Trên sườn đông của dãy Trường Sơn trải dài nơi mái nhà Tây Nguyên, có một dòng sông miệt mài đưa nước từ đỉnh Ngok Rô - Kon Tum, len lỏi giữa rừng núi thâm u, vắt mình qua bao thác ghềnh gào thét, uốn lượn qua những cánh đồng màu mỡ, để rồi thong dong về với biển. Trong hành trình từ nguồn về biển dài hàng trăm cây số ấy, sông ưu ái chọn Gia Lai làm nơi cất giấu những bí mật về buổi sơ khai của loài người.
|
Thượng nguồn sông Kôn. Ảnh: Hoàng Tuấn |
Phù sa thềm cổ
Sau hành trình rong ruổi trên cao nguyên Gia Lai, khi vào địa phận Bình Định, hướng về cửa biển, sông được gọi bằng tên mới Kôn giang. Cứ thế, dòng sông chảy từ nguồn về biển mang theo dòng nước những hạt phù sa nặng đẫm trầm tích văn hóa, lịch sử của những tộc người tụ cư bên sông.
Năm 2014, các chuyên gia khảo cổ học thuộc Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), trong khi khai quật vùng đất thềm cổ sông Kôn có tục danh là Gò Đá, ở thị xã An Khê (Gia Lai) đã phát hiện nhiều hiện vật đá có vết ghè đẽo của người tiền sử. Di tích sơ kỳ Đá cũ vừa được phát hiện này chính là mốc mở đầu cổ nhất mà giới khoa học biết về sự xuất hiện của con người và di tồn văn hóa của họ trên lãnh thổ Việt Nam. Đây là bằng chứng khẳng định rằng: thượng lưu sông Kôn, vùng An Khê là địa bàn sinh sống của cộng đồng cư dân cổ cách đây khoảng trên dưới 80 vạn năm. Thềm cổ sông Kôn ở Tây Nguyên chính là nơi kết tinh thành tựu của nhân loại ở giai đoạn cổ xưa nhất, giai đoạn người vượn đứng thẳng (Homo erectus) - là một trong những tổ tiên trực tiếp của người hiện đại trên thế giới.
Khởi nguồn từ đại ngàn Tây Nguyên rồi băng mình về biển, sông Kôn sớm trở thành nơi quy tụ của các cư dân tiền sử. Đi dọc triền sông trên đất Vĩnh Thạnh, Bình Định, lặng nghe lời Hơ mon thoang thoảng bên bếp lửa của người Ba Na bỗng cảm nhận được ký ức xa mờ về một cuộc chiến kỳ vĩ cùng biển cả. Vùng đất thềm sông ở Vĩnh Thạnh ngày nay thực chất xưa kia là thềm biển. Nơi này từng xảy ra những biến động địa chất dữ dội trong thời kỳ biển tiến, biển thoái, nhất là trong kỷ địa chất Holocen cách đây hàng triệu năm.
Suốt mười mấy thế kỷ trôi qua, sông Kôn đã chảy qua kinh đô của nhiều vương triều, chứng kiến bao cuộc phế hưng, hưng phế… Theo các nhà nghiên cứu, Bình Định ngày nay chính là kinh đô Vijaya của vương quốc Champa cổ; phát triển rực rỡ ở giai đoạn cổ trung đại. Từ thế kỷ thứ X, vua Champa đã cho xây dựng ở đây rất nhiều tòa thành quy mô, rộng lớn như: Thành Cha, thành Đồ Bàn, thành Thị Nại, gắn liền với thương cảng Thị Nại nổi tiếng một thời. Cùng với các thành cổ, là một hệ thống đền tháp dày đặc và quy mô, những kiến trúc tôn giáo mang bản sắc rất riêng của dân tộc Chăm...
Sông Kôn từng là con đường giao thương quan trọng trao đổi phẩm vật trên rừng dưới biển. Người Bình Định nhận mình là dân “Nẫu” qua câu ca quen thuộc tự thủa xa xưa: “Ai về nhắn với nậu nguồn/ mít non gửi xuống cá chuồn gửi lên”. Sông Kôn cũng là tuyến vận tải thủy chuyên chở các sản phẩm gốm Chăm từ những lò gốm ven sông ra thương cảng Thị Nại để xuất sang các nước Đông Nam Á, trong con đường gốm sứ trên biển lưu thông suốt nhiều thế kỷ.
Một ngày xuôi sông Kôn, về với Vijaya, thả hồn theo ngọn gió nồng nàn thổi về từ quá vãng. Những bông cỏ may dưới chân thành cổ thủ thỉ cùng tôi bao chuyện.
Cuối sông đầu biển
Cuối dòng sông Kôn, khi những con nước bắt đầu chuyển mặn để hòa mình vào biển, sông bỗng dùng dằng nửa đi nửa ở. Thật khó để hình dung nơi đây từng là thương cảng quốc tế Nước Mặn tấp nập ghe tàu của xứ Đàng Trong xưa, nay chỉ là một chốn quê yên ả, với đồng lúa đang thì ngậm sữa. Vùng đất ven sông này xưa kia là biển. Những biến động địa chất đã làm biển lùi xa mấy dặm từ hai trăm năm trước.
Tại bến cảng xưa này, bốn thế kỷ trước, trong vòng tay cưu mang của quan trấn thủ Hoài Nhơn Trần Đức Hòa, những nhà truyền giáo phương Tây đã nghiên cứu ngôn ngữ tiếng Việt để truyền bá giáo lý đạo Ki-tô cho dân chúng. Một ngôi nhà thờ Chúa và cũng là trường học đã được dựng lên ở nơi này. Những tảng đá ong nơi nền nhà thờ cổ có lẽ vẫn còn lưu lại trong từng mạch xếp những âm thanh tập đánh vần tiếng Việt đầu tiên theo cách của những nhà truyền giáo.
Một ngày về lại khúc sông Gò Bồi, nơi sông Kôn về biển. Nơi đây từng chứng kiến mối tình đẹp của ông đồ xứ Nghệ và cô hàng nước mắm. Đứa con của vạn Gò Bồi được sinh ra từ mối tình đẹp ấy chính là nhà thơ Xuân Diệu - “ông hoàng của thơ tình”, trong phong trào Thơ mới - thơ bằng chữ quốc ngữ những năm nửa đầu thế kỷ XX. Nhà của Xuân Diệu ở bên sông, cách nơi ra đời những ký tự đầu tiên của chữ quốc ngữ không xa, chỉ mấy vòng xe đạp. Hẳn ngày ấy, khi chia tay với bồ chữ Hán Nôm của cha - một ông đồ Nghệ để vào trường quốc ngữ, Xuân Diệu có lẽ chưa biết rằng: quê hương mình chính là nơi cho ra đời của thứ chữ tân tiến, dễ học và tiện dụng ấy. Thứ văn tự mới mẻ, giúp biểu đạt ngôn ngữ tiếng Việt một cách dễ dàng ấy đã góp phần đưa Xuân Diệu trở thành cây đại thụ của nền thi ca Việt Nam hiện đại. Thủa ấy, cùng với Xuân Diệu, nhóm thơ Bình Định gồm: Yến Lan, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử… đã trở thành những ngôi sao sáng trên văn đàn quốc ngữ khi tuổi đời còn rất trẻ.
Buổi chiều, thong thả dạo bước bên sông, bất chợt gặp chàng họa sĩ đang thả hồn trong nhát cọ. Người nghệ sĩ không nhớ nổi mình đã vẽ bao nhiêu bức tranh về dòng sông này, bởi mỗi lần ngắm sông anh lại phát hiện ra bao điều lạ lẫm, mới mẻ nơi con sông quen thuộc. Nơi ấy chứa đựng ký ức của trăm năm, nghìn năm và cả mới hôm qua của miền đất này. Dạo bước hoàng hôn, chúng tôi vẫn nghe văng vẳng tiếng lau lách bên sông rì rào kể chuyện.
Bằng thuyền hay bằng đường bộ theo sông Kôn đều có thể đến được các làng võ nức tiếng một thời. Người đất võ hay nhắc câu: “Trai An Thái, gái An Vinh”, hay “Roi Thuận Truyền, quyền An Vinh”… Đó là tên tuổi của những ngôi làng võ lừng danh bên mép nước. Đất này cũng là nơi sinh ra nhiều trang liệt nữ giỏi giang võ nghệ. Nổi tiếng nhất là nữ tướng Bùi Thị Xuân cùng nhóm Ngũ Phụng thư dưới triều Tây Sơn, giỏi cả quyền, côn, kiếm. Đến thời cận đại, làng An Vinh có nàng đả nữ nổi tiếng Tám Cảng, một người phụ nữ võ nghệ tài ba, xinh đẹp nết na, giỏi nghề trồng dâu nuôi tằm. Cô khiến nhiều chàng trai ngỡ ngàng bởi những đường quyền cước vừa mềm mại, vừa mạnh nhanh như vũ bão trong các hội võ Đổ Giàn bên sông. Câu ca: “Ai về Bình Định mà coi/Con gái Bình Định bỏ roi đi quyền”, chính là bắt đầu từ câu chuyện về những người con gái đất này. |
Dòng sông anh em Sông Kôn và sông Ba - như anh em sinh ra từ một mẹ, khởi nguồn từ phía đông của dãy Trường Sơn, cụ thể là Gia Lai. Và cảnh quan đôi bờ có khác nhưng đáy sông ẩn chứa những trầm tích tương đồng vạn năm, triệu năm ẩn sâu trong lòng đất. Sông Ba, khi len lỏi qua những vùng đất có các tộc người khác nhau sinh sống, sông được gọi bằng những cái tên khác nhau. Người Ba Na gọi là Đắk Krông; người Gia Rai gọi Krông Pa, hay Ia Pa; người Chăm cổ ở vùng hạ lưu gọi tên sông là Ea Drăng. Xét ở thượng nguồn, nước sông Ba chảy vào sông Kôn, nói một cách ví von, nó là “anh em” nhưng khi lớn lên, mỗi đứa có một cuộc sống riêng của nó. |
Theo NGUYỄN PHƯƠNG LAN (NDĐT)