Ngục Đăk Glei

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Đứng ở sân Đồn Đăk Glei trên đỉnh đồi Chang T’né tôi nhìn xuống sườn đồi rừng già phủ kín, thấp thoáng những bức tường đá xám. Trong không gian bàng bạc, quạnh quẽ, hiu vắng, gió thổi qua những tàng cây như đang kể lại những câu chuyện bi tráng nơi rừng thiêng nước độc năm xưa.

Đầu tháng 8, thời tiết ở Đăk Glei như cô thiếu nữ đỏng đảnh, lúc mưa lúc nắng. Chặng đường đèo từ trung tâm huyện vào đến ngã ba Đăk Tả, trời mưa bay bay, nhưng từ ngã ba Đăk Tả rẽ vào Tỉnh lộ 673 dẫn vào các xã Đăk Choong, Xốp, Mường Hoong, Ngọc Linh thì nắng nhẹ gió mát.

Khi xe chạy trên cung đường bê tông uốn lượn qua những mỏm núi, tôi cố gắng tìm lại chút ký ức cũ của chuyến Về nguồn do Tỉnh đoàn Kon Tum tổ chức cách đây tròn mười mấy năm, nhưng chịu.

Cũng phải thôi, ngày ấy chạy xe máy, rồi đi bộ vạch lá vịn cây mà leo mấy tiếng đồng hồ. Còn bây giờ xe chạy vèo vèo.

Khu Căng an trí. Ảnh: HL

Khu Căng an trí. Ảnh: HL

Tuyến đường vào ngục Đăk Glei dài gần 11km, mặt đường rộng 5,5m, nền rộng 6m, được xây dựng bằng bê tông xi măng và thi công từ tháng 8/2012, với tổng kinh phí khoảng 64 tỷ đồng, được lấy từ nguồn vốn linh hoạt dự án đường Hồ Chí Minh.

Xe vượt qua một khúc cua thì nắng rực lên, chiếu vàng thung lũng Đăk Choong. Mấy tay săn ảnh thích quá nhao nhao nhảy xuống chụp lia lịa. Một bà cụ và 3 cháu nhỏ đang lúi húi bên vạt cây thông giống ven đường, thấy vậy tò mò đứng nhìn.

Anh em xúm lại chụp ảnh, hỏi chuyện. Hỏi rằng: Bà nhổ cây đi đâu đấy? Đáp rằng: Bà đang nhổ cây thông giống để con trai trồng trên núi.

Đã gần đến Ngục Đăk Glei chưa bà? Nhà Tố Hữu à? Gần rồi. Qua mấy mỏm núi nữa là tới. Chỗ trắng trắng kia kia. Con trai bà trồng rừng gần đấy- bà trả lời, rồi chỉ tay lên một đỉnh đồi.

Nhà Tố Hữu? Mấy anh bạn có vẻ ngạc nhiên. Tôi giải thích: Ở đây, bà con vẫn gọi Ngục Đăk Glei như vậy. Cho thấy tấm lòng bà con với cách mạng, với các bậc tiền bối nói chung, nhà cách mạng Tố Hữu nói riêng rất sâu đậm.

Tôi không thể thống kê hết có bao nhiêu bài báo viết về Ngục Đăk Glei, nhưng vào sáng thu này, tôi vẫn muốn viết gì đó, khi đang toàn tâm toàn ý tưởng nhớ các bậc tiền nhân trong buổi chiều thu nay.

Đứng ở sân Đồn Đăk Glei- nơi mà một thời gian dài nhiều người lầm tưởng là nhà ngục -trên đỉnh đồi Chang T’Né, tôi nhìn xuống sườn đồi rừng già phủ kín, thấp thoáng những bức tường đá xám, trong tâm trí tưởng nhớ các bậc tiền nhân và câu chuyện bi tráng nơi rừng thiêng nước độc năm xưa.

Theo sử liệu còn lưu lại, năm 1932, thực dân Pháp xây dựng Ngục Đăk Glei thuộc địa bàn xã Đăk Choong, huyện Đăk Glei ngày nay. Thời gian đầu, Ngục Đăk Glei giam giữ những thường phạm, là những người không chịu phục tùng, không đi làm đường cho Pháp. Sau đó, được dùng để giam giữ tù chính trị ở Kon Tum đưa lên làm đường 14 từ Kon Tum đi Quảng Nam.

Năm 1940, thực dân Pháp tiếp tục xây dựng Trại lao động đặc biệt Đăk Glei để giam cầm gần 100 chiến sĩ cộng sản tham gia phong trào dân chủ 1936-1939, như: Lê Văn Hiến, Tố Hữu, Huỳnh Ngọc Huệ, Nguyễn Duy Trinh, Chu Huy Mân, Đoàn Bá Từ, Trần Văn Trà.

Sau khi bị đưa lên giam cầm tại đây, các tù chính trị đã đấu tranh với đồn trưởng Đồn Đăk Glei, biến Ngục Đăk Glei thành căng an trí.

Nhóm tượng thể hiện cảnh lao động khổ sai của tù chính trị. Ảnh: HL
Nhóm tượng thể hiện cảnh lao động khổ sai của tù chính trị. Ảnh: HL

Ngày 14/3/1942, lợi dụng sự mất cảnh giác của kẻ địch, 2 đồng chí Tố Hữu và Huỳnh Ngọc Huệ đã được tổ chức bố trí vượt ngục thành công. Sau cuộc vượt ngục táo bạo ấy, thực dân Pháp đã quyết định xây thêm khu ngục biệt giam.

Tháng 6/1942, thực dân Pháp đưa toàn bộ tù chính trị về giam tại Căng an trí Đăk Tô. Sau đó, tiếp tục xây dựng Ngục Đăk Glei trên núi Chang T’Né với mưu đồ giam giữ tù chính trị cho đến khi Nhật đảo chính Pháp (1945).

Hiện nay, cụm di tích lịch sử Ngục Đăk Glei gồm ba công trình: Khu đồn canh gác, Khu Căng an trí và Khu nhà ngục biệt giam. Toàn bộ khu di tích nằm trên đồi, xung quanh núi cao, suối, thung lũng bao bọc.

Đồn Đăk Glei là công trình kiến trúc 1 tầng, mặt bằng hình chữ nhật, rộng 19,85m, sâu 10,2m và có diện tích khoảng 200m2, bao gồm 4 phòng. Cùng khuôn viên có một ngôi nhà một tầng, 2 gian nhỏ, cũng được xây dựng bằng đá, gian bên ngoài là trạm gác, gian còn lại là nhà bếp.

Từ đồn Đăk Glei đi xuống dưới sườn đồi khoảng 150m là Khu nhà ngục biệt giam rộng khoảng 12m2 xây dựng bằng đá. Nằm ở khoảng giữa nhà ngục với khu đồn là Khu Căng an trí. Theo tài liệu thì có khoảng 3 gian như vậy. Hiện mới chỉ có một gian nhà được lợp mái, trưng bày nhóm tượng thể hiện cảnh giam cầm các chiến sĩ cộng sản.

Tôi bần thần đứng ngắm nhóm tượng mà như nghe văng vẳng tiếng hô tranh đấu, tiếng động viên đồng chí giữ vững niềm tin. Cái gì rồi cũng dễ đổi thay với thời gian, nhưng nơi đây vẫn sẽ giữ mãi câu chuyện về một địa danh, nơi những người con anh hùng của một dân tộc anh hùng đã kiên cường tranh đấu.

Ngày 30/12/1991, Bộ trưởng Bộ Văn hóa thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã ban hành Quyết định số 2307/QĐ-BT công nhận Ngục Đăk Glei là Di tích Lịch sử cấp Quốc gia.

Ngày nay, khu di tích đã và đang được trùng tu tôn tạo, hệ thống đường giao thông đến di tích cũng được đầu tư xây dựng thuận lợi, xứng đáng là địa chỉ đỏ cách mạng, có ý nghĩa giáo dục to lớn, một biểu tượng đầy tự hào cho tinh thần đấu tranh kiên cường của các chiến sĩ cách mạng.

Tất nhiên, để làm được điều đó không thể trong một vài năm, mà cần có kế hoạch lâu dài với các dự án khả thi với sự tham gia của các cấp, các ngành và toàn xã hội.

Trong đó, cần đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là đường sá đi lại, và phục chế các hạng mục di tích một cách bài bản, khoa học, kết hợp với đặc thù rừng núi và văn hóa bản địa. Đặc biệt, cần nâng cao ý thức bảo vệ di tích của người dân, nhất là bảo vệ tốt diện tích rừng nằm trong khu vực di tích.

Mặt khác, đơn vị quản lý di tích cần bố trí nguồn lực, bao gồm con người và kinh phí, vừa phục vụ bảo tồn, phát huy giá trị di tích, vừa thực hiện các khâu thuyết minh, giới thiệu về di tích cho du khách.

Có thể bạn quan tâm

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Chúng tôi xin kết thúc tuyến bài này bằng câu chuyện về một người thợ sửa đồng hồ đã phát triển thành một chuỗi của hàng sửa chữa đồng hồ uy tín. Câu chuyện của anh nhắc nhở chúng ta hãy tranh thủ từng tích tắc với công việc mình đang làm và thành công đang ở phía trước…

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.