 400 khẩu, vô cùng thiểu số. Chỉ mới rời hang đá gần 60 năm và sinh tồn đến nay là một thành công mãnh liệt. Bí quyết hàng đầu để tộc người này tồn tại là hình thức hái lượm thông minh cho bất cứ sản vật rừng nào. Cách hái lượm “văn minh” đến mức người miền xuôi phải ngả mũ kính chào, ấy là cách đi “ăn ong” - một thứ hái lượm cổ xưa, hoang dã.

Ông Đinh Rầu, người “ăn ong” có tiếng, kể: “Anh em A Rem lấy ong trên cây cao không dùng thang hoặc dây bảo hiểm, không dùng khói đuổi ong đi. Cây cao bao nhiêu cũng trèo được. Chỉ cần chặt dây rừng, bện lại, quấn vòng quanh thân cây. Cứ mỗi vòng thắt một nút. Cái nút thắt vừa cái chân trèo lên đến tổ ong. Cây cao nhiều, làm nhiều nút thắt, cứ thế dần dần thắt đến ngọn cây, trèo đến tổ ong”.

Ông Rầu nói: “Mình chưa bao giờ bị ngã với cách leo trèo cổ xưa này”. Đặc tính của anh em A Rem là không lấy hết mật, họ chừa lại gần phân nửa. Họ không sợ người khác lấy ong mà họ sợ lấy hết là tham lam, sẽ bị trả giá cho các mùa sau ong không còn tổ cho chúng kéo về.

Người anh em Pa Cô ở A Lưới (tỉnh Thừa Thiên - Huế), sống cách đó 300 cây số nghe đồn về tài năng “ăn mật” của người A Rem nên mời một số thanh niên A Rem vào rừng để lấy mật trên cây rất cao mà người Pa Cô không dám leo. Người Pa Cô đề xuất, lấy xong hàng trăm tổ ong trên cây, anh em A Rem sẽ giữ 50% mật ong, người Pa Cô giữ 50%. Phía A Rem đề xuất thêm, không lấy hết mà chừa lại để giữ ong không bỏ rừng đi. Hai bên nhất trí. Chuyến đó 10 thanh niên A Rem về, mỗi người có mấy triệu đồng mua gạo cho vợ con. Người Pa Cô phục lăn cách “ăn rừng” phải giữ lại cho rừng nơi trú ngụ của ong của người A Rem…

Ứng xử với kỳ hoa dị thảo

Người A Rem sở hữu một khu rừng có gần 3.000 loài thực vật tạo thành rừng xanh trên núi đá vôi như vườn treo kỳ vĩ mà các nhà khoa học nói, chỉ duy nhất nơi này mới có 10 kiểu rừng treo khắp các rặng núi.

Ông Đinh Rầu, một người A Rem nói: “Hương liệu gần với đời sống có lá lốt, các loại rau rừng, củ gừng hoang, nghệ hoang, tiêu núi, chuối rừng, song mây để đan lát, cây cối làm nhà, măng lồ ô nấu thịt, thuốc chữa bệnh… trong rừng này đều có cả. Người A Rem lớn lên phải học cách nhận biết chúng từ người lớn truyền lại. Nhớ lấy chúng để sống, không sợ đói khi lạc vào rừng.

Ông Rầu dẫn chúng tôi vào vườn bưởi trộn lẫn những cây cam dại có trĩu quả và kể: “Ở đây cam, bưởi, có nơi còn có cả chôm chôm, nhãn rừng, vải rừng, măng cụt, sầu riêng dại. Kể cả khế, chanh, ổi, cây sả, cây tiêu hay các loài hoa cũng đều có. Bà con quý nhất cây dỗi, hạt của nó mỗi mùa chín rất nhiều, nó làm cho thận khỏe lên, nấu ăn có vị thơm ngon, dù với bất cứ món nào, kể cả ốc suối hay thịt tươi”.

Bên cạnh sự phong phú của các loài thực vật hữu ích, trong không gian rừng của người A Rem còn có 1.394 loài động vật mà các nhà khoa học đã kiểm đếm, tất cả đều giao cho họ quản lý, bảo tồn. Có những loài quý hiếm họ không được sát hại, có những loài họ săn bắn theo cách riêng để có chất tươi duy trì cuộc sống.

Người A Rem xem săn bắn là nuôi sống bản quán và gia đình. Thịt thú rừng săn về được chia đều. Người bắn có quyền lấy trái tim, đùi thịt lớn nhất, cái đầu. Họ không săn bắn ồ ạt mà chừng mực, đủ dùng một thời gian nhất định. Đó là cách để họ “nuôi” các loài thú trưởng thành, gia đình thú sinh sôi nhiều hơn cho các đợt săn bắn kế tiếp.

Ông Rầu kể: “Ngày nay động vật hổ báo, lợn rừng, voọc Hà Tĩnh, voọc Chà Vá chân nâu, voi, gấu, bò tót… được bảo vệ nên bà con không săn thú lớn. Vì thế mà lợn rừng sinh sôi nhiều, phá tan hoang nương rẫy, bản đã cử người lên xã nói lãnh đạo vườn Phong Nha - Kẻ Bàng phải đuổi heo rừng, đền rẫy cho dân. Vì lợn rừng quá nhiều, họ đuổi không hết nên cán bộ lơ lơ cho dân săn bắn chúng mỗi năm vài con về chia cho cả bản. Dân A Rem sống sâu trong rừng, không bán thịt heo rừng, chỉ để ăn nên cũng không ăn hết. Săn lợn rừng không nhiều bằng chúng sinh sản, vì vậy người A Rem phải làm lán trên rẫy để đuổi lợn rừng. Người A Rem đã được tổ tiên dạy phải giữ rừng, giữ động vật, giữ thực vật, không lấy hết mới còn”.

Thế giới quan ma rừng

Người ta nói A Rem là rèm đá hoặc mái đá. Nó ăn sâu vào sách vở và tiềm thức của nhiều người. Nhưng đi và hiểu bên trong tâm hồn họ mới thấy chữ A trong trường hợp này là đặt mình trong vạn vật tự nhiên. Gần 5.000 loài động thực vật hoang dã, nhiều loài hữu dụng với cái tên bản địa được gọi bắt đầu bằng chữ A rất trìu mến. Cây cối không độc đều có chữ A đứng đầu, cây họ thuốc, có tên A Sing The, hay cây dùng nấu nước uống, nó được gọi tên A Roang Plài, con cá nhỏ như ngón tay hoặc to hơn một chút là sản vật rất ngon của suối rừng được trịnh trọng đặt tên A Piu.

Đi với Đinh Rầu, người già thông thái của anh em A Rem, ông và các thanh niên xem chữ A đứng trước là sự tôn trọng cái hữu ích và nâng chúng lên ngang hàng với con người A Rem. Họ muốn tỏ lòng biết ơn các loài cây, mái núi, con cá, con chim, thú hoang... Không có các chữ A đó, không có người A Rem. Trong thế giới quan, họ đặt mình ngang với các loài A của tự nhiên. Như một sự cân bằng đỉnh cao. Dĩ nhiên với họ, A Rem như là trung tâm của thế giới rừng - nơi chốn họ sống. Họ xem mình như một giống loài nhiều màu lông sặc sỡ, đẹp đẽ, thông minh và biết tương kính các loài khác, nên mới sống sót đến ngày hôm nay.

Và để biểu đạt sự tôn trọng đó, họ xem tất cả đều có ma. Ma rừng, ma cây, ma núi, ma nhà, ma vườn, ma suối... Mỗi loại cây có một thứ ma cây riêng. Mỗi vùng đất lại có một loại ma đất riêng. Ma ở đây không phải dùng để dọa trẻ con, mà nâng lên như những vị thần, được tôn trọng hết sức. Bởi ma rừng cho họ sản vật, ma cây cho họ nước uống, chất đốt, vũ khí. Ngay con dao là vật bất ly thân cũng có ma dao.

Thế giới thần thoại của họ có vô số định nghĩa mộc mạc và hồn nhiên như vậy. Nó phản ánh ký ức xa xưa của con người sơ khai còn xuyên suốt trong tâm hồn họ cho đến ngày nay. Họ không sợ ma mà thương yêu ma. Ma đá cho họ nhận biết từng khu vực, ma hang cho họ nơi trú ngụ ngày xưa. Ma lửa cho họ cảm hứng về sưởi ấm, suy tư về nấu chín, uống sôi. Ma dây cho họ suy niệm về các mối nối dùng cho buộc chặt, hoặc để leo trèo trên cây cao.

Tất cả đều là ma trong cách nhân sinh của anh em A Rem với thế giới sinh tồn bên trong, bên ngoài, bên trên và bên dưới. Chính vì thế, lấy bất cứ thức gì của rừng họ gọi là “ăn rừng” để nhớ về linh hồn chúng mà không lấy đi cạn kiệt, phải giữ lại cho mùa sau, cho hậu thế. Chính vì vậy, tộc người nhỏ bé này vẫn tồn tại mãnh liệt ở góc khuất xa nhất của hành tinh trong thế giới đến hơn 7 tỷ người hôm nay. Cũng chính từ “ăn rừng” đầy tương kính mà thiên tai không ảnh hưởng tới họ, bởi xung quanh núi non, cây cối đều được giữ tốt.

Đinh rầu nói: “Rừng tốt là người A Rem mới tồn tại nên A Rem “ăn rừng” phải tôn trọng ma rừng”.

 

Minh Phong (sggp)

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.