Ngư phủ hồ Sê San làm du lịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hơn 10 năm về trước, hàng chục hộ dân miền sông nước Tây Nam bộ ngược đường tìm về mảnh đất Tây nguyên, rồi cắm sào dọc mép lòng hồ thủy điện Sê San (ở H.Ia H'Drai, Kon Tum) để mưu sinh.

Cuộc sống của họ không còn quanh quẩn với mảnh lưới hay con tôm, con cá mà đã có thêm những nhà hàng, tour du lịch, nhà lưu trú... để phục vụ du khách.

Ngư phủ thành ông chủ

Trong cái nắng tháng 4 như đổ lửa ở miền biên viễn Ia H'Drai, lòng hồ Sê San hiện ra như một dải lụa xanh mát dịu dàng. Từ trên cao nhìn xuống, lòng hồ mở rộng ra ngút ngàn. Những hòn đảo lớn, nhỏ màu xanh lá nằm yên bình giữa lòng hồ. Phía xa xa, làng chài Sê San (xã Ia Tơi) hiện lên bình dị và mộc mạc với những nhà bè đặc trưng của vùng sông nước.

Khung cảnh yên bình của làng chài trên lòng hồ Sê San

Khung cảnh yên bình của làng chài trên lòng hồ Sê San

Ngồi trên căn nhà nổi đang dập dềnh theo con nước, ông Nguyễn Thành Nhân (42 tuổi) cặm cụi ghi chú những vật liệu cần thiết để mở rộng nhà hàng. Với sức chứa gần 200 người, thế nhưng nhiều thời điểm, các nhà hàng của ông đành từ chối du khách vì đã hết không gian. Chốc chốc, ông lại buông cây bút để nhận cuộc điện thoại từ một nhóm khách chuẩn bị ghé thăm. Ông Nhân tận tình chỉ đường, gửi định vị làng chài của mình để du khách tìm đến tham quan, thưởng thức ẩm thực.

"Nhóm khách ở Gia Lai mới được bạn bè giới thiệu nên gọi điện để đặt chỗ và một vài món ăn. Chắc khoảng 30 phút nữa là họ đến. Nhân viên của tôi sẽ lái thuyền ra đón khách vào vui chơi, thưởng thức ẩm thực và nghỉ lại qua đêm nếu muốn", ông Nhân nói.

Ông Nhân sinh ra ở An Giang. Phận nhà nghèo chẳng có mảnh đất cắm dùi, cuộc mưu sinh của gia đình ông cũng phập phù theo mùa nước nổi. Năm 2010, vợ chồng ông Nhân dắt nhau lên TP.HCM làm công nhân. Đồng lương của hai người vừa đủ chi phí ăn, ở nên chỉ bám trụ ở thành phố được một thời gian. Năm 2011, hay tin lòng hồ Sê San rất trù phú, ông Nhân liền đưa vợ con lên Tây nguyên lập nghiệp. Như bao gia đình khác, vợ chồng ông cắm bè giữa lòng hồ thủy điện. Ngày ra sông đánh lưới thả câu, đêm về bè ngủ. Luồng tôm cá dồi dào, cuộc sống gia đình ông cũng bớt vất vả.

Để tiện việc làm ăn, ông Nhân làm quen với những vị khách "trên bờ". Mấy hôm kiếm được cá ngon, ông Nhân mời bạn bè đến thưởng thức. Lâu dần thành thân thiết, một vài người bạn gợi ý cho ông Nhân mở nhà hàng. Ý tưởng làm du lịch của ông Nhân cũng bắt đầu từ đây.

Những ngày đầu làm dịch vụ, gia đình ông Nhân chẳng có thực đơn cũng không niêm yết giá. Trên bè có thứ gì thì làm món nấy. Với cái tính phóng khoáng của người miền Tây, ông Nhân vừa bán vừa cho nên việc kinh doanh chẳng có lợi nhuận.

"Ban đầu, tôi không nghĩ sẽ kinh doanh nên khách yêu cầu gì thì làm đó. Nhiều hôm kiểm kê lại mới thấy lỗ vì tính tiền kiểu ước chừng. Lâu dần, thấy mọi người thích thú dịch vụ này nên tôi mở rộng các gian nhà, làm hẳn thực đơn, niêm yết giá… Khi tính tiền, giá cả rõ ràng, khách cũng vui lòng, mình cũng không bị lỗ vốn", ông Nhân tâm sự.

Nhân viên nhà hàng đưa du khách đi tham quan lòng hồ. Ảnh: ĐỨC NHẬT

Nhân viên nhà hàng đưa du khách đi tham quan lòng hồ. Ảnh: ĐỨC NHẬT

Đổi đời nhờ làm du lịch

Thế rồi, những đoàn khách cứ rỉ tai nhau và tìm đến ông Nhân ngày càng đông hơn. Trong thời gian chờ đợi làm món ăn, ông Nhân tổ chức lái thuyền đưa họ đi thăm thú cảnh đẹp. Lâu dần, những tour du lịch như thế nghiễm nhiên trở thành dịch vụ hút khách của nhà hàng. Ông Nhân còn tổ chức tour du lịch tham quan lòng hồ Sê San, các đảo nổi lớn, nhỏ và xa hơn nữa là điểm du lịch Thác Mơ.

Ông Nhân cho biết mỗi tháng gia đình đón khoảng 100 - 200 lượt khách, những tháng cao điểm có đến 400 - 500 lượt khách ghé thăm. Sau nhiều năm gắn bó, đến nay gia đình ông đã có 4 nhà nổi có thể tiếp đón cùng lúc 200 khách.

Thời gian tới, gia đình ông Nhân dự định mua thêm thuyền hơi, thuyền phao để du khách có thể trải nghiệm cảnh đẹp giữa lòng hồ. "Tôi thấy nơi này có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, trải nghiệm nên cố gắng đầu tư cho khang trang, tiện ích. Từ ngày đến lòng hồ Sê San, hai đứa con tôi mới tiếp tục được đến trường. Đứa con gái đầu đang là sinh viên năm 2 Trường ĐH Nông Lâm, còn con út đang học lớp 12. Trước kia, nếu gia đình cứ bám víu ở quê nhà chắc con cái đã thất học, miếng ăn từng bữa còn khó chứ nghĩ gì đến chuyện ông chủ, bà chủ như bây giờ", ông Nhân cười rổn rảng.

Ông Nguyễn Thành Nhân nhận cuộc điện thoại hỏi đường từ khách du lịch

Ông Nguyễn Thành Nhân nhận cuộc điện thoại hỏi đường từ khách du lịch

Ráng chiều ngả vàng, ánh mặt trời cũng khuất dần phía sau những dãy núi ở bên kia biên giới. Phá tan cái không gian tĩnh lặng là tiếng máy nổ của chiếc vỏ lãi lao vun vút trên lòng hồ Sê San. Người lái thuyền là anh Nguyễn Văn Minh (38 tuổi). Anh Minh kể rằng cả gia đình từ An Giang mới lên đây hơn 1 năm. Ở quê chỉ có thể trông chờ vào mùa nước nổi. Những tháng nước rút, gia đình anh Minh làm thuê làm mướn khắp nơi cũng chẳng đủ ăn. Cũng vì thế hai đứa con của anh nay đã 14 - 15 tuổi nhưng chẳng đứa nào biết chữ.

"Vợ chồng và hai đứa con lên đây chỉ với hai bàn tay trắng nên phải cố gắng làm ăn, tích góp. Đến vùng đất mới này, mình thấy thời tiết không quá khắc nghiệt, chẳng còn lo bão lũ về nên muốn ổn định cuộc sống ở đây lâu dài", anh Minh nói.

Ngày mới chuyển lên hồ Sê San, ngoài những lúc giăng lưới thả câu, anh Minh còn nhận lái thuyền chở du khách cho các nhà hàng. Cũng bởi vậy kinh tế của gia đình anh Minh đã ổn định hơn nhiều. Hai người con của anh Minh giờ cũng trở thành nhân viên phục vụ cho các nhà hàng để phụ giúp gia đình kiếm thêm thu nhập.

Anh Minh dự định sẽ vay mượn thêm của anh em họ hàng, mua chiếc thuyền để chở khách tham quan. Và xa hơn nữa, khi đã dư dả, anh Minh nói rằng mình sẽ bước chân vào ngành du lịch.

Chính quyền tạo điều kiện

Theo UBND H.Ia H'Drai, lòng hồ thủy điện Sê San có diện tích mặt nước hơn 5.100 ha, trải dài khoảng 30 km, có nguồn thủy sản tự nhiên dồi dào với nhiều loại cá đặc sản. Bên cạnh đó, còn có các dòng thác đổ về lòng hồ thủy điện tạo nên hệ sinh thái hồ nước ngọt đa dạng với nhiều đảo lớn, nhỏ.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó chủ tịch UBND H.Ia H'Drai, cho biết người dân làng chài Sê San chủ yếu quê ở các tỉnh Cà Mau, An Giang, Long An... Nhận thấy tiềm năng phát triển của lòng hồ, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của người dân, UBND huyện đã có chính sách cấp đất, hỗ trợ kinh phí cho các hộ xây nhà, hỗ trợ con giống, kỹ thuật nuôi… Đồng thời, tạo điều kiện cho các hộ nhập hộ khẩu theo quy định của pháp luật nên bà con yên tâm lao động, sản xuất. Địa phương đã triển khai quy hoạch khu dân cư, kéo điện lưới, xây dựng bến tàu, quy hoạch vườn cây ăn trái, trồng hoa để tạo cảnh quan, hướng dẫn các hộ dân đón tiếp, phục vụ khách du lịch đảm bảo an toàn, vệ sinh, chu đáo, thân thiện.

"Hiện tại lòng hồ thủy điện Sê San là điểm đến của khách du lịch khi đến tham quan H.Ia H'Drai. Tại đây du khách sẽ được khám phá Thác Mơ, khám phá vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ của hồ nước ngọt giữa núi rừng Tây nguyên, cũng như các đảo lớn nhỏ trong lòng hồ", ông Dũng nói.

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.